Bài Tin Mừng được đọc trước bài giáo lý được trích từ Tin Mừng thánh Luca (Lc 2,10-12):
Sứ thần bảo các mục đồng: “Anh em đừng sợ. Này tôi báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng là tin mừng cho toàn dân : Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đa-vít, Người là Đấng Ki-tô Đức Chúa. Anh em cứ dấu này mà nhận ra Người : anh em sẽ gặp thấy một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ.”
Sau khi bài Tin Mừng được công bố bằng các thứ tiếng, Đức Thánh Cha bắt đầu bài giáo lý. Tuy nhiên, vì ngài vẫn còn bị viêm phế quản nên Đức Thánh Cha đọc phần đầu của bài giáo lý, sau đó cha Pierluigi Giroli, nhân viên Phủ quốc vụ khanh, đọc bài giáo lý thay Đức Thánh Cha.
Bài giáo lý của Đức Thánh Cha
Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Trong hành trình Năm Thánh của chúng ta với chủ đề giáo lý “Chúa Giêsu là niềm hy vọng của chúng ta”, hôm nay chúng ta dừng lại để suy ngẫm về biến cố Chúa giáng sinh tại Bêlem.
Sau lời chào này, cha Pierluigi Giroli đọc tiếp bài giáo lý thay Đức Thánh Cha.
Con Thiên Chúa bước vào lịch sử nhân loại, trở thành bạn đồng hành của chúng ta, và bắt đầu cuộc hành trình ngay từ khi còn trong lòng Mẹ Maria. Thánh sử Luca kể lại rằng, ngay sau khi được thụ thai, Người đã cùng Mẹ Maria từ Nagiarét đến nhà ông Dacaria và bà Êlisabét; và sau đó, khi gần đến ngày sinh, Người lại cùng Mẹ Maria và Thánh Giuse từ Nagiarét đến Bêlem để thực hiện cuộc kiểm tra dân số. Mẹ Maria và Thánh Giuse buộc phải đến thành phố của vua Đavít, nơi Thánh Giuse cũng đã được sinh ra. Đấng Mêsia mà muôn dân trông đợi, Con Thiên Chúa Tối Cao, đã để mình được kiểm tra và ghi danh như một công dân bình thường. Người đã tuân theo sắc lệnh của hoàng đế Xêdarê Augustô, khi ông tự cho mình là chủ nhân của cả thế giới.
Thánh Luca đặt sự kiện Chúa Giêsu giáng sinh trong “một thời điểm có thể xác định rõ ràng” và trong “một bối cảnh địa lý cụ thể”, để “cái phổ quát và cái cụ thể gặp gỡ nhau” (ĐGH Bênêđictô XVI, Thời Thơ Ấu của Chúa Giêsu, 2012, tr. 77). Qua đó, chúng ta thấy được sự khiêm nhường của một Thiên Chúa đi vào lịch sử, không phá vỡ các cấu trúc của thế giới, nhưng muốn soi sáng và tái tạo chúng từ bên trong.
Bêlem có nghĩa là “nhà của bánh”. Tại nơi này, Mẹ Maria đã đến ngày sinh nở, và Chúa Giêsu đã chào đời, Người là bánh từ trời xuống để nuôi dưỡng cơn đói khát của thế giới (x. Ga 6,51). Thiên thần Gabriel đã loan báo sự ra đời của Vị Vua Mêsia với dấu hiệu của sự vĩ đại: “Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giê-su. Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đa-vít, tổ tiên Người. Người sẽ trị vì nhà Gia-cóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận” (Lc 1,32-33).
Tuy nhiên, Chúa Giêsu đã chào đời một cách hoàn toàn khác biệt so với một vị vua. Thật vậy, “khi hai người đang ở đó, thì bà Ma-ri-a đã tới ngày mãn nguyệt khai hoa. Bà sinh con trai đầu lòng, lấy tã bọc con, rồi đặt nằm trong máng cỏ, vì hai ông bà không tìm được chỗ trong nhà trọ” (Lc 2,6-7). Con Thiên Chúa không sinh ra trong cung điện nguy nga, mà trong một nơi khiêm tốn, nơi dành cho các loài vật.
Thánh Luca cho chúng ta thấy rằng Thiên Chúa không đến thế gian với những lời tuyên bố lừng vang, Người không tỏ mình trong sự ồn ào, nhưng bắt đầu cuộc hành trình của mình trong sự khiêm nhường. Và ai là những nhân chứng đầu tiên của biến cố này? Đó là những người chăn chiên: những người ít học, có mùi hôi vì thường xuyên tiếp xúc với các loài vật, sống ở ngoài lề xã hội. Thế nhưng, họ lại là những người làm nghề mục tử mà chính Thiên Chúa đã dùng để tỏ mình cho dân Người (x. St 48,15; 49,24; Tv 23,1; 80,2; Is 40,11). Thiên Chúa đã chọn họ làm người nhận tin vui lớn nhất từng vang lên trong lịch sử: “Anh em đừng sợ. Này tôi báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng là tin mừng cho toàn dân : Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đa-vít, Người là Đấng Ki-tô Đức Chúa. Anh em cứ dấu này mà nhận ra Người : anh em sẽ gặp thấy một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ” (Lc 2,10-12).
Nơi để gặp gỡ Đấng Mêsia là một máng cỏ. Thật vậy, sau bao nhiêu chờ đợi, “Đấng Cứu Độ của thế gian, Đấng mà mọi sự được tạo dựng nhờ Người (x. Cl 1,16), lại không có chỗ ở” (ĐGH Bênêđictô XVI, Thời Thơ Ấu của Chúa Giêsu, 2012, tr. 80). Những người chăn chiên nhận ra rằng, tại một nơi hết sức khiêm tốn, dành cho các loài vật, Đấng Mêsia mà họ mong đợi đã chào đời, và Người sinh ra vì họ, để trở thành Đấng Cứu Độ của họ, Người Mục Tử của họ. Một tin vui đã mở lòng họ ra với sự ngỡ ngàng, lời ngợi khen và niềm vui loan báo. “Khác với nhiều người đang bận rộn với trăm công nghìn việc, những người chăn chiên trở thành những nhân chứng đầu tiên của điều cốt yếu, đó là ơn cứu độ được ban tặng. Chính những người khiêm nhường và nghèo khó nhất lại biết đón nhận biến cố Nhập Thể” (Tông thư Admirabile signum, số 5).
Anh chị em thân mến, chúng ta cũng hãy xin ơn để có thể như những người chăn chiên, biết ngỡ ngàng và ngợi khen trước mặt Thiên Chúa, và biết gìn giữ những gì Người đã trao phó cho chúng ta: những tài năng, đặc sủng, ơn gọi của chúng ta, và những ai Người đặt bên cạnh chúng ta. Chúng ta xin Chúa ơn biết nhận ra trong sự yếu đuối sức mạnh phi thường của Hài Nhi Thiên Chúa, Đấng đến để đổi mới thế giới và biến đổi cuộc đời chúng ta bằng kế hoạch đầy hy vọng của Người dành cho toàn thể nhân loại.
Buổi tiếp kiến kết thúc với Kinh Lạy Cha và phép lành Đức Thánh Cha ban cho mọi người.
Nguồn: https://www.vaticannews.va/