28/10/2024 -

HỌC HỎI

19
Bước đi cùng Simon “Nhiệt thành”

Chúng ta có thể học được gì từ vị tông đồ ít được nhắc đến trong Kinh Thánh này?

Các tông đồ đang ngồi trên một vách đá ở rìa thị trấn ngắm hoàng hôn thì hai người bạn của Simon đến gần. Họ chào các tông đồ khác và sau đó yêu cầu được nói chuyện riêng với Simon. Ba người đàn ông rời đi dọc theo một con đường mòn yên tĩnh trong khi bóng tối đang tụ lại. Họ đã là bạn bè trong một thời gian dài; họ biết và tin tưởng lẫn nhau. Vài năm trước, họ đã trở thành những người ủng hộ một phong trào kháng chiến thầm lặng của những người Do Thái trung thành muốn giải thoát đất nước của họ khỏi sự chiếm đóng của quân Rôma. Họ giấu vũ khí và vật tư, huấn luyện những người đàn ông trẻ tuổi để chiến đấu và chuẩn bị cho ngày mà quyền lực của Đế chế Rôma suy yếu và Vương quốc Giu-đa sẽ có thể tái lập chủ quyền của mình.

Khi đi dọc đường, họ nói về gia đình của họ, và Simon kể lại những chuyến đi của mình từ khi gia nhập nhóm tông đồ của Chúa Giêsu. Sau đó, những người bạn hỏi Simon rằng liệu họ có thể vẫn trông cậy vào sự ủng hộ của Simon đối với phong trào kháng chiến không. Simon im lặng một lúc để suy nghĩ về câu trả lời của mình. Simon cảm thấy vừa cảm kích vừa buồn bã. Ông biết rằng sự chiếm đóng của người Rôma đã gây ra tổn thất khủng khiếp cho những người bạn của mình. Anh trai của một người bạn đã bị một người lính Rôma giết chết vì vài việc vặt vãnh. Con cái của những người khác thì ốm yếu và suy dinh dưỡng vì sau khi nộp thuế cho quân Rôma, thu nhập của gia đình không còn đủ để sinh sống. Cả hai người bạn đều có lý do chính đáng để căm ghét quân Rôma.

Simon dừng bước, quay sang hai người bạn và giải thích rằng ông không thể tiếp tục tham gia phong trào kháng chiến. Ông rất yêu và ngưỡng mộ bạn bè và sẽ tiếp tục cầu nguyện để Chúa dẫn dắt và bảo vệ họ, nhưng ông không thể góp sức cùng họ thêm nữa. Ông đã đi theo Chúa Giêsu, và Chúa Giêsu lại có một đường hướng hoàn toàn khác.

Chúng ta không biết nhiều về Simon Nhiệt thành (the Zealot). Ông được đưa vào danh sách mười hai tông đồ trong các sách Phúc Âm và sách Công vụ Tông đồ, nhưng Kinh Thánh không nói gì thêm về ông. Chúng ta thậm chí không chắc chắn thánh sử Luca có ý gì khi gọi Simon là “người nhiệt thành” (the Zealot). Có lẽ là vì Simon là một phần của nhóm dân tộc cực đoan phản đối sự chiếm đóng của quân Rôma và trở nên nổi tiếng 30 năm sau đó. Hay có lẽ đơn giản là vì ông rất nhiệt thành với Chúa.

Trong mọi lúc, Simon đã cam kết mạnh mẽ với niềm tin của mình và sẵn sàng đối mặt với bất kỳ sự chống đối nào mà ông gặp phải. Chúa Giêsu đã nhận ra những phẩm chất đó ở ông khi Người mời ông trở thành môn đệ. Chúa Giêsu muốn những người có lòng nhiệt thành cho Vương quốc của Ngài.

 

Và Simon chắc hẳn cũng đã nhận ra điều gì đó rất đặc biệt ở Chúa Giêsu, để rồi ông sẵn sàng gạt bỏ mọi kế hoạch chống lại quân Rôma mà chấp nhận thông điệp về tình yêu, hòa bình và hòa giải của Chúa Giêsu.


Tấm gương của Simon nhiệt thành nhắc nhở chúng ta ba điều. Thứ nhất, những người theo Chúa Giêsu được mời gọi rao giảng Nước Thiên Chúa trong sự yếu đuối hơn là sức mạnh. Chúng ta được sai đi như những con chiên giữa bầy sói và dễ bị tấn công. Một số người trong chúng ta có thể được kêu gọi chấp nhận sự mất tự do, chịu thương tích hoặc thậm chí là cái chết, nhưng chúng ta sẽ không cầm vũ khí hoặc đánh trả. Chúng ta cố gắng yêu kẻ thù của mình và không tiêu diệt họ, nhưng tin tưởng vào sức mạnh tình yêu và ân sủng của Chúa.

Thứ hai, câu chuyện về Simon nhắc nhở chúng ta rằng kế hoạch của Chúa không phải lúc nào cũng giống như kế hoạch của loài người. Chúng ta có thể đã chọn một con đường trong cuộc sống và thậm chí đi trên con đường đó trong một thời gian dài trước khi chúng ta nhận ra rằng Chúa có một điều gì đó khác dành cho chúng ta. Chúng ta cầu xin Chúa ban cho chúng ta cùng một ân sủng mà Người đã ban cho Simon: để tâm đến lời mời gọi của Chúa, có đủ tự do và sự can đảm để chấp nhận lời mời gọi này.

Cuối cùng, câu chuyện về Simon nhắc nhở chúng ta rằng Chúa Giêsu cần những người đồng hành nhiệt thành với Nước Thiên Chúa, sẵn sàng đối mặt với sự chống đối và chấp nhận mọi sự bất tiện trong việc theo đuổi hy vọng của Chúa dành cho thế giới.

 

———-

Ghi chú của tác giả: Thánh I-nhã khuyến khích chúng ta sử dụng trí tưởng tượng của mình khi chiêm niệm các đoạn Kinh Thánh để có thể thu được nhiều hoa trái hơn. Khi suy ngẫm về đoạn trích ngắn về Simon trong các sách Phúc Âm, tôi hình dung ra một số chi tiết trong câu chuyện cuộc đời của ông.

 

Nguồn: Aleteia
Tác giả: Fr. Dan Daly
Chuyển ngữ: Thục Đoan | CTV JESCOM – Truyền Thông Dòng Tên
Nguồn: https://dongten.net/

114.864864865135.135135135250