Với sức nóng của cơn đại dịch Covid 19, sáng sớm ngày Chúa nhật, mùa thu 2020. Sau những giờ phút chìm sâu trong kinh nguyện và Thánh Thể, sáu chị em chúng tôi là: Lương, Tập, Dương, Thơm, Hoa và tôi những sinh viên học viện thuộc Dòng Đa Minh Rosa Lima, hân hoan ra đi thi hành mục vụ cuối tuần tới thăm một gia đình nghèo với trái tim muốn được “gặp-chạm-trải-cảm” sau một tuần trau dồi kiến thức thánh khoa. Vậy hành trình của quý chị như thế nào? Gặt hái thành quả gì chăng?
Thật ý nghĩa làm sao dưới nụ cười của ông mặt trời đang rợp bóng trên đầu, chị em phấn khởi vai vác gạo, tay mang mì, bánh kẹo,.. để bắt đầu chuyến khởi hành. Tất cả như đang được trải nghiệm lại tâm tình của ba vua phương Đông, tay bưng lễ vật tiến về Belem thờ kính Con Thiên Chúa giáng trần. Sau hành trình khoảng gần 1km với nhũng nụ cười trên môi, chị em đã dừng chân lại trước một ngôi nhà đầy khiêm tốn rộng khoảng gần 3m. Với tâm hồn đầy háo hức như được về quê nhà, một chị nhanh nhẹn bấm chuông, sau chưa đầy ba mươi giây một người tiến ra mở cổng cho chúng tôi với niềm vui lộ rõ trên mặt khi biết chúng tôi là nữ tu tới thăm.
Những giọt mồ hôi đang lăn vội trên trán chưa kịp lau thì một sự ngạc nhiên hiện ra trước mắt chúng tôi khi mới bước vào cửa nhà. Một ông cụ nằm bất động trên giường được quấn kín bởi một chiếc chăn đã ngả màu đang cố giơ một tay để chào với giọng nói ngọng nghịu “ào ác ơ” mà sau chúng tôi mới hiểu lời ông muốn nói là “chào các sơ”. Dù mệt và chưa kịp hết bỡ ngỡ nhưng chúng tôi cùng đồng thanh chào ông và giới thiệu về Hội Dòng và gửi tặng ông những món quà nho nhỏ. Ngồi xuống cạnh giường với những lời thủ thỉ thăm hỏi sức khỏe và hoàn cảnh sống, chúng tôi mới khám phá ra một vực thẳm trong suốt dòng chảy cuộc đời của ông.
Năm nay ông đã ngoài 60 tuổi nhưng những ngày đầu khởi sự của cuộc đời ông đã thấm màu xám với căn bệnh bại tay trái, cánh cửa tương lai tưởng chừng như đã khép lại nhưng với lòng tin của người con Chúa, tình yêu thương của gia đình cùng với nghị lực vươn lên trong cuộc sống cậu bé yếu ớt đã vượt qua mọi gian nan, mặc cảm, đau đớn của bênh tật để bước ra khám phá vẻ đẹp của vũ trụ và xây dựng một tổ ấm riêng cho mình bên cạnh vợ cùng hai con. Thời gian trôi đi với niềm hạnh phúc được chăm sóc gia đình và ngỡ rằng những đau thương của cuộc đời đã buông tha. Nhưng không! Nỗi buồn khi người bạn đời nằm xuống chưa lắng thì Đức Giêsu đã mời gọi ông cùng với Ngài hiến tế trên thánh giá với căn bênh liệt nửa người.
