Đôi khi trong Mùa Vọng hồi còn nhỏ, tôi đã cố tưởng tượng Đức Mẹ Maria đã cảm thấy thế nào trong thời gian chờ đến sự ra đời của Chúa Kitô. Làm thế nào Mẹ có thể đã nhẹ nhàng chuẩn bị cho sự sống mới bên trong mình, liệu tâm trí Mẹ có thường xuyên quay trở lại với những lời đáng kinh ngạc của thiên thần như một kiểu trấn an và làm thế nào để Mẹ đến gần Thánh Giuse khi ngài đảm nhận vai trò là vị hôn phu và người che chở cho Mẹ.
Đối với nhiều bé gái Công giáo, Đức Mẹ Maria là một điều kỳ diệu. Được đội vương miện đầy ngôi sao trên nhiều nền văn hóa và trong suốt chiều dài lịch sử với bàn chân đáng yêu của mình nghiền nát con rắn, Mẹ được những đôi chân thơ bé chạy đến như một người mẹ. Chúng chập chững bước đến bàn thờ bên cạnh Mẹ để đặt hoa và nắm chặt hình ảnh xinh đẹp của Mẹ trên những tấm thiệp bằng những ngón tay nhỏ bé, mũm mĩm.
Những suy nghĩ và sự ngạc nhiên của trẻ thơ có thể nhường chỗ cho sự bí ẩn khi chúng ta già đi và ý tưởng về một người phụ nữ trẻ được thụ thai mà không vương tội lỗi, được mang thai chính Con Thiên Chúa dường như rất xa vời với cuộc sống hàng ngày.
Ngay trước Mùa Vọng vào tháng 11, tôi đã đọc The Reed of God (Cây sáo của Thiên Chúa) của Caryll Houselander trong năm mà tôi chọn đọc một cuốn sách thiêng liêng kinh điển mỗi tháng. Houselander mở đầu suy tư của mình về cuộc đời của Đức Trinh Nữ Maria, được xuất bản lần đầu vào năm 1944, bằng cách ngẫm nghĩ về thái độ xa cách mà mọi người cảm thấy đối với Mẹ Thiên Chúa.
“Với nhiều người, Mẹ là Thánh Mẫu trong tấm thiệp Giáng Sinh, bất động, mãi mãi ngồi trong chuồng ngựa sạch sẽ không tì vết với rơm vàng và tuyết sáng lấp lánh,” bà viết. “Mẹ không có thật. Không có gì về Mẹ là có thật, ngay cả với chuồng ngựa nơi Tình Yêu được sinh ra.”
Điều gì khiến chúng ta cảm thấy xa cách với Đức Mẹ?
Bà viết, có hai điều về Đức Mẹ khiến chúng ta cảm thấy xa cách: những quan niệm sai lầm về sự đồng trinh và khó chấp nhận Mẹ là con người thật khi chúng ta được cung cấp rất ít thông tin về cuộc đời của Mẹ.
Những quan niệm sai lầm về sự đồng trinh rất nhiều, bà viết vì “trên thế giới này không chỉ có những trinh nữ khôn ngoan, mà còn có những trinh nữ không khôn ngoan, những trinh nữ khờ dại; và những trinh nữ khờ dại gây ồn ào hơn trên thế giới so với những trinh nữ khôn ngoan, tạo ra ấn tượng sai lầm về sự đồng trinh bằng thái độ sống vô cảm và thiếu niềm vui của họ.”
“Sự đồng trinh đích thực là sự dâng hiến trọn vẹn của linh hồn và thể xác để được thiêu đốt trong ngọn lửa tình yêu và biến thành ngọn lửa vinh quang của tình yêu,” bà viết. “Sự đồng trinh của Đức Mẹ là sự trọn vẹn của tình yêu mà qua đó nhân tính của chúng ta đã trở thành vị hôn thê của Thần Khí Sự Sống.”
Về nhân tính của Đức Mẹ, Houselander viết rằng, “Mẹ không chỉ là con người; Mẹ còn là nhân loại. Điều mà Mẹ đã và đang làm là điều duy nhất mà tất cả chúng ta phải làm, cụ thể là, đưa Chúa Kitô vào thế giới.”
Houselander lập luận rằng việc thiếu chi tiết mà chúng ta có được về cuộc đời của Đức Mẹ là một lợi thế vì “nếu chúng ta có một bức tranh về tính cách của Đức Mẹ, chúng ta có thể bị lóa mắt khi nghĩ rằng chỉ có một kiểu người mới có thể thành hình Chúa Kitô trong chính mình, và chúng ta sẽ bỏ lỡ ý nghĩa về chính con người của chúng ta” là “Chúa Kitô phải được sinh ra từ mọi linh hồn, được thành hình nơi mọi cuộc đời.”
Và vì vậy, “không có gì ngoài những điều thiết yếu đối với chúng ta được khai mở cho chúng ta về Mẹ Thiên Chúa: sự thật rằng Mẹ đã đính hôn bằng Chúa Thánh Thần và đưa Chúa Kitô vào thế giới. Niềm vui lớn nhất của chúng ta là Mẹ đã làm điều đó trong tư cách là một người bình thường và thông qua cuộc sống thường ngày mà tất cả chúng ta đang sống.”
