11/02/2025 -

HỌC HỎI

19
3 cách để phát triển đức cậy trong thời điểm khó khăn


Hy vọng là nhân đức (đức cậy) chủ động định hình cách chúng ta sống, đưa ra quyết định và đối mặt với nghịch cảnh. Nhưng chính xác thì hy vọng là gì và chúng ta có thể vun đắp nó như thế nào?
 

Thế giới được đánh dấu bằng sự bất ổn, chán nản và thay đổi nhanh chóng. Đức cậy thường thì có vẻ như thật khó nắm bắt. Tuy nhiên, trong truyền thống Kitô giáo, đức cậy không phải là một cảm giác lạc quan thoáng qua - đó là một nhân đức đối thần, bắt nguồn sâu xa từ đức tin và hướng đến điều thiện hảo sau cùng. Khác xa với tính thụ động, đức cậy chủ động định hình cách chúng ta sống, đưa ra quyết định và đối mặt với nghịch cảnh. Nhưng chính xác thì đức cậy là gì và chúng ta có thể vun đắp nó như một phần lâu dài trong cuộc sống của mình như thế nào?
 

Đức cậy là gì? Một nhân đức đối thần
 

Giáo lý Công giáo định nghĩa đức cậy là “nhân đức đối thần mà nhờ đó chúng ta ước muốn Nước Trời và sự sống vĩnh cửu là hạnh phúc của mình, đặt niềm tin vào lời hứa của Chúa Kitô và không cậy dựa vào sức mạnh của chính mình mà vào sự giúp đỡ từ ân sủng của Chúa Thánh Thần.” (GLCG 1817) Định nghĩa này nêu bật hai khía cạnh chính: ước muốn và tin cậy. Đức cậy không chỉ đơn thuần là ước muốn một tương lai tốt đẹp hơn; mà đó còn là một kỳ vọng đầy tự tin bắt nguồn từ lòng thành tín của Thiên Chúa.
 

Thánh Tôma Aquinô, trong Bộ Tổng luận Thần học (Summa Theologica) của mình, mô tả đức cậy là một nhân đức “hướng ý chí đạt đến điều thiện hảo trong tương lai vốn khó khăn nhưng có thể đạt được.” Không giống như niềm hy vọng theo bản tính tự nhiên, phụ thuộc vào nỗ lực của con người hoặc hoàn cảnh thuận lợi, đức cậy được neo giữ trong ân sủng của Thiên Chúa. Nó vượt xa những gì chúng ta có thể tự mình đạt được, nâng đỡ chúng ta ngay cả khi mọi thứ khác có vẻ mong manh.
 

Là một nhân đức, đức cậy cũng là một thói quen - không theo nghĩa thông thường của một lề thói hằng ngày, mà là một khuynh hướng ổn định hình thành nên tính cách của chúng ta theo thời gian. Các nhân đức phát triển thông qua thực hành, ý hướng và quan trọng là sự cộng tác với ân sủng. Cũng giống như cơ bắp khỏe mạnh hơn thông qua việc tập luyện thường xuyên, đức cậy sẽ sâu sắc hơn thông qua các hành động có chủ đích để điều hướng con tim chúng ta đến những lời hứa của Thiên Chúa.
 

Sau đây là ba cách đã được thử nghiệm theo thời gian để nuôi dưỡng đức cậy, dựa trên Kinh Thánh và truyền thống Công giáo.
 

1. Cầu nguyện với Thánh vịnh: Đem lại âm vang cho đức cậy trong mọi hoàn cảnh
 

Sách Thánh vịnh thường được gọi là sách cầu nguyện của Kinh Thánh, chứa đầy những lời bày tỏ chân thật về niềm vui, nỗi sợ hãi, lòng biết ơn và lời than thở. Điều khiến Thánh vịnh trở nên đặc biệt mạnh mẽ trong việc nuôi dưỡng đức cậy là tính trung thực của chúng - chúng không né tránh sự tuyệt vọng, nhưng chúng luôn quay trở lại để đặt niềm tin tưởng vào Thiên Chúa.
 

Hãy xem xét Thánh vịnh 42:5:
 

“Hỡi linh hồn tôi, sao ngươi buồn sầu, và sao ngươi bồn chồn trong lòng tôi? Hãy hy vọng nơi Thiên Chúa; vì tôi sẽ lại ngợi khen Người, là Đấng cứu giúp và là Thiên Chúa của tôi.”
 

Việc cầu nguyện với Thánh vịnh thường xuyên giúp nội tâm hóa nhịp điệu này: nhìn nhận nỗi đau hoặc sự bất định, nhưng vẫn chọn neo giữ trái tim mình vào sự kiên định của Thiên Chúa. Cho dù được hát trong Phụng vụ Giờ ​​Kinh, đọc thầm hay suy niệm, Thánh vịnh vẫn mang đến cho chúng ta những lời lẽ để nương tựa khi chính chúng ta gặp phải thất bại. Các Thánh vịnh dạy chúng ta rằng đức cậy không phải là không có tranh đấu mà là quyết định đặt niềm tin vào Thiên Chúa giữa cuộc tranh đấu đó.
 

