07/09/2019 -

Sư phạm giáo dục

1634
Suy tư về việc đào tạo

SUY TƯ VỀ VIỆC ĐÀO TẠO

Sắc lệnh canh tân thích nghi Dòng tu, số 18 minh định việc huấn luyện tu sĩ: "Việc canh tân thích nghi các Hội Dòng lệ thuộc rất nhiều vào việc huấn luyện tu sĩ. Vì thế, không được cho các tu sĩ không phải là giáo sĩ và các nữ tu ra làm việc tông đồ ngay khi vừa mãn nhà tập, nhưng phải tiếp tục huấn luyện họ cách thích đáng về mặt tu trì, tông đồ, giáo lý và kỹ thuật trong những nhà có đủ điều kiện; cũng nên cho họ thi lấy những văn bằng thích hợp. Nhưng, để việc thích nghi đời dòng tu với những đòi hỏi của thời đại chúng ta không chỉ hời hợt bên ngoài và để những tu sĩ chuyên lo việc tông đồ bên ngoài theo hiến chương khỏi thiếu khả năng chu toàn nhiệm vụ, phải cho họ học biết cách thích đáng những lối sống, cách cảm nghĩ và suy tư đang thịnh hành trong xã hội hiện tại, mỗi người tùy khả năng trí thức và tâm tính riêng. Phải biết hòa hợp các yếu tố của việc huấn luyện sao cho người tu sĩ có một đời sống thuần nhất.

Suốt đời, các tu sĩ hãy chuyên chăm hoàn bị việc huấn luyện tu đức, giáo lý, kỹ thuật; còn các Bề Trên hãy tùy sức lo cho họ có cơ hội, phương tiện và thời giờ để chu toàn bổn phận ấy.
Các Bề trên cũng có nhiệm vụ chọn lựa kỹ lưỡng và chuẩn bị cẩn thận những vị Giám đốc, Linh hướng và Giáo sư"Qua hướng dẫn của Giáo Hội, theo sự chọn lựa định hướng của Quý Dòng, xin gợi ý suy tư chuẩn bị cho Tổng Tu nghị của Quý Dòng về năm điểm liên quan tới việc huấn luyện đào tạo.
 
I. ĐÀO TẠO TOÀN DIỆN  (x. VC 65)

Mục tiêu chính của việc đào tạo là chuẩn bị một người để họ sẽ dâng trót cuộc đời cho Thiên Chúa trong việc theo Chúa Kitô và phục vụ sứ mạng của Hội Thánh. Điều này đòi buộc cả hai: người được gọi mở lòng cho tác động của Thánh Thần; Rồi họ phải theo đúng lộ trình đào tạo, đón nhận, trong đức tin, các trung gian mà Chúa và Giáo Hội đề nghị. Vì đào tạo nhắm sự toàn diện chứ không phải cắt khúc, nhất thời, nên việc khó khăn là chúng ta phải đào tạo các ứng viên thế nào để làm cho họ thấm nhập cách sâu xa vào chính con người, về toàn bộ cách ăn ở, trong những lúc quan trọng và trong những lúc bình thường của cuộc sống. Tất cả đều làm cho họ thấy vui sướng thuộc về Chúa cách trọn vẹn, vươn tới cứu cánh của đời thánh hiến là trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Giêsu.

Quy trình việc đào tạo là đào tạo toàn diện nên bao trùm toàn diện con người gồm các khía cạnh nhân cách, cách ăn ở cũng như trong các ý hướng. Vì nhằm biến cải toàn bộ con người, nên nhiệm vụ đào tạo không bao giờ chấm dứt. Thật vậy, nên luôn luôn tạo cho những người tận hiến những cơ hội củng cố sự gắn bó của họ với đoàn sủng và sứ mạng của tu hội họ.

Việc đào tạo toàn diện phải bao gồm mọi lãnh vực của đời sống Kitô hữu và đời sống thánh hiến. Do đó phải tiên liệu việc chuẩn bị nhân bản, văn hoá, thiêng liêng, mục vụ, sao cho các yếu tố đó được hội nhập hài hoà với nhau. Việc đào tạo toàn diện cũng được hiểu là, tuy các giai đoạn đào tạo tuy khác nhau nhưng phải có sự liên tục tiệm tiến và trong tổng thể, ăn khớp kết nối với nhau không tách rời độc lập.

Việc đào tạo toàn diện, tuy phân chia theo chức năng, trách vụ đặc thù, nhưng công cuộc đào tạo này là trách nhiệm của mọi thành phần trong Dòng, và được Hội Dòng ủy thác cách riêng cho các nhà đào tạo, từ giai đoạn đào tạo khởi đầu Đệ tử viện, Nhà Thử, Nhà Tập mà cao điểm là việc tuyên khấn lần đầu, qua giai đoạn Học viện được kết thúc với việc tuyên khấn trọn đời, đến giai đoạn đào tạo thường xuyên diễn ra trong suốt cả cuộc đời mỗi tu sĩ, với những hình thức rất đa dạng và thích hợp cho từng hoàn cảnh và độ tuổi, phản ánh nổi bật đặc sủng và linh đạo Dòng thể hiện trong Tu Luật, Hiến Chương, Nội Quy và đời sống.

