29/11/2024 -

HỌC HỎI

7
Làm sao để có được sự bình an?

Chúng ta không quá khó để bắt gặp hai chữ “bình an” trong cuộc sống hàng ngày. Cho dù là một người đến từ quốc gia hay châu lục nào, tôn giáo hay tín ngưỡng nào, già hay trẻ, nam hay nữ… đều muốn có một cuộc sống bình an. Vậy bình an từ đâu mà có? Là do người khác ban tặng hay do chúng ta tạo ra? Có nhiều cách giải thích khác nhau về sự bình an. Chung quy lại, dù bình an xuất phát từ đâu, đó thực sự là một khao khát thực sự giá trị mà mỗi người chúng ta đều muốn sở hữu. Tưởng chừng đơn giản nhưng với nhiều người, đạt được sự bình an không hề dễ dàng. Vậy làm sao để có được sự bình an?
 

Theo định nghĩa của từ điển Tiếng Việt do Hoàng Phê biên soạn thì “bình an” có nghĩa là yên lành, không gặp điều gì tai hại hay rủ ro. Như vậy, trạng thái bình an là trạng thái không có sự cố hay trắc trở nào trong cuộc sống. Hiểu như vậy thì những giàu có về vật chất, gia đình đủ đầy thành viên, ăn sung mặc sướng hàng ngày cũng được coi là bình an chăng? Chẳng hạn, tổng giám đốc công ty có bình an khi doanh thu liên tục tăng vọt, bác chủ doanh nghiệp có bình an khi hàng hóa được xuất khẩu hàng tuần, cô công nhân có bình an khi lương về đều đặn mỗi tháng, chú bán vé số có bình an khi bán hết các vé trong ngày, em học sinh có bình an khi đạt điểm cao trong các kì thi… Đó là bình an của mỗi người. Tuy nhiên, đó có phải là bình an đích thực hay không?
 

Những điều nói trên có thể theo cách nào đó mang lại bình an cho chúng ta. Thế nhưng, tự bản chất chúng là những điều hữu hạn, bất toàn nên sự bình an mà chúng đem lại không thể kéo dài được. Chúng chỉ là họa ảnh nhất thời cho một sự bình an trổi vượt và vĩnh cửu mà chỉ nơi Thiên Chúa chúng ta mới khám phá ra được. Thiên Chúa đã yêu trần gian đến nỗi ban chính Con Một của mình là Đức Giêsu để Người sống cùng con người và chịu chết vì con người. Mục đích cuối cùng là mang lại bình an cho chúng ta. Chính Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ rằng “Thầy để lại bình an cho các con, Thầy ban bình an của Thầy cho các con” (Ga 14, 27). Người là chính bình an, và Người cũng muốn chia sẻ bình an ấy cho các môn đệ của mình. Sau khi Người chịu chết và sống lại, Người đã hiện ra với các ông và lời chào đầu tiên của Người là “Bình an cho anh em” (Ga 20, 19). Người luôn muốn trao ban bình an tột cùng ấy cho những người học trò yêu mến của mình. Để ngày hôm nay, chúng ta cùng hưởng nhờ bình an ấy là bình an thật đến từ Chúa Giêsu qua lời chúc bình an của linh mục chủ tế mỗi khi chúng ta tham dự Thánh lễ - “Bình an của Chúa ở cùng anh chị em”.
 

Như vậy, bình an là khi chúng ta thực sự cảm nhận được cái tĩnh lặng rất riêng trong chính tâm hồn mình . Nó còn là cảm giác vô cùng bình an khi tựa nương vào Chúa, một mình với Chúa và thân thưa với Chúa trong tương quan Cha con thân mật.  Tất cả của cải vật chất phục vụ cuộc sống chúng ta hàng ngày chỉ là bình an về mặt hình thức bề ngoài. Đến đây, chắc hẳn chúng ta cũng cảm nhận được bình an đích thực ở chỗ nào. Một mặt, tổng giám đốc sẽ không có được bình an khi con cái hư hỏng, bác chủ doanh nghiệp không được bình an khi gia đình lục đục hàng ngày… Thế nhưng, cô công nhân, chú bán vé số, em học sinh nghèo luôn cảm thấy bình an khi gia đình họ hạnh phúc, đầy ắp tiếng cười mặc dù cuộc sống vô cùng cơ cực. Của cải vật chất chỉ là một phần rất nhỏ ảnh hưởng đến việc chúng ta có cảm nhận được bình an hay không. Thật vậy, bình an hệ tại ở chính thái độ của chúng ta trước mọi biến cố. Quan trọng là chúng ta đối mặt với các thử thách trong cuộc sống như thế nào để rồi nhẹ nhàng đón nhận được bình an từ cuộc sống.
 