2. Thực hành “Con đường nhỏ” của Thánh Têrêsa Lisieux: Hành động nhỏ, hy vọng lớn
 

Thánh Têrêsa Lisieux, một nữ tu dòng Cát Minh thế kỷ XIX, được biết đến với “Con đường nhỏ” của mình - một linh đạo bắt nguồn từ việc làm những điều nhỏ bé với tình yêu và lòng tin tưởng lớn lao vào Thiên Chúa. Đối với Thánh Têrêsa, đức cậy không phải là những hành động anh hùng mà là sự tin tưởng như trẻ thơ vào lòng nhân từ của Thiên Chúa, ngay cả trong sự yếu đuối. Thánh nữ đã viết, “Vì vậy, mặc dù tôi nhỏ bé, tôi vẫn có thể khao khát sự thánh thiện… Tôi hy vọng nhiều vào sự công bình của Thiên Chúa cũng như vào lòng nhân từ của Người.”
 

Nuôi dưỡng đức cậy thông qua Con đường nhỏ có nghĩa là thực hiện những hành động tử tế, kiên nhẫn và hy sinh hàng ngày, dù nhỏ bé đến đâu, và dâng chúng lên cho Thiên Chúa. Đó là tin tưởng rằng không có nỗ lực nào là lãng phí khi được thực hiện trong tình yêu. Thực hành này giúp định hướng lại con tim từ sự tự lực sang sự tin tưởng vào ân sủng, nuôi dưỡng một niềm hy vọng thầm lặng nhưng kiên cường ngày càng triển nở qua mỗi hành động trung thành nhỏ bé.
 

3. Suy ngẫm về các Mối Phúc: Logic của đức cậy trong Tin Mừng
 

Các Mối Phúc (Mt 5:3-12) thường được xem như một danh sách các nghịch lý: “Phúc cho những ai có tâm hồn nghèo khó,” “Phúc cho những ai than khóc,” “Phúc cho những ai hiền lành.” Nhìn bề ngoài, chúng có vẻ như đem đến sự chúc phúc cho những hoàn cảnh mà thế gian thường coi là bất hạnh. Nhưng các Mối Phúc cho thấy logic của đức cậy Kitô giáo - rằng sự viên mãn thực sự không nằm ở quyền lực, giàu sang hay sự thoải mái tức thời.
 

Suy ngẫm về các Mối Phúc giúp chuyển góc nhìn của chúng ta từ những cuộc tranh đấu tạm thời sang những lời hứa vĩnh cửu. Chúng nhắc nhở chúng ta rằng đức cậy không phải là sự lạc quan ngây thơ mà là niềm tin triệt để rằng công lý và lòng thương xót của Thiên Chúa sẽ chiến thắng, ngay cả khi bị che khuất khỏi tầm nhìn. Ví dụ, “Phúc cho những ai đói khát sự công chính, vì họ sẽ được no thỏa” đảm bảo với chúng ta rằng những niềm ước mong sâu sắc nhất của chúng ta về công lý và hòa bình không phải là vô ích.
 

Hãy thử suy ngẫm về một Mối Phúc mỗi ngày và tự hỏi: Lời hứa này có định hình các lựa chọn, thái độ và mục đích sống của tôi như thế nào? Thực hành này dần dần hình thành nên một con tim đầy hy vọng, không phải vào những thành công chóng qua mà vào chân lý lâu bền.
 

Hy vọng: Một nhân đức cho cuộc hành trình dài
 

Đức cậy không phải là giải pháp nhanh chóng cho những thời điểm khó khăn; đó là nhân đức nâng đỡ chúng ta trên cuộc hành trình, đặc biệt là khi con đường xa xôi và đích đến có vẻ xa vời. Như Thánh Phaolô đã viết, “Chúng ta hy vọng vào điều mình không thấy; chúng ta kiên nhẫn chờ đợi.” (Rm 8:25)
 

Bằng cách cầu nguyện theo Thánh vịnh, sống theo Con đường nhỏ, hoặc suy ngẫm về các Mối Phúc, chúng ta tham gia vào một tiến trình chậm rãi, đầy ân sủng để hình thành nên một con tim đầy hy vọng. Đây không phải là việc phủ nhận những khó khăn trong cuộc sống mà là đối mặt với chúng bằng sức mạnh thầm lặng đến từ việc biết rằng, cuối cùng, những lời hứa của Thiên Chúa là đáng tin cậy - và thế là đủ.


Tác giả: Daniel Esparza - Nguồn: Aleteia (07/02/2025)
Chuyển ngữ: Phil. M. Nguyễn Hoàng Nguyên
Nguồn: https://giaophanvinhlong.net/

114.864864865135.135135135250