Từ trên thánh giá nhìn xuống, Chúa Giêsu thấy những ai?
1. Tông đồ Phêrô
Từ trên Thánh Giá nhìn xuống, Chúa Giêsu nhìn thấy Phêrô, trưởng nhóm 12 tông đồ của Người…
Giờ này Phêrô đang ở đâu?
Phêrô không ở dưới chân Thánh giá là nơi lẽ ra anh phải có mặt, nhưng có lẽ anh đang lang thang trong một ngõ hẻm tối tăm nào đó trong thành phố Giêrusalem. Anh nghiến răng căm giận chính bản thân mình và không ngừng tự trách. Nước mắt anh cũng không ngừng tuôn chảy.
Anh đã làm gì thế?
– Thưa anh đã phạm phải một lỗi lầm nghiêm trọng nhất trong đời.
Phêrô đã được Thầy Giêsu hết lòng tin tưởng. Người đã chọn anh làm trưởng nhóm 12 tông đồ của Người bởi vì Phêrô quả có tính cách làm trưởng. Anh đã từng điều khiển một nhóm ngư phủ ở biển hồ Galilê. Khi đó Chúa Giêsu gọi anh: “Hãy theo Ta! Sau này anh sẽ không lưới cá nữa mà là lưới người”. Chúa Giêsu còn đặt cho anh một tên mới nữa: Trước đây tên anh là Simon, nhưng Người bảo: “Từ nay anh được gọi là Phêrô (nghĩa là tảng đá), vì trên Tảng Đá này Ta sẽ xây dựng Hội Thánh Ta”. Chúa Giêsu dùng từ “Hội Thánh” để chỉ một “Hội” lớn, quy tụ tất cả các Kitô hữu, tất cả những ai tin vào Người.
Như vậy Tông đồ Phêrô có đầy đủ lý do để tự hào. Thế nhưng, anh đã tự phụ hơi quá. Sau phép lạ hoá bánh ra nhiều, khi Chúa Giêsu nói những lời khó hiểu về Bí tích Thánh Thể: “Nếu anh em không ăn thịt Ta và không uống máu Ta thì sẽ không có Sự Sống trong người”, thì có nhiều kẻ đã bỏ Người. Lúc đó Chúa Giêsu quay sang hỏi các tông đồ: “Còn các con, các con có bỏ Thầy không?”. Phêrô liền thay mặt cả nhóm đáp: “Không bao giờ chúng con bỏ Thầy, vì bỏ Thầy thì chúng con sẽ theo ai. Thầy mới có những lời ban sự sống đời đời”. Anh nói thật hay. Nhưng khi đó chỉ là nói suông chứ không gặp đe doạ nào cả.
Thế rồi mọi sự trở nên tồi tệ. Những người thù ghét Chúa Giêsu đã quyết tâm giết Người. Giuđa đã ra đi bán Người. Phần Chúa Giêsu thì buổi tối bữa ăn từ biệt, trước khi đi đến vườn Cây Dầu, đã nói với các tông đồ Người rằng: “Đêm nay sẽ là một đêm khủng khiếp với các con. Đánh chủ chăn thì đàn chiên tan tác. Đó là điều sẽ xảy đến với các con”. Lúc đó, vốn tính cả quyết và không sợ gì cả, anh đã đáp lời: “Dù mọi người có bỏ Thầy thì con cũng không bỏ. Con sẵn sàng chết vì Thầy”. Nhưng Chúa Giêsu nói với anh: “Phêrô ơi, đừng tưởng là con can đảm lắm. Đêm này trước khi gà gáy hai lần thì con đã chối Thầy ba lần”. Và quả thực đã xảy ra đúng như vậy…
Chúa Giêsu bị bắt ở vườn Cây Dầu. Phêrô nổi máu anh hùng tuốt gươm ra, nhưng chỉ chém đứt tai một tên đầy tớ. Và Chúa Giêsu bảo Phêrô xỏ gươm lại vào bao. Đó là điều tốt nhất cho Phêrô và các bạn anh nếu không muốn bị bọn lính trả thù… Vả lại nếu Chúa Giêsu muốn thì Người thừa sức làm cho bọn lính không thể nào bắt Người được kia mà… Sau đó thế nào?
Sau đó, Phêrô đã hiểu bọn lính mạnh mẽ hơn anh, và Chúa Giêsu cũng muốn để họ bắt Người. Thế là Phêrô co giò chạy trốn như những tông đồ khác… Khi đã chạy được một khoảng cách an toàn, anh bắt đầu hoàn hồn… Và rồi, lợi dụng trời tối, anh quay trở lại để nhìn theo bọn lính xem họ dẫn Chúa Giêsu đi đâu. nhưng anh vẫn giữ một khoảng cách an toàn… Họ điệu Chúa Giêsu đến toà án Thượng Hội Đồng Do Thái… Nhờ tông đồ Gioan hướng dẫn, Phêrô vào được sân toà án đang khi Chúa Giêsu bị xử bên trong.
