07/04/2023 -

Giáo lý

747
Thánh giá, căn tính và hy vọng của chúng ta


Thánh Giá là hình ảnh hay biểu tượng trung tâm của Kitô giáo, phổ biến trong các nhà thờ và những cơ sở Kitô giáo. Nhiều người Kitô hữu đeo thánh giá trên cổ hay gắn trên ve áo như một huy hiệu để công khai xác nhận họ là Kitô hữu.


Một số thánh giá là tác phẩm nghệ thuật công phu và đắt tiền, và số thánh giá khác thì lại trông rất đơn giản. Thánh giá là biểu tượng đặc trưng của căn tính và hy vọng của chúng ta.


Thoạt nhìn, thánh giá là một biểu tượng rất lạ thường để diễn tả căn tính và hy vọng. Trong thế giới Hy Lạp-La Mã thời Chúa Giêsu sống và chịu chết, thập giá là một dụng cụ gây đau khổ và ô nhục ghê gớm. Dưới thời La Mã, thập giá được xem là một hình phạt khủng khiếp dành cho những kẻ nổi loạn và nô lệ. Một nhà văn cổ đại đã gọi nó là “hình phạt tàn ác nhất”. Đó là một sự kiện công cộng, nhằm ngăn chặn những kẻ gây rối có thể nổi loạn và phạm pháp. Đối với dân chúng thời Chúa Giêsu, việc đóng đinh tượng trưng cho nỗi kinh hoàng và ô nhục, chứ không phải cho căn tính và hy vọng.


Phản ứng tức thời của thánh Phêrô trước lời tiên báo về cuộc thương khó và cái chết của Chúa Giêsu (“Xin Thiên Chúa thương đừng để Thầy gặp phải chuyện ấy”) phản ảnh nỗi kinh hoàng về thập giá thời đó. Phêrô phải học biết rằng đường lối của Thiên Chúa không phải lúc nào cũng là đường lối của chúng ta, và trong trường hợp của Chúa Giêsu (và đôi khi của chúng ta nữa) thì con đường thập giá là đường lối của Thiên Chúa và thập giá có thể  là hình ảnh của căn tính và hy vọng.


Việc Chúa Giêsu chết và sống lại khiến cho thập giá biến đổi thành một biểu tượng cách bất ngờ. Chúng ta phải luôn nhớ rằng những lời tiên báo về cuộc khổ nạn trong các sách Tin mừng cũng là những lời tiên báo về sự phục sinh: mỗi sách Tin mừng đều kết thúc với việc Chúa Giêsu sống lại. Tuy nhiên, không có Phục sinh nếu không có Thánh giá. Thánh giá như là biểu tượng trung tâm của Kitô giáo chứa đựng toàn bộ mầu nhiệm vượt qua, diễn tả cuộc phục sinh và siêu thăng của Chúa Giêsu.


Chúa Giêsu mời gọi Phêrô (và chúng ta) đi vào trong mầu nhiệm nghịch lý của thánh giá. Bằng cách dìm mình vào trong sự chết và phục sinh của Người qua bí tích Rửa tội, chúng ta tìm được sự sống mới và thoát khỏi những chủ nhân giả tạo tìm cách cai trị, khiến chúng ta bị nô lệ. Nhờ vác thánh giá với Chúa Giêsu, chúng ta cũng có thể chiến thắng sự chết và sống trong Nước Thiên Chúa. Chính trong khung cảnh này, thánh giá là biểu tượng tối cao của  niềm hy vọng Kitô giáo, vì thánh giá hướng chúng ta đến cuộc sống vĩnh hằng với Thiên Chúa.


Trong thư gửi tín hữu Rôma chương 12, khi thánh Phaolô giới thiệu phần “luân lý” của thư , ngài đã phác họa ý nghĩa của thánh giá như dấu chỉ của căn tính và hy vọng của Kitô hữu trong hiện tại. Lần đầu tiên thánh nhân mô tả đời sống hằng ngày của Kitô hữu như “của lễ sống động” và “sự thờ phượng thiêng liêng”. Sử dụng ngôn ngữ những lễ tế vật chất tràn lan trong thế giới Hy-La, Phaolô thách thức các Kitô hữu tự hiến mình làm của lễ sống động và biến toàn bộ cuộc sống thành một hành động thờ phượng.


Sau đó, ngài thúc giục chúng ta sống hòa hợp với căn tính mới mà mỗi người nhận lấy khi chịu phép rửa hầu nhận ra và thực thi điều gì là tốt, đẹp lòng và hoàn hảo trước mặt Chúa.

--------------------------

Daniel J. Harrington
FX. Lê Hoàng Long chuyển ngữ từ America Magazine (18/8/2008)
Nguồn: https://stellamaris.edu.vn
https://giaophannhatrang.org/
114.864864865135.135135135250