Việc đào tạo toàn diện theo phương thức ngày nay được thực hiện với nhiều người và cho nhiều người, nhưng phải chú trọng đến sự hợp tác của từng cá nhân, với từng hoàn cảnh cá biệt, nghĩa là phải được cá nhân hóa và nội tâm hóa, tức vừa được đào tạo vừa tự đào tạo, trong một tổng thể liên tục qua các giai đoạn đào tạo và tự đào tạo.
 
II. ĐÀO TẠO TIỆM TIẾN QUA CÁC GIAI ĐOẠN
       
  1. Giai đoạn Đệ Tử viện
"Phải dành cho việc đào tạo sơ khởi một thời gian khá dài, vì đây là một tiến trình tiệm tiến, trải qua tất cả các giai đoạn trưởng thành của con người, từ trưởng thành tâm lý và thiêng liêng đến trưởng thành thần học và mục vụ ..." (VC 65). 
Vì dòng có tiếp nhận để tử để thử tìm hiểu và sống ơn gọi tu trì. Cần được hướng dẫn sống chung, ít nhiều tham gia mọi sinh hoạt do Dòng tổ chức, qua đó tìm hiểu sự thích hợp ơn gọi của dòng.

Thuận và bất lợi: Các để tử phần lớn còn đi học ở trường đời. Cần được đồng hành, chỉ dẫn, kể cả việc đào tạo liên quan đến tương quan tình cảm và giới tính, cần có những nhà đào tạo kỹ năng và tâm huyết đồng hành, phòng bệnh và chữa bệnh. Cần được học hỏi về sự phân định ơn gọi: đi tu, sống bậc gia đình, sống độc thân giữa đời. Tiệm tiến khai tâm về đặc sủng, linh đạo, mục đích, sứ mệnh của Dòng, giúp các em tìm sự thích hợp ơn gọi của dòng.

Các khía cạnh nhấn mạnh: Nhân bản- Bổ túc văn thêm văn hóa, giáo lý Kitô. Tránh sự mơ hồ. Tập làm quen với việc cầu nguyện. Để ý đến đời sống huynh đệ cộng đoàn. Khả năng sống các lời khuyên Phúc Âm.

Phần người phụ trách: Tìm hiểu, xem xét và đánh giá tổng quát: lý lịch gia đình, môi trường và những động lực thúc đẩy ơn gọi để tạo nên cho việc đào tạo ở bước kế tiếp.
Cần lưu ý: không vội kết luận ngay điều gì, cần thêm thời gian, cầu nguyện để Chúa hướng dẫn, soi sáng, vì ơn gọi đến từ Ngài.

 
      2. Giai đoạn Tiền Tập viện 
Sau khi trải qua giai đoạn Đệ tử, ứng sinh đã có được một sự nhận thức phần nào về sự trưởng thành nhân bản Kitô để có thể bước tiếp trong đời sống thánh hiến.
Thời kỳ Tiền tập- Thỉnh tu, ứng sinh nghiêm chỉnh bắt đầu khám phá, tìm hiểu ơn gọi và sự thích hợp của đời sống thánh hiến, rồi thánh hiến theo đặc sủng của dòng. Ở giai đoạn này, vì đã được chuẩn bị về mặt tâm lý, thiêng liêng để chuẩn bị một sự cắt đứt cần thiết nào đó với môi trường đời và các mối tương quan không thích hợp để bước vào tiến trình đào tạo và tự đào tạo của đời sống thánh hiến.


Việc đào tạo cần để ý: không được đòi ứng sinh ở giai đoạn này phải có ngay lập tức khả năng đảm trách mọi luật lệ, những đòi hỏi của đời sống thánh hiến, nhưng là khả năng làm và chu toàn việc ấy cách tốt đẹp từng bước.

Trong sách chỉ dẫn của Giáo Hội đã giúp nhà đào tạo phân định ơn rõ thêm về ơn gọi của ứng sinh với những khía cạnh cần được xác định: đây: Chứng minh và làm sáng tỏ, không rút ngắn vô lý hoặc kéo dài vô lý: “Phải làm thế nào để thời gian này chứng minh và làm sáng tỏ một số điểm giúp các Bề trên định đoạt về sự thích hợp và thời điểm để thâu nhận vào Nhà Tập. Không nên rút ngắn hoặc kéo dài vô lý giai đoạn này, miễn làm sao có được một phán đoán chắc chắn về tư cách xứng đáng của ứng sinh” ( Chỉ Dẫn Về Đào Tạo, số 43).

