Trong phụng vụ Mùa Chay, Giáo hội chọn các bài Tin mừng theo thánh Gioan nhằm giúp các tín hữu củng cố cuộc hành trình đến bí tích rửa tội và các bí tích khác vào đêm Vọng Phục sinh. Những bài Tin mừng này đưa người tín hữu đi vào mối hiệp thông trọn vẹn, gồm có câu chuyện người phụ nữ Samari bên giếng nước (Ga 4), việc chữa lành người mù bẩm sinh (Ga 9) và việc cho Ladarô sống lại từ cõi chết (Ga 11). Đó là những đoạn Tin mừng nhấn mạnh rằng các biểu tượng: nước, ánh sáng và sự sống là những điều cần thiết cho cuộc hành trình thiêng liêng. Mục tiêu của chặng đường Mùa Chay này là phục hồi tương quan giữa Thiên Chúa với tạo thành.
Trong bài Tin mừng Chúa nhật hôm nay, điểm nổi bật khi chữa lành anh mù không chỉ là phục hồi thị giác. Thực ra, nó còn đặc biệt nhắm đến một dấu chỉ cao cả. Chúa Giêsu đã giải thích: “Không phải anh cũng chẳng phải cha mẹ anh đã phạm tội, nhưng để công việc của Thiên Chúa tỏ ra nơi anh” (Ga 9, 3).
Điểm tương đồng của đoạn Tin mừng Chúa nhật tuần này và tuần trước [về người phụ nữ bên giếng nước], là đều nhấn mạnh đến sự ô uế, nước và việc phục hồi. Trong bài Tin mừng tuần trước, người phụ nữ Samari cần nước ban sự sống và đã tìm được nơi Chúa Giêsu. Cô bị gạt ra bên ngoài cộng đoàn, qua việc đi một mình đến giếng nước trong vùng vào buổi trưa, trong khi hầu hết mọi người sẽ đi kín nước vào buổi sáng. Chúa Giêsu dẫn đưa cô vào một trong những cuộc đối thoại thần học dài nhất trong Tân ước. Cuối cùng, cô đã được phục hồi và trở lại với cộng đoàn, kể lại diễn tiến câu chuyện, nhờ đó cộng đoàn cũng đã tìm được Đấng Cứu thế.
Tin mừng tuần này cũng nêu rõ việc người mù bẩm sinh bị loại trừ về mặt tôn giáo lẫn xã hội. Chẳng hạn, các tư tế bị dị tật, dù có thể vào khu vực thánh và được phép ăn những của lễ dâng hiến, nhưng không được vào nơi cực thánh hoặc không được bước lên các bậc thang của bàn thờ. Do đó, trong sách Lêvi ngăn cấm vào những nơi rất thánh này các tư tế bị dị tật như đui mù, què quặt, sứt môi, người dị tướng dị hình, bị gãy chân gãy tay, gù và thậm chí người bị giập tinh hoàn (xem Lv 21,18-21). Điều này có vẻ ngớ ngẩn đối với chúng ta, thế nhưng, ngay cả các xã hội hiện đại cũng tìm cách loại trừ đồng loại với hàng loạt các tiêu chuẩn khác nhau như chủng tộc, màu da, giới tính, chỉ số thông minh, lòng tự trọng, khuynh hướng và tôn giáo.
Người mù trong đoạn Tin mừng hôm nay không phải là một tư tế người Do Thái, nhưng có bằng chứng cho thấy rằng những định kiến chung của xã hội đã cố gán ghép anh đã là người tội lỗi. Người mù đang cố gắng chia sẻ kinh nghiệm mình được hồi phục nhưng một số giới chức tôn giáo không chịu nghe. Người Pharisêu đáp: “Mày sinh ra trong tội mà mày dám dạy chúng ta ư?” Rồi họ đuổi anh ta ra ngoài” (Ga 9:34). Cũng có câu hỏi rằng, liệu cha mẹ có truyền lại tội của họ cho con cái. Trái lại, theo cái nhìn của Chúa Giêsu thì đây chính là cơ hội để công việc của Thiên Chúa được tỏ lộ.
Thật dễ để tưởng tượng nếu một người bị gãy tay rồi tự lành và do đó có thể trở lại thờ phượng trong Đền thờ Giêrusalem. Nhưng đối với một người mù bẩm sinh thì không như vậy. Mức độ tật nguyền nghiêm trọng của anh là bẩm sinh, nên về mặt tôn giáo anh sẽ bị loại khỏi việc sát nhập trọn vẹn vào đời sống đức tin từ lúc sinh ra cho đến chết. Sau dấu lạ chữa lành, Chúa Giêsu ra lệnh cho người được sáng mắt đến rửa tại hồ Silôê-nơi thanh tẩy theo nghi lễ. Ai biết được người mù này đã bao lần vi phạm luật thanh sạch do hàng ngày anh không biết mình đi đâu, chạm vào cái gì và giao tiếp với ai? Để được thanh sạch hoàn toàn, anh ấy cần có nghi thức tắm rửa. Tuy nhiên, anh chỉ có thể được thanh sạch khỏi mù lòa nhờ Chúa Giêsu chạm đến. Người mù bẩm sinh đã được phục hồi để trở về với chính mình cũng như cộng đoàn.
Trong hai Chúa nhật, ẩn dụ nước ban sự sống đều đến từ Đấng được xức dầu nhờ Thần Khí. Đối với người phụ nữ Samaria đã bị cộng đoàn gạt ra bên ngoài, Chúa Giêsu là suối nguồn không bao giờ cạn. Đối với người mù bẩm sinh bị loại trừ và không được tham gia trọn vẹn vào xã hội, Chúa Giêsu là nghi thức thanh tẩy cao trọng hơn nước ở hồ Silôê. Là hiện thân ân sủng phục hồi, Chúa Giêsu hoàn tất mọi yêu cầu về Đấng được xức dầu trong các sách ngôn sứ, “Bấy giờ, mắt người mù mở ra” (Is 35, 5). Trong các nền văn hóa sẽ luôn có một thói quen gạt một ai đó ra ngoài và không cho họ hiệp thông vào lĩnh vực xã hội. Qua ân sủng phục hồi, Chúa Giêsu cho thấy sứ mạng của Đấng được xức dầu.
CẦU NGUYỆN
Chúng ta có nghĩ rằng những loại trừ trong xã hội đã và đang trở nên bình thường không?
Ngày nay, ai là người nghĩ đến việc tìm kiếm sự hợp nhất hoàn toàn với Giáo hội?
Chúa Giêsu có thể chữa lành những tật nguyền tâm linh của bạn ở đâu?
Nhóm Sao Biển chuyển ngữ từ America Magazine (15/3/2023)
Nguồn: https://stellamaris.edu.vn