Thực thi lòng thương xót của CHÚA
Đỗ Hằng
Từ lệnh truyền của Đức Giêsu: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo” (Mc 16,15). Giáo Hội đã mang trong mình sứ vụ phổ quát tự bản chất là truyền giáo. Để tiếp tục thi hành mệnh lệnh phổ quát này, chúng ta cũng phải theo sát gương Đức Giêsu khi tiếp xúc với nhân vị, với các dân tộc, môi trường và bối cảnh xã hội. Ngay từ đầu, Giáo Hội đã mang trong mình sứ vụ truyền giáo vì họ cũng đã lãnh nhận Thánh Thần. Khi Giáo Hội tại Antiôkia đang cầu nguyện và ăn chay “thì Thánh Thần phán bảo: Hãy dành riêng Banaba và Saolô cho Ta để lo công việc Ta đã kêu gọi hai người ấy làm” (Cv 13, 2). Như vậy, chính Thánh Thần đã thúc đẩy các Kitô hữu để họ trở thành những người “thừa sai” tiến tới biên cương mới. Ơn gọi hoạt động truyền giáo tự bản chất là một ơn gọi nên thánh. Đức Thánh Cha một lần nữa kêu gọi những phần tử mới được rửa tội phải dấn thân trên con đường thánh thiện, vì khi các con sống sự thánh thiện các con trở nên dấu chứng của Thiên Chúa cho thế giới và trở nên men tinh thần truyền giáo. các nhà truyền giáo đã phản chiếu tặng ân của mình nơi nhiệm vụ nên thánh và trở nên một người của các mối Phúc. Như thế đặc tính của hết mọi cuộc sống truyền giáo chân chính đó là niềm vui nội tâm do đức tin mà có (Redemptoris Missio 91).
Cùng với Giáo hội hoàn vũ, chúng ta đã bước vào năm Thánh lòng Chúa thương xót. Giáo hội mở năm thánh này nhằm mục đích kêu gọi mọi người chúng ta phải sống và làm chứng cho lòng Chúa xót thương, có nghĩa là bổn phận của chúng ta là đem niềm vui Tin Mừng lan tràn đến mọi nơi; toàn bộ đời sống của chúng ta phải đem lòng thương xót Chúa chạm đến con tim của tất cả mọi người, và truyền cảm hứng cho họ một lần nữa tìm ra con đường dẫn đến Chúa Cha.
Trước hết, để thực thi lòng thương xót Chúa chúng ta những người tu sĩ cần có cái nhìn thoáng qua bối cảnh thế giới hiện nay.
Trong thời đại ngày nay, con người nghĩ rằng khoa học đang thay thế Thiên Chúa, để tác động trên các thụ tạo khác và mở ra viễn ảnh huy hoàng của quyền năng trí tuệ con người.
Thập niên 70 chứng kiến cuộc khủng hoảng mưu sinh đến mức báo động toàn cầu. “Con người là thủ phạm của thảm trạng môi trường hiện nay”, đó là lời nhận định của 2.500 các nhà bác học và chuyên gia về môi trường trên thế giới đã thống kê năm 2007. Thái độ vô tâm đối với môi trường nảy sinh từ chính não trạng tiêu cực nghĩ rằng không có sự sống đời sau, họ không tin rằng Thượng Đế dựng nên mọi sự cho mọi người đã làm tổn thương cuộc sống chung của nhân loại. Chúng ta cần nỗ lực làm cho con người thay đổi não trạng ích kỉ, co cụm chỉ lo cho mình.
Tiếp đến, vai trò hầu như thống trị của lý trí thay cho vai trò của đức tin và chân lý tình thương. Tôn giáo trước kia, đó là sự phát triển mạnh mẽ của khoa học kĩ thuật, hiện tượng trần tục hóa và chủ nghĩa nhân bản vô thần lấy con người làm trung tâm tuyệt đối. Một chuyển biến theo hướng tiêu cực: Từ chỗ hết sức tự hào, tự tin và lạc quan, con người càng cảm thấy bi quan, ngờ vực, bấp bênh, mất phương hướng vì mất hết những điểm tựa vững chắc. Ngay cả khoa học kĩ thuật cũng không đáp ứng những kì vọng to lớn của họ, còn các ý thức hệ lại càng làm cho họ thất vọng hơn. Người ta đề cao lý trí, thứ lý trí mà con người hiện đại đề cao đó là “lý trí hay lý tính công cụ”. Nó được sử dụng tiên vàn trong lãnh vực khoa học kĩ thuật, nó không nhắm vào nhận thức chân lý nhưng vào sự hiểu biết để làm chủ, không nhắm đến sự hoàn thiện con người trong tính người, nhưng tăng quyền lực con người trên thiên nhiên vạn vật.