Những điểm lợi ích đặc biệt của việc biện phân cần được thẩm tra nơi các ứng sinh vào đời sống thánh hiến là:
- Trình độ trưởng thành về nhân bản và Kitô;
- Trình độ văn hóa phổ thông cơ bản;
- Sự quân bình tình cảm và giới tính, bao hàm việc chấp nhận sự khác biệt của tha nhân và tôn trọng quyền bảo vệ bí mật của họ, và khả năng sống cộng đoàn.

Ba hình thức thực hiện giai đoạn Tiền Tập viện:
· Đón tiếp ứng sinh vào một cộng đoàn Dòng;
· Các thời kỳ giao tiếp với một cá nhân hay cộng đoàn;
· Cuộc sống chung trong một nhà nơi các ứng sinh được đón nhận.
Lưu ý: Dù được thâu nhận các thỉnh sinh chưa phải là những thành viên đầy đủ của Dòng. Cần bước tới các giai đoạn kế tiếp.
 
      3. Giai đoạn Tập viện
Giai đoạn Tập viện là giai đoạn đặt nền tảng căn bản và thiết yếu của đời sống thánh hiến, xét về yếu tố pháp lý thời hiệu theo giáo luật và cả về các yếu tố cấu thánh đời thánh hiến và ơn gọi đặc thù. Bởi vậy, tập sinh phải được cung cấp và thực hành những điều thiết yếu của đời sống thánh hiến:
- Xét về khía cạnh đời thánh hiến: học hỏi và thực hành các lời khuyên Phúc Âm.
- Xét khía cạnh thánh hiến theo Đoàn Sủng Dòng: Đào sâu căn tính và đoàn sủng dòng qua việc học và hành đoàn sủng, linh đạo của Dòng; nếp sống của Dòng,Tu luật, Hiến Chương, - - Nội Quy và Luật Sống, Thói Lệ của Dòng.
- Xét khía cạnh thiêng liêng: dành ưu tiên cho việc cầu nguyện, sống nội tâm với Chúa (qua Thánh Kinh, Phụng vụ, cầu nguyện cá nhân và Lectio Divina).
- Xét khía cạnh từ bỏ, khổ chế: cắt đứt mọi mối tương quan bên ngoài, và chỉ dành thời gian cho việc cầu nguyện và thực tập đời tu ( x. Huấn Luyện Tu Sĩ - PI, số 49-50).
     
      4. Giai đoạn Học viện
 ( x. PI, số 58-65)
Giai đoạn giữa khấn tạm và khấn trọn. Giáo luật 659 minh định: “Trong mỗi Dòng, việc đào tạo tất cả các thành viên phải được tiếp tục, nhờ đó họ có thể sống đầy đủ hơn cuộc sống thích hợp với Dòng mình và chăm lo sứ vụ của mình cách phù hợp hơn...” Ở giai đoạn này, Giáo luật 660 chỉ dẫn: “Việc đào tạo phải có hệ thống, không phân mảnh, tùy hứng. Thích ứng với khả năng của tu sĩ. Cần sự quân bình, cùng một trật: phương diện thiêng liêng- tông đồ; học và hành. Học thêm các khoa học đời, đạt tới bằng cấp, trình độ chuyên môn.”

Lưu tâm: Đừng trao giáo vụ- công việc gây cản trở việc đào tạo. Môi trường/ tác nhân đào tạo ( x. PI 60-61). Các nhà giáo dục/đào tạo, đồng hành thành thạo.

Cộng đoàn đào tạo. Việc đào tạo cần có tác nhân quan trọng là chính đời sống cộng đoàn, nó mang lại thực tiễn cho ứng sinh, giúp trưởng thành cá nhân, căn tính, và tinh thần đồng trách nhiệm với sứ mạng của dòng. Cần nhấn mạnh trong khi đào tạo về sự trung thành:
- Trung thành với Chúa Kitô và Phúc Âm.
- Trung thành với Giáo Hội và sứ mệnh của dòng được Giáo Hội ủy thác.
- Trung thành với đời sống thánh hiến và đặc sủng của Hội Dòng qua việc việc giữ, thực hành các lời khuyên Phúc âm, Hiến Chương, Nội Quy, Luật Dòng.
- Trung thành với các bài sai để qua đó nhận ra Thánh ý Chúa trong ơn gọi của mình.
 