Quả thật, tự do chọn lựa là yếu tố quan trọng để chúng ta có được sự bình an. Thiên Chúa đã tạo dựng con người bằng tình yêu thương vô bờ, trao ban cho con người nhiều đặc ân, trong đó có tự do. Thánh Phaolô đã trình bày trong thư Galat: “Chính để chúng ta được tự do mà Đức Kitô đã giải thoát chúng ta” (Gl 5, 1). Do đó, chúng ta phải biết sử dụng tự do ấy như thế nào để chọn lựa được bình an cho riêng mình. Tôi làm điều tốt, giúp đỡ người khác, tham gia các hoạt động thiện nguyện để tâm hồn tôi được bình an, tôi có giấc ngủ an lành; hay tôi đi trộm cắp, sa vào tệ nạn xã hội để rồi mất bình an, cuộc sống rơi vào trụy lạc. Đó là lựa chọn của mỗi người, bởi vì chúng ta có tự do. Tự do để tìm đến bình an khi chúng ta biết tìm đến Chúa, dành một không gian rất riêng trong tâm hồn cho Ngài. “Hãy trút mọi gánh lo vào tay Chúa, Người sẽ đỡ đần cho” (Tv 54, 23). Có như thế, dù ở hoàn cảnh nào, thì Chúa vẫn ngự trị trong tâm hồn ta, giúp ta có một tâm hồn thật sự bình an khi có Ngài.
 

Thực ra, ở bất kì bậc sống nào cũng cần ơn bình an. Cho dù là chúng ta đang bước đi trong ơn gọi thánh hiến hay ơn gọi gia đình, thì bình an là điều mà chúng ta cần phải có. Tuy mỗi bậc sống sẽ có những hình thái khác nhau của bình an nhưng chúng ta chỉ có thể bước đi vững chãi trên con đường mình đã chọn khi có bình an. Là một Kitô hữu, đang ở bậc sống nào, chúng ta luôn xin ơn bình an từ Thiên Chúa. Thánh Phanxico Assisi trong lời Kinh hòa bình cũng kết thúc với câu: “Xin thương ban xuống những ai lòng đầy thiện chí, ơn an bình”. Trước khi bắt đầu ngày mới cho đến khi đi ngủ, chúng ta luôn phải cảm tạ Chúa vì Người đã thương ban cho chúng ta sự bình an. Trong giờ kinh tối, chúng ta phải đọc lời kinh nguyện rằng: “Muôn lạy Chúa, giờ đây theo lời Ngài đã hứa, xin để tôi tớ này được an bình ra đi” (Lc 2, 29). Dù ở hoàn cảnh nào thì chúng ta cũng cần xin ơn ra đi trong bình an, sống trong bình an và chết cũng trong bình an của Chúa.
 

Mẹ Maria là mẫu gương của sự bình an. Nơi Mẹ luôn chất chứa một nguồn bình an vô tận. Nhìn lại cuộc đời của Mẹ, ta thấy Mẹ luôn sống khiêm nhường, vâng lời Thiên Chúa trong bình an. Mẹ được Thiên Chúa chọn lựa cách đặc biệt để cưu mang Ngôi Lời, Đấng được gọi là “Hoàng Tử của bình an”. Mẹ đã hoàn thành sứ vụ Thiên Chúa trao phó một cách trọn vẹn nhờ Mẹ đã cộng tác cách đặc biệt vào công trình cứu độ của Người. Chính vì vậy, Mẹ đã được Thiên Chúa yêu thương và trao ban bốn đặc ân mà không người nữ nào có được: Mẹ Thiên Chúa, vô nhiễm nguyên tội, đồng trinh trọn đời và lên trời cả hồn lẫn xác. Mẹ là mẫu gương cho muôn thế hệ về ơn bình an, để rồi chúng ta luôn cầu xin Mẹ, vì Mẹ là “Nữ vương ban sự bình an”.
 

