06/04/2023 -

HỌC HỎI

214
Tiếng gà gáy

Gà gáy hôm xưa

Từ vườn Cây Dầu cho đến Thập Giá ta nghe có rất nhiều âm thanh trầm bổng xen kẽ nhau. Có âm thanh reo hò tung hô của đám đông ngày Chúa vào thành thì cũng có âm thanh chát chúa của đinh búa khi quân lính đóng đinh Chúa. Có âm thanh hằn học, la ó của đám người đi tìm bắt Chúa thì cũng có âm thanh ngọt ngào của lời tha thứ vọng về từ thập giá. Có âm thanh não nề ai oán khóc thương của những phụ nữ Giêrusalem thì cũng có những âm thanh đầy sự an ủi vỗ về của “Con Chiên hiền lành bị đêm đi giết” …Trong vô vàn những âm thanh ấy, có một âm thanh đặc biệt đem đến biết bao cảm xúc trong đêm Chúa bị xử án, đó âm thanh của tiếng gà gáy. Đặc biệt, vì nó đủ để cho lương tâm của Phêrô tỉnh thức và hối hận vì đã chối Chúa, (x. Mt 26 34.75).  Nó cũng đủ để xua tan cái tĩnh mịch, căng thẳng của một đêm đầy sự bội phản, hèn nhát, bất trung của một con người đã từng thề sống thề chết hiến mạng vì thầy mình.

Và như thế, tiếng gà gáy trong sân xử án Chúa Giêsu không phải là tiếng gà gáy sáng thức gọi bình minh, tiếng gà dõng dạc, uy nghi giục cây cối, vạn vật thức dậy sau một đêm dài ngon giấc, mà là tiếng gáy mời gọi thức tỉnh và sám hối. Và canh ba đêm ấy, tiếng gà gáy như một phép màu đã khơi dậy những kỉ niệm đẹp đẽ của những ngày Thầy trò bên nhau ùa về để kết nối quá khứ và hiện tại, làm cho Phêrô xao xuyến trong lòng. Kỳ diệu hơn nữa là đằng sau tiếng gáy thổn thức, da diết ấy là bóng hình của người Thầy với ánh mắt trìu mến nhìn Phêrô trao gửi lời yêu thương tha thứ. Tiếng gà lúc ấy không chỉ được cảm nhận bằng thính giác, thị giác, xúc giác mà được cảm nhận bằng cả tâm hồn, bằng con tim. Để từ đó tiếng gà gợi sự trung tín, gợi lòng sám hối trong tâm hồn người môn đệ bội phản.

Người ta thường nói; sống là nghe và sống tròn đầy là biết lắng nghe”. Phêrô bừng tỉnh khi nghe tiếng gà gáy, ông nhớ lại lời Đức Giêsu, đồng thời ông nhận biết những sai lầm mình đã làm, điều đó như tiếp thêm sức mạnh cho đôi chân ông đứng dậy sau vấp ngãPhúc âm cho biết, Phêrô đã khóc lóc thảm thiết và ăn năn dằn vặt tội lỗi đó để trở về với Chúa

Lòng ngươi hôm nay

Tiếng gà gáy đã đánh thức Phêrô thức dậy sau giấc ngủ mê trong sự yếu đuối, tiếng gà gáy
 cũng giúp chúng ta thức tỉnh trong lối sống giả chân, theo Chúa bằng cái miệng “Con sẽ thí mạng vì Thầy”, nhưng khi “gà chưa kịp gáy thì  đã chối Thầy đến ba lần”(x.Ga 13,38). Chúa cần chúng ta theo Ngài bằng con tim biết tỉnh thức để “thức với Chúa một giờ”. Vì cũng như bao con người khác, Chúa cũng khao khát sự sống khi phải đối diện với cái chết. Ngài cũng cần những trái tim cùng thổn thức với nỗi đau của Ngài, và hơn bao giờ hết Ngài cần sự chia sẻ khi nỗi cô đơn đầy ắp cõi lòng.

Tiếng gà gáy là dấu hiệu để thức tỉnh. Không phải chỉ một mình Phêrô cần thức tỉnh, nhưng tất cả mọi người tin nhận Ngài đều phải thức tỉnh, nếu như chúng ta đang ngủ mê trong danh vọng-tiền tài-thú vui xác thịt. Thức tỉnh để nhận ra sự mong manh của những giá trị trong cuộc đời trần thế, thức tỉnh để nhận biết tình yêu và sự chở che của Chúa, và thức tỉnh để sống đẹp lòng Chúa.  Như Phêrô, chúng ta đều có những lầm lỡ trong cuộc đời. Hôm nay đây, ngay giờ này, chúng ta cũng đang được Chúa mời gọi thức tỉnh với Chúa để sống nội tâm sâu thẳm với ngài.

Gà vẫn gáy nhiều lần báo hiệu cho chúng ta những biến cố xảy ra cho bản thân, cho thế giới và Giáo hội, vì thế cũng là một lời nhắc nhở ta sám hối và thay đổi đời sống:“Vậy hãy thức canh, vì các ngươi không biết khi nào chủ nhà sẽ về; có thể là hoàng hôn, nửa khuya, lúc gà gáy, hay bình minh” (Mác 13:35). Để khi Mặt Trời Công Chính ló rạng, niềm hy vọng sẽ mở ra cho chúng ta một trời mới đất mới, nơi đó chúng ta sẽ lại được ẩn náu trong tình thương và sự chở che của Người như: “Gà mẹ ấp ủ gà con dưới cánh” (Lc13,34) 

Và như vậy, tiếng gà gáy luôn là âm thanh tha thiết, ngọt ngào. Tiếng gà gáy cũng là tiếng gọi tình yêu của Chúa, là niềm tin cho mỗi người tín hữu trong cuộc chiến đấu thiêng liêng của mình.

CatBui
114.864864865135.135135135250