Tri thức là sức mạnh, thứ tri thức thiên về lý trí này tỏ ra rất hữu hiệu đã làm thay đổi mạnh mẽ cuộc sống con người chưa từng thấy, nhưng nó cũng quay lại đe dọa con người và thiên nhiên bằng chính những sản phẩm do tài năng con người làm ra, nó đòi một sự phát triển hoàn toàn tự lập ngoài trật tự đạo đức. Bao nhiêu hệ lụy: Nghèo đói, chiến tranh, bệnh tật, lũ lụt, hạn hán… Con người ta rơi vào trạng thái sống “Mặc kệ nó”. Trạng thái sống này len lỏi ngự trị chế ngự người ta cả trong đời sống tâm linh, khiến họ mất dần tương quan với Chúa, tha nhân và chính mình. Con người đang đánh mất dần sự tử tế đối với nhau. Chúng ta phải ý thức và thận trọng với một mớ kiến thức đồ sộ trong mỗi chúng ta, nó sẽ trở thành bằng chứng tố cáo chúng ta trong ngày chung thẩm.
Thế giới thay đổi với tốc độ chóng mặt, ĐTC Phanxicô kêu gọi mỗi người hãy thực thi lòng thương xót Chúa ngay ở nơi mình đang hiện diện. Và tôi đang sống trong một cộng đoàn, tôi đang và sẽ làm gì ?
Cả cuộc đời của chúng ta phải là một bản anh hùng ca, cho dù có những nốt thăng trầm. Chúng ta sẽ hát bản tình ca ấy như thế nào thì tùy thuộc vào chúng ta vì chúng ta biết rằng: « Thiên Chúa không tạo dựng ra sự sợ hãi cũng như sự băn khoăn lo lắng. Thiên Chúa chỉ có thể yêu thương chúng ta mà thôi» (Tu sĩ Roger Schutz). Chúng ta sống yêu thương không phải sợ rằng Chúa sẽ phạt chúng ta. Bằng tất cả sự chân thành chúng ta sống và đối xử với nhau một cách tử tế, nhìn mọi sự dưới con mắt đầy yêu thương của Chúa.
Trong bài giảng thánh lễ sáng thứ ba, ngày 19/01/2016, tại nhà nguyện thánh Marta, ĐTC Phanxicô đã chia sẻ rằng: “Chẳng vị thánh nào không có một quá khứ, cũng chẳng tội nhân nào không có một tương lai. Thiên Chúa không bao giờ dừng lại ở dáng vẻ bề ngoài mà luôn nhìn sâu vào tận tâm tư cõi lòng của con người.” Thời gian qua đi, đó là thời gian chiến đấu để tháo cởi xích xiềng tội lỗi, của ích kỉ và kiêu ngạo. Hành trang đi vào sa mạc, tôi đã mang theo những tham – sân – si - hỷ - nộ - ái- ố, tôi đem tất cả vào vùng cát cháy để cố gắng vùi nó xuống thật sâu trong lòng đất. Có lẽ, cần cả một đời người để tẩy xóa dấu vết của tội và những thói quen cố hữu tạo thành lối mòn trong suy nghĩ và trong nếp sống của tôi. Mỗi người có thể sẽ dễ dàng rơi vào trạng thái tự khép kín mình hay tự giết chết linh hồn mình bằng những não trạng thảm hại cho rằng tôi hoặc tha nhân là một con người quá tồi, không thể khá hơn được. Nhiều lúc chúng ta thường cướp quyền của Thiên Chúa một cách vô liêm sỉ, với cái nhìn đầy nghi ngại và không còn thiện cảm với ta với người chị em. Chỉ vì cái tôi đầy kiêu hãnh và tự cao của mình, mà chúng ta quên mất: «Chỉ có một Đấng ra lề luật và xét xử, đó là Đấng có quyền cứu thoát và tiêu diệt, còn anh là ai mà dám xét đoán người thân cận?» (Gc 4,12).
