Lễ nhớ Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Hội Thánh nhắc nhở chúng ta vai trò Mẹ thiêng liêng của Đức Maria. Đây chính là ý muốn của Chúa Giêsu: Đức Maria là Mẹ của tất cả mọi tín hữu và do đó Mẹ Hội Thánh qua một hành động ủy thác. Từ năm 2018, lễ này được cử hành vào thứ hai sau Lễ Hiện Xuống.
“Đứng gần thập giá Đức Giê-su, có thân mẫu Người, chị của thân mẫu, bà Maria vợ ông Cơlôpát, cùng với bà Maria Mácđala. Khi thấy thân mẫu và môn đệ mình thương mến đứng bên cạnh, Đức Giêsu nói với thân mẫu rằng: “Thưa Bà, đây là con của Bà.” Rồi Người nói với môn đệ : “Đây là mẹ của anh.” Kể từ giờ đó, người môn đệ rước bà về nhà mình. (Ga 19, 25-27).
Chính đoạn Tin Mừng này chỉ cho thấy tước hiệu Đức Maria, Mẹ Hội Thánh. Ở đây, Chúa Giêsu ủy thác thánh Gioan cho Đức Mẹ như người con được tái sinh vào đời sống thiêng liêng mà chỉ có Mẹ mới làm được. Như thế đây không phải đơn giản là lòng sùng kính Mẹ, cầu nguyện với Đức Trinh Nữ với tước hiệu này, nhưng là tuân theo ý muốn của Chúa Giêsu, vì điều này được truyền lại cho chúng ta từ Kinh thánh: Chúa Giêsu, với những lời tuyên bố ngay lúc cận kề cái chết, xin Đức Maria chăm sóc mỗi người. Nhưng Chúa Giêsu cũng đòi hỏi mỗi người phải cảm thấy được ở trong mối tương quan tình con thảo với Mẹ.
Đức Maria trung tâm giáo lý về ơn Cứu độ
Lòng sùng kính đối với Đức Maria – giống như tôn kính Thánh giá và Bí tích Thánh Thể – luôn luôn là một trụ cột cơ bản của đức tin, nhưng với lễ nhớ Đức Maria, Mẹ Hội Thánh được thiết lập vào năm 2108, Đức Thánh Cha Phanxicô muốn làm nhiều hơn nữa. Trước hết, ĐTC muốn làm thế nào để lòng sùng kính này có thể là điều tốt cho Giáo hội và có thể làm gia tăng ý nghĩa vai trò làm Mẹ trong Hội Thánh của Đức Maria, nhưng trên tất cả là đặt Đức Maria ở trung tâm giáo lý về ơn cứu độ. Thực tế, trong mối tương quan với Chúa Kitô, lòng đạo đức đối với Đức Maria xuất phát trực tiếp từ đức tin vào Chúa Ba Ngôi. Bởi vì Chúa muốn Mẹ, một người phụ nữ, là Mẹ của Con Thiên Chúa, qua mẹ, con người có thể đạt tới lòng thương xót của Thiên Chúa. Vai trò làm mẹ của Đức Maria bắt đầu bằng việc Truyền tin: Với lời xin vâng, Đức Mẹ ưng thuận để Chúa đi vào lịch sử. Và vì thánh ý Thiên Chúa, việc làm mẹ của Đức Maria không kết thúc dưới chân Thánh giá, mà trở nên vĩnh cửu. Hơn nữa, trong ngày Lễ Ngũ Tuần Mẹ còn hiện diện cùng với các tông đồ – các tín hữu đầu tiên chờ đợi Chúa Thánh Thần: đây là mối liên kết giữa việc kính nhớ Mẹ Hội Thánh với Lễ Chúa Thánh Thần mà Đức Giáo hoàng Phanxicô muốn nhấn mạnh.
Lòng sùng kính Đức Trinh Nữ trong giáo huấn của các Giáo hoàng
Tước hiệu Đức Maria Mẹ Hội Thánh có nguồn gốc xa xưa và đã hiện diện trong Giáo Hội thời của Thánh Augustinô và Thánh Leo Cả. Trong nhiều thế kỷ, lòng sùng kính Đức Mẹ với nhiều tước hiệu, nhưng với tước hiệu Mẹ Hội Thánh xuất hiện trong một số văn bản của các tác giả thiêng liêng và trong giáo huấn của ĐTC Benedict XIV và Leo XIII. Tuy nhiên, phải đợi đến ĐTC Phaolô VI mới có bước ngoặt; đó là ngày 21 tháng 11 năm 1964, khi kết thúc phiên thứ ba của Công đồng Vatican II, Đức Giáo hoàng tuyên bố Đức Trinh Nữ Maria “Mẹ Hội Thánh”, nghĩa là của mọi Kitô hữu”. Với quyết định này, ĐTC Phaolô VI lấy nội dung chủ yếu trong Tín điều của Công đồng Nicea năm 325 và trên hết là các quyết định của các giáo phụ Công đồng Êphêsô (430), xác định Đức Maria là “Mẹ Thiên Chúa”.
Trong Năm Thánh (1975), có Thánh lễ tạ ơn sùng kính Đức Maria, Mẹ Hội Thánh, sau đó lễ này được đưa vào Sách lễ Rôma, nhưng chưa phải là lễ nhớ bắt buộc trong lịch phụng vụ. Tuy nhiên, ở một số quốc gia – ví dụ Ba Lan và Argentina – và trong một số hội dòng, lễ Đức Maria, Mẹ Hội Thánh được đưa vào lịch riêng. Vào năm 1980 ĐTC Gioan Phaolô II đưa lòng sùng kính Đức Maria, Mẹ Hội Thánh vào trong kinh nguyện. Và đến ngày 11 tháng 02 năm 2018, kỷ niệm 160 năm lần đầu tiên Đức Trinh Nữ hiện ra tại Lộ Đức. Nhân dịp này, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã ấn định lễ nhớ Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Giáo hội, được ghi vào Lịch Rôma và được cử hành hàng năm, vào thứ hai sau Chúa Thánh Thần hiện xuống.
Ngọc Yến – Vatican