Đây là bìa sách “The Reed of God” của Caryll Houselander. (Ảnh của OSV News/Ave Maria Press) |
Houselander tiếp tục suy tư rằng có một “phẩm chất đồng trinh” của sự trống rỗng không phải là vô hình và vô nghĩa, mà có “một hình dạng, một hình dạng được ban cho bởi mục đích mà nó được định sẵn.” Sự trống rỗng này giống như lỗ rỗng trên một cây sậy được tạo ra để đón nhận bài nhạc của người thổi sáo, giống như một chiếc cốc được tạo ra để đựng rượu hoặc một chiếc tổ được tạo hình để đón nhận một chú chim non.
Đức Maria, bà viết, là một “cây sậy mà Tình Yêu vĩnh cửu sẽ thổi qua như bài nhạc của người chăn cừu” và là một “cái chén giống như đóa hoa” mở ra để đón nhận “nguồn nước tinh tuyền nhất của nhân loại” hòa quyện với rượu, “biến thành máu đỏ thắm của tình yêu và được nâng lên trong lễ hy sinh.” Mẹ là “chiếc tổ ấm áp được tạo thành theo hình dạng của nhân loại để đón nhận Chú Chim Nhỏ từ Thiên Chúa.”
Bà thách thức người đọc tự hỏi mình, “bằng cách nào chúng ta có thể hoàn thành công việc trao ban sự sống cho Chúa Kitô nơi mình? Chúng ta có phải là những ống sáo không? Người có đang chờ đợi để sống một cách thi vị qua chúng ta không? Chúng ta có phải là chén thánh không? Người có muốn được trở thành lễ hy sinh trong chúng ta không? Chúng ta có phải là tổ ấm không? Người có mong muốn được sống trong cuộc sống gia đình ấm áp, ngọt ngào không?
Cuối cùng, bà viết rằng “bất kể chúng ta là gì thì cũng tạo nên hình hài cho sự trống rỗng trong chúng ta mà chỉ có Thiên Chúa mới có thể lấp đầy và Thiên Chúa vẫn đang chờ đợi để lấp đầy.”
Mùa của “sự khiêm nhường, thinh lặng và trưởng thành”
Houselander gọi Mùa Vọng là “mùa của sự khiêm nhường, thinh lặng và trưởng thành” khi Đức Mẹ cảm nghiệm Chúa Kitô đang thành hình trong Mẹ khi Mẹ sống cuộc sống thường ngày.
Có những Mùa Vọng trong cuộc đời của chúng ta - cả về phụng vụ và liên quan đến những giai đoạn chờ đợi và đau khổ - khi “chúng ta vẫn chưa thấy được sự rạng rỡ của Chúa Kitô trong cuộc sống của mình; điều này vẫn ẩn giấu trong bóng tối của chúng ta; tuy nhiên, chúng ta phải tin rằng Người đang trưởng thành trong cuộc đời của chúng ta; chúng ta phải tin điều đó một cách chắc chắn đến mức chúng ta không thể không có liên hệ đến mọi thứ, nghĩa là mọi thứ với thực tại đáng kinh ngạc nhất này.”
Khi thiên thần đến với Đức Maria và Mẹ đã thưa “xin vâng,” đó là lời xin vâng dành cho tất cả chúng ta. “Tất cả chúng ta đều được mời gọi phó thác con người của mình, nhân tính của mình, thân xác và máu thịt của mình, cho Chúa Thánh Thần,” bà viết, và sự phó thác được yêu cầu này bao gồm “sự tin tưởng hoàn toàn và tuyệt đối; nó phải giống như sự phó thác của Đức Mẹ, vô điều kiện và không có sự dè dặt.” Điều đó có nghĩa là “tin tưởng rằng bất cứ điều gì Thiên Chúa làm với bạn và với gia đình bạn đều là hành động của một Người Cha với tình yêu vô hạn”.
Niềm tin của Đức Maria trải dài từ tiếng “xin vâng” đầu tiên của Mẹ cho đến tận chân thập giá.
“Vào khoảnh khắc đó, khi Đức Mẹ đón nhận Tình Yêu của Chúa Thánh Thần như tình yêu hòa hợp với linh hồn Mẹ, Mẹ cũng đón nhận Người Con sẽ chết trong vòng tay mình,” bà viết. “Chính lòng tin giúp đón nhận sự ngọt ngào tuyệt đối từ Chúa Giêsu Hài Đồng giữa đôi tay của Mẹ, cũng đã nhìn ngắm Mẹ bằng chính đôi mắt của Mẹ, đã đón nhận thân xác lạnh cứng, bất động mà đôi tay Mẹ sẽ xức thuốc thơm.”
Có bao nhiêu bà mẹ có thể noi gương Đức Maria, người “có thể nhìn thấy đứa con trai của mình bị giết chết, nằm đó bầm dập từ đầu đến chân, bị xúc phạm và chết đi trong khi vẫn tin vào tiếng nói của Chúa Cha: ‘Đây là con yêu dấu của Ta, Ta rất hài lòng về con.’”
Houselander đã viết ở Anh trong bối cảnh lo lắng và bất an của Thế chiến thứ hai. Trước những mối bận tâm và lo lắng trong Mùa Vọng này 80 năm sau, những lời của Đức Maria đã dẫn chúng ta đi theo con đường của Mẹ Thiên Chúa, Mẹ chúng ta, người mà lời “xin vâng” đầu tiên với Thiên Chúa đã mở ra ánh sáng và hy vọng cho lễ Giáng Sinh và cuối cùng là chiến thắng trước đau khổ và cái chết vào lễ Phục Sinh.
Tác giả: Lauretta Brown - Nguồn: Our Sunday Visitor (13/12/2024)
Chuyển ngữ: Phil. M. Nguyễn Hoàng Nguyên
Nguồn: https://giaophanvinhlong.net/