Lòng thương xót thể hiện qua cách nói năng hành xử: «Mỗi người phải mau nghe, đừng vội nói và khoan giận» (Gc 1,19). Bởi vì: «Cái lưỡi cũng là một ngọn lửa, là cả thế giới sự gian ác» (Gc 3,6) và: «Nó là một sự dữ không bao giờ ở yên, vì nó chứa đầy nọc độc giết người» (Gc 3,8). Chính chúng ta vừa dùng miệng lưỡi mà chúc tụng Thiên Chúa, chúng ta cũng dùng miệng lưỡi mà nguyền rủa những con người đã được làm ra theo hình ảnh Thiên Chúa (Gc 3). Nói những lời yêu thương thật là khó, nhưng không phải là không nói được, thật xứng đáng khi Chúa chỉ cho tôi một cái miệng mà có tới 2 cái lỗ tai, để ít ra nếu không nói được những lời tử tế cho người thì tôi cũng im lặng để mà nghe và cảm thông nhiều hơn.
Tôi thực sự được đánh động khi nhìn ngắm cuộc đời của Thánh Vương Đavít và cuộc đời ấy cũng khiến tôi phải suy nghĩ về chính cuộc sống của mình. Tất cả chúng ta đã được Thiên Chúa tuyển chọn qua Bí tích Thánh Tẩy, để được thuộc về đoàn dân Chúa, được trở nên những vị thánh. Tất cả chúng ta đã được thánh hiến nhờ Đức Giêsu Kitô, để trở nên tinh tuyền, thánh thiện. Khi đọc lại cuộc đời của vua Đavít từ khi còn là một chàng trai trẻ cho đến lúc tuổi già, tôi nhận thấy ngài đã làm nhiều điều tốt, nhưng cũng có những điều chẳng tốt lành gì. Điều ấy khiến tôi xác tín rằng, trong hành trình của người Kitô hữu, cuộc hành trình mà Thiên Chúa đã mời gọi chúng ta đảm đương lấy, “chẳng vị thánh nào không có một quá khứ và cũng chẳng tội nhân nào không có một tương lai.” Và như thế tôi dễ dàng cảm thông với những yếu hèn của tôi và của tha nhân hơn.
Thời gian không phải là bánh xe luân hồi, nhưng là một hành trình có khởi đầu và có điểm đến. Tôi đã có nhiều lần quan sát con gà con chui ra khỏi vỏ trứng, đôi khi tôi tự đánh đồng mình với con gà bé nhỏ xinh xinh ấy, thật tội nghiệp cho nó khi tự mình chui ra khỏi thành trì kiên cố, và thế giới bé tẹo là cái vỏ trứng. Nhưng cái giá trả cho một quá trình nỗ lực ấy là một bầu trời bao la với đủ thứ sắc màu. Cuộc sống phải nỗ lực và đôi lúc phải đứng bằng đôi chân của mình. Cuộc sống không hậu đãi cho riêng ai, nhưng ưu ái ban tặng cho tất cả, bằng lòng với những gì thiên nhiên và cuộc sống ban tặng, ai vui thì ca hát, ai buồn thì cứ khóc và khóc cho thật to vào.
Những ngày vừa qua, Dì Hoa đã trở về với đất mẹ, bởi sinh ra mang thân là cát bụi phải trở về với bụi đất. Tôi cứ suy gẫm hoài về cái chết, về sự hiện hữu của mỗi người nơi trần gian. Khi được hiện hữu thì sống sao cho ra sống, «làm sao để khi từ giã thế giới, ta không chỉ nằm xuống như một người tử tế. Đừng để rồi mai mốt, mang theo xuống mồ một nỗi buồn có thể to hơn cả phần mộ của mình » (Trần Văn Thủy). Mỗi người hãy sống tử tế với nhau, hay quy sự tử tế này vào hai chữ ‘ Yêu Thương’.
Trong cuộc sống này, nếu chúng ta trốn chạy những khó khăn để bám víu vào những thú vui giả tạo chóng qua thì sẽ rơi vào đổ bể. Thích cuộc sống ổn định không chấp nhận thử thách đau thương thì tuyệt vọng chán chường. Nhưng cuộc sống này là một cuộc chơi, là một cuộc phiêu lưu dám chấp nhận nghịch cảnh mâu thuẫn trong mọi khoảnh khắc. Mỗi người được tự do lựa chọn quan điểm sống và hành động theo cách của mình. Tuy nhiên, ý nghĩa mục đích và hậu quả sẽ hoàn toàn khác nhau, đó cũng là thách đố của mỗi người Kitô hữu trong việc sống đức tin của mình vào Thiên Chúa.