Chúng ta đang sống trong dòng chảy của năm thánh 2025- năm mà mọi Kitô hữu được trở nên những người hành hương của niềm hy vọng. Chắc hẳn ai trong chúng ta cũng có những câu hỏi xoay quanh chủ đề năm thánh như: Năm thánh là gì? Giáo hội Công giáo đã có bao nhiêu lần tổ chức năm thánh? Nguồn gốc của năm thánh từ đâu mà có? Năm thánh có ý nghĩa như thế nào đối với người tín hữu? Trong nội dung bài viết này, người viết xin được lần lượt trả lời những câu hỏi trên.
Danh từ Năm Thánh được bắt nguồn từ tiếng Do Thái “Jôbel”, hạn từ này có nhiều nghĩa khác nhau và cũng được hiểu theo nghĩa là “cừu đực”. Trong Kinh thánh, sừng cừu đực được sử dụng làm tù và, và được thổi vang khi thông báo Năm ân xá của người Do Thái. Thuật ngữ này được dịch sang tiếng La Tinh là “jubilare” nghĩa là hân hoan. Như thế, Năm Thánh trong Giáo hội Công giáo có nền tảng từ Kinh Thánh Cựu ước và có nghĩa là một thời kỳ hồng ân mà qua đó Thiên Chúa ban ơn đặc biệt hơn khi con người mở lòng để thống hối, canh tân và đón nhận ân sủng Chúa ban.[1] Mặt khác, Giáo hội Công giáo đón mừng Năm Thánh với một chiều kích trọn vẹn hơn. Vì Thiên Chúa đã thực hiện công trình cứu độ nhân loại trong Đức Giêsu Kitô, Ngôi Hai Thiên Chúa làm người. Chính việc Đức Giêsu nhập thể làm người đã khai mở Năm Hồng Ân cứu độ.
Năm Thánh đầu tiên của Giáo hội Công giáo Rôma được tổ chức vào năm 1300 dưới thời Giáo Hoàng Bonifaciô VIII. Tính đến Năm Thánh 2025, Giáo hội có tổng cộng 29 lần tổ chức Năm Thánh. Trong đó có 26 Năm Thánh thông thường và 3 Năm Thánh ngoại thường. Ba Năm Thánh ngoại thường được tổ chức vào các năm 1933, 1983 và 2015 lần lượt dưới các thời Giáo Hoàng Piô IX, Gioan Phaolô II và Giáo Hoàng Phanxicô. Chu kỳ diễn ra các Năm Thánh cũng thay đổi theo thời gian. Thời kỳ đầu, Năm Thánh được quy định theo chu kỳ 100 năm một lần. Nhưng chu kỳ 100 năm là quá lâu và quá dài cho một đời người ngắn ngủi. Vì thế đến năm 1349, vào thời Giáo Hoàng Clemente VI, chu kỳ Năm Thánh được rút xuống còn 50 năm. Đến năm 1373, thời Đức Giáo Hoàng Gregorio XI, chu kỳ Năm Thánh là 33 năm. Và với thời Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, chu kỳ một Năm Thánh là 25 năm và chu kỳ này được duy trì cho đến ngày nay.
Năm 1300, Giáo Hoàng Bonifaciô VIII khai mở Năm Thánh đầu tiên. Vậy dựa vào nguồn gốc nào mà Ngài lại khai mở Năm Thánh? Chúng ta cùng quay lại lịch sử cách đây 700 năm để cùng tìm hiểu.
Qua tài liệu được ghi lại bởi nhà sử học Agostino Paravicini Bagliani, chúng ta biết được nguồn gốc của Năm Thánh. Vào năm 1300, một hiện tượng tôn giáo diễn ra ở Rôma khiến Đức Giáo Hoàng và mọi người đều ngỡ ngàng. Bắt đầu ngày 01 tháng giêng, từng đoàn Kitô hữu đông không đếm xuể đổ xô đến Đền Thờ Thánh Phêrô, gần như không thể di chuyển trong gian giữa và xung quanh bàn thờ, họ đồng thanh xin Đức Giáo Hoàng ban ơn Đại xá. Mốc thời gian chuyển từ thế kỷ cũ sang thế kỷ mới khiến dân chúng nảy sinh ý tưởng rằng Đức Giáo Hoàng có thể ban ơn Đại xá.[2] Trước tình trạng như thế, Đức Bonifaciô VIII đã cho tiến hành một cuộc điều tra nhằm làm sáng tỏ lý do dẫn đến làn sóng hành hương bất thường này. Các chuyên viên của Toà thánh đã tra cứu ở các kho lưu trữ của Giáo triều, nhưng không tìm thấy bất cứ dấu vết nào về những ân xá đặc biệt vào năm 1200 và của những năm trước đó. Đứng trước nguyện vọng của những giáo dân nhiệt thành, sau khi lấy ý kiến của các Hồng y, Ngài quyết định chọn ngày lễ Ngai toà thánh Phêrô, tức ngày 22 tháng 02 năm 1300 để khai mở Năm Thánh đầu tiên trong Giáo hội.
Vậy Năm Thánh có ý nghĩa như thế nào với đời sống của người tín hữu? Trong Năm Thánh, các tín hữu được hưởng ân sủng đặc biệt từ kho tàng ơn cứu độ của Thiên Chúa đó là Ơn Toàn xá, hay còn gọi là Ân xá. Sách GLHTCG định nghĩa: “Ân xá là tha những hình phạt tạm do tội gây nên, dù tội đã được tha. Muốn hưởng nhờ ân xá, người Ki-tô hữu phải hội đủ điều kiện và thi hành những điều Hội Thánh qui định. Với tư cách là trung gian phân phát ơn cứu chuộc, Hội Thánh dùng quyền để ban phát và áp dụng kho tàng công phúc của Đức Ki-tô và các thánh”.[3] Trong Năm Thánh, Thiên Chúa mở kho tàng ân sủng cho con người qua Giáo hội.
Qua tất cả những dữ liệu trên, ta nhận thấy rằng: Nguồn gốc của Năm Thánh được phát xuất từ chính ước mong và lòng đạo đức bình dân của người tín hữu. Và tất nhiên, Thiên Chúa là Đấng giàu lòng thương xót luôn sẵn sàng tha thứ mọi tội lỗi và sẽ thi ân giáng phúc cho con cái mình, ngang qua Giáo hội. Ước gì mỗi người chúng ta ý thức được ân sủng vô vàn của việc cử hành Năm Thánh, qua đó, chúng ta sống Năm Thánh 2025 này một cách tròn đầy hơn.
Hoa Dại