Lời Chúa là Lời Hằng Sống: sống động và luôn tươi mới, ấy thế mà, thực tế cho thấy: mỗi khi suy niệm Lời Chúa, ta thường có cảm giác nhàm chán, tẻ nhạt. Vậy, ta phải làm gì: để Lời Chúa luôn mới mẻ? Thưa, phải bám sát Phụng Vụ. Thật vậy, Thánh Kinh chỉ trở thành Lời Chúa, khi ta đọc Thánh Kinh trong lòng Hội Thánh, và nhất là, trong Phụng Vụ Thánh. Nếu tách ra khỏi Hội Thánh và Phụng Vụ Thánh, ta sẽ Duy Thánh Kinh (Sola Scriptura).
Chẳng hạn, Bài Tin Mừng Lc 6,39-45, mà ta sẽ đọc vào Chúa Nhật Tuần VIII Thường Niên Năm C này, nếu không bám sát Phụng Vụ, ta sẽ dễ đi vào lối mòn: suy niệm về việc “xét đoán”, thấy cái rác trong mắt người khác, mà không thấy cái xà trong mắt mình. Phải chăng các nhà Phụng Vụ muốn ta suy niệm về việc “xét đoán”? Nếu đúng là “xét đoán”, thì tại sao họ không chọn câu có “cái rác”, “cái xà” để in nghiêng, mà lại chọn câu: Lòng đầy, miệng mới nói ra? Nếu ta nhảy vào suy niệm về việc “xét đoán”, mà bất chấp bối cảnh Phụng Vụ của ngày hôm đó, thì ta vô tình đã biến bài suy niệm của mình thành một bài dạy về luân lý, về cách đối nhân xử thế: dạy ăn ngay ở lành, đang khi đó, Lời Chúa là Lời Mặc Khải, hướng ta đến một đời sống đức tin: vượt lên trên những giá trị nhân bản thông thường, để đạt đến chiều kích “Kitô tính”, hầu, giúp ta trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô.
Nếu chúng ta để Chúa dẫn dắt mình qua từng bài đọc của Phụng Vụ ngày hôm đó, chúng ta sẽ tìm được một sợi chỉ đỏ xuyên suốt, mới thấy được sự sống động và quả thật, Lời Chúa đúng là Bánh có đủ mọi mùi vị thơm ngon, chứ không phải chỉ có một vị tẻ nhạt.
Nếu lấy câu in nghiêng: Lòng đầy, miệng mới nói ra làm sợi chỉ đỏ nối kết toàn bộ các bài đọc với nhau, ta sẽ thấy: Bài đọc một của giờ Kinh Sách được trích từ sách Gióp cho thấy: Lòng của ông Gióp đầy, nên miệng ông mới thốt ra được những tâm tình biết ơn và kính sợ đối với Đấng đã dựng nên mình, cho dẫu, ông đang phải đối mặt với biết bao tai ương bất ngờ ập đến. Ông không nguyền rủa, nhưng lại, chúc tụng ngợi khen Chúa. Bài đọc hai của giờ Kinh Sách là bài chú giải của thánh Ghêgôriô Cả cho thái độ của ông Gióp: Lòng đầy, miệng mới nói ra. Bài đọc một của Thánh Lễ, được trích từ sách Huấn Ca nhắc nhở ta: Đừng vội khen ai, phải chờ cho đến khi họ mở miệng nói, lúc đó, ta mới biết được họ là ai, bởi vì, lòng đầy, miệng mới nói ra. Bài Đáp Ca là Thánh Vịnh 91 cho thấy: Hạnh phúc thay được tạ ơn, được mừng hát, được tuyên xưng tình thương của Chúa. Để có thể nói lời tạ ơn, hát mừng, và tuyên xưng tình thương của Chúa, thì ắt hẳn, trong lòng ta phải chất chứa đầy những tâm tình của lòng kính sợ và biết ơn, cho nên, lòng đầy, miệng mới nói ra. Bài đọc hai của Thánh Lễ, được trích từ thư thứ nhất của thánh Phaolô gửi tín hữu Côrintô, nói cho ta biết: ta sẽ chiến thắng nhờ Đức Kitô. Nếu lòng ta đầy tràn sự tin tưởng cậy trông vào Chúa, kiên trì bền chí chịu khó nhọc, thì chắc chắn, ta sẽ giành được chiến thắng. Lòng đầy, miệng mới nói ra: Lòng đầy trông cậy, ta sẽ nói ra những lời đầy tràn hy vọng, và đời sống của ta sẽ cho thấy niềm hy vọng ta đặt nơi đâu.
Câu Tung Hô Tin Mừng kêu gọi: Giữa thế gian, anh em phải chiếu sáng như những vì sao trên vòm trời, và làm sáng tỏ lời ban sự sống. Giữa một thế gian tăm tối, đau thương, loại trừ và nguyền rủa Thiên Chúa, một đời sống đầy tràn tin tưởng cậy trông của ta sẽ trở thành những vì sao chiếu sáng trên vòm trời. Khi lòng ta chất chứa bao niềm tri ân cảm tạ Thiên Chúa, thì đời sống của ta sẽ tuôn trào những lời chúc tụng ngợi khen, cho dẫu, thực tế trước mắt thật nghiệt ngã đau thương, như tình cảnh của ông Gióp. Chúng ta tạ ơn Chúa trong mọi hoàn cảnh, bởi vì, ta đã có Đức Kitô, là ánh sáng chiếu soi vào trong những bất hạnh đau thương của ta, và ta sẽ được an vui thờ phượng Chúa, như Lời Tổng Nguyện mà các nhà Phụng Vụ muốn chúng ta xin trong Thánh Lễ này.
Tác giả: Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB
Nguồn: https://giaophanvinhlong.net/