Thực ra vào đây rất dại dột. Cô giữ cổng thoạt nhìn thấy anh thì đã nghi ngờ vì thái độ của anh rụt rè sợ sệt làm sao đó. Cô nói với anh: “Hy vọng ông không thuộc nhóm của người vừa bị bắt chứ?…”. “Không, không, chắc chắn là không”. Phêrô trả lời: Tôi không biết gì cả”.
Một con gà cất tiếng gáy vang trong thinh lặng của đêm khuya. Phêrô rùng mình, nhưng không hiểu tại sao, mà cũng chưa nhớ điều gì… Anh tiếp tục lân la trà trộn vào bọn lính và những tôi tớ giúp việc đang ngồi sưởi quanh một lò lửa, nghĩ rằng có thể biết được chút tin tức gì về số phận của Thầy mình chăng… Rủi thay cô gác cổng quay trở lại và lại nhìn thấy anh. Cô nhắc lại: “À cái ông này! Tôi đã nghi không biết ông có thuộc phe của cái ông Giêsu Nadarét kia không?”. Phêrô cãi hăng: “Cô nói gì vậy! Tôi không biết cái người mà cô vừa nói”. Những người khác bắt đầu nghi ngờ Phêrô: “Nhưng sao giọng nói của ông giống ông kia quá vậy. Ông đúng là dân miền Galilê rồi…”. Một người khác nói thêm: “Hình như tôi đã gặp ông ở đâu đó… À hồi đầu hôm, tôi đã thấy ông ở trong vườn Cây Dầu với ông ấy”. Phêrô thấy mình chết chắc. Anh lấy hết gân cổ cãi lại: “Tôi đã nói là tôi không biết ông ấy mà. Tôi xin thề đó!…”. Lần thứ hai, tiếng gà gáy vang lên xé tan bầu khí yên lặng của đêm đen…
Lúc đó Phêrô mới nhớ lại lời Thầy đã cảnh báo trước… Anh nhận ra mình là một thằng hèn… Anh vừa chối Thầy một cách hết sức nhục nhã…
Đúng lúc đó, toán lính dẫn Chúa Giêsu từ phòng xử án đi ra. Người đi ngang mặt Phêrô, đưa mắt nhìn anh. Cái nhìn của Thầy xoáy tận đáy tim anh, xé nát tim anh… Anh hết chịu nổi… Anh chạy ùa ra ngoài và khóc như mưa…
* * * * *
Từ trên Thánh Giá nhìn xuống, Chúa Giêsu cũng nhìn thấy tôi.
Tôi có phần nào như Phêrô giống như chiếc bong bóng: Rất nhanh chóng phùng lên và hứa những việc trọng đại: Hứa luôn trung thành với Chúa; hứa giữ đạo đến hơi thở cuối cùng… Nhưng cũng rất dễ xì hơi xẹp xuống khi gặp khó khăn, và quên đi tất cả?
Khi tôi nghe những người chung quanh, trong chỗ làm, trong trường học, trong khu xóm, lúc đi làm, lúc đi chơi… phê bình chỉ trích, chế nhạo, nói xấu về Chúa, về Giáo Hội… Phải chăng tôi cũng có thái độ như Phêrô giả bộ như không nghe, hoặc nghe mà không hiểu, hoặc, cũng đưa đẩy nói theo họ “Hồi trước tôi cũng có tin, nhưng bây giờ thì hết tin rồi”…?
Nếu tôi đã lỡ quên lời hứa với Chúa và Giáo Hội, nếu tôi đã lỡ hèn nhát không dám làm chứng đức tin hoặc chối bỏ niềm tin, thì sau đó, tôi có hối hận như Phêrô không? Tôi có thấy mình cần phải học hỏi thêm để củng cố đức tin không? Tôi có chịu khó nhín bớt thời giờ và chịu khó tham dự những buổi hội họp về đạo không?
Từ trên Thánh Giá nhìn xuống, Chúa Giêsu nhìn thấy các tông đồ của Người.
Giờ này họ đang ở đâu? Chỉ còn một người đang ở gần Người. Đó là Gioan, tông đồ trẻ nhất và cũng trung thành nhất. Tất cả những người khác thì đã lủi trốn trong các con hẻm thành Giêrusalem, trong nhà những người quen hoặc chạy ra xa vùng ngoại ô… Họ sợ bị bắt, bị bỏ tù, bị kết án vì tội thân thiết với Đức Giêsu…
Nhưng tại sao họ trở thành như vậy? Những sự việc gì xảy ra trong mấy ngày qua đã xô đẩy họ đến tình trạng này vậy?
Trước đây họ đã từng hăng hái theo Người vì thấy Người làm nhiều phép lạ và dân chúng nườm nượp kéo theo… Dân còn rước Người khải hoàn tiến vào thành Giêrusalem như một ông vua nữa. Thế nhưng khi Chúa Giêsu nói Người đến để cứu loài người khỏi tội lỗi, Người phải chịu nạn chịu chết… thì họ không còn hiểu nổi nữa.
