Có những con người sinh ra để thay đổi thế giới, không phải bằng quyền lực hay danh vọng, mà bằng một tình yêu trọn vẹn dành cho những người nhỏ bé và bị lãng quên. Mẹ Teresa Calcutta là một con người như thế, một người phụ nữ bé nhỏ nhưng mang trong mình một trái tim vĩ đại, đủ lớn để ôm trọn những đau khổ của nhân loại.
Sắc lệnh của Bộ Phụng tự công bố ngày 11/2/2025 vừa qua đã khẳng định rằng Mẹ Teresa không chỉ là một nhân vật của lịch sử, mà là một chứng nhân sống động của Tin Mừng mà toàn thể Hội Thánh được mời gọi noi theo. Đức Thánh Cha, xét đến lòng sùng kính sâu sắc của tín hữu trên khắp thế giới, đã chính thức ghi tên Mẹ vào lịch phụng vụ chung, và từ nay ngày 5 tháng 9, ngày Mẹ qua đời trở thành ngày kính nhớ Mẹ.
Điều này có nghĩa rằng mọi tín hữu có thể cử hành Thánh lễ, đọc Kinh Sáng, Kinh Chiều và các giờ kinh khác để suy niệm về cuộc đời của Mẹ, để học hỏi nơi Mẹ tinh thần yêu thương và phục vụ. Đây không chỉ là một sự tôn vinh, mà là một lời mời gọi cụ thể: chúng ta được mời gọi sống tinh thần của Mẹ trong cuộc đời mình.
Một cuộc đời cho người nghèo nhất trong những người nghèo
Sinh ra tại Skopje vào năm 1910 với tên gọi Gonxha Bojaxhiu Agnes, Mẹ Teresa đã sớm cảm nhận được tiếng gọi dấn thân cho Chúa Kitô. Nhưng ơn gọi của Mẹ không dừng lại trong những bức tường tu viện, mà vươn xa đến tận những con hẻm bẩn thỉu, những mái nhà xiêu vẹo, những đôi mắt tuyệt vọng của những con người bị thế giới ruồng bỏ.
Khi Mẹ rời bỏ dòng nữ Loreto để bước vào lòng đường phố Calcutta, đó không chỉ là một quyết định cá nhân, mà là một sự vâng phục tuyệt đối trước tiếng gọi của Thiên Chúa. Mẹ đã đặt chân vào nơi tận cùng của đau khổ, nơi mà con người không còn gì ngoài những vết thương và nỗi cô đơn. Nhưng trong mắt Mẹ, họ không phải là những kẻ vô dụng, không phải là những bóng mờ trong xã hội. Họ là Chúa Kitô – Đấng đã bị đóng đinh trong chính những thân xác héo mòn ấy.
“Tôi khát” – tiếng vọng từ thập giá
Một trong những động lực lớn nhất trong hành trình của Mẹ Teresa chính là hai chữ "Tôi khát" mà Chúa Giêsu thốt lên trên thập giá. Đó không chỉ là cơn khát thể lý, mà là cơn khát của tình yêu, cơn khát được yêu thương và trao ban tình yêu.
Mẹ Teresa đã sống để làm dịu cơn khát đó, không phải bằng những bài giảng hùng hồn, mà bằng những cử chỉ yêu thương đơn sơ. Một bàn tay lau vết thương, một nụ cười dành cho người hấp hối, một chén cơm trao cho người đói lả – những điều ấy nhỏ bé nhưng lại có sức mạnh biến đổi cuộc đời.
Tình yêu không cần lý do
Có người từng hỏi Mẹ rằng: "Làm sao Mẹ có thể yêu thương những con người bị xã hội bỏ rơi, những người bệnh tật, dơ bẩn, có khi còn thô lỗ với Mẹ?" Mẹ chỉ mỉm cười và nói: "Tôi không yêu họ vì họ dễ thương, tôi yêu họ vì chính Chúa Giêsu yêu họ."
Tình yêu của Mẹ không dựa trên cảm xúc hay sự hồi đáp, mà là một tình yêu vô điều kiện, như chính tình yêu mà Chúa Kitô đã dành cho nhân loại. Đó là tình yêu dám bước xuống những nơi tối tăm nhất để mang ánh sáng, tình yêu sẵn sàng bị hiểu lầm, bị tổn thương, nhưng vẫn tiếp tục yêu đến cùng.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói trong lễ tuyên thánh Mẹ ngày 4/9/2016 rằng: “Sự thánh thiện của ngài rất gần gũi, rất dịu dàng và phong phú, đến nỗi chúng ta tự phát tiếp tục gọi là Mẹ.” Ngài khẳng định Mẹ là “người phân phát quảng đại lòng thương xót,” luôn “sẵn sàng đón nhận và bảo vệ sự sống con người, từ những thai nhi chưa chào đời đến những người bị bỏ rơi và loại trừ.” Mẹ không chỉ phục vụ trong âm thầm, nhưng còn lên tiếng với những người có thế lực trên thế giới, để họ nhận ra tội lỗi của mình trước những tội ác của nghèo đói.
“Tôi chỉ là cây bút chì của Chúa”
Trong suốt cuộc đời, Mẹ Teresa không bao giờ nhận mình là người làm được những điều vĩ đại. Mẹ chỉ nói: “Tôi chỉ muốn làm cây bút chì của Chúa, để Ngài gửi bức thư tình yêu của Ngài cho thế giới.”
Lời nói ấy đơn sơ mà sâu sắc. Cây bút chì không có giá trị gì nếu không có bàn tay cầm lấy nó và viết. Cũng vậy, Mẹ chỉ là một công cụ trong tay Thiên Chúa, nhưng chính sự khiêm tốn đó đã làm nên những điều kỳ diệu. Bác ái không nhất thiết phải là những hành động vĩ đại. Mẹ Teresa từng nhắc nhở: “Không phải tất cả chúng ta đều có thể làm những điều lớn lao, nhưng ai cũng có thể làm những việc nhỏ với một tình yêu lớn.”
Dư âm từ cuộc đời và sứ điệp của Mẹ thánh Têrêsa không chỉ dừng lại ở những lời nói, mà còn hiện diện trong những hành động cụ thể, nơi từng con tim biết rung cảm trước nỗi đau của tha nhân. Hình ảnh "cây bút chì trong tay Chúa" mà Mẹ từng ví von đã trở thành biểu tượng cho sự khiêm nhường và tinh thần phục vụ vô điều kiện. Một cây bút chì đơn sơ, nhưng khi đặt vào tay Đấng Sáng Tạo, nó có thể viết nên những câu chuyện phi thường về lòng nhân ái và tình yêu thương.
Ngày nay, trên khắp thế giới, tinh thần ấy vẫn tiếp tục lan tỏa. Người ta tìm thấy dấu chân của Mẹ trong những bàn tay lặng lẽ chăm sóc bệnh nhân, trong những mái ấm cưu mang trẻ em mồ côi, trong những bữa ăn miễn phí dành cho người vô gia cư. Đó là những con người bình dị, nhưng trái tim họ rực sáng tinh thần phục vụ mà Mẹ Têrêsa đã khơi nguồn. Họ không làm những điều vĩ đại, nhưng từng việc nhỏ họ thực hiện bằng một tình yêu lớn, như Mẹ đã từng sống.
Còn chúng ta thì sao? Chúng ta có sẵn sàng trở thành những cây bút chì ấy, để viết nên những câu chuyện của tình yêu và hy vọng giữa cuộc đời?
Mưa HẠ