18/09/2020 -

Khác

1096
Hoán cải và chứng nhân
 
Dẫn nhập

Khi đi dạy học, câu hỏi đặt ra cho các em Thần Học : “Ai viết nên các tập Thánh Vịnh (Tv)? ” Câu trả lời ngắn ngọn “Đavít.” Đúng, nhưng…! Đavid được coi là người khởi xướng thánh ca và do đó như tác giả các Tv[1]. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu Kinh Thánh cho là có nhiều tác giả và được viết dưới nhiều thời khác nhau. Trong số 150 Tv, 73 Tv được ghi “của Đavít,” trong đó có 13 Tv diễn tả trực tiếp về cuộc đời của ông nhưng gần nhất là Tv 50 (51)[2]. Tuy còn nhiều ý kiến trái chiều về tác giả, nhưng tạm coi Tv 50 (51) là của Đavít.

Điều gì đặc biệt nơi Tv này mà Giờ Kinh Phụng Vụ đặt vào mỗi giờ kinh sáng thứ sáu, Giáo Hội cũng dùng vào các buổi cử hành tang lễ, sám hối…và một phần cũng nằm trong chủ đề nội san Hoa Hồng năm nay? Cách thức hoán cải của Đavít, dệt thành lời kinh và kinh nghiệm sống cho mỗi tín hữu. Lòng nhân từ, thương xót của Thiên Chúa luôn là động lực thúc đẩy con người hoán cải. Sau khi được ơn thánh, họ sẽ làm loan truyền hành động và kỳ công của Chúa.

 
1. Bối cảnh phạm tội và hoán cải

Vào một ngày đẹp trời của mùa xuân, Đavít đi dạo trên sân thượng, thấy cô hàng xóm, Bétsabê đang tắm, cô có nhan sắc tuyệt trần nên đem lòng say mê, điều duy nhất nghĩ đến là “chiếm hữu,” ông cho mời cô về hoàng cung, cả hai đã ngoại tình và kết quả là đứa con. Để mọi chuyện ổn thỏa, Đavít cho gọi Uria, chồng cô từ chiến trường trở về và hy vọng đứa con đó sẽ được “hoán đổi” sang Uria. Nhưng con người tính không bằng Trời tính! Uria không về nhà với vợ và như thế, đứa con sẽ “trả về cho khổ chủ.” Suy nghĩ tính toán, chỉ còn cách duy nhất là thủ tiêu người chồng và như vậy mọi chuyện sẽ ổn thỏa! Tính toán nhanh, quyết định lẹ, Đavít đã thủ tiêu Uria và danh chính ngôn thuận, ông đã cưới cô Bétsabê (x. 2 S 11, 1-17).

Về phía người đời, mọi chuyện xem ra tốt đẹp, nhưng dấu sao nổi “con mắt của Đấng Tối Cao!” Cái chết oan nghiệt của người vô tội đã kêu thấu đến tai Đức Chúa, Ngài liền gởi Nathan đến. Khi gặp Đavít, Nathan không kể tội trực tiếp cũng chẳng mong Đavít nói một lời hối lỗi ngay. Trước hết ông kể chuyện, nhắc lại các ân huệ Thiên Chúa ban, nào là của cải dư thừa, xúc vật đầy đàn, đầy tớ nhiều vô kể, thê thiếp đếm không hết... Hơn thế nữa, Đavít còn được Chúa xức dầu tấn phong cho làm vua, giải thoát khỏi mọi nguy hiểm, cho nhiều quyền hành…và nếu còn thấy thiếu điều gì Chúa sẽ ban thêm (x. 2 S 12, 2.7-8).

