07/05/2022 -

HỌC HỎI

867
Ơn thiên triệu là gì?


Theo cuốn “Catholic Word Book” (Sách Từ Ngữ Công Giáo), trang 44, NXB Knights of Columbus, có định nghĩa về ơn thiên triệu – thường gọi là ơn gọi:


“Đó là ơn gọi theo một cách sống. Nói chung, thuật ngữ này áp dụng cho ơn gọi chung của mọi người Thiên Chúa kêu gọi tới sự thánh thiện và ơn cứu độ. Đặc biệt, đó là nói tới tình trạng sống của mỗi người theo ơn gọi riêng, đó là hôn nhân, tu trì, linh mục, sống độc thân hoặc chấp nhận hoàn thành Ý Chúa. Thuật ngữ này cũng áp dụng cho các nghề nghiệp mà người ta sinh sống. Giáo Hội ủng hộ sự tự do của mỗi người trong việc chọn lựa nghề nghiệp nào đó, và duy trì quyền tự do chấp nhận của các ứng viên lên chức linh mục và khấn dòng. Có nhiều dấu hiệu để nhận biết ơn gọi, kể cả tài năng và mối quan tâm, tình huống và lời hứa, lời mời gọi của ân sủng và sẵn sàng đáp lại”.


Trước Công đồng Vatican II, khi nói tới “ơn thiên triệu” (vocation) hoặc “ơn gọi” (calling), người ta thường hiểu ngầm về thiên chức linh mục. Những người muốn làm tu sĩ, được gọi là ơn gọi tu trì. Người ta gọi người muốn kết hôn là có ơn gọi hôn nhân, nếu người đó không muốn sống độc thân.


Từ Công đồng Vatican II, nhiều kinh cầu cho ơn thiên triệu được soạn ra bao gồm mọi dạng ơn gọi. Cũng đã có những lúc giảm sút ơn gọi tu trì và linh mục. Đó có thể vì những lời nguyện có những kiểu cầu nguyện khác nhau, không nhấn mạnh vào nhu cầu về ơn gọi linh mục. Có câu nói cổ này: “Hãy theo dõi điều bạn cầu nguyện” (Watch what you pray for). Nếu bạn cầu xin mọi thứ, bạn sẽ được mọi thứ. Những người thật lòng xin ơn gọi trong giáo xứ của mình nên cầu xin ơn gọi linh mục. Nếu không, họ đáng trách, vì đã không cầu xin đúng Ý Chúa.


1. CÁC LINH MỤC VÀ CÁC TU SĨ LÀM GÌ SUỐT NGÀY ?


Cũng như đa số người lớn, họ dành thời gian để làm việc hằng ngày. Họ gọi công việc là bổn phận kiểu mẫu và động cơ vì Chúa Giêsu, Đấng yêu cầu họ noi gương Ngài phục vụ Dân Chúa. Nhưng họ không chỉ làm việc! Để sống lành mạnh và cân bằng, hãy cố gắng cầu nguyện bằng nhiều cách. Cầu nguyện, nhiệm vụ và vai trò là 3 cách giúp họ sống lành mạnh để có thể phục vụ hiệu quả và vui sống.


Trong lĩnh vực nhiệm vụ hoặc chức vụ, nhiều linh mục và tu sĩ có nghề chính – như dạy học, phục vụ giáo xứ, hoạt động xã hội, hoặc làm việc trong bệnh viện. Thời khóa biểu hằng ngày có thể khác so với người khác. Họ thường hội họp vào buổi tối, linh mục xứ thường làm việc vào các ngày thứ Bảy và Chúa Nhật, đồng thời dành một số thời gian nghỉ ngơi trong tuần.


Nhu cầu không thể biết trước cũng làm cho cuộc sống phong phú. Điều trung tâm này thường thỏa mãn nhu cầu của con người, dù đó là học sinh, gia đình chuẩn bị cử hành các bí tích, hoặc bệnh nhân, người lớn, người tức giận, người bị thương, người đói, hoặc tù nhân. Họ cố gắng chia sẻ cuộc sống với người khác và khám phá Đức Kitô trong công việc.


