21/02/2024 -

Khác

227
Mùa Chay, một đề xuất tích cực
Lm. Alfons Gea

WHĐ (20.02.2024) – Mùa Chay là thời điểm giúp chúng ta thoát khỏi sự phụ thuộc vào thế gian để hướng tới một cuộc sống tin tưởng và hy vọng vào Thiên Chúa. Nhưng có lẽ từ lâu, chúng ta thường có cái nhìn không mấy tích cực về Mùa Chay khi coi mùa này như một tập hợp những điều bị ngăn cấm mà không có mục đích nào khác ngoài việc chúng ta phải cố gắng chu toàn vì đó là điều bắt buộc phải làm.

Điều này có nghĩa là chúng ta chưa trải nghiệm Mùa Chay như một đề xuất tích cực! Thật vậy, tôi chỉ nhận ra điều này vào ngày tôi đang xếp hàng tại một căn-tin của bệnh viện. Khi nhìn thấy một y tá đồng nghiệp chọn những món ăn không có thịt, bất giác tôi hỏi cô ấy xem là cô có ăn được thịt không. Không chút do dự, cô nói với tôi rằng, cô ăn được thịt, nhưng cô chọn lựa không ăn thịt. Lý do cô đưa ra là vì cô muốn bảo vệ động vật và môi trường tự nhiên. Ngay lúc đó, tôi nhận ra rằng đây không phải là một điều cấm đoán mà là một lựa chọn tự do. Đối với cô, không ăn thịt không phải là một sự hy sinh, không phải là một sự chiến đấu, và càng không phải là một điều cấm đoán, mà là cách để cô sống hòa hợp với thiên nhiên hơn.

Cách chúng ta sống sự khổ chế Kitô giáo, nhất là trong Mùa Chay, thường dễ bị xem như là khoảng thời gian cấm đoán hơn là như một giai đoạn để canh tân và củng cố. Như Đức Giáo Hoàng Phanxicô diễn tả trong sứ điệp Mùa Chay năm 2023 rằng: “Hành trình khổ chế trong Mùa Chay, cũng như tiến trình Thượng Hội đồng, cả hai đều có mục tiêu là sự biến hình, trên bình diện cá nhân và giáo hội. Sự biến hình ở cả hai bình diện này là sự biến hình rập khuôn theo Chúa Giêsu và diễn ra nhờ ân sủng của mầu nhiệm Phục sinh của Người”.

Ngay từ đầu, Mùa Chay là thời gian hy vọng đối với những dự tòng ước muốn được lãnh Phép Rửa, và những hối nhân khao khát được tái gia nhập cộng đoàn. Do đó, Mùa Chay không phải là giai đoạn bị cấm đoán, nhưng là thời điểm sống tích cực trong việc chuẩn bị để trở thành Kitô hữu cách trọn vẹn hơn.

Sẽ thật tốt đẹp biết bao nếu chúng ta sống Mùa Chay như một đề xuất tích cực cho sự đổi mới chứ không phải như một tập hợp những điều cấm đoán không có mục tiêu, những thực hành vô nghĩa, và vô ích. Với lăng kính này, chúng ta thử nhìn vào 3 trụ cột của Mùa Chay: Ăn chay, Cầu nguyện và Bố thí.

Ăn chay. 
Chắc chắn mục đích của việc chay tịnh Mùa Chay khác với việc nhịn ăn vốn rất thịnh hành trong việc trị liệu, nhưng trong trường hợp của chúng ta, việc ăn chay kiêng thịt là những thực hành cụ thể và có mục đích rõ ràng, như lời nguyện
 hiệp lễ của Thứ tư Lễ Tro diễn tả, đó là nhằm giúp chúng ta biết sống khắc khổ, chế ngự các tính mê tật xấuvà tăng cường việc bác ái yêu thương. Nói cách khác, việc chay tịnh Mùa Chay giúp chúng ta khiêm tốn hơn, và do đó, nhân bản hơn.