Những ân huệ dự tràn đó đã có từ trước mà Đavít không hề ý thức! Ân huệ Thiên Chúa ban dư thừa, vậy tại sao không tạ ơn và hưởng dùng mà lại tham lam đến độ “lấy của người nghèo một con chiên nhỏ?” Hai hình ảnh tương phản nêu lên một thực tế con người thường mắc: không phải là thiếu thốn nhưng là lòng tham, sân, si không giới hạn và nhất là “khinh dể lời Đức Chúa mà làm điều dữ” (2 S, 12, 9).

Chúa không trừng phạt cũng chẳng bỏ rơi hay để mặc con người trong lầm lỗi, nhưng bằng cách này hay cách khác, Chúa sẽ nhắc nhở và chờ đợi con người trở về. Khi được nhắc về ân huệ Chúa ban, Đavít mới ngộ nhận rằng mình đã quá giàu có: giàu của cải, giàu quyền lực và nhất là giàu tình thương của Chúa. Chúa ưu đãi đến độ nếu cảm thấy thiếu Ngài cho thêm, nghĩa là Ngài không để thiếu bất cứ thứ gì. Quả thật, “tình thương Chúa chan hòa mặt đất.” Vì biết tình Chúa bao la, Đavít không nói lời xin lỗi trước, mà là ca tụng lòng nhân hậu Chúa, đó là khởi điểm cho ông xưng thú tội lỗi và xin tha thứ.

Mặc dù Đavít đã phạm tội nhưng tình thương của Thiên Chúa không rời khỏi ông (x. 2 Sm 7, 15a).

Trong hành trình hoán cải, không phải ngồi đó than khóc về tội mình, nhưng là nhận ra tình thương và ân huệ Thiên Chúa. Hối nhânTa hoán cải, không vì sợ hình phạt, nhưng biết mình được Chúa yêu thương và đó là lý do duy nhất của việc hoán cải.

 
2. Lời kinh hoán cải

Nếu Đavít đang đứng trước tòa, thẩm phán sẽ kết ông ba tội danh một lúc: Trộm cướp, ngoại tình và giết người (x. 2 S 12, 5-9). Liệu còn ai nhiều tội hơn nhân vật này chăng! Nhưng con người tội lụy sao vẫn được gọi là “Thánh vương Đavít? ” Bởi “ở đâu tội lỗi đầy tràn, nơi đó ân sủng chan chứa gấp bộị. (Rm 5, 20). Thiên Chúa không xét xử theo tội con người nhưng theo lòng nhân nghĩa và tình thương của Ngài. Đavít biết rõ điều đó và dù “tội có đỏ như son cũng sẽ trở nên trắng như tuyết” (Is 1, 18) nếu trở về và để Chúa yêu thương.

Biết điều đó, Đavít mở lời:
“Lạy Thiên Chúa, xin lấy lòng nhân hậu xót thương con,
mở lượng hải hà xóa tội con đã phạm ”

Thiên Chúa không xa lạ mà là Chúa của con nên tác giả kêu xin: “Lạy Thiên Chúa của con!”. Chúa là Cha giàu ân nghĩa và tín thành, Cha yêu thương và tha thứ, Cha nhân hậu xót thương con. Lời kinh giới thiệu Chúa bên cạnh người tội lỗi là người Cha thương xót và ban ân huệ. Lời kinh bắt đầu bằng việc nại đến lòng nhân hậu Chúa mà con người cần đến, đi kèm là lời xin tha thứ, thanh tẩy và xóa bỏ lỗi lầm.

Hối nhân khiêm tốn nài xin lòng nhân hậu, viện dẫn bản tính Thiên Chúa như Ngài mạc khải cho Israel: “Ta là Thiên Chúa nhân hậu từ bi […] chịu đựng lỗi lầm, tội ác… ” (Xh 34,6-7). Qua đó, ông nhìn nhận Thiên chúa rất chân thật, ông hiểu rõ lịch sử tình yêu Chúa dành cho Israel hơn ai hết, vì thế mà trông cậy vào lòng Chúa thương xót. Trong suốt Cưu Ước, lòng thương xót nghĩa là ân huệ trao ban nhưng không. Lòng nhân hậu của Thiên Chúa là lòng trung tín của Ngài với giao ước đã lập cùng Israel, Người hứa sẽ tha thứ tội lỗi khi họ sám hối.