Lần này chắc chắn cuộc đời của ông đã được khóa chặt trong tuyệt vọng mà thôi. Đó là điều mà trong lòng chúng tôi đang nghĩ đến nhưng không dám nói ra. Nhưng như đọc được điều chúng tôi đang nghĩ ông nói: “có thể nhiều người nghĩ rằng con đang rất tuyệt vọng và đầy oán trách, nhưng không! Những ngày đầu thì con có buồn nhưng không tuyệt vọng và bây giờ ngược lại con lại rất hạnh phúc trong công việc mới của mình là được ‘xây cầu’ mỗi ngày cùng mọi người.” Khi nghe đến câu này, tất cả chúng tôi cùng mở tròn đôi mắt nhìn ông và hỏi: ông xây cầu gì? Đáp lại bằng một nụ cười thật tươi, ông nói: “con nằm bất toại ở đây nhưng được cùng các thánh và mọi người trên trần gian trong đó có cả các sơ hiệp nhất để xây cây cầu thiêng liêng bằng lời kinh mân côi và lời cầu nguyện để tạ ơn Chúa và xin bình an của Chúa cho mọi người cùng các linh hồn.” Từng lời ông nói được toát lên trên gương mặt sáng ngời và tràn đầy hạnh phúc, sung sướng như đang được nhận một món quà quý vậy. Điều này làm cho chúng tôi sửng sốt và nổi da gà trước đức tin của ông. Ôi! Lạy Chúa, thần học gia đang ở trước mắt chúng con đây, chính Chúa đang hiện diện bằng con người thật để huấn từ chúng con đây. Thật sâu sắc và thấm đượm triết lý cuộc đời.
Ánh nắng đã lên gần đỉnh đầu cũng là lúc chúng tôi phải khép lại câu chuyện để trở về cộng đoàn mà lòng đầy lưu luyến. Kết thúc chuyến hành trình, trở về quỳ trước Thánh Thể với lời tạ ơn, chúng tôi nhìn lại môi trường sống hiện tại của mình quá đầy đủ, khang trang nên nhiều khi chúng tôi quên mất Chúa, mất bản thân, mất tha nhân. Đã một thời quyết sống theo lý tưởng “sống nghèo và sống cho người nghèo.” Chẳng phải đã có lúc tôi thán phục Giêsu vì những nghĩa cử hạ mình của Người dành cho người nghèo đó sao? Chẳng phải chính tôi đã có lần thầm cảm tạ Chúa đã thương đến thân phận nghèo hèn của mình sao? Một cuộc sống quá đầy đủ có nguy cơ biến đời tu của tôi trở thành một sự vơ vét, chứ không phải cho đi, nếu tôi không ý thức đủ. Sau chuyến mục vụ qua đã giúp tôi mở rộng tầm nhìn của mình. Cuộc sống ngoài kia còn biết bao mảnh đời đau khổ. Sẽ thật bất công nếu chỉ biết hưởng dùng mà chẳng chịu tạ ơn và cho đi.
Người nghèo bảo tôi phải biết quý trọng những gì mình đang có: sức khỏe, khả năng, bạn bè, vì biết đâu có lúc tôi sẽ chẳng còn lại gì. Người nghèo giúp tôi ý thức về thân phận mỏng manh của kiếp người, mới hôm qua còn trên đỉnh cao danh vọng, hôm nay chỉ còn là cành hoa úa. Người nghèo vẽ cho tôi thấy dáng hình thật sự của cây thánh giá mà tôi chiêm ngắm mỗi dịp cầu nguyện. Người nghèo dạy tôi một bài học đậm mùi triết lý: sống hôm nay, hãy nghĩ đến ngày sau – ngày ta đối diện với cái chết. Người nghèo nhắc nhở tôi về cuộc sống mà tôi đang theo đuổi: tôi đi tu là để vào đời, chứ không phải để trốn đời. Một cuộc đời hiệp nhất và nối kết với mọi người chứ không phải chỉ sống cho riêng mình. Đặc biệt, người nghèo mở ra một lối nhìn mới với đầy hy vọng, tin tưởng, phó thác và vâng phục vào Thiên Chúa về cuộc đời trước những khó khăn trong cuộc sống. Tắt một lời là phải tìm được “hạnh phúc” trong vực thẳm của cuộc đời mình. Như thế là đang tìm thấy Thiên Đàng nơi trần gian rồi.
Nơi học viện, mỗi ngày, tôi được giàu thêm về tri thức, tâm linh. Xin cho tôi nhờ đấy mà biết canh tân bản thân và đồng tâm hiệp ý cùng chị em trong tinh thần của tổng hội XI, hầu mỗi ngày trở nên nghèo hơn sự tự tôn và ích kỷ của mình, để trong Đức Kitô, Đấng tôi đang bước theo, tôi được giàu có trong tình yêu và ân sủng, sự tín thác của Ngài và biết mở rộng nối kết với tha nhân.
Nữ tu Maria Mai Thị Hồi