27/12/2024 -

HỌC HỎI

20
Emmanuel - NIỀM HY VỌNG của chúng ta

Mỗi mùa Giáng sinh về, từ “Emmanuel” lại vang lên như một điệp khúc quen thuộc trong lòng người tín hữu. Từ những tấm pano rực rỡ, những hang đá đơn sơ... khắp nơi, “Emmanuel” hiện diện khơi dậy niềm vui, sự an bình và hy vọng. Không chỉ là một hình ảnh trang trí, từ ngữ này còn là một lời mời gọi sâu sắc, dẫn dắt mỗi người đến với cốt lõi thiêng liêng của ngày lễ Giáng sinh: sự hiện diện đầy yêu thương của Thiên Chúa trong cuộc sống nhân loại. Vậy “Emmanuel” thực sự có ý nghĩa gì? Và niềm hy vọng mà Đức Giê-su mang đến đã và đang biến đổi đời sống chúng ta như thế nào?

Từ “Emmanuel” xuất phát từ lời tiên báo của ngôn sứ Isaia: “Này đây, Trinh Nữ sẽ thụ thai, sinh hạ con trai và đặt tên là Emmanuel” (x. Mt 1,23). Ý nghĩa của từ này thật rõ ràng: “Thiên Chúa ở cùng chúng ta.” Đây không chỉ là một danh xưng, mà còn là lời khẳng định sâu sắc về tình yêu và sự hiện diện của Thiên Chúa trong lịch sử nhân loại. Khi Đức Giêsu nhập thể làm người, Ngài đã thực hiện lời hứa cứu độ, trở thành người bạn đồng hành với chúng ta trong mọi vui buồn của cuộc sống. Lời loan báo của thiên thần trong đêm Giáng Sinh: “Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành Vua Đavít, Người là Đấng Kitô Đức Chúa” (Lc 2,10-11) đã làm sáng lên niềm hy vọng cho toàn thế giới. Như Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh: “Giữa sự ngạc nhiên của những người nghèo và tiếng hát của các thiên thần, trời cao mở ra và cúi xuống trên trái đất: Thiên Chúa trở thành một người như chúng ta để làm cho chúng ta trở nên giống như Người.”[1]

Sự hiện diện của Emmanuel là dấu chỉ của tình yêu không biên giới, là cánh cửa hy vọng không bao giờ khép lại. Đức Thánh Cha nhắc nhở thêm: “Nếu Thiên Chúa đến, ngay cả khi tâm hồn chúng ta giống như một máng cỏ nghèo hèn, thì chúng ta có thể nói: niềm hy vọng không chết, niềm hy vọng vẫn sống và bao bọc cuộc sống chúng ta mãi mãi!”[2] . Như Thánh Phaolô cũng nói, đó là “niềm hy vọng không làm thất vọng” (x. Rm 5,5), vì được xây dựng trên nền tảng tình yêu và lòng trung thành của Thiên Chúa. Qua cuộc đời, cái chết và sự phục sinh của Đức Giê-su, Ngài đã mở ra con đường giao hòa và sự sống mới cho nhân loại. Thật vậy, hy vọng Kitô giáo không chỉ là niềm mong chờ một tương lai tốt đẹp, mà còn là sự xác tín rằng Thiên Chúa luôn đồng hành và dẫn dắt. Ngài mang đến cho chúng ta niềm hy vọng được yêu thương, được tha thứ và được hiệp thông trọn vẹn với Thiên Chúa – không chỉ trong hiện tại mà còn trong vinh quang đời đời.

Năm 2024 đang dần khép lại, chúng ta hướng về Năm Thánh 2025 với chủ đề: “Những người hành hương của Hy Vọng.” Trong bối cảnh đó, mùa Giáng Sinh là cơ hội để mỗi người chuẩn bị tâm hồn, sẵn sàng bước vào hành trình mới, hành trình của những người sống niềm hy vọng, qua sự đồng cảm, lòng trắc ẩn và dấn thân vì công lý, đem ánh sáng hy vọng đến những nơi tăm tối như Đức Thánh Cha Phanxico nói: “Niềm hy vọng Kitô giáo không phải là một kết thúc có hậu được chờ đợi một cách thụ động, mà là lời hứa của Chúa mà chúng ta cần đón nhận trong mọi nơi và trong giây phút hiện tại.”
[3]

Học từ gương các mục đồng, những người “hối hả ra đi” (Lc 2,16) để gặp Chúa Hài Đồng, mỗi người Kitô hữu cũng được kêu gọi không trì hoãn, không để mình bị trói buộc bởi sự tầm thường hay lười biếng. Hình ảnh Hài Nhi Giê-su nằm trong máng cỏ là lời nhắc nhở rằng niềm hy vọng lớn lao bắt đầu từ những điều đơn sơ, khiêm nhường. Chỉ khi chúng ta biết cúi xuống, mở lòng và đón nhận Chúa, niềm hy vọng ấy mới thực sự trổ sinh hoa trái trong cuộc sống hằng ngày.

Emmanuel – Thiên Chúa ở cùng chúng ta, là niềm hy vọng lớn nhất mà nhân loại có thể nắm giữ. Tuy nhiên, đó không phải là sự yên ổn trong tự mãn, mà là động lực để hành động, để gieo mầm sự sống mới trên “mảnh đất đau khổ và rên xiết này.”

“Với Chúa niềm vui nảy nở, với Chúa cuộc sống thay đổi, với Chúa niềm hy vọng không làm thất vọng” (Đức Thánh Cha Phanxicô).

Mưa HẠ
 

[1] Đức Phanxicô, Bài giảng Lễ Đêm Giáng Sinh năm 2024 – và nghi thức mở Cửa Thánh
[2] Sđd
[3] Sđd
114.864864865135.135135135250