Sau khi ca ngợi lòng nhân hậu Chúa, hối nhân mới xưng thú tội mình bằng ba từ ngữ: tội, lỗi lầmtội lỗi. Trong tiếng Hipri
[3], mỗi từ trên đều có một nghĩa rõ rệt, để cho thấy tác giả hiểu thấu bản chất của con người sa ngã.

Tội: là hành vi ngờ vực quyền bính. Đây chính là căn nguyên tội của Adam, khước từ Thiên Chúa, không tôn trọng Ngài như Đấng Tối Cao có quyền trên con người, tự coi mình có tự do định đoạt mọi chuyện mà không quy chiếu về yêu sách của đời sống luân lý và tôn giáo. Biến ý kiến cá nhân thành chuẩn mực, quy tắc cho mọi hành động, và đó là tội phản loạn chống Thiên Chúa.

Lỗi lầm: không có nghĩa là cảm giác khi ta nhận ra mình vừa làm điều sai trái, nhưng là hành vi chủ tâm phạm tội, biết là xấu mà vẫn làm, nghĩa là lựa chọn theo con đường xấu và làm với đầy đủ ý thức trong sự tự do.

Tội lỗi: là sống ngoài lề luật, từ chối sống theo giới răn Chúa và mọi chuần mực Ngài đặt ra, đây là từ ngữ thông dụng nhất để tác giả dùng để mô tả sự sa ngã. Ông đã làm mất lòng Chúa, mất lòng cộng đoàn và đánh mất chính mình.

Ngoài việc dùng ba từ ngữ riêng để nói về sa ngã, tác giả còn dùng ba từ ngữ đặc biệt khác để mô tả sự tha thứ mình đang tìm kiếm. Ông xin Chúa xóa tội, xin Ngài rửa sạch hết lỗi lầm và xin thanh tẩy khỏi tội.

Xóa: nghĩa là xóa sổ. Cựu Ước nói đến một cuốn sách sẽ được mở ra vào ngày phán xét, trong cuốn sách này, Chúa đã ghi chép mọi hành vi của con người, ghi tên người lành kẻ dữ và đó là bản cáo trạng (x. Đn 7,10 ; Ml 3, 16 ; Kh 20, 12). Bởi mang “lý lích đen ” nên tác giả xin Chúa xóa lí lịch của mình khỏi cuốn sổ của Ngài.

Rửa: hành động cụ thể được dùng trong việc giặt quần áo, rửa các đồ dùng, vậy cần vò, chà xát để bụi bẩn, dấu vết được tẩy đi và điều này sẽ làm đau đớn ! Từ hình ảnh đó, tác giả xin Chúa rửa sạch, tẩy trắng, lấy ra khỏi các vết nhơ bẩn nơi mình, để trở nên như mới.
 
Thanh tẩy: là từ ngữ dùng trong nghi lễ thanh tẩy; ví dụ một người bị bệnh phong cùi, sau khi được chữa lành, thầy tư tế tuyên bố người này đã khỏi bệnh và làm nghi thức thanh tẩy (x. Lv 13,6.34). Nhờ nghi lễ này, người đó sẽ được sạch và hội nhập với cộng đoàn. Ở đây, tội lỗi đã ngăn cản không cho tác giả ra trước nhan Chúa, không cho đến đền thờ, giờ được thanh tẩy để tiếp tục việc tế tự.