        5. Đào Tạo Liên Tục - Thường Huấn ( VC 69- 71).
Chúng ta đã nhấn mạnh ở phần đầu, việc đào tạo là sự toàn diện và liên tục suốt đời. Bởi vậy, qua việc đào tạo sơ khởi phải được củng cố, tiếp tục bằng việc thường huấn. Chúng ta cùng đọc lại giáo huấn của Giáo Hội số 69 : "Đối với các tu hội tông đồ cũng như những tu hội chiêm niệm, thường huấn là một đòi hỏi của việc thánh hiến tu trì. Tiến trình đào tạo, như đã nói, không bị giới hạn vào giai đoạn sơ khởi : Do các giới hạn của con người, người tận hiến không bao giờ có thể coi là đã hoàn tất nơi mình việc thai nghén "con người mới", con người mà trong mọi hoàn cảnh sống đều phải mang chính những tâm tình của Đức Kitô. Do đó, việc đào tạo sơ khởi phải được củng cố bằng việc thường huấn, đặt người tận hiến trong thế sẵn sàng để được đào tạo mỗi ngày trong đời mình

Vì thế điều rất quan trọng là mỗi tu hội phải tiên liệu trong khuôn khổ của chương trình đào tạo, việc ấn định - càng chính xác và càng có hệ thống càng tốt - dự phóng thường huấn mà mục đích chính là hướng dẫn tất cả mọi người tận hiến bằng một chương trình liên tục, kéo dài suốt cuộc đời. Không ai có thể miễn cho mình khỏi phải quan tâm tới việc tăng trưởng về mặt nhân bản và về mặt tu trì ; cũng vậy, không ai có thể tự mãn và muốn sống cô lập được. Không giai đoạn nào trong cuộc đời người ta có thể tự coi như đủ tự tin, đủ sốt sắng để không cần có những cố gắng cụ thể nhằm bảo đảm sự trung tín bền đỗ, cũng như không có tuổi nào mà người ta có thể coi là mình đã hoàn toàn trưởng thành".

Chúng ta đặt ra câu hỏi tại sao lại phải tiếp tục đào tạo và suốt đời? Thưa, vì các giới hạn của con người. Người tu sĩ, cần phải thai nghén "con người mới". Do vậy cần được đào tạo và tự đào tạo mãi nhằm canh tân mọi chiều kích của cá nhân cũng như của Dòng. Vì tính năng động trẻ trung, không chấp nhận sự già cỗi. Người tu sĩ luôn tìm và thấy được trong mọi giai đoạn của đời tu, một sứ vụ mới cần thực hiện, một phong cách mới riêng biệt khi sống phục vụ và yêu mến

Cần một sự trưởng thành tự mình đứng vững. Tu sĩ sau khi đã khấn trọng, chuyển hướng từ cuộc sống được trông nom đến một tình trạng chịu trách nhiệm hoàn toàn, từ lúc cần có người đồng hành trong cuộc sống đến lúc triển nở đầy đủ về tình yêu và lòng nhiệt huyết cho Chúa Kitô. Vì chưa có kinh nghiệm chín chắn nên họ phải có sự nâng đỡ và đồng hành của những người kinh nghiệm và học thêm kỹ năng chuyên môn. Tìm điều cốt yếu. Giai đoạn có nguy cơ sống theo thói quen máy móc, chán nản trước kết quả sơ sài. Việc đào tạo liên tục ở tuổi trung niên, giúp xét lại mọi sự dưới ánh sáng của Tin mừng để không lẫn lộn giữa cái tuyệt đối của Tin mừng với cái tuyệt đối của kết quả công việc.

Phát triển tư cách làm "cha- mẹ" thiêng liêng.  Người tu sĩ cùng với việc tăng trưởng bản lĩnh,  đứng tuổi, nguy cơ rơi vào một nếp sống cá nhân chủ nghĩa, khó thích nghi thời cuộc; tật cứng cỏi, khép kín và buông thả. Việc thường huấn giúp sống đời thiêng liêng và tông đồ sốt sắng hơn, việc tận hiến cho Thiên Chúa trở nên trong sáng, quảng đại hơn ; và tuôn trào ra một cung cách an bình, kín đáo, sâu nhiệm, dồi dào ơn Chúa hơn. Đó là hồng ân và là kinh nghiệm của sự làm cha làm mẹ thiêng liêng, không ngừng sinh ra muôn vàn ân huệ mới của Thiên Chúa.

Tu sĩ tiến dần đến giai đoạn cuối đời, tuổi của trưởng thành và trọn vẹn. Người thánh hiến nhận diện được hơn bao giờ cả những gì là thật, căn bản và không thể bị phá hủy trong đời sống. Đây là giai đoạn vị tha, biết ơn, khôn ngoan và bình an, hướng tới sự hòa nhập tích cực của sự sống và sự chết nhằm đến đời sống sung mãn và hiệp thông với Chúa.

