Theo lẽ thường khi chúng ta đảm nhận một chức vụ hay một trọng trách nào đó, chúng ta nhận được quyền lợi và nghĩa vụ mà chức vụ hay trọng trách đó mang lại. Là một giám đốc công ty, người đó có những quyền lợi như thu nhập cao hơn, có xe hơi riêng hay thư ký riêng và cũng có nghĩa vụ hoạch định những đường hướng phát triển cũng như lãnh đạo công ty ngày càng phát triển hơn chẳng hạn. Quyền lợi và nghĩa vụ luôn đi song song với nhau, nếu chỉ muốn một trong hai thì không thể nào người đảm nhiệm một vị trí nào đó có thể hoàn thành sứ mạng của mình.
Trong Kinh Thánh chúng ta cũng bắt gặp những trường hợp của các ngôn sứ được chính Thiên Chúa gọi mời vào một sứ mạng đặc biệt. Các ngài luôn ý thức trọng trách mà mình được trao phó để hoàn thành chúng. Điều đặc biệt là những người được Thiên Chúa mời gọi cho những sứ mạng đặc biệt như vậy thường phải chịu những bắt bớ của người đời vì người ta không thể hiểu được sứ điệp mà các ngài đang rao truyền. Bởi vì điều mà Thiên Chúa muốn nói với dân là một mầu nhiệm mà chỉ những ai có tấm lòng đơn sơ mới có thể đón nhận được. Quả thật quyền lợi mà trọng trách của một ngôn sứ của Chúa mang lại chỉ có thể có được sau khi các ngài đã hoàn thành sứ mạng và được về với Chúa.
Qua đó, chúng ta thấy sứ mạng mà Thiên Chúa giao phó cho những người được tuyển chọn không giống như cách người đời nghĩ. Thế nhưng, vẫn có nhiều người đã can đảm đón nhận điều ấy không phải vì họ nghĩ mình tài giỏi nhưng vì họ tin tưởng rằng chính Chúa đã chọn thì Chúa sẽ ban cho họ những ơn riêng để hoàn thành sứ mạng được trao phó. Trong những ngày gần đại lễ Giáng Sinh, chúng ta được chiêm ngưỡng hình ảnh của những người được chọn để chuẩn bị cho Con Thiên Chúa làm người. Nổi bật trong đó là thánh Cả Giuse, thánh Gioan Tẩy Giả và đặc biệt là Đức Maria. Điểm chung của các ngài chính là sự sẵn sàng vâng theo lời mời gọi từ Thiên Chúa. Giờ đây chúng ta cùng nhau chiêm ngắm đôi nét về người nữ tỳ hèn mọn của Chúa bởi vì Mẹ đóng một vai trò vô cùng đặc biệt trong công trình cứu độ.
Mặc dù kể từ khi Tổ tông loài người sa ngã, Thiên Chúa vẫn luôn chuẩn bị một kế hoạch trọng đại cho việc cứu rỗi con người. Thế nhưng việc chuẩn bị này sẽ không trọn vẹn nếu không có sự cộng tác của những người được tuyển chọn. Thiên Chúa đã chuẩn bị cho Con của Ngài một người mẹ trần thế bằng cách gìn giữ Đức Maria trong sạch vẹn tuyền khỏi mọi vết nhơ tội lỗi. Khi thời đã mãn, sứ thần Gabriel được sai đến truyền tin cho Mẹ. Nơi biến cố truyền tin, Thiên Chúa mong chờ sự tự do đáp trả từ Mẹ. Mẹ có tự do để chọn lựa chấp nhận hay từ chối lời mời gọi cho sứ vụ cao cả này. Trong giây phút trọng đại ấy, dường như cả vũ trụ cùng mọi tạo vật trong đó đều ngưng chuyển động. Tất cả hồi hộp và ngong ngóng đợi chờ tiếng đáp trả ấy bởi vì tính chất quan trọng của nó và cũng bởi vì niềm hy vọng được cứu rỗi sẽ trở thành hiện thực sau tiếng đáp trả của Mẹ.