Con người của hối nhân đã hoàn toàn trở nên mới, nhờ hồng ân Thiên Chúa và lời cầu nguyện. Hối nhân rất chân thành, xưng thú tội lỗi dựa trên lòng nhân từ của Chúa và biết rằng Chúa yêu thích người thành tâm:

Nhưng Ngài yêu thích tâm hồn chân thật, dạy con thấu triệt lẽ khôn ngoan.
[…] xin rửa con cho sạch, con sẽ trắng hơn tuyết. ”

Lẽ khôn ngoan tác giả đang tìm chính là sự hiểu biết bắt nguồn từ thái độ hoàn toàn tin tưởng vào Chúa (lòng tin này chính là tâm hồn chân thật). Lẽ khôn ngoan khởi đầu với lòng kính sợ Chúa. Cựu Ước cho thấy lòng kính sợ Chúa là khởi đầu của khôn ngoan; chỉ có Chúa mới dạy cho biết lẽ khôn ngoan như vậy, chỉ có Ngài mới thanh tẩy và rửa khỏi tội lỗi. Điều này không bao hàm một chủ nghĩa cá nhân triệt để trong tương quan của ta với Chúa, vì Ngài thanh tẩy kẻ tội lỗi qua các tư tế xưa kia và ngày nay qua Giáo Hội.

Nơi đây, ta thấy niềm tin vững mạnh của hối nhân, xin Thiên Chúa làm từng việc, và dường như xin đến đâu, sự việc xảy ra đến đó. Vậy được tha thứ là trở nên con người mới, một tạo vật hoàn toàn mới: “Lạy Chúa Trời, xin tạo cho con một tấm lòng trong trắng. ” Đó là lời kinh của người đã nhận ra tính trầm trọng của tội lỗi mình ; ông cần điều các ngôn sứ đã hứa và đã được Đức Kitô ban tặng: “Ta sẽ ban cho các ngươi một quả tim mới […]. Ta đã bỏ đi quả tim bằng đá […] và sẽ tặng ban các ngươi một quả tim biết yêu thươn” (Ed 36,26-27). Câu dẫn nhắc người kitô hữu nhớ rằng Thánh Thần luôn hoạt động để đổi mới: “Anh em phải đổi mới tâm can, và mặc lấy con người mới” (Ep 4,23-24). Tinh thần chung thủy luôn có nơi những ai luôn vững bước theo Chúa, và Thần Khí thánh của Ngài đem lại sự đổi mới.

Niềm vui, hạnh phúc của người được tha thứ không dừng lại ở đó và giữ cho riêng mình, nhưng sẽ đưa đến hành động.

3. Hoa trái của hoán cải: dạy tội nhân con đường trở về và chúc tụng Thiên Chúa
“Đường lối Ngài con sẽ dạy cho người tội lỗi, ai lạc bước sẽ trở lại cùng Ngài.
Xin tha chết cho con, con sẽ tung hô Ngài công chính. ”

Lời cầu này làm độc giả suy nghĩ: Đavít vừa là người rất chân thành, rất thực tế, rất nghiêm túc và cũng rất trẻ con ! Như một kiểu giao kèo: “Này, Chúa tha cho con đi, Chúa sẽ được lợi nhiều lắm đó!” Lời cầu được diễn tả qua hai việc mà Đavít sẽ làm:
 
- Dạy cho người tội lỗi con đường trở về
- Chúc tụng Chúa.

Trước hết “dạy cho người tội lỗi biết đường lối Chúa. ” Dạy con đường của Chúa chính là dạy biết luật “Torah ” (năm cuốn sách đầu của Cựu Ước), luật này không phải là một bản văn đầy chữ chết, nhưng chính là sự sống, là phương hướng cho cuộc đời. Ông sẽ rao giảng lời Chúa, lời tình thương và cứu độ. Và dường như Đavít chắc chắn rằng khi ông dạy, thì người ta nghe và trở về với Chúa. Đó vừa như lời bảo đảm, hoán đổi với Chú: “Tha cho con đi, con sẽ nói cho người khác Chúa như thế nào, và họ sẽ trở lại ! Vừa như lời cam kết rằng : “Con là chứng nhân lòng thương xót của Chúa, lời chứng của con là lời chân lý, có sức cuốn hút, lời đáng tin, vì con nói bằng chính cảm nghiệm “xương máu ”, đó là lời chứng thực nhất, sâu xa nhất, như thế mọi người sẽ tin, nghe và trở lại.”

