05/01/2025 -

HỌC HỎI

32
Niềm hy vọng Kitô giáo như một liều thuốc giải cho nỗi tuyệt vọng thời hiện đại

Trong Sắc chỉ La esperanza no defrauda nunca (“Niềm hy vọng không bao giờ làm thất vọng”) mới ban hành gần đây, Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhớ lại rằng, trong những chuyến đi bộ ở Buenos Aires, ngài thỉnh thoảng bắt gặp những nhà ngoại cảm dựng bàn ở các công viên thành phố. Mọi người xếp hàng dài để nghe một phiên bản của cùng một câu chuyện: “Có một người phụ nữ trong cuộc đời bạn, một cái bóng phủ lên bạn, nhưng mọi thứ sẽ ổn thôi.” Vị linh mục trẻ ngạc nhiên khi thấy khách hàng dễ dàng hài lòng với những lời sáo rỗng như vậy, vui vẻ trả tiền và tiếp tục đi. “Đây,” ngài cảnh báo, “là một thần tượng, và khi chúng ta đầu hàng trước sự sùng bái thần tượng, chúng ta mua phải những hy vọng sai lầm.”
 

Đức Phanxicô thêm vào đó thực tế đáng buồn rằng, mặc dù Chúa Giêsu Kitô không tính phí chúng ta bất cứ thứ gì cho niềm hy vọng mà Người mang lại bằng cách hy sinh mạng sống mình vì chúng ta trên thập giá, nhưng chúng ta cũng dễ dàng vứt bỏ nó hoặc coi nó như thể nó chẳng có ý nghĩa gì với chúng ta. Đức Thánh Cha than thở rằng thật khó để có bất kỳ hy vọng nào giữa Dân Chúa khi chính chúng ta lại là những người âm mưu ngăn cản nấm men phát huy tác dụng của nó trên khối bột. Qua tội lỗi của mình, chúng ta đã từ chối mảnh đất màu mỡ mà hạt giống cần có để tạo ra một vụ mùa bội thu, điều sẽ mở ra một chân trời mới cho anh chị em của chúng ta. Ngài tiếp tục cầu xin sự tha thứ cho những tội lỗi đã phạm phải đối với người bản địa, người nghèo, người dễ bị tổn thương, người bị ngược đãi và những người bị các thành viên của hàng giáo sĩ lạm dụng.
 

Đây là một lời cầu xin tha thứ đau lòng, nhưng không phải là chưa từng có. Thật vậy, việc cầu xin sự tha thứ cho những lỗi lầm mà Giáo Hội đã phạm phải là một dấu hiệu đặc trưng của các Năm Thánh thường lệ do Đức Giáo Hoàng Phaolô VI và Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II khởi sự. Trong Cựu Ước, Năm Thánh được cử hành như một thời gian ân sủng trong đó Dân Chúa cảm nghiệm về lòng thương xót của Người và đón nhận món quà hòa bình của Người theo một cách phi thường. Đó là thời gian để tha thứ tội lỗi, tìm kiếm sự hòa giải và để đất đai được bỏ hoang.
 

Khi Giáo Hội tiến gần đến kỷ niệm 25 năm kể từ Năm Thánh 2000, Đức Phanxicô đề xuất rằng, để có được sự đánh giá sâu sắc hơn về đức hy vọng, chúng ta hãy xem xét đến điều đối lập với đức hy vọng: sự tuyệt vọng. Ngài tin rằng, sự tuyệt vọng đã trở nên đặc biệt nghiêm trọng trong thời đại thờ ơ và ích kỷ này. “Chúng ta đang sống trong một sự thay đổi của các thời đại chứ không phải là thời đại của những thay đổi, và chúng ta không được để mình bị nỗi tuyệt vọng chế ngự”. Do đó, Đức Phanxicô khuyên chúng ta không nên xem Năm Thánh chỉ là cơ hội để đạt được lợi ích cá nhân, mà phải chú ý đến bản chất cộng đồng của nó, vì tuyệt vọng gắn liền chặt chẽ với sự chuyển hướng sang chủ nghĩa cá nhân.
 