Đối diện với những nguy cơ- khủng hoảng: Những yếu tố bên ngoài: chuyển công tác, khó khăn trong công việc, thất bại trong sứ vụ, bị hiểu lầm hay bị đặt ra ngoài lề. Yếu tố cá nhân: bệnh hoạn thể lý hay tinh thần, khô khan thiêng liêng, tang tóc, các vấn đề thuộc phạm vi tương giao nhân bản, cơn cám dỗ mạnh mẽ, khủng hoảng đức tin hay khủng hoảng căn tính, cảm thấy vô dụng, sống buông thả, tụt dốc về nhiều phương diện. Bởi vậy, cần sự ân cần của bề trên, sự giúp đỡ của người trên giúp tìm lại ý nghĩa của tình yêu ban đầu với Chúa. Đồng hành , thường huấn giúp chấp nhận thử thách để được thanh luyện, lột xác, và nhận ra đó như là phương tiện Chúa đào tạo, Chúa xếp đặt, ví như một cuộc chiến với chính mình, với yếu đuối bản thân để qua đó nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa và quyền năng của thập giá.
 
III.  CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO ( VC. 68)

Tài liệu của Giáo Hội minh định rõ: "Tất cả các hội dòng tận hiến và các tu đoàn tông đồ hãy sớm soạn một chương trình đào tạo dựa theo đoàn sủng sáng lập, trình bày rõ ràng và năng động con đường phải theo để được thấm nhuần linh đạo tu hội. Chương trình đào tạo đáp ứng một nhu cầu khẩn cấp ngày nay : một đàng nó cho thấy cách truyền đạt tinh thần tu hội để các thế hệ mới sống tinh thần ấy một cách trung thực, trong sự khác biệt về văn hoá và hoàn cảnh địa lý ; đàng khác, giới thiệu cho các người tận hiến những phương tiện sống tinh thần này trong những giai đoạn khác nhau của cuộc sống, tiến dần tới một niềm tin thật trưởng thành vào Đức Ki-tô".

Văn kiện đã cho thấy rõ là nếu đời thánh hiện tùy thuộc vào việc đào tạo thì việc đào tạo lại tùy thuộc vào khả năng đưa ra một phương pháp khôn ngoan, thiêng liêng, sư phạm của việc đào tạo, nhằm đến đích là thấm nhuần tinh thần đạo lý Chúa Kito. Thường các Dòng đều bị bất cập ở điểm này, là đào tạo và học nhiều, nhưng không đúng tiến trình, xét về mặt tổ chức, kỹ thuật, tâm lý và cả nội dung học. Câu cửa miệng được truyền cho nhau khi nói về chương trình học:  học cuốn chiếu, học đốt giai đoạn, học theo thời gian, mùa vụ, học theo cảm hứng... Đó là những khó khăn, bất cập cho việc đào tạo và chương trình đào tạo. Chúng ta cần khắc phục được điều này sẽ tốt cho việc đào tạo và cũng đảm bảo chất lượng đào tạo. Tất cả lệ thuộc vị bề trên và việc tổ chức đào tạo của ban đào tạo.

Chương trình đào tạo không chỉ dừng lại ở việc xếp đặt cho khoa học về thời biểu, đội ngũ cán sự, rồi sự ăn nhập hài hòa từng giai đoạn. Điểm quan trọng thường bị lãng quên hoặc chưa nhấn mạnh đủ đó là đào tạo là một quy trình sống đưa người ta tới chỗ hoán cải, trở về với Ngôi Lời Thiên Chúa từ trong thâm tâm, và đồng thời học được nghệ thuật nhận ra dấu chỉ của Thiên Chúa giữa các thực tại trần thếTrong khung cảnh văn hóa vừa tục hóa, vừa muốn tách khỏi các giá trị tôn giáo nên quy trình đào tạo lại càng nhấn mạnh tầm quan trọng gấp đôi. Người tu sĩ được đào tạo trong một tiến trình không những "thấy" Thiên Chúa với cặp mắt đức tin trong một thế giới không nhận ra sự hiện diện của Người, mà còn làm cho người khác, một cách nào đó, "cảm nhận" được sự hiện diện của Thiên Chúa, nhờ một chứng tá tuỳ theo đoàn sủng của mỗi dòng". Chúng ta cần nhấn mạnh tiến trình đào tạo này.

Lưu tâm tới thiết lập: Ban đào tạo; Thời biểu rõ ràng. Chương trình đào tạo cụ thể. Chương trình các môn học ăn khớp tiệm tiến... phù hợp từng giai đoạn. Nếu cần, giải thích các môn học, trong sự ăn khớp móc xích với nhau. Nhiều dòng tu, chủng viện đã đưa ra cả một lược đồ, định hướng việc đào tạo.
 

IV. NHÀ ĐÀO TẠO  ( VC 66)


Thiên Chúa Cha là nhà đào tạo siêu việt những người tận hiến cho người. Ngài làm công việc đào tạo qua trung gian là con người. Bởi vậy những nhà đào tạo, trước hết là người có bước vững chắc trên con đường tìm kiếm Chúa, và sau đó, họ có thể là người đồng hành với những người khác. Họ biết quan tâm tới tác động ân sủng nơi các tâm hồn và giúp chỉ ra các trở ngại kín đáo của tiền trình tiến đức. Họ trình bày vẻ đẹp của việc theo Chúa Kitô và sống đoàn sủng ơn gọi. Bởi vậy cần phải chuẩn bị những nhà đào tạo có khả năng, phẩm chất tốt: Kiến thức khôn ngoan thiêng liêng, kèm với các phương tiện loài người giúp phân định và đào tạo các ứng viên cách tốt đẹp.