Có lẽ Chúa mỉm cười và nói: “Ta chẳng còn nhớ gì lỗi của con, chỉ còn biết yêu thương và chúc lành cho con mà thôi!  Bởi chính Ngài nói: “Ta sẽ xóa bỏ các tội phản nghịch của ngươi và không còn nhớ đến lỗi lầm ngươi ” (Is 43,25) và còn thêm: “Ta sẽ làm cho tội của người ta ra như làn khói […]. Hãy trở lại cùng Ta, vì Ta là Đấng cứu chuộc ngươ” (Is 44, 22). Lời tha thứ không giới hạn làm ta ngạc nhiên : nếu Chúa tha ngay cả khi con người chưa thú tội, vậy việc gì phải hoán cải? Thiên Chúa tha thứ nhưng con người phải trở về, như dụ ngôn người cha nhân hậu theo Lc 15. Khi đứa con trở về, cha chẳng chẳng nghe, chẳng quan tâm lời thú tội, chỉ biết ôm nó vào lòng và mở tiệc ăn mừng, nghĩa là cha đã tha trước khi con xin lỗi; nhưng nếu con không về, thì cha chẳng thể đón nhận con được! Vậy cần trở về và sứ mệnh của người được tha là dạy cho tội nhân biết một Thiên Chúa yêu thương và chỉ cho họ con đường để trở về.

Kế đến Đavít hứa tiếp: “Xin tha chết cho con, con sẽ tung hô Ngài công chính . (Có lẽ Đavít mang chút văn hóa Việt Nam: mời ai phải mời hai lần, xin ai phải năn nỉ). Ông đã được tha thứ, sao lại xin thêm? Thực ra đây là lời hứa sẽ thực hiện. Không chỉ là lời xin, lời hứa mà ông đưa ra cho Chúa như sự lựa chọn : nếu để cho hối nhân sống, họ sẽ ca tụng Chúa, nếu để họ chết, chẳng ai lợi lộc gì, như các Tv van xin thường diễn tả.

“Chốn tử vong, ai nào nhớ Chúa, nơi âm phủ lấy ai ngợi khen Ngài ” (Tv 6,6), và “Chúa được lợi gì nếu con phải chết, được ích chi nếu con phải xuống mồ? ” (Tv 30,10). Con người sống đích thực phải là người ca ngợi Chúa. Đavít giao kèo với Chúa : nếu để con sống vừa sinh ích cho Chúa (vì có người ca tụng) vừa có lợi cho con (vì ngày đời được kéo dài)! Việc tính toán này làm đọc giả bật cười, nhưng cũng diễn tả một ý sâu xa: niềm tin của Người Cựu Ước, vừa đơn sơ vừa thâm thúy vì xin Chúa đừng để chết. Chết rồi xuống Schéol, nơi vực thẳm (Tv 69, 15-16), chốn tăm tối và lãng quên (Tv 88, 12). Nơi ấy, người chết kéo lê kiếp sống vô hồn, hoàn toàn vắng bóng Thiên Chúa (Tv 88, 6). Cái chết ở đây được hiểu theo hai nghĩa : chết về thể xác, nghĩa là kẻ phạm tội sẽ phải chết (người thời đó thường gán cho bệnh tật, sự chết là do người đó phạm tội (x. Tv 38,4-5 ; Xh 15,26). Tuy nhiên, Đức Giêsu sẽ sửa lại quan niệm này (x. Ga 9, 3). Nhưng cũng là cái chết thiêng liêng khi con người xa lìa ân sủng Thiên Chúa là sự sống, thì ở trong cái chết. Vậy người được tha thứ là người có sự sống và vì được sống nên còn được ca tụng Chúa. Việc ca tụng Chúa vừa biểu lộ người được tha thứ, vừa là một sứ mạng cần thực hiện.