Trong bữa ăn cuối cùng, Chúa Giêsu báo là một người trong nhóm họ sắp phản bội Người và Người chỉ còn ở với họ vài giờ nữa thôi… Tiếp đến Người dẫn họ vào vườn Cây Dầu. Họ đã thiếp ngủ, vì mệt, vì thất vọng chán nản. Đến nỗi Chúa Giêsu phải xin ba tông đồ thân cận nhất là Phêrô, Giacôbê và Gioan cố gắng thức và cầu nguyện với Người. Nhưng ngay cả ba anh này cũng ngủ. Thế là Chúa Giêsu thức và cầu nguyện một mình. Người nghĩ đến bao cực hình đang chờ đón Người, nhất là bao tội lỗi loài người mà Người phải chịu khổ chịu chết để đền thay: Tội gian dối, tội bất công, tội dâm ô, tội đối xử ác độc, tội chiến tranh, tội giết người, tội phá thai… tất cả tội lỗi loài người từ tạo thiên lập địa cho đến tận thế… Người lo buồn khủng khiếp đến nỗi ngã quỵ xuống, mồ hôi hoà với máu vã ra, khiến Người như hấp hối sắp chết… Đang lúc đó thì các tông đồ vẫn ngủ say…
Chính Chúa Giêsu đứng lên, đến gọi họ thức, vì Giuđa đang dẫn toán lính đến. Các tông đồ giật mình, mở mắt ra, thấy chung quanh toàn là lính vũ trang, và có cả Giuđa ở với chúng…
Phêrô cố chống cự… Nhưng đòn chống trả của Phêrô chẳng có ý nghĩa gì… Còn Chúa Giêsu thì, thay vì làm một phép lạ gì đó, lại xuôi tay cho bọn chúng bắt… Người chỉ nói đơn giản: “Người mà các anh muốn bắt là tôi. Vậy hãy để cho những người này đi”. Thế là chúng trói Người dẫn đi. Còn các tông đồ thì chạy trốn.
Một mình Gioan can đảm đi theo Người xa xa… Gioan theo sát những diễn biến… cho đến chiều Thứ Sáu lên ngọn đồi Canvê… Một mình Gioan trong nhóm 12.
* * * * *
Từ trên Thánh Giá nhìn xuống, Chúa Giêsu cũng nhìn thấy tôi.
Phải chăng thỉnh thoảng vào những lúc nào đó tôi ngừng không sống đạo nữa, vì thấy phiền quá, thấy khó quá, hay vì thấy có những việc khác cần làm hơn, như học hành, giải trí, làm ăn vv…?
Phải chăng có những lúc tôi để việc sống đạo sang một bên, vì thấy chung quanh tôi, đa số đều không cùng tín ngưỡng, ngay cả những tín hữu cũng đã nguội lạnh rồi, nhiều người khác tín ngưỡng hoặc vô tín ngưỡng thì công kích? Tôi sợ bị người ta chê là ngu dại… Sợ sống không giống ai… Sợ bị chê cười… Sợ bị mất việc…?
Hay phải chăng tôi giống như thánh Gioan: Mặc cho thiên hạ nói ngả nói nghiêng, mặc cho bao nguy hiểm sẵn chờ, tôi vẫn kiên trì theo bước chân Chúa.
3. Giuđa
Từ trên Thánh Giá nhìn xuống, Chúa Giêsu thấy Giuđa.
Giờ này Giuđa đang ở đâu?
Anh ta đang treo lủng lẳng trên một cành cậy ở ngoại ô thành Giêrusalem… Cùng lúc, Chúa Giêsu cũng đang treo trên cây Thập Giá trên đồi Canvê.
Thật khốn khổ cho Giuđa… Vì đâu nên nỗi?
Giuđa là một con người nhiều tham vọng, muốn có một địa vị cao. Anh rất hồ hởi khi thấy Chúa Giêsu làm phép lạ, nên đã đi theo Người. Có lẽ anh tự nhủ: “Với quyền phép làm phép lạ như vậy, chắc hẳn Đức Giêsu sẽ kéo hết mọi người về với Người. Dân chúng sẽ tôn Người làm vua. Người sẽ đánh đuổi quân Rôma xâm lược. Còn mình là một trong số những kẻ thân tín của Người. Nếu mình chu toàn trách nhiệm quản lý cho Người thì mình sẽ còn được đặt làm Bộ Trưởng Tài Chính. Rồi mình sẽ giàu sang, quyền thế. Ôi sung sướng biết bao!”
Thực ra, nếu Giuđa hiểu Thánh Kinh, hẳn anh ta nhớ những câu tiên tri các Ngôn sứ nói Đức Kitô là một Người Tôi Tớ khiêm nhường, chịu hành hạ và bị giết chết để chuộc tội loài người… Nhưng Giuđa chỉ nhắm đến mục tiêu của mình và chỉ nghĩ đến con đường bạo lực để đạt được mục tiêu đó.
Dần dần Giuđa đâm ra chán Chúa Giêsu và cho rằng, mình đã lầm khi làm tông đồ của Người. