Hầu hết các nhà thờ đều có 14 chặng đàng thánh giá tái hiện lại cuộc thương khó của Chúa Kitô. Truyền thống tái hiện lại con đường Chúa Giêsu đã trải qua vào ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, từ thành thánh đến đồi Can-vê, có nguồn gốc từ Byzantine. Chính các tu sĩ dòng Phanxicô là những người đầu tiên phát triển phương pháp rước kiệu này, từ chặng này qua chặng khác, trong khi suy niệm về cuộc thương khó và cái chết của Chúa Giêsu.
Vào thế kỷ XIV, họ bắt đầu du nhập truyền thống này từ Đất Thánh đến gần các nhà thờ của họ ở Ý. Quả thế, rất ít tín hữu có thể đi hành hương ở Giêrusalem. Như thế, Đàng Thánh Giá cho phép mỗi người sống lại phần cuối của cuộc đời trần thế của Chúa Kitô, mà không cần rời khỏi nhà của họ hay một đền thánh gần nhà của họ. Các Đàng Thánh Giá, đầu tiên là bên ngoài nhà thờ, dần dần được đưa vào với kích cỡ nhỏ hơn.
Chỉ vào thế kỷ XVII mà việc đưa Đàng Thánh Giá vào những nơi đạo đức sẽ được tự do ; trước đó cần phải có phép đặc biệt. Con số các chặng sẽ thay đổi đáng kể : ban đầu chỉ có bảy chặng và người ta đếm được ba mươi bảy chặng. Con số các chặng sẽ được ấn định là 14 vào thế kỷ XVIII. Một số cảnh đến từ Thánh Kinh, một số khác đến từ truyền thống, như cảnh bà Vêrônica lấy khăn lau mặt Chúa hay ba lần ngã của Chúa Giêsu, những tình tiết mà các Tin Mừng không có.
Đôi khi, chặng thứ mười lăm được thêm vào, chặng về ngôi mộ trống kết nối tất cả các chặng với sự Phục Sinh. Không có quy tắc bắt buộc nào để đi theo Đàng Thánh Giá hay về hình thức các bài suy niệm. Phương pháp có thể là cá nhân hay cộng đoàn.
Các chặng Đàng Thánh Giá phải được đánh dấu bằng một cây thánh giá. Đôi khi chúng hết sức đơn giản, nhưng thường được vẽ hay điêu khắc bằng một cảnh minh họa cho chặng đó. Chúng cũng được tìm thấy trên một số cửa sổ kính màu. Việc đi Đàng Thánh Giá, dù ngắn giữa mỗi chặng, cũng dẫn đến một sự di chuyển nội tâm, mời gọi mỗi người bước theo Chúa Giêsu. Các giác quan của chúng ta, nhờ hình ảnh hay qua chuyển động của cơ thể, vì thế được dẫn dắt để đi vào mầu nhiệm tình yêu của Thiên Chúa, Đấng đã chết để cứu độ chúng ta.
Tý Linh
(theo Sophie Roubertie, Aleteia)