Đức tính: người có lòng khiêm nhường ý thức giới hạn, yếu đuối để tin tưởng vào Chúa, sẵn lòng đào tạo những con người bất toàn. Có khả năng, kiến thức chưa phải là người dạy tốt, cần nhà đào tạo dày dặn kinh nghiệm (Trong bản tham luận về đào tạo, dòng đã nhận định sự bất lợi của đội ngũ cán sự trẻ, thiếu kinh nghiệm đào tạo). Nhấn mạnh đến năng lực đào tạo: khả năng tự nhiên và khả năng sư phạm nhờ kinh nghiệm học hỏi liên tục.

Thời nay người ta cần chứng nhân hơn là thầy dạy. Do vậy, cần một nhà đào tạo sống gương mẫu, vì lời nói lung lay, gương bày lôi cuốn, và Giáo hội khuyên :" dạy điều mình tin và sống điều mình dạy" ( Nghi thức phong chức thánh). Chúng ta trong công cuộc đào tạo cần lưu ý đến hai sự khác biệt: Dạy-  Đào Tạo. Dạy nhằm soi sáng trí tuệ, chuyển giao kiến thức chuyên môn, trong khi đào tạo nhằm biến đổi tận thâm sâu con người. Đôi khi chúng ta mới chỉ dừng lại ở dạy, truyền đạt kiến thức, chưa lưu tâm nhiều đến việc đào tạo. Truyền đạt kiến thức nhưng trọng tâm là đào tạo con người, nhờ học biết để biển đổi nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kito. Các khía cạnh nhà đào tạo đặt trọng tâm:
  • Gương mẫu, làm chứng nhân chứ không áp đặt. Phân biệt làm chứng nhân” khác với “làm gương”. Làm chứng nhân là sống con người thật kể cả những yếu hèn và luôn thiết tha vươn lên nhằm hoàn thiện bản thân; Làm gương là cố tạo một hình ảnh hoàn mỹ và muốn “bắt” người khác phải noi theo mẫu gương của mình. Thường thì người thụ huấn khó có thể bắt chước theo gương mẫu, vì quá cao, quá xa khó có thể vươn tới.
  • Hiệp thông và cộng tác với nhóm đào tạo.
  • Quí trọng ơn gọi.
  • Làm cho ứng sinh thấy sức hấp dẫn của ơn gọi (không chiêu dụ, nhưng hấp dẫn).
  • Khích lệ ứng sinh chấp nhận những đòi hỏi của ơn gọi (cho họ thấy mặt trái, thách đố của ơn gọi).
  • Giúp ứng sinh nhận ra con người thật của mình với những điểm mạnh điểm yếu, thuận lợi và cản trở; đồng thời chỉ đường dẫn lối giúp họ vượt thắng và trung thành.
  • Bí quyết trên mọi bí quyết của nhà đào tạo: Nhà Đào Tạo Trái Tim. Ơn gọi thánh hiến và việc đào tạo đó là "câu chuyện tình nhiệm mầu" về khát vọng theo Đức Kitô và hiến thánh. Phần lớn ứng sinh được ta thụ huấn đã ở lại trong ơn gọi không phải vì cái lý, mà bị "cắn câu" tình yêu. Cổ nhân đã kinh nghiệm: "trăm cái lý không bằng tí cái tình".
  • Hai khía cạnh giúp bổ sung năng lực đào tạo: Quyền uy ảnh hưởng bên ngoài và uy quyền - tín nhiệm bên trong. Quyền uy bên ngoài do khả năng, chức vị, sự tự tin, bằng cấp chuyên môn đem lại; uy quyền bên trong đó là sự khôn ngoan, uyên thâm, kinh nghiệm, hiểu được các giá trị của bản thân, cuộc sống, con đường tu đức, trực giác thiêng liêng giúp có thể truyền cảm hứng, thổi thêm lửa mến cho người thụ huấn. Phẩm chất nhà đào tạo là yếu tố quyết định của việc đào tạo hơn là chức vụ quyền bính.