Sự biến hình cá nhân mà Đức Thánh Cha nói với chúng ta trong Sứ điệp không chỉ về mặt thể xác mà còn về phương diện tâm linh. Sẽ thật tuyệt vời, nếu đôi khi chúng ta được người khác hỏi về việc ăn chay của mình, không phải vì khuôn mặt sầu não mà là vì niềm vui toát ra từ việc chúng ta trải nghiệm được sự giải thoát khỏi những cạm bẫy và sự dính bén thế tục.

Cầu nguyện. 
Ngày mà nếu có ai đó nói với chúng ta rằng họ thấy chúng ta thân thiện hơn, và tinh thần tốt hơn và họ thắc mắc không biết điều gì đã khiến chúng ta có tâm trạng tích cực như vậy. Nếu khi ấy chúng ta dám trả lời rằng chúng ta bước vào Mùa Chay, và đây là thời gian để trải nghiệm sa mạc, để tìm thấy mình nhiều hơn. Và nếu họ tiếp tục hỏi liệu chúng ta sẽ sống Mùa Chay của mình như thế nào, và chúng ta có thể trả lời rằng, chúng ta sẽ dành thời gian để suy ngẫm và cầu nguyện, lần chuỗi Mân côi, viếng Đàng Thánh Giá, xưng tội, tham dự Thánh lễ,…. Qua đó, chúng ta nhận ra rằng Điều gì và Ai là quan trọng nhất, đó chính là Thiên Chúa. Hơn nữa, không chỉ dừng lại trên lý thuyết, những thực hành đạo đức này giúp chúng ta cải thiện bản thân, thay đổi lối nghĩ, lối sống theo chiều hướng tích cực, và đó là lý do họ thấy chúng ta thân thiện hơn, hoà nhã hơn, và nét mặt tươi vui hơn.


Bố thí
Cùng với việc ăn chay và cầu nguyện, sự bố thí đôi khi cũng bị hàm ý tiêu cực. Khi bố thí, nhiều khi chúng ta thể hiện sự thương hại và đặt mình lên trên người khác. Nhưng thực ra, việc bố thí không chỉ là việc chúng ta làm việc bác ái khi chúng ta cho đi một chút dư thừa về mặt vật chất, mà đúng hơn, chính chúng ta cũng nhận ra những giới hạn của mình, và được đón nhận rất nhiều về mặt tinh thần khi sống tình liên đới. Cũng trong Sứ điệp Mùa chay 2023, Đức Thánh Cha giải thích cho chúng ta về lộ trình hiệp hành, về việc cùng nhau bước đi. “Ngoài Kinh Thánh, Chúa còn nói với chúng ta qua các anh chị em, nhất là qua những khuôn mặt và câu chuyện của những người cần được giúp đỡ. Nhưng tôi cũng muốn thêm vào một khía cạnh khác, rất quan trọng trong tiến trình Thượng Hội đồng: lắng nghe anh chị em trong Giáo hội thường cũng chính là lắng nghe Chúa Kitô, việc lắng nghe lẫn nhau này là mục tiêu chính trong một vài giai đoạn, nhưng dù sao, đó vẫn luôn là điều thiết yếu trong phương pháp và cung cách của một Giáo hội hiệp hành”.
 
***

Ba trụ cột chúng ta thực hiện trong Mùa Chay là Ăn chay, Cầu nguyện và Bố thí sẽ mất đi ý nghĩa nếu không được thúc đẩy bởi tình yêu với Thiên Chúa, với chính mình, và với người khác. Do đó, Mùa Chay không chỉ tập trung vào việc chúng ta bắt buộc phải ăn chay kiêng thịt trong một số ngày, mà còn trở thành một đề xuất tích cực cho việc đổi mới thể chất và tâm linh, khi chúng ta dành thời gian để cầu nguyện, dành một nơi yên tĩnh để lắng đọng tâm hồn, và mở lòng ra với người khác khi cùng nhau chia sẻ cuộc sống.
 
Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Lược dịch từ: exaudi.org (14. 02. 2024)

https://www.hdgmvietnam.com/chi-tiet/mua-chay-mot-de-xuat-tich-cuc-54520
114.864864865135.135135135250