Tôi thấy thập giá khắp nơi, trên mộ bia trong nghĩa trang, trên tháp cao nhà thờ, bên bàn thân lễ, trên ngực áo, bên vành tai, trên tường đá. Nhiều thập giá quá. Đức Kitô bị đóng đanh trên thập giá. Thập giá đã mặc nhiên được coi như biểu tượng của Kitô hữu. Nơi nào thấy thập giá, người ta nghĩ ngay nơi ấy có đạo Chúa. Vậy có thể nói nơi nào có thập giá, nơi ấy có Đức Kitô không?
Tôi không nghĩ vậy.
Trong khi Đức Kitô bị đóng đanh đã có thập giá rồi. Người Rôma dùng thập giá để lên án tử hình cho các tội nhân. Bây giờ, ở đâu có thập giá là có sự chết. Người ta sợ hãi thập giá. Bóng thập giá là tử thần. Thập giá ở đâu có khóc than ở đó. Bởi thế, nếu nói đâu có thập giá là có Chúa thì kiểu nói ấy e rằng rất hàm hồ. Hôm nay, nếu nói nơi nào có bóng thập giá là nơi ấy có vết chân người Kitô hữu thì có thể đúng. Nhưng làm sao dám khẳng định nơi nào có Kitô hữu là có Chúa hiện diện? Người ta có thể dùng thập giá để đấu tranh. Đã chẳng có những xứ đạo mất bình an chỉ vì xây cất nhà thờ đó sao. Không phải cứ có bóng thập giá là có sự hiện diện của Chúa.
Biểu tượng và ngẫu tượng
Những gì tôi thấy hôm nay, thập giá trên tháp chuông cao, thập giá trên bàn thờ nhà tôi, thập giá ở cổng giáo đường, nhiều khi rất là vô nghĩa. Tôi quá quen thuộc với biểu tượng nên biểu tượng có thể trở thành ngẫu tượng. Khi tôi mặc nhiên cho rằng nơi nào có thập giá là có Chúa thì tôi có thể chỉ nỗ lực xây dựng nhiều thập giá. Điều này dễ rơi xuống hố sâu nguy hiểm. Biểu tượng bao giờ cũng mang hai đặc tính. Đặc tính thứ nhất của biểu tượng là cần nhìn thấy. Vì thế, thập giá có thể bằng xi măng, bằng đá, bằng đồng, bằng vàng. Đặc tính thứ hai là biểu tượng ấy phải diễn tả một thực tại không nhìn thấy ở đàng sau. Điều này gian nan chứ không đơn giản. Một thực tại vắng mặt thì có thể diễn tả bằng một biểu tượng. Nhưng không phải cứ có biểu tượng là có thực tại vắng mặt. Và bi đát hơn nữa là người ta có thể đánh lừa bằng biểu tượng. Gởi tặng cánh hoa là gởi biểu tượng để chuyển ngữ một tình cảm không nhìn thấy. Biểu tượng ấy chỉ đúng nghĩa khi có tình yêu ở phía sau. Như thế phải có tình yêu trước. Biết bao giờ người tặng hoa những không tặng tình yêu. Biết bao giờ người nhận hoa mà trao lầm trái tim vì ngỡ rằng có tình yêu ở đàng sau cánh hoa.
Điều đó cũng đúng với thập giá. Thập giá là biểu tượng thì tôi phải đi tìm thực tại đàng sau biểu tượng. Nếu tôi gọi thập giá là biểu tượng hiện diện của Chúa mà thật sự không có Chúa thì lòng yêu mến biểu tượng ấy thành ôm giữ ngẫu tượng. Qúa quen với não trạng thập giá là biểu tượng hiện diện của Chúa, nên ta ít tự hỏi nếu không có sự hiện diện của Chúa thì tôi đang ôm giữ gì. Không còn là biểu tượng hiện diện của Chúa, nếu không là ngẫu tượng thì ta gọi là chi?
Lý do các thượng tế đưa ra để kết tội Chúa là vì Đức Kitô nhận mình là con Thiên Chúa. Theo họ, Đức Kitô đã phạm thượng vì xúc phạm đến Thiên Chúa. Còn họ thì phải bảo vệ Thiên Chúa (Mc 14, 60-64). Chính trong hành động nhân danh Thiên Chúa để bảo vệ Thiên Chúa họ đã kết án Thiên Chúa. Chính hành động họ nói với Đức Kitô phạm thượng, họ đã phạm thượng. Gian nan là ở đấy. Quá gần Thiên Chúa nên ngỡ Thiên Chúa ở rất xa. Càng đợi trông một Thiên Chúa ở xa mà Ngài lại ở gần thì sự xa cách ấy lại càng xa hơn nữa.
Do đấy, kẻ ôm giữ thập giá là biểu tượng chứ chưa chắc có sự hiện diện của Chúa mà họ cứ khăng khăng tin rằng họ đang ôm giữ Chúa thì làm sao mà nhận ra sự xa cách ấy. Cho nên họ tưởng rất gần Chúa mà thật sự rất xa. Từ biểu tượng đến ngẫu tượng, họ tưởng rất xa, mà lại hoá quá gần.