V. MÔI TRƯỜNG ĐÀO TẠO ( VC. 67) - CỘNG ĐOÀN

Một vài nhận định chung

Nhận định 1Trước đây, việc huấn luyện khá giản đơn. Thường thì cộng đoàn và nhà đào tạo thẩm định và chất vấn ứng sinh. Chúng ta gặp thấy các kiểu đào tạo thịnh hành lối truyền thống. Ví dụ, một ứng sinh tiến đức, trong tư cách là bề trên hay một người huấn luyện thường khuyên hoặc giáo huấn: "Trong thời gian bước vào đời thánh hiến, thử,hay năm tập nay, con sẽ được Dòng qua các vị đào tạo, giúp cho con những điều kiện thuận lợi, chỉ cho thấy những những sinh hoạt quan trọng của dòng, con sẽ thực tập nếp sống của Dòng và sau thời gian đủ, Dòng sẽ xem sét để chỉ cho con thấy là con có ơn kêu gọi, có thể được ở lại, rồi tiến lên thêm một bước tiến nữa của ơn gọi dòng này hoặc con tự do rút lui..."  Nhưng nay thì khác, không chỉ thuần túy là cộng đoàn đón nhận, đào tạo, thẩm định mà là những ứng sinh thẩm định lại cộng đoàn. Trường hợp một ơn gọi: "Ơn gọi kia đến chia sẻ đời sống tu với một số cha thầy, sau một thời gian đào tạo, tập đức, chuẩn bị bước tiến đức vào nhà tập, ứng sinh nói với tập sư: “Con xin rút lui khỏi ơn gọi, con thấy sốc, vì cộng đoàn này xem ra không ai muốn sống điều cha đã dạy con, những điều mà con trông đợi, yêu thích thật xa vời”.

Nhận định 2: Trong quá khứ, các ứng sinh ơn gọi rất nhạy cảm về cơ chế các Dòng: cơ cấu, nếp sống, vâng phục, trọng tuyền thống, công việc... Mọi ứng sinh xem đó là giá trị bền vững, thiêng thiêng chính yếu. Họ cứ thực tập và giữ mọi điều đó, mọi sự sẽ nên tốt đẹp, kể cả đảm bảo chất lượng đời tu. Đức Piô XI hình như đã nói: “Giới thiệu cho tôi một tu sĩ chấp hành trọn vẹn luật Dòng của họ và tôi sẽ phong thánh tu sĩ đó”. Cha Tổ Phụ Biển Đức Thuận của Dòng Xitô Thánh Gia cũng có lời trối xác tín :" Muốn nên thánh hãy giữ luật dòng". Ngày nay, những tiêu chuẩn này không phải là đã bị giảm khinh, nhưng tất cả phải được quy về trọng tâm là con người "thực hành đòi hỏi của tình yêu với Đức Kitô và phục vụ đồng loại theo đặc sủng đặc thù". Các ơn gọi đến với chúng ta và xem cách chúng ta dấn thân cho sứ vụ của mình, từ đó họ mới biền biệt được đâu là yếu tố chính- phụ của Dòng đang muốn cống hiến cho họ. Bởi vậy, chúng ta có thể thấy ngay rằng, ơn gọi đời tu thời nay lệ thuộc, bị cuốn hút bởi cách chúng ta Sống Căn Tính Sứ Vụ Dòng hơn là cung cấp cho họ một cơ cấu bền vững.

Nhận định 3
Trước đây, việc đào tạo khối Tập viện thường riêng biệt và rất ít liên lạc với nhà khấn hoặc cộng đoàn lớn, chỉ những ngày lễ quan trọng mới giao lưu giải trí. Rồi phải có phép đặc biệt nhà thử, nhà tập mới được gặp gỡ nói chuyện với nhà khấn hoặc gặp các bậc đàn anh đàn chị... Ngày nay, việc đào tào từ đệ tử, cách riêng là Nhà Tập, hay Học viện, thường liên hệ chặt chẽ với Dòng. Ứng sinh được đào tạo trong toàn bộ, trong sự hòa nhập, từng phần, đôi khi trọn phần vào các sinh hoạt của dòng (vd: kinh nguyện, giờ giấc sinh hoạt). Chính toàn thể cộng đoàn phải đón tiếp và huấn luyện tu sinh. Tiêu chuẩn huấn luyện được đặt ra không còn giống thuở trước, là chỉ cho gia nhập vào đời tu những ứng sinh có cuộc sống kỷ luật nghiêm khắc, mà là ứng sinh có khả năng chia sẻ, phục vụ, hiệp thông, liên đới huynh đệ.

Từ những nhận định trên chúng ta thấy, ngoài nỗ lực cá nhân được đào tạo và tự đào tạo, cộng đoàn đóng một vài trò quyết định phần lớn việc hình thành và phát triển nhân cách của người tu sĩ. Giáo Huấn của Giáo Hội lưu ý chúng ta :"Nếu việc đào tạo cũng phải có tính cộng đoàn, thì cộng đoàn là nơi đào tạo chính đối với các hội dòng tận hiến..." ( x. VC 67).