Đức Phanxicô suy ngẫm về những hiểu biết sâu sắc của triết gia đương đại Byung-Chul Han và niềm tin của ông rằng “sự sùng bái thành tích cá nhân” cô lập mọi người, khiến họ trở nên ích kỷ và kìm hãm sự đồng cảm của họ vì nó khiến họ không quan tâm đến nỗi đau khổ của người khác. Con người hiện đại chỉ quan tâm đến bản thân mình, hạnh phúc của riêng mình, sự khỏe mạnh của riêng mình. Tin Mừng là liều thuốc giải cho sự dứt bỏ tình đoàn kết này vì niềm hy vọng Kitô giáo, không giống như “sự sùng bái thành tích cá nhân,” không quay lưng lại với những khía cạnh tiêu cực của cuộc sống mà đối mặt trực diện với chúng như sự hiện diện đích thực để thánh hóa chúng ta. Chủ thể của niềm hy vọng Kitô giáo luôn là “chúng ta” chứ không bao giờ là “tôi”.
 

Vì lý do này, niềm hy vọng, Đức Phanxicô viết, vừa là mỏ neo của con tàu Kitô giáo vừa là cánh buồm của nó. Trong khi giữ cho Giáo Hội vững chắc neo đậu trong Chúa Kitô, niềm hy vọng thúc đẩy Giáo Hội ra ngoài, rời xa bờ biển thoải mái và đầy toan tính của mình để hướng đến những vùng ngoại vi xa nhất của sự tồn tại của con người (x. Evangelii Gaudium, 20), mang ánh sáng của Tin Mừng đến mọi hòn đảo tuyệt vọng. Abraham và Môsê là những điển hình. Người trước đã chấp nhận lời kêu gọi rời bỏ quê hương để đến một vùng đất mới (x. St 3:10-17), và người sau đã lắng nghe lời yêu cầu của Thiên Chúa để dẫn dắt dân Người ra khỏi cảnh nô lệ ở Ai Cập đến sự tự do của Đất Hứa (x. Xh 3:10-17).
 

Đức Phanxicô nhấn mạnh rằng chúng ta trong Giáo Hội không miễn nhiễm với những rủi ro và cám dỗ của “sự sùng bái thành tích cá nhân.” Niềm hy vọng thúc giục chúng ta chống lại việc để bản thân bị quyến rũ bởi những thứ phù du và dễ thay đổi, bởi chủ nghĩa khoái lạc trống rỗng và những lời hứa về niềm vui thích tức thời, tư lợi và ích kỷ. Đức Phanxicô đề xuất niềm hy vọng là nhân đức mang lại cho chúng ta sức mạnh để thoát khỏi “sự tầm thường về mặt thiêng liêng,” không giống như những cám dỗ khác, có thể khó bị vạch trần vì nó thường được che đậy bởi những thứ thường trấn an chúng ta, chẳng hạn như phụng vụ, lòng đạo đức và thậm chí là giáo lý. Để chống lại “sự tầm thường về mặt thiêng liêng” này, Đức Giáo hoàng kêu gọi sự khiêm nhường, mà ngài định nghĩa là “khả năng biết cách sống nhân tính của mình mà không tuyệt vọng và với chủ nghĩa hiện thực, niềm vui và hy vọng; một nhân tính được Thiên Chúa yêu thương và chúc lành,” và ân sủng “để hiểu rằng chúng ta không phải xấu hổ về sự mong manh của mình.” Hai dấu hiệu cho thấy chúng ta không sống niềm hy vọng và sự khiêm nhường này là từ chối học hỏi từ tội lỗi của mình và từ chối cầu xin ơn tha thứ.
 

Đức Giáo Hoàng Phanxicô gợi ý rằng sự hỗ trợ chắc chắn nhất để giúp chúng ta nhìn nhận tội lỗi của mình, cầu xin ơn tha thứ và sẵn sàng tha thứ là vun đắp một niềm hy vọng luôn mang tính truyền giáo, luôn mang tính cộng đồng. Trích dẫn vị tiền nhiệm của mình, Đức Phanxicô nhắc nhở chúng ta rằng “niềm hy vọng của chúng ta về cơ bản luôn là niềm hy vọng cho người khác; chỉ có như vậy nó mới thực sự là niềm hy vọng cho chính tôi. Là những người Kitô hữu, chúng ta không bao giờ nên giới hạn bản thân mình vào việc tự hỏi: làm thế nào tôi có thể cứu lấy mình? Chúng ta cũng nên tự hỏi: tôi có thể làm gì để người khác có thể được cứu và để ngôi sao hy vọng cũng có thể mọc lên cho họ? Khi đó, tôi cũng sẽ làm hết sức mình cho ơn cứu độ cá nhân của chính mình.” (Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI, Spe Salvi, 48)


Tác giả: Daniel B. Gallagher - Nguồn: Catholic Exchange (20/12/2024)
Chuyển ngữ: Phil. M. Nguyễn Hoàng Nguyên
Nguồn: https://giaophanvinhlong.net/

114.864864865135.135135135250