Những người là thành viên của các dòng chiêm niệm (chuyên cầu nguyện) hằng ngày kết hợp công việc, cầu nguyện, và nghỉ ngơi. Sự khác biệt là họ dành nhiều thời gian để cầu nguyện hơn các tu sĩ và linh mục khác. Đôi khi họ tự trồng cây làm lương thực và sản xuất thứ gì đó để kiếm thu nhập – có thể là làm bánh lễ, làm nến, làm ảnh tượng, làm rượu lễ, đóng sách,… Việc cầu nguyện của họ thường là Thánh Lễ, cầu nguyện riêng (gọi là chiêm niệm), đọc sách thiêng liêng, và những giờ kinh nhật tụng (kinh của Giáo Hội, chủ yếu là Lời Chúa, Thánh Thi và Thánh Vịnh).


2. CẦU NGUYỆN QUAN TRỌNG THẾ NÀO TRONG CUỘC SỐNG ?


Vì họ đã chọn đời sống tu trì, sống theo lời khuyên Phúc Âm, việc cầu nguyện phải là trung tâm của đời sống của họ. Hãy nghĩ về việc kết hiệp mật thiết với Thiên Chúa, giống như việc giao tiếp xảy ra giữa hai người yêu nhau. Mối quan hệ giữa họ với Thiên Chúa phải phát triển sâu sắc qua việc cầu nguyện.


Vì cầu nguyện là việc quan trọng, nhiều linh mục và tu sĩ dành khoảng hai giờ (hoặc hơn) để cầu nguyện mỗi ngày. Điều quan trọng là việc tham dự Thánh Lễ hằng ngày. Họ cũng có những dạng cầu nguyện chính thức khác như kinh Phụng vụ và lần Chuỗi Mân Côi, hoặc đọc sách thiêng liêng và đọc Kinh Thánh. Họ cũng có những giờ cầu nguyện riêng, có thể là đọc sách đạo đức hoặc thinh lặng trước mặt Chúa. Một trong các hiệu quả của việc cầu nguyện là giúp họ nhận biết hoạt động của Chúa qua con người, các sự kiện, và đời sống hằng ngày.


3. CẦU NGUYỆN CÓ DỄ DÀNG ĐỐI VỚI BẠN ?


Không phải lúc nào cũng dễ đâu! Ngay cả những người sống đời tu chiêm niệm cũng có lúc cảm thấy “nguội lạnh” khi giờ cầu nguyện có vẻ đơn điệu hoặc quá bình thường. Khi chúng ta có kinh nghiệm cầu nguyện, chúng ta sẽ biết cách điều chỉnh những thay đổi. Chúng ta thường phụ thuộc vào sự nâng đỡ của cộng đoàn hoặc vị linh hướng (như huấn luyện viên vậy) sẽ giúp chúng ta vẫn giữ cầu nguyện trong những lúc khó khăn. Hãy cố gắng và đừng cảm thấy phụ thuộc bất cứ thứ gì.


4. ĐIỀU GÌ KHÁC NHAU GIỮA LINH MỤC TRIỀU (GIÁO PHẬN) VÀ LINH MỤC DÒNG ?


Thông thường, linh mục triều phục vụ Giáo Hội trong phạm vi giáo phận của mình, thường là các giáo dân ở các giáo xứ, nhưng cũng có thể liên quan nhiều dạng khác như dạy học, làm y bác sĩ, làm tuyên úy,…


Linh mục dòng thường vượt qua giới hạn giáo phận. Họ sống khó nghèo, độc thân, và vâng lời giữa cộng đoàn. Cộng đoàn chia sẻ chung về quan điểm, tâm linh, và thường nhấn mạnh một dạng nhiệm vụ nào đó.


5. ĐIỀU GÌ KHÁC NHAU GIỮA TU SĨ VÀ LINH MỤC ?


Tu sĩ là tín hữu tận hiến cho Đức Kitô qua lời khấn khó nhèo, khiết tịnh, và vâng lời. Tu sĩ sống trong cộng đoàn và làm việc phù hợp với khả năng. Họ có thể là giáo viên, nấu ăn, luật sư, kỹ thuật viên, giúp xứ,… Họ cố gắng sống đức tin bằng cách là huynh đệ của mọi người.


Linh mục là tín hữu được giao sứ vụ cử hành các bí tích Thánh Thể, Rửa tội và Hôn phối, đồng thời đem Chúa đến với mọi người qua các bí tích Hòa giải và Xức dầu. Linh mục cũng làm nhiều việc khác nhau – thường xuyên nhất là những việc liên quan giáo xứ – nhưng đời sống bí tích phải là đặc vụ.


