16/11/2024 -

HỌC HỎI

11
Cách để xưng thú tội lỗi

Gần đây có người đã đến với tôi và đặt ra một câu hỏi rất chân thành nhưng cũng đầy tổn thương. Cô ấy nói rằng cô ấy đọc trên các blog và nghe trên đài phát thanh Công giáo về vẻ đẹp của việc xưng tội thường xuyên, nhưng cô ấy đã không đến bí tích trong một thời gian rất dài. Cô ấy cảm thấy sợ hãi, thậm chí không phải vì cô ấy cảm thấy mình phải xưng tội nhiều, nhưng cô ấy lo lắng rằng mình sẽ làm không đúng.
 

Vì vậy, chúng ta hãy xem xét kỹ hơn một chút về bí tích này.
 

Bốn phần thiết yếu
 

Đầu tiên, chúng ta đừng sợ khi phải nói với linh mục rằng mình đã lâu không xưng tội, chúng ta có thể cần đến sự giúp đỡ. Linh mục không ở đó để bắt bẻ bạn hoặc nói điều gì đó không đúng. Ngài rất vui mừng vì bạn đã quay trở lại với bí tích này, và ngài sẽ làm mọi thứ có thể để giúp bạn vượt qua điều đó.
 

Có bốn phần thiết yếu của bí tích này. Sẽ còn nhiều điều được nói và sẽ xảy đến, nhưng đây bốn phần thiết yếu là:
 

1. Bạn cần phải nêu tên tội lỗi của mình.
 

2. Bạn cần phải hối hận về tội lỗi của mình.
 

3. Bạn sẽ nhận được ơn tha tội, hay sự tha thứ của Chúa Kitô thông qua linh mục.
 

4. Bạn sẽ đi và thực hiện việc sám hối.
 

Xét mình
 

Chúng ta hãy phân tích những điều này. Điều quan trọng là phải bắt đầu bằng việc xét mình thật kỹ. Điều này có nghĩa là hãy nghĩ về những gì bạn đã làm và những gì bạn đã không làm. Bạn đã làm sai ở đâu? Lý tưởng nhất là bạn nên làm điều này mỗi tối trước khi đi ngủ. Nhưng điều quan trọng là phải làm điều này trước khi bạn bước vào Bí tích Hòa Giải. Bạn càng làm điều này nhiều lần mỗi ngày, thì bạn sẽ càng dễ dàng thực hiện nó trước khi đến với các bí tích.
 

Có một số hướng dẫn có thể giúp bạn làm điều này. Một số hướng dẫn giúp chúng ta xét mình được dựa trên Mười Điều Răn hoặc Bảy Mối Tội Đầu. Một số hướng dẫn khác tập trung vào các giới luật của Giáo Hội. Bạn có thể tìm thấy một số hướng dẫn tại đây. Trong quá trình này, hãy cầu nguyện với Chúa Thánh Thần để giúp bạn trung thực, đầy tổn thương và đau buồn vì tội lỗi của mình.
 

Ăn năn sám hối
 

Điều quan trọng là chúng ta thực sự hối hận về những gì mình đã làm. Cách duy nhất chúng ta có thể được tha thứ là nếu chúng ta tiếc nuối về những gì mình đã làm. Đôi khi, người Công giáo bị mang tiếng là xem việc xưng tội như một sự cho phép để quay lại và phạm tội một lần nữa. Phạm tội vào thứ Sáu, xưng tội vào thứ Bảy, tham dự Thánh lễ vào Chúa Nhật, phạm tội vào thứ Hai… Mặc dù điều đó có thể là hiện thực vì dục vọng và bản chất sa ngã của chúng ta, nhưng đó không thể là mục đích của chúng ta khi lãnh nhận bí tích này! Chúng ta phải cố gắng thực sự ăn năn sám hối về những gì mình đã làm và sửa đổi cuộc sống của mình.
 

Có lẽ sẽ hữu ích nếu dành thời gian suy ngẫm về cuộc khổ nạn của Chúa Kitô và nhớ lại nỗi đau mà tội lỗi của chúng ta đã gây ra cho Chúa Kitô. Chúng ta nên cố gắng hối hận về tội lỗi của mình vì chúng đã làm tổn thương đến Chúa như thế nào. Nhưng cũng rất thường khi hối hận vì chúng ta sợ hình phạt mà chúng ta đáng phải chịu do tội lỗi hoặc vì chúng ta hối hận về những gì tội lỗi đó đã gây ra cho bản thân và người khác. Chúng ta gọi đây là ăn năn tội cách chẳng trọn - nhưng bạn biết không? Thiên Chúa cũng hành động trên cả điều đó nữa. Như vậy là cũng đủ cho Bí tích Giải Tội.
 