- Cộng đoàn  môi trường lý tưởng nhất dạy cho ứng sinh biết sống và hưởng niềm vui của đời sống chung; học sống với những người bên cạnh, chấp nhận sự khác biệt và giới hạn của họ.
- Cộng đoàn tập cho ứng sinh biết nhận, chia sẻ các ân huệ đã lĩnh nhận để xây dựng cộng đoàn.
- Cộng đoàn cung cấp bước đầu chiều kích thiết yếu sứ mạng của việc thánh hiến.
- Cộng đoàn môi trường tập cho người tận hiến biết phán đoán dựa vào Tin Mừng, phê phán những giá trị tích cực và tiêu cực trong nền văn hoá của họ, và trong những nền văn hoá họ sẽ tiếp xúc trong môi trường hoạt động tương lai.

-  Cộng đoàn giúp luyện tập nghệ thuật khó khăn nhất là thống nhất đời sống: biết kết hợp chặt chẽ lòng yêu mến Thiên Chúa với lòng yêu mến anh chị em mình; cầu nguyện là linh hồn của tông đồ, và việc tông đồ lại thêm sức sống cho cầu nguyện và thúc đẩy cầu nguyện. Cả hai bổ túc và hỗ tương chặt chẽ.

Nếu những tiêu cực của cộng đoàn đã hưởng xấu, làm sai lệch hoặc tạo nguy cơ đổ vỡ trong tiến trình trưởng thành của người tu sĩ, thì chính những phẩm chất tốt của cộng đoàn sẽ nâng đỡ, làm cho họ lớn lên. Người được huấn luyện và nhận ra cộng đoàn đúng là một gia đình, nhà Chúa, trường học Đức Ái khi thấy mọi người sống chan chứa tình huynh đệ, quan tâm, chia sẻ, phục vụ trong yêu thương, sẵn sàng tha thứ, đón nhận và hết mình vì nhau.

Tóm lại,  việc đào tạo là cả một nghệ thuật và bao gồm sự khó khăn nan giải, nhất là trong bối cảnh xã hội tục hóa ngày hôm nay. Chúa đã dùng chúng ta từ cá nhân đến cộng đoàn như là dụng cụ để Ngài đào tạo những người thuộc về Ngài, dụng cụ càng sắc bén - "lợi khí" thì hiệu quả càng cao. Tuy nhiên, chúng ta cùng cần xác tín rằng, dù chúng ta đã vận dụng hết khả năng, sức lực, áp dụng mọi phương pháp kỹ thuật chúng ta vẫn thấy còn đó những lỗ hổng lớn, những bất cập, những nghịch lý, kể cả những đổ vỡ thảm hại trong việc huấn luyện đào tạo đời tu. Chúng ta ở trong những giới hạn của con người. Hơn nữa, công việc đào tạo sự thánh thiện nơi các tâm hồn là công việc của Chúa Thánh Thần. Chính Ngài đã tác động đến lý trí, ý chí và tâm trí của người tận hiến. Chính Ngài là Đấng sẽ dẫn đưa cả người đào tạo lẫn người được đào tạo tới chân lý vẹn toàn, tới tầm mức trưởng thành, xứng với con người viên mãn là Đức Giêsu Kitô.

Là nhà đào tạo hay cộng đoàn đào tạo, chúng ta tha thiết cầu xin và huấn luyện mình mỗi ngày, dù một chút thôi, nên mẫu người "có chất thánh - đầy lửa Thánh Thần". Bởi chưng, chỉ là con người thánh, đầy Thánh Thần chúng ta mới có khả năng lắng nghe được tác động của Chúa Thánh mỗi ngày, mở ra tầm nhìn, đọc ra các dấu chỉ thời đại, các biến cố, sự kiện xảy đến với người thụ huấn. Nhờ đó, chúng ta sẽ đủ năng lực giúp đào tạo, hướng dẫn những tâm hồn tận hiến xứng hợp với sự trưởng thành của họ cả phẩm lẫn lượng và phù hợp với ý muốn của Chúa.

Tài liệu tham khảo:
  1. Sắc Lệnh, Đức Ái Hoàn Hảo - Perfectae Caritatis (PC), số 18
  2. Tông Huấn, Đời Sống Thánh Hiến- Vita Consecrata ( VC), số 65-71
  3. Huấn Thị,  Đời Sống Huynh Đệ Trong Cộng Đoàn, số 43
  4. Văn Kiện, Những Yếu Tố Cốt Yếu Của Đời Tu- Essential Element(EE), số 13-53
  5. Huấn Thị, Về Việc Đào Tạo Tu Sĩ- Potissimum Institutioni (PI)
  6. Lm. Micae - Phaolô Trần Minh Huy, PSS, Nhà Đào Tạo Tâm Huyết và Sứ Vụ Đào Tạo Hôm Nay; Nhà Xuất Bản Tôn Giáo, năm 2018
FM. Đaminh Savio Nguyễn Tuấn Hào- Ocist- Đan viện trưởng

 
114.864864865135.135135135250