17/11/2016 -

Học Viện

583
Bài học về lòng thương xót

BÀI  HỌC VỀ LÒNG THƯƠNG XÓT

Con hỏi mẹ: Mẹ ơi! Con được sinh ra từ đâu?
Mẹ trả lời: Con được sinh ra từ lòng mẹ.
Rồi nhìn lên, con hỏi Chúa: Chúa ơi! Con được sinh ra từ đâu?
Ngài nhìn con âu yếm rồi trả lời: Con được sinh ra từ lòng thương xót của Ta.

Thật kỳ diệu biết bao, từ cung lòng người mẹ, thai nhi được hình thành, được nuôi sống và từng ngày lớn lên, được bảo vệ và yêu thương. Cũng vậy, trong cung lòng của Chúa, người Kitô hữu được sinh ra, được nuôi dưỡng và được yêu thương từ Lòng Thương Xót của Ngài. Được Mình và Máu Thánh Đức Kitô làm lương thực nuôi sống trên con đường thiêng liêng.

Bản thân tôi nhiều lúc tự hỏi, nếu mình không là Kitô hữu thì mình sẽ ra sao nhỉ? Nếu không đi tu thì cuộc đời mình trôi dạt phương trời nào? Vì thẳng thắn nhìn vào thực tế bản thân, tôi thấy mình chẳng có gì cả cũng chẳng là gì cả, ngoài tấm thân đầy yếu đuối và dễ ngã sa. Nhưng trong cuộc đời tôi có Chúa là người đồng hành, quan phòng và dõi theo tôi từng đường đi nước bước.

Nói thì có lẽ chẳng ai tin, bước vào nhà dòng rồi tôi mới biết tên của dòng là Đa Minh, lại là Đa Minh Rosa Lima, cái tên nghe lạ hoắc, ở nhà tôi chưa từng được nghe nói đến dòng Đa Minh bao giờ, lại càng chưa được nghe có ai nhắc vào tai cái tên Rosa Lima nghe “tây tây” như thế này cả. Ngồi với bố ở phòng khách thỉnh viện để gặp dì Giáo, tôi chỉ có một suy nghĩ: chắc là bị từ chối “thẳng cổ” vì đi tu mà chẳng biết tí gì về dòng thế này thì ai nhận. Nhưng ngoài sức tưởng tượng của tôi, tôi được dì Giáo đồng ý cho ở lại thỉnh viện ngay hôm đó. Vừa lo lắng vừa hồi hộp vì từ nay tôi bắt đầu một cuộc sống hoàn toàn khác, cả về hình thức và ý nghĩa. Nhưng sau đó là chuỗi ngày có hơi vất vả cho tôi, khi phải tự đọc sách nói về thánh Đa Minh, tìm tài liệu và hỏi han chị em để biết về dòng, những từ ngữ mới lạ xuất hiện làm tôi rối mù lên, nào là thỉnh viện, tiền tập, tập viện, tiền vĩnh khấn… nào là linh đạo, đặc sủng, sứ mạng của Dòng… những từ rất lạ đối với tôi lúc đó. Tôi còn nhớ như in câu nói động viên của dì Giáo: “Con cứ ở lại đây, chưa biết thì tìm hiểu dần dần, biết rồi con sẽ yêu mến”.

Mối tình đầu lúc nào cũng để lại nhiều ấn tượng và cảm xúc sâu đậm, tôi được bén duyên nơi Hội Dòng lần đầu tiên tôi đến và cái duyên này, tôi tin là Chúa đã định sẵn cho tôi.

Cuộc sống có nhiều con đường, con đường nào cũng có sỏi đá và hoa hồng. Đi theo Chúa trong đời dâng hiến cũng là một chọn lựa, đường theo Chúa cũng lắm phong nhiêu. Đã có lần tôi muốn từ bỏ, tôi muốn lựa chọn con đường khác. Nhưng mỗi lần có ý định như vậy trong tôi như vang lên tiếng nói: “Sao lại hèn thế, một chút khó khăn thôi mà đã muốn quay lưng lại rồi à? Nếu bỏ cuộc lần này thì nhiều lần khác cũng dễ dàng bỏ cuộc”. Những lời đó như đay nghiến tôi, buộc tôi phải chất vấn lại mình, nhìn lại vấn đề mà mình đang gặp phải.

