27/06/2022 -

HỘI DÒNG

692
Nghỉ và nghĩ

Tĩnh tâm là thời gian chúng ta dành để nghỉ ngơi bên Chúa và suy nghĩ về hành trình ơn gọi cũng như sứ vụ của mình. Để làm được điều đó thì việc giữ bầu khí thinh lặng rất quan trọng. Vậy đâu là sức mạnh của sự thinh lặng?

Nhìn vào mẫu gương các thánh và các nhà hiền triết, chúng ta thấy các ngài luôn điềm đạm, từ tốn. Họ luôn giữ được "tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến." Quả thật, thinh lặng là điều kiện tiên quyết giúp ta cầu nguyện sâu lắng và giữ được trạng thái tinh thần khỏe khoắn. Thinh lặng giúp ta hồi tâm trở về với nội tâm của chính mình, giúp ta biết nhìn đến người xung quanh và lưu ý  đến những nhu cầu của họ để chia sẻ và giúp đỡ họ. Thinh lặng còn giúp ta lắng đọng tâm hồn để nghe được tiếng Chúa và đáp trả lại lời Chúa ngỏ với ta mỗi ngày. Thinh lặng để ý thức sự hiện diện của Chúa sẽ đem lại cho ta sự bình an trong tâm hồn giữa một cuộc sống đầy bận rôn, ồn ào và bon chen. Quả thực, chúng ta rất dễ lôi cuốn chúng ta bởi những công việc bổn phận hằng ngày mà có nguy cơ sao nhãng những bổn phận thiêng liêng như giờ kinh, giờ cơm, giờ đọc sách thánh…, là điều giúp chúng ta đạt được hạnh phúc và bình an đích thực. Thinh lặng còn giúp ta sống phó thác mọi sự cho Chúa. Do vậy, trong đời tu, chúng ta không đặt mục tiêu vào thành công hay hiệu năng của công việc nhưng là sự cố gắng nỗ lực hết mình của chị em. Công việc là để giúp ta tu tốt hơn chứ không phải là kéo đời tu chúng ta chìm xuống.
Một tư tưởng sâu sắc khác mà cha giảng phòng chia sẻ với chị em đó là bài học về chữ ‘yêu’ mà Chúa Giê-su hỏi thánh Phê-rô: “Con có yêu mến Thầy không?” Đó cũng là nguyên tắc đầu tiên của người môn đệ đi theo Chúa. Mặc dù còn nhiều thiếu sót nhưng Phê-rô đã để cho Chúa thánh hiến, thanh luyện và nâng lên. Điều này khích lệ chúng ta vững vàng bước đi trong ơn gọi dâng hiến. Câu chuyện của Phê-rô cũng là câu chuyện mà Chúa muốn viết lên trên cuộc đời của mỗi chúng ta. Đức Giê-su muốn gặp chúng ta ngay tại nơi chúng ta ở, như chúng ta là với những yếu đuối, mỏng dòn. Tuy nhiên, điều quan trọng là ta để cho Chúa gọt tỉa, biến đổi, đồng thời phó thác trọn vẹn vào một Thiên Chúa trào tràn tình yêu và tràn đầy quyền năng.