Từ thập giá đến THÁNH giá
Ba cây thập giá dựng lên trong chiều ấy. Đức Kitô ở giữa hai tội nhân. Trong ba cây thập giá ấy chỉ có cây ở giữa là THÁNH giá. Khi Đức Kitô tắt thở trên cây thập giá, Ngài đi vào Phục Sinh thì cây thập giá khốn khó ấy thành cây cứu rỗi và trở nên THÁNH. Chất THÁNH ấy là tình yêu, là đau khổ, là sự chết, là vinh quang. Không có tình yêu thì thập giá không phải là THÁNH giá.
Nhìn lại những bến bờ đã đi qua của thập giá và THÁNH giá, ta thấy khi thập giá trở thành THÁNH giá rồi cũng không có nghĩa cứ thoáng nhìn là nhận ra THÁNH giá. Vẫn có một khác biệt rất lớn. Câu chuyện hai người trộm bị đóng đanh cùng với Chúa chứng minh điều đó. Một người nhục mạ Chúa:
“Ông không phải là Đấng Kitô sao? Hãy tự cứu mình đi, và cứu chúng tôi với.” Một người thì nói: “Mày đang chịu chung một hình phạt, vậy mà cả Thiên Chúa, mày cũng không biết sợ! Chúng ta chịu như thế này là đích đáng, vì xứng với việc đã làm. Chứ ông này đâu có làm điều gì trái!” Rồi anh ta thưa với Đức Yêsu: “Ông Yêsu ơi, khi ông vào nước của ông, xin nhớ đến tôi.” Đức Yêsu nói với anh: “Hôm nay anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng” (Lc. 23:39-43).
Một người nhìn thấy thập giá là THÁNH giá. Một người thấy THÁNH giá chỉ là thập giá.
Phân biệt thập giá và THÁNH giá không đơn giản. Lại càng không giản đơn khi ta quá quen biểu tượng trong một não trạng mù mờ. Trước THÁNH giá thật mà còn không nhận ra THÁNH giá thì trước những THÁNH giá giả vấn đề còn gian truân tới đâu. Nếu không biết yếu tố làm nên chất THÁNH, nếu không tìm yếu tố làm nên chất THÁNH, nếu không sống yếu tố làm nên chất THÁNH thì ta không có THÁNH giá. Cả một bến bờ cuộc sống chỉ là ngẫu tượng.
Trong xã hội hôm nay, từ tâm lý quảng cáo đến các tổ chức chính trị, văn hoá, thể thao, nghệ thuật, từ cá nhân đến tập thể, chỗ nào cũng thấy có những biểu tượng cho sinh hoạt của tổ chức đó. Mặc dầu Chúa bảo: “Cứ dấu này mà người ta nhận ra chúng con là môn đệ Thầy, là chúng con hãy yêu thương nhau” (Yn. 13:34-35). Nhưng chúng ta cũng vẫn có một biểu tượng cho sự hiện diện của đạo Chúa, đó là THÁNH giá.
Biểu tượng là để người khác nhìn. Tôi sống trên quê hương tôi thì biểu tượng là ngôn ngữ nói với những người cùng một quê hương ấy. Tôi phải dùng ngôn ngữ nào dễ hiểu và chính xác cho thực tại là Chúa ở sau biểu tượng? Trên một quê hương nghèo đói thì biểu tượng để nói về Chúa là bác ái, chia xẻ cảnh khốn cùng. Giữa tuổi chán nản với lí tưởng hoà bình, nhân quyền, buông xuôi theo lối sống cho qua ngày thì biểu tượng là trái tim nhiệt thành, can đẩm, yêu đời. Giữa cảnh các bé thơ thất học không có trường lớp, thầy cô thiếu lương, thì sự hiện diện của Chúa không là biểu tượng thập giá to hay nhỏ, mà phải là THÁNH giá có tình yêu, dấn thân cho Tin Mừng bừng con tim tận tụy như chính một rung cảm chiều nọ bên đồi vắng: “Ta thương đoàn dân này… Ta không muốn để họ đói… Ta sợ rằng họ lả dọc đường” (Mt. 15:32)
Lạy Chúa, không có bác ái, không có THÁNH giá, chỉ có thập giá thì con chẳng nói gì về Chúa cho những người cùng một dân tộc mà Chúa sai con tới cả. Một biểu tượng sai về Chúa sẽ làm cho Chúa còn khổ tâm hơn nữa. Có khi người ta càng nhìn thấy thập giá mà càng xa Chúa. Có khi càng nhiều bóng thập giá càng làm người ta khó chịu những kẻ xây dựng nên nó. Điều đó cũng đúng thôi, vì thập giá không là THÁNH giá. Có THÁNH giá phải có bác ái.
Lạy Chúa, nhưng nếu con không hiểu rõ con đang có THÁNH giá hay chỉ có thập giá trong giáo xứ, trong gia đình, trong đời sống của con thì làm sao con biết nói với dân tộc con về Chúa qua biểu tượng THÁNH giá.
Nguyễn Tầm Thường, SJ –(trích Viết Trong Tâm Hồn)