Tôi nhận ra rằng những gì xảy ra đều dạy tôi những bài học. Chúa đã dành cho tôi chỗ tốt nhất, đặt tôi vào đây để tôi được yêu thương, được nâng đỡ. Dân gian Việt Nam có câu: “mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”. Ở đây có cả trăm hoa trăm cảnh khác nhau sống chung với nhau. Nhiều lúc tôi khó để mà tha thứ cho chị em khi họ lỡ xúc phạm đến mình, tôi quát thẳng vào mặt chị em khi họ làm tôi tức giận, tôi tỏ ra khó chịu khi chị em nào đó vô tình gây ra tiếng ồn trong giờ ngủ hay giờ học, tôi không nói chuyện với người đã chọc vào khuyết điểm của tôi… Học bài học tha thứ thật khó nhưng không thể không làm được. Đức Thánh Cha Phanxicô trong Tông sắc Khuôn mặt thương xót, số 9 đã nhắn nhủ: Có những lúc dường như thật khó biết bao để tha thứ, nhưng tha thứ là công cụ được đặt vào đôi tay mỏng giòn của chúng ta để đạt được sự thanh thản trong lòng. Lướt thắng được cơn giận, thịnh nộ, bạo lực và trả thù là điều kiện cần thiết để vui sống. Vì vậy, chúng ta hãy chú ý đến lời khuyên nhủ của thánh Phaolô: “Chớ để mặt trời lặn mà cơn giận vẫn còn” (Ep 4, 26).

Sống chung với nhau, suốt ngày giáp mặt nhau mà để “mặt nặng mặt nhẹ” thì thật là nặng lòng, tôi dần dần học cách đón nhận và học bài học tha thứ vì nhìn lại mình tôi thấy mình cũng đầy sai lỗi, chị em tôi cũng phải chịu đựng tôi rất nhiều. Lời xin lỗi lúc đầu đối với tôi còn là một lời xa xỉ, nhưng tôi phải tập hàng ngày vì không có ngày nào mà tôi không sai lỗi.

Không chỉ học bài học tha thứ, tôi còn phải học cách quan tâm đến những người xung quanh. Hơn bao giờ hết, xã hội ngày nay có rất nhiều anh chị em bị bỏ rơi, bị kỳ thị, những người nghèo khổ, những người bệnh tật… đang cần lắm nhiều người “Samari nhân hậu” đưa cánh tay về phía họ. Lời của Đức Thánh Cha khẩn thiết kêu mời: “Trong năm thánh này, Giáo Hôi càng được mời gọi nhiều hơn để chữa lành những vết thương của sự thờ ơ, xoa dịu chúng với dầu an ủi, băng bó chúng với lòng thương xót và chữa lành chúng với tình liên đới và sự chăm sóc chu đáo, chúng ta dường như rơi vào sự thờ ơ đáng ô nhục hoặc một thứ quán tính đơn điệu ngăn cản chúng ta khám phá những gì là mới mẻ. Hãy để chúng ta thoát khỏi sự hoài nghi thiếu xây dựng, chúng ta hãy mở to mắt và nhìn rõ sự đau khổ của thế giới, và những vết thương của anh chị em chúng ta là những người đang bị từ chối phẩm giá của họ, và để chúng ta nhận ra rằng chúng ta bắt buộc phải chú ý đến tiếng kêu muốn được giúp đỡ của họ” (Sđd, số 15).

Những người tôi cần quan tâm không đâu xa chính là chị em tôi, qua ánh mắt, nét mặt và thái độ, tôi phải đọc lên được một thông điệp mà họ muốn nói. Có khi điều chị em muốn là lời hỏi thăm, lời động viên, một lời góp ý chân thành, hay một đánh giá khách quan…
 Cuộc đời của Chúa Giêsu là cuộc đời sống vì người khác, bị treo trên thập giá đau đớn nhưng Ngài vẫn nói lời tha thứ cho những người xúc phạm đến mình, lại còn bênh vực cho họ vì họ lầm chẳng biết. Bài học yêu thương và tha thứ của Ngài để lại tôi phải học cả cuộc đời mà không biết mệt mỏi, để xứng đáng một chút là môn đệ của Ngài, là bạn hữu của Ngài.
Maria Nguyễn Thành

 
114.864864865135.135135135250