Và đúng như vậy, niềm hy vọng ấy đã không làm chúng ta thất vọng. Với sự khiêm nhu và tín thác tuyệt đối nơi Thiên Chúa, Mẹ đã nói lên lời “Xin Vâng.” “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Người thực hiện cho tôi như lời sứ thần nói.” (Lc 1, 38) Người nữ tỳ ấy đã can đảm đón nhận lời đã hứa từ ngàn xưa. Từ nay Mẹ trở thành Mẹ Thiên Chúa. Danh xưng ấy quá cao trọng và tuyệt mỹ mà theo cách nhìn của người đời ai cũng mong muốn có được. Thế nhưng đời không như là mơ. Những gì mà danh xưng ấy đòi hỏi thật lớn lao mà nếu không có sự tín thác tuyệt đối nơi Thiên Chúa Mẹ sẽ không thể nào sống trọn vẹn được.
Sau khi đáp lời “Xin Vâng,” cuộc đời Mẹ rẽ sang một trang mới với nhiều thách thức phía trước. Trước hết đó là nguy cơ bị người khác ném đá cho đến chết vì có thai trước khi hai người về chung sống. Thế nhưng, Thiên Chúa đã can thiệp qua sự công chính của thánh Cả Giuse để từ đây Con Thiên Chúa có một gia đình trần thế trọn vẹn. Chưa hết, đâu ai biết hết nỗi vất vả của Mẹ khi phải về Bêlem kiểm tra dân số và phải sinh con nơi máng lừa nghèo hèn và lạnh lẽo vì không còn chỗ trọ. Ai biết được Mẹ đã phải lo lắng và sợ hãi thế nào khi mang con chạy trốn sang Ai Cập ngay trong đêm khi vua Hêrôđê tìm bắt giết Ngài. Sau đó là những tháng năm sống ẩn dật nơi làng quê Nadarét nhỏ bé. Khi Hài Nhi Giêsu lên 12 tuổi, trong lúc trở về từ chuyến hành hương lên Giêrusalem thì Mẹ lại lạc mất con. Mẹ và thánh Cả đã phải mất ba ngày đường để tìm thấy con trong Đền Thờ đang cùng đàm đạo cùng các thầy dạy. Khi thổ lộ sự lo lắng của mình cho Con thì Mẹ lại nhận được một sự mạc khải vượt quá sức hiểu của Mẹ tại thời điểm đó “Con có bổn phận ở nhà Cha con.” (Lc 2, 49)
Sống cùng với mầu nhiệm Con Thiên Chúa, chắc hẳn Mẹ cũng đôi lần vất vả vì không thể hiểu hết được. Làm sao để hiểu nổi người con mình cưu mang 9 tháng 10 ngày vừa là Thiên Chúa vừa là con người. Hai bản tính tuy khác biệt nhưng không mâu thuẫn nhau và cùng tồn tại trong con người Giêsu. Luôn có một bức màn ngăn cách trí hiểu của Mẹ với bản tính Thiên Chúa của người con ấy. Không phải vì vậy mà Mẹ từ bỏ mọi sự. Mẹ đã đón nhận và suy đi nghĩ lại những điều ấy trong lòng để rồi khi mọi sự hoàn tất Mẹ sẽ hiểu được trọn vẹn sứ mạng của mình. Nhờ liên lỉ cầu nguyện và chiêm niệm mà Mẹ càng tín thác vào kế hoạch của Thiên Chúa.
Thêm nữa, sau khoảng thời gian sống ẩn dật của mình, Đức Giêsu chính thức bắt đầu cuộc đời rao giảng công khai của mình khi bước qua tuổi 30. Ngài rao giảng như một đấng có thẩm quyền, những lời Ngài nói, những việc Ngài làm đều thể hiện một uy quyền mà không ai có thể làm được như trừ quỷ, chữa người bệnh tật, thậm chí cho kẻ chết sống lại. Có một sự khác biệt quá lớn giữa một Giêsu đã sống cùng Mẹ 30 năm trời với một Thầy Giêsu đầy quyền năng.