Nơi tòa giải tội
 

Sau khi xét mình, chúng ta đến gặp linh mục trong bí tích này. Người ta thường bắt đầu bằng một câu đơn giản như, “Lạy Cha, xin chúc lành cho con, vì con đã phạm tội. Đã (nêu thời gian - tuần, tháng hoặc năm) kể từ lần xưng tội gần nhất của con.” Một lần nữa, điều quan trọng là phải trung thực với linh mục. Nếu bạn không nhớ vì đã nhiều năm trôi qua, hãy nói với ngài điều đó. Nếu bạn cần giúp đỡ, hãy trung thực và cũng nói với ngài điều đó. Thông tin này giúp linh mục biết cách tư vấn cho bạn nếu ngài quyết định cho bạn lời khuyên thiêng liêng trước khi bạn sám hối.
 

Bạn cần chắc chắn rằng bạn đã xưng tất cả các tội trọng của mình và số lượng của chúng. Tội trọng là tội nghiêm trọng mà bạn đã phạm phải một cách cố ý với suy biết đầy đủ. Thánh Gioan đã nói về tội trọng trong thư đầu tiên của mình và phân biệt nó với tội nhẹ hoặc tội ít nghiêm trọng hơn (1Ga 5:16-17). Khi chúng ta phạm tội trọng, chúng ta cần phải xưng tội càng sớm càng tốt. Tội trọng giết chết ơn thánh hóa nơi linh hồn chúng ta, và chúng ta không muốn chết mà không có ơn thánh hóa nơi linh hồn mình.
 

Sau khi nêu tên các tội lỗi của chúng ta - tất cả các tội trọng và nhiều tội nhẹ mà chúng ta nhớ được - linh mục có thể cho bạn lời khuyên tại thời điểm đó. Sau đó, linh mục sẽ yêu cầu bạn thực hiện một hành động ăn năn sám hối. Đây là cơ hội để chúng ta bày tỏ sự đau buồn về tội lỗi của mình và ước muốn sửa đổi cuộc sống của mình. Hãy thoải mái mang theo bản văn nếu bạn không thuộc lòng được. Một lần nữa, linh mục ở đó là để giúp bạn!
 

Bây giờ thì sao?
 

Sau khi xưng tội, hãy thực hiện việc sám hối mà linh mục giao cho bạn. Tại sao chúng ta cần phải sám hối? Chỉ vì chúng ta được tha thứ không có nghĩa là tội lỗi của chúng ta không có hậu quả. Cha mẹ chúng ta có thể tha thứ cho chúng ta vì đã phá hỏng chiếc xe, nhưng vẫn còn một chiếc xe bị phá hỏng để giải quyết. Việc sám hối, bao gồm cả những lời cầu nguyện hoặc hành động mà linh mục dành cho chúng ta trong lời xưng tội và việc sám hối tự nguyện mà chúng ta thực hiện trong suốt cuộc sống hàng ngày, là cách chúng ta đối phó với chiếc xe bị phá hỏng - giúp chuộc lại lỗi lầm của mình, thể hiện sự đau buồn và tình yêu của chúng ta đối với Thiên Chúa.
 

Khi bạn rời khỏi buổi xưng tội và trở về với thế gian, hãy cầu nguyện mỗi ngày để có sức mạnh tránh xa tội lỗi, đặc biệt là những tội mà bạn vừa được tha thứ. Việc xưng tội trở nên dễ dàng hơn khi chúng ta thực hiện nhiều lần. Đôi khi chúng ta có thể bị cám dỗ nghĩ rằng, Ồ, tôi chỉ có những tội nhẹ. Tôi không cần phải đi xưng tội. Nhưng việc xưng tội mang lại cho chúng ta rất nhiều ân sủng! Nó củng cố chúng ta trong việc chống lại cám dỗ và mang lại cho chúng ta ân sủng mà chúng ta cần để chống lại tội lỗi. Nó mang lại cho chúng ta sự bình an của Chúa Kitô.
 

Bí tích này là một ơn ban tuyệt vời và là nơi để gặp gỡ Chúa Kitô. Hãy tận dụng nó thường xuyên!
 


Tác giả: Joannie Watson - Nguồn: Intergated Catholic Life (08/11/2024)
Chuyển ngữ: Phil. M. Nguyễn Hoàng Nguyên
Nguồn: https://giaophanvinhlong.net/

114.864864865135.135135135250