6. CÁC DÒNG TU KHÁC NHAU THẾ NÀO ?


Mỗi hội dòng có một đặc sủng, một cách riêng phục vụ Giáo Hội, giúp họ tập trung vào việc hoàn tất sứ vụ trong cộng đoàn. Sứ vụ này có thể là cầu nguyện trong tu viện, cũng có thể là hoạt động nhằm hợp tác với tha nhân.


Nhiều hội dòng chuyên về công việc trí tuệ hoặc công việc bình thường, nhưng mỗi dòng đều có điểm khác nhau. Nhiều dòng nam và nữ được thành lập trong thời gian việc đi lại và giao tiếp bị hạn chế. Một số dòng được thành lập vì mục đích riêng.


Ngày nay, các cộng đoàn mới vẫn tiếp tục hình thành để đáp lại tiếng Chúa mời gọi người ta đạt tới dạng nào đó thuộc tâm linh, cộng đoàn, và sứ vụ.


7.PHẢI MẤT BAO LÂU ĐỂ TRỞ NÊN LINH MỤC ?


Nói chung, phải qua ít nhất 3 năm triết học và 4 năm thần học. Các chủng sinh học ở các đại chủng viện, các tu sĩ học ở các học viện, riêng của dòng hoạc liên dòng.


8.BẠN GIA NHẬP CỘNG ĐOÀN TU THẾ NÀO ?


Quá trình gia nhập cộng đoàn tu phải mất một thời gian và qua vài giai đoạn. Thời gian có thể lâu hay mau, tùy dòng, cơ bản là:


LIÊN LẠC: Người quan tâm đời sống tu trì cần tìm hiểu xem Ý Chúa muốn gì nơi mình. Họ có thể tham gia chương trình tìm hiểu ơn gọi ở một dòng nào đó. Chương trình đào tạo thường linh động. Hằng tháng, họ thường gặp một linh mục hoặc một tu sĩ, được chia sẻ về kinh nghiệm cầu nguyện và đời sống cộng đoàn.


ỨNG SINH: Thời gian này giúp họ có thể tham dự vào đời sống cộng đoàn. Họ phải thể hiện sự quan tâm và và được cộng đoàn chấp nhận là thành viên trong quá trình tham gia. Ứng viên sống trong cộng đoàn khi vẫn tiếp tục học tập và làm việc. Giai đoạn này cũng giúp cộng đoàn nhận xét xem ứng viên có thể sống đời sống chung hay không. Thời gian có thể kéo dài 1 tới 2 năm.


TẬP SINH: Vào nhà tập là giai đoạn kế tiếp trong chương trình đào tạo. Giai đoạn này có thể là 1 năm, 2 năm hoặc 3 năm để chuẩn bị chính thức bước vào đời sống cộng đoàn.

Vào nhà tập là thời gian học hỏi và cầu nguyện để biết thêm về chính mình, về cộng đoàn, và mối quan hệ với Chúa Giêsu. Cuối thời gian tập, các tập sinh chuẩn bị tiên khấn (sơ khấn, khấn lần đầu, khấn tạm).


KHẤN SINH: Ba lời khấn vâng lời, khó nghèo, và khiết tịnh (thanh tuân, thanh bần, thanh khiết) có thể cho thời gian 1 năm, 2 năm hoặc 3 năm, tùy quy định mỗi dòng. Các lời khấn này có thể được khấn lại hằng năm. Thời gian khấn tạm thường là 3 năm, sau đó là vĩnh khấn (khấn trọn đời).


Tu sĩ nào được học làm linh mục cũng phải trải qua thời gian đào tạo như các chủng sinh. Ngoài triết học và thần học, các ứng viên còn được đào tạo về Kinh Thánh, các Giáo huấn của Giáo Hội, các kỹ năng cần thiết cho sứ vụ linh mục.


9.CÁC LINH MỤC VÀ CÁC TU SĨ THỀ HỨA ĐIỀU GÌ ?


Các tu sĩ và linh mục dòng khấn ba lời khấn, một số dòng còn thêm 1 hoặc 2 lời khấn khác nữa. Có ba lời khấn phổ biến nhất:


NGHÈO KHÓ – Mọi thứ là của chung, sống giản dị, và nhận biết mình lệ thuộc vào Thiên Chúa.


KHIẾT TỊNH – Yêu mến Chúa, phụng sự Chúa và phục vụ mọi người, chứ không yêu người khác. Sống độc thân để minh chứng tình yêu dành cho Thiên Chúa.