Hiện nay, chúng ta thấy nhiều người tìm đến cảm giác bình an với nhiều hình thức khác nhau như đi đến miền quê xa vắng, ngồi thiền, tập yoga, đi bộ,… Tuy nhiên, có thể hiểu là bình an không phải là cảm giác nhất thời vội đến vội đi mà nó là một tình trạng lâu dài đến từ sự tự do chọn lựa một thái độ sống phù hợp với Tin Mừng. Do đó, chúng ta vẫn có bình an dù trong những lúc gian nan thử thách, nhất bình an cả một đời sống, khi tâm hồn mỗi người đang cảm nhận sâu sắc được bình an này từ cuộc sống hiện tại. Đời sống này phải cậy dựa vào tình yêu của Chúa và tình yêu thương tha nhân. Trong bữa Tiệc Ly, Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ: “Thầy để lại bình an cho các con, Thầy ban bình an của Thầy cho các con. Bình an Thầy ban cho các con không như bình an thế gian ban tặng” (Ga 14,27). Bình an này không thể nào giả tạo hay ảo giác được mà chính là nguồn bình an vô tận từ Thiên Chúa. Bởi có Chúa mới là nguồn bình an đích thực: “Chỉ trong Thiên Chúa mà thôi, hồn tôi mới được nghỉ ngơi yên hàn” (Tv 62, 2).
 

Ngày nay, thế giới đang phải đối mặt với nhiều thử thách khó khăn như chiến tranh, bạo lực và xung đột… Vậy chúng ta có đang thực sự bình an trong cuộc sống? Với những thách đố như thế thì khao khát hòa bình luôn bùng cháy trong mỗi chúng ta. Mầm mống của chiến tranh và bạo lực đều bắt nguồn từ hận thù trong con người. Chính vì lẽ đó, nền hòa bình của thế giới sẽ không bao giờ có được nếu như con người không có bình an trong tâm hồn. Chúng ta phải cố gắng vun đắp bình an thịnh vượng cho đất nước và thế giới mà chúng ta đang sinh sống. Lối suy nghĩ tích cực hơn, yêu thương nhiều hơn sẽ góp phần tăng thêm lòng vị tha và bác ái đối với mọi người xung quanh. Theo tác giả Jonas Salzgeber, khi chúng ta có thể đẩy lùi những cảm xúc tiêu cực, sẽ không còn chỗ cho hối hận, nỗi sợ hãi hay bất an. Triết lý Khắc kỷ cũng chỉ ra rằng bình thản, hay sự an nhiên, chính là nền tảng cho bình an.
 

Tóm lại, bình an luôn là khát vọng của con người. Bình an không chỉ là hình thức đủ đầy bên ngoài nhưng còn là bình an trong chính tâm hồn. Muốn cho thế giới hòa bình, gia đình hạnh phúc thì chính mỗi cá nhân phải tự mình nuôi dưỡng nguồn bình an sung mãn. Chính Thiên Chúa là nguồn bình an đích thực, Ngài luôn muốn chúng ta hưởng nếm một cuộc sống bình an. Hãy chạy đến với Chúa và dành một cõi lòng thật riêng tư cho Ngài. Tâm hồn thánh thiện bình an chính là lúc chúng ta sống trọn vẹn theo Lời Chúa dạy, thờ phượng Thiên Chúa và yêu thương tha nhân như chính bản thân mình. Mẹ Maria là Nữ Vương của bình an. Xin Chúa, qua lời chuyển cầu của Mẹ, ban cho chính tâm hồn mỗi người nguồn bình an đích thực, để mỗi người trở nên một phần tử góp phần làm thế giới thịnh vượng và giúp nối dài niềm vui Tin Mừng của Giáo Hội.


Tác giả: Tâm An
(Bài viết được CTV gởi về BBT Website GPVL)
Nguồn: https://giaophanvinhlong.net/

114.864864865135.135135135250