Chắc hẳn, khi Đức Giêsu đi rao giảng, Ngài sẽ ít về nhà hơn và Mẹ phải sống lầm lũi cô đơn một mình. Đôi lúc vì con xa nhà quá lâu và cũng vì nghe được những tin đồn về Ngài, có cả điều tốt lẫn điều không tốt nên Mẹ cũng lo lắng lắm. Trong một lần đi thăm khi con đang giảng trong hội đường, người ta báo cho Ngài có mẹ và anh em Ngài đến thăm thì Ngài lại bảo “Ai là mẹ tôi? Ai là anh em tôi?” (Mc 3, 33) Thoạt đầu, chúng ta sẽ khó mà chấp nhận được lời nói ấy bởi vì nó như có vẻ phủ nhận vai trò của Mẹ. Thế nhưng đây lại là một sự tôn vinh của Đức Giêsu dành cho Mẹ mình bởi vì Mẹ đã luôn lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa. Không những là lắng nghe và tuân giữ mà Mẹ còn cưu mang chính Ngôi Lời Thiên Chúa.
Đỉnh điểm của những thử thách đức tin mà Mẹ phải chịu đó là vào Cuộc Khổ Nạn của Con chí ái của mình. Mẹ là người đồng hành cùng Đức Giêsu trong suốt cuộc Khổ Nạn đầy đau thương và tủi nhục của Ngài. Nếu như Chúa đau một thì trái tim người mẹ của Mẹ đau mười bởi vì đó là máu thịt của Mẹ. Từng nhát roi, từng chiếc gai hay từng cây đinh như những mũi giáo đâm thấu trái tim Mẹ. Trái tim Mẹ tin nát khi chứng kến con mình không còn hình hài của một con người nữa. Mẹ đau đớn cho sự khốn nạn và tàn ác của nhân loại. Mẹ đau đớn nhưng Mẹ chẳng thể làm gì. Mẹ chỉ biết đi cùng Con cho đến chặng đường cuối cùng là đỉnh Gôngôtha.
Trên đỉnh đồi ấy, khi Đức Giêsu được giương cao lên thì Mẹ cũng được tôn vinh. Nơi Thập Giá, Con Thiên Chúa đã đổ máu để hòa giải Thiên Chúa với con người. Giờ đây tội lỗi đã mất đi quyền năng của nó. Giờ đây Mẹ đã hoàn thành sứ mạng được đón nhận ngày Truyền Tin. Vòng tay ấy đã sưởi ấm cho con tại Bêlem thì giờ đây nó cũng là vòng tay ôm xác con vào lòng nơi đồi Gôngôtha loang máu. Quyền lợi mà Mẹ nhận được đó là trở thành Mẹ Thiên Chúa và nghĩa vụ mà Mẹ phải làm đó là hiệp thông với Con Yêu của mình trong mọi sự, kể cả cái chết đau thương trên Thập Giá.
Qua đó, chúng ta thấy hành trình đức tin là một hành trình vô cùng gian nan. Nơi hành trình ấy, chúng ta phải dấn thân bằng cả sức lực, trí lực và đức tin của mình. Không có chỗ cho nản chí và thoái lui. Để được như vậy, chúng ta phải thực sự khiêm nhường để biết mình yếu đuối và chỉ có Chúa mới giúp sức cho chúng ta hoàn thành sứ mạng của từng người. Noi gương Mẹ, chúng ta can đảm đáp “Xin Vâng” trước lời mời gọi của Thiên Chúa. Sau tiếng “Xin Vâng” ấy, dù cho bất kỳ biến cố nào thì Mẹ vẫn luôn kiên vững và đón nhận mọi sự như là thánh ý Thiên Chúa. Đặc biệt, nơi Mẹ chúng ta học được tinh thần cầu nguyện và chiêm niệm. Dù cho có hiểu hay không nhưng Mẹ vẫn luôn ghi nhớ và suy niệm trong lòng. Nhờ điều đó mà dần dần Mẹ tiến tới hiểu hơn về ý định nhiệm mầu của Thiên Chúa. Xin cho mỗi người chúng ta biết suy niệm những gì xảy đến để dù có những trái ý hay bất công, chúng ta luôn vui vẻ đón nhận và sống tràn đầy hơn. Xin Mẹ Maria là mẫu gương của sự khiêm nhường và dấn thân cho sứ mạng cầu bàu cho từng người để trong nhịp sống của riêng mình chúng ta mang Chúa đến cho người khác. Để rồi cùng với Mẹ chúng ta trở nên những sứ giả của tình yêu.
Tác giả: Philip
Nguồn: https://giaophanvinhlong.net/