TUÂN PHỤC – Sống đời sống cộng đoàn, cố gắng lắng nghe và làm theo Ý Chúa bằng cách tham dự vào mọi sinh hoạt của cộng đoàn.


10.LINH MỤC TRIỀU THỀ HỨA ĐIỀU GÌ ?


Linh mục triều khấn giữ khiết tịnh và vâng lời giám mục (đấng bản quyền). Họ không khấn khó nghèo, nhưng họ vẫn phải cố gắng sống giản dị để có thể phụng sự Thiên Chúa qua việc phục vụ mọi người.


11. LINH MỤC VÀ TU SĨ CÓ THỂ HÒ HẸN ?


Không thể hò hẹn yêu đương, vì mối quan hệ này sẽ dẫn tới hôn nhân, mà khấn độc thân nghĩa là không được kết hôn. Tuy nhiên, ai cũng cần có tình bạn trong sáng, những mối quan hệ cần thiết, dù là đối với nam hoặc nữ.


12.BẠN ĐÃ BAO GIỜ BỊ NGƯỜI KHÁC PHÁI HẤP DẪN ?


Dĩ nhiên vẫn có! Họ vẫn có những mối quan hệ bình thường, những cảm giác và những ước muốn. Họ chọn đời sống độc thân là hướng cảm xúc của họ vào chiều hướng tốt lành. Họ phải cố gắng trung thành với lời khấn khiết tịnh qua việc cầu nguyện, kết hiệp với Đức Kitô, những tình bạn tốt đẹp,…


13.NẾU BẠN YÊU THÌ SAO ?


Trách nhiệm cơ bản trong tình trạng như vậy là duy trì lời khấn của một tu sĩ hoặc linh mục. Cố gắng phát triển mối quan hệ trong giới hạn và trách nhiệm của lời khấn khiết tịnh.


Dĩ nhiên, việc “phải lòng người khác phái” là tình huống khó khăn đối với tu sĩ hoặc linh mục. Chúng ta biết rằng các Kitô hữu vẫn phải đối mặt với những nỗi đau khổ và sự khó khăn trong cuộc sống. Không dễ để trở thành người vợ hoặc người chồng chung thủy, hoặc một người độc thân. Việc xử lý thách đố này giúp người ta mạnh mẽ hơn trong ơn gọi của mình.


14. BẠN CÓ PHẢI LÀ NGƯỜI TRINH TIẾT ĐỂ LÀM LINH MỤC HOẶC TU SĨ ?


Đây là câu hỏi phổ biến trong giới trẻ. Hoạt động tình dục trong quá khứ không ngăn cản người ta trở thành tu sĩ hoặc linh mục. Quá khứ của một người không là trở ngại chính. Nếu vậy, nam và nữ đã từng kết hôn không thể trở thành linh mục hoặc tu sĩ. Vấn đề là người đó có sẵn sàng và có thể sống mà yêu thích đời sống độc thân khi phục vụ tha nhân hay không. Một số vị thánh lớn đã từng có chọn lựa khác trước khi rẽ vào đời sống tu trì – chẳng hạn như Thánh Augustinô và Thánh Phanxicô Assisi.


15. TÔI CÓ THỂ LÀM LINH MỤC HOẶC TU SĨ NẾU TÔI CÓ NỢ RIÊNG ?


Thường thì các giáo phận và các dòng đòi hỏi ứng viên giải quyết mọi nợ nần riêng tư trước khi đi tu. Tuy nhiên, có nhiều trường hợp ngoại lệ đối với món nợ sinh viên và sẽ có chính sách đặc biệt. Nếu người đó có “lịch sử” xài hoang nên mắc nợ, nhất là liên quan thẻ tín dụng, thường thì người đó phải nghiêm túc cân nhắc mình có khả năng sống giản dị với ơn gọi tu trì hay không.


16. TẠI SAO MỘT SỐ NGƯỜI MẶC TU PHỤC TRẮNG, ĐEN, NÂU, XANH,…?


Tu phục có thể giúp dễ nhận biết đó là biểu tượng đức tin vào Thiên Chúa và liên quan Kitô giáo. Tu phục nói lên sự đơn giản qua cách sống lời khấn khó nghèo. Một số cộng đoàn có tu phục chính, tu phục làm việc, tu phục đi ra ngoài, nhưng điều chính vẫn là thể hiện đức tin.

 

TRẦM THIÊN THU (Chuyển ngữ từ VocationNetwork.org)

114.864864865135.135135135250