Sau khi được tha thứ là niềm vui: “xin ban lại cho con niềm vui ơn cứu độ.” Niềm vui là một trong những dấu hiệu đầu tiên cho thấy thần khí thánh đang hiện diện, đó là niềm vui được biết ơn cứu độ của Thiên Chúa. Tuy nhiên, tác giả nhận thấy mình cần được Chúa đỡ nâng tinh thần quảng đại trong con người, để việc canh tân chính mình không mang tính bộc phát nhất thời, nhưng là một sự đổi mới không ngừng. Sự đổi mới tác giả đang tìm kiếm không chỉ là việc canh tân bản thân, nhưng còn là việc giúp cho người lạc bước và những người tội lỗi được trở lại cùng Chúa. Hoa trái của hoán cải không gì khác là làm chứng và nói cho người khác về kinh nghiệm đó.

Tạm kết

Trọng sự thinh lặng nội tâm, ôn lại những giờ phút chỉ có Chúa và ta: giờ lỗi lầm và sám hối, giờ đau thương và hạnh phúc, giờ chán chường và hy vọng. Nhìn lên cây Thập giá và chiêm ngắm Thầy Giêsu: bị phản bội không một lời oán trách; bị chê bai, vu khống, không một lời biện hộ ; bị khinh bỉ, đánh đòn, không một tiếng kêu oan. Đôi mắt buồn vì con người rời xa hạnh phúc, nhưng mắt đó cũng dõi theo hằng ngày, hằng giờ, để mời con người hoán cải. Nơi Ngài chỉ còn lại là tình thương, tha thứ, lòng nhân hậu, một trái tim yêu không giới hạn, tha thứ không mỏi mệt, chờ đợi không thất vọng.

Tình yêu làm đổi mới con người và trái đất, tình yêu là nguồn động lực đổi mới tâm hồn từng ngày, từng giờ. Cảm nghiệm được tình Chúa, tình người sẽ giúp sáng suốt, hạnh phúc và đó là ánh sáng lóe lên trong đêm tối cuộc đời, chữa lành vết thương trong tâm hồn, hàn gắn đổ vỡ giữa con người với nhau, với Chúa và với chính mình.

Sau mọi biến cố cuộc đời: vui-buồn, hạnh phúc-bất hạnh, thành công-thất bại…tất cả xin dệt nên lời kinh và cũng là lời ước nguyện. Suốt cuộc đời con xin chúc tụng Chúa và kể lại cho thế hệ mai sau về Thiên Chúa thành tín và yêu thương. Người thánh hiến không có sứ vụ nào khác ngoài hai việc:

 Nói cho người khác biết về một Thiên Chúa nhân từ với kinh nghiệm bản thân,
- Chứng nhân về tình yêu Chúa và cuộc đời xin trở nên lời ca ngợi: “Lòng nhân hậu và tình thương Chúa ấp ủ tôi suốt cả cuộc đời” (Tv 23, 6).
Nt. Catarina Thùy Dung, OP.


Tài liệu tham khảo

BEAUCHAMP, P., Psaumes nuit et jour. Ed du Seuil, Paris, 1980.
Brunetti, J.-C (dir.). Ta parole est un trésor. Ed : Tardy, Paris, 1994.
CHARPENTIER, E., “Psaumes ” dans Pour Lire L’Ancienne Testament, Ed du Cerf, Paris, 1983.
DEISSLER A., Le livre des Psaumes (Verbum Salutis), 2e vol. Ed du Cerf, Paris, 1966 – 1968.
 
[1] DEISSLER, tr. 17-19.
[2] Brunetti, J.-C., tr. 215.
[3] X. DEISSLER, tr. 68-72.
114.864864865135.135135135250