Hơn nữa, mỗi cá nhân và cộng đoàn phải đặt đời sống tâm linh lên trên mọi lãnh vực khác hầu cộng đoàn tu trì trở thành trường học linh đạo Phúc Âm chân chính và bởi vì chính phẩm chất và nhân cách của người tu sĩ mới lôi kéo được người khác tin Chúa. Cụ thể nhất là khi chúng ta sống ba Lời Khuyên Tin Mừng. Sống lời khấn khiết tịnh đưa chúng ta tới việc củng cố và kiện toàn đức ái, dành tình yêu trọn vẹn cho Chúa và mở lòng ra với hết mọi người, không xúc phạm đến thân xác của người khác và cũng không chiếm hữu một tình cảm riêng tư của ai. Sống lời khấn khó nghèo là chúng ta san sẻ sự khó nghèo của Chúa Ki-tô với tha nhân, "những gì chúng ta lãnh nhận nhưng không thì cũng cho nhưng không." Sống khó nghèo còn là chia sẻ các sản phẩm lao động về cả vật chất lẫn tinh thần, không tấn công hay khinh thường sản phẩm của người khác. Sống vâng phục là chúng ta dâng cho Chúa điều cao quý nhất là ý muốn, tự do qua các chị hữu trách trong cộng đoàn và Hội dòng, phát huy phẩm tính nơi mình một cách triệt để, không tự mãn cũng chẳng tự ti, dùng mọi khả năng Chúa ban để sáng tạo và làm tốt công việc được trao, không tấn công vào ngôn ngữ của người khác, lắng nghe Chúa và lắng nghe nhau.
Khi sống triệt để lời khấn Dòng, chúng ta đi vào mầu nhiệm hiệp thông của Ba Ngôi Thiên Chúa, Đấng chọn gọi chúng ta từ những môi trường, hoàn cảnh, vị thế khác nhau để ở với nhau. Do đó, các cộng đoàn tu trì trở nên một dấu chỉ ngôn sứ cho người thời nay khi chúng ta đón nhận nhau trong sự khác biệt, quan tâm đến người khác, dấn thân vì hạnh phúc của người khác và đặc biệt hạnh phúc của người khác cũng chính là niềm vui của mình. Đời sống cộng đoàn thúc đẩy ta từ bỏ ý riêng vì ích chung, giúp nhau thực hiện tu luyện khổ chế, là cơ hội nâng đỡ đức tin, là môi trường tốt để mọi người làm gương sáng cho nhau, và là thao trường giúp ta tập luyện các nhân đức chẳng hạn như đức hiền hòa. Nếu chúng ta thường xuyên nóng nảy và khó chịu với người khác, chúng ta sẽ dần dần kiệt quệ và mệt mỏi. Nhưng nếu chúng ta đối diện với những thiếu sót của người khác cách hiền hòa, nhẫn nại, thì chúng ta là những người được Chúa chúc phúc và giúp ích cho họ: "phúc thay ai hiền lành vì họ sẽ được đất hứa làm gia nghiệp."  Đức ái hệ tại ở việc đón nhận những sai lỗi của người khác và không chán nản hay vấp ngã vì những sai lỗi đó. Còn về phía mình cũng cần ý thức đừng bao giờ thành gánh nặng hay nỗi bận tâm của chị em. Người hiền lành thì luôn đặt tin tưởng nơi Chúa cho dù họ có bị người đời coi là thua thiệt.

Quả thật, Chúa đưa chúng ta vào trong một cộng đoàn là để chúng ta nên thánh, "hãy nên hoàn thiện như Cha trên trời là Đấng hoàn thiện," chứ Ngài không muốn chúng ta sống đời tu một cách nhạt nhẽo, xoàng xĩnh. Chúng ta được mời gọi nên thánh bằng chính đời sống Chúa dành cho mình trong yêu thương và vui tươi, ở những gì mình làm và nơi mà mình hiện diện. Vì vậy, đừng bắt chước một cách vô những cái không dành cho mình. Nhiệt thành làm mọi việc dù lớn dù nhỏ vì yêu Chúa và ơn cứu độ các linh hồn sẽ phương cách giúp bạn thăng tiến trên con đường thánh thiện, đồng thời cộng tác đắc lực trong việc xây dựng cộng đoàn.

Ước chi mỗi chị em sau dịp tĩnh tâm được tràn đầy Thần Khí Chúa để khi trở về cộng đoàn chúng ta sống với một cách thức và tâm thế mới, dạt dào niềm vui, chan chứa tình Chúa và thấm đượm tình người.
 

Maria Đào Phượng

 
 
114.864864865135.135135135250