11/02/2022 -

Hoạt động khác

1517
Tản mạn suy tư: Từ sự chết đến việc tìm lại nét đẹp nơi vùng cao
TỪ SỰ CHẾT
ĐẾN VIỆC TÌM LẠI NÉT ĐẸP NƠI VÙNG CAO…


Thông tin về sự ra đi của một người mục tử, cũng là một người anh em Đa Minh, một người con Chúa… khi đang thi hành sứ vụ ở vùng truyền giáo nhanh chóng được lan truyền đến cho mọi người. Mới đó thôi mà đã gần ngót nửa tháng kể từ ngày chúng ta đón nhận hung tin ấy tính cho đến thời điểm này. Cảm giác xót xa, ngỡ ngàng, sầu khổ… như chưa thể lắng xuống vì tấm lòng thương mến vị chủ chăn đáng kính luôn tận tâm chăm lo cho đàn chiên còn vương mang nhiều dấu vết hoang dại của núi rừng. Theo đó, biết bao nỗi băn khoăn cho kiếp sống này, cùng những nỗi khắc khoải về sự dấn thân tới những miền đất mới phần nào đó cũng được dấy lên.

Trong những ngày ở nhà vui xuân đón tết bên gia đình, thường thì ít ai muốn nhắc đến những điều không may mắn hay những chuyện tang thương. Ấy vậy mà, ở những thời khắc thế trần đang hứng khởi chào đón mùa xuân mới thì câu chuyện về cha Giuse Thanh lại trở thành một chủ đề được quan tâm và nhắc đến nhiều nhất. Ở đây, chúng ta chỉ tạm dừng lại ở góc nhìn có phần con người mà chưa đề cập đến những giá trị sâu sắc và ý nghĩa linh thiêng đi kèm ngang qua cái chết của cha.

Lượm lặt các kiểu ý kiến chủ quan trong các cuộc “bình loạn”, những câu kết luận chủ chốt, tạm thời cũng được thu tóm lại với đại ý: vùng đất đó thật nhiễu nhương; cha đó thật đáng thương; kẻ giết người thật bất lương… Với loạt nhận định từ xa ấy, bạn bè thân hữu cũng không hiểu nổi vì sao vẫn luôn có bóng dáng của người tu hành ở những nơi mà tôn giáo còn bị nghi kị. Từ đó xuất hiện sự lắng lo, trăn trở cho hành trình trong tương lai của các vị sứ giả giống như cha Thanh khi đến với những miền đất xa xăm, nơi có những con người dù được tiếp xúc với nhịp sống hiện đại nhưng chưa mấy quen nên vẫn còn quẩn quanh bên cái lạc hậu cái nghèo về nhiều mặt.

Vùng đất vốn bình yên đến không tưởng nay lại dậy sóng đến không ngờ. Vùng đất ấy vốn được xem là lành lại đột nhiên trở thành không lành. Con người vốn được nhìn nhận là đơn sơ, chất phác… thì nay, những nét đẹp ấy như dần nhạt nhòa khi có sự xuất hiện của khuôn mặt kẻ sát nhân. Lang thang và dông dài với loạt ngôn từ không mấy tích cực, chẳng phải để tiếp tục góp thêm phần bi thảm hóa cho khúc ngoặt đột ngột trong cuộc đời cha Thanh; lại càng chẳng phải để lên án và kết tội ai đó, nhưng chỉ đơn giản là nhắc lại sự hiện diện cần thiết của những người môn đệ bước theo Chúa Kitô.


 
Chuyện của hôm qua là thế; còn chuyện của hôm nay, ngày mai và những ngày tháng sau đó, trên hành trình sứ vụ, ta không dám chắc sẽ không xảy ra những điều xấu tương tự; sẽ không có ai dừng chân lui bước vì gian nan của hoàn cảnh nhưng ta dám khẳng định rằng, sẽ luôn có những tâm hồn quảng đại và sẵn sàng dấn thân tiếp bước đến với những vùng ven. Lực đẩy cho bước đường lữ hành ấy, chẳng phải là âm thanh vang vọng lời của Chúa Giêsu: “Người khỏe mạnh không cần thầy thuốc, người đau yếu mới cần Ta không đến để kêu gọi người công chính nhưng là để kêu gọi người tội lỗi.” (Mc 2,17) Lưu tâm đến lời dạy này để khi trở về với nếp sống đặc trưng trong hoạt động mục vụ, ta ít phải loay hoay so sánh, đắn đo về những tiện ích hoặc bất tiện của đời thường. Thay vào đó, ta tìm cách thích ứng nhanh hơn với hoàn cảnh và tiếp tục khám phá bao nét đẹp rất riêng nơi cuộc đời, nơi con người.

Thật vậy, ở miền xuôi, ta nào thấy được cảnh “đèo bòng” ngoạn mục như ở miền ngược! Chiếc xe công nông tưởng chừng như chỉ là phương tiện chở đồ trong nông nghiệp thì ở vùng cao này, nó được trưng dụng thành phương tiện chở… người, đúng ra là chở các em học sinh dân tộc thiểu số đang ở nội trú. Nhìn cảnh tượng khá đặc biệt ấy, điều còn đọng lại trong ta chắc chắn là từ ngạc nhiên đến ngạc nhiên mà thôi. Ở đó, ánh mắt tươi vui của bọn trẻ được về làng sau những ngày học đã khiến cho bức tranh cuộc sống thêm sinh động và đẹp xinh. Và rồi, một khung cảnh khác cũng ở miền ngược khiến ta chẳng thể nào vội vàng bước qua cho kịp với đà tiến của nhịp sống. Đó là hình ảnh về một em bé người đồng bào đang ôm trọn những túi đường, bột ngọt và những chai nước mắm, dầu ăn. Nếu bạn và tôi có cháu ở trạc tuổi cô bé ấy, thì chắc chắn, những thứ được đứa trẻ ôm chặt vào lòng không thể nào là gia vị nấu đồ ăn mà thường là những con thú nhồi bông xinh xắn. Đã có lúc, ta đành gật gù bảo rằng: Ở đâu theo đó vậy và đây cũng chính là nét đẹp rất lạ nơi vùng cao! Về điểm này, chúng ta hãy tự tìm ra cho mình một lời giải đáp hợp lý.

Quay trở lại với khúc đoạn cuối trong cuộc đời của một vị mục tử, ta nhận thấy rõ: ở góc độ đức tin, cái chết của cha Thanh quả là có ý nghĩa. Về phần kẻ giết hại cha, người ấy tựa con sâu làm rầu nồi canh, chính con sâu ấy đã tước đi mạng sống của một nhà truyền giáo chân chính và gây thêm tiếng dữ cho vùng cao Tây Nguyên. Dù vậy, ước gì chúng ta đừng để cho con sâu ấy tàn phá và gặm nhấm sự phong phú, đa dạng cùng nhiều điều mới lạ ở nơi đây.

Có lẽ, mọi người sẽ nhắc mãi đến cái chết của cha Giuse Thanh như một lời minh chứng hùng hồn về tính khắc nghiệt của vùng trời Tây Nguyên. Và có lẽ, người ta cũng sẽ không thể nào thôi tặc lưỡi, rồi lắc đầu tỏ ý ái ngại, ngán ngẩm mỗi lúc nhắc đến một miền đất với những gian khó, với sự non yếu về tri thức; lại cộng thêm sự dè dặt, canh chừng, ngăn cản và mập mờ của nhiều thế lực lạ... Dẫu vậy, mảnh đất này vẫn luôn cần có những nhà truyền giáo nhiệt tâm để thực thi những điều Chúa truyền dạy và để giới thiệu chân dung thánh thiện của Thiên Chúa tình yêu cho mọi người.

Nguyện trao dâng vào bàn tay quan phòng của Chúa chặng đường dài không tránh khỏi biến động nơi các vùng truyền giáo. Xin đừng để cho bất kỳ ai lưu giữ tư tưởng làm mất dần đi những nét đẹp vốn có từ cuộc sống này và chung tay với những tâm hồn thiện chí đang nỗ lực dựng xây thế giới ngày một đi lên.

Cộng đoàn Ia Linh (Đa Minh Rosa Lima)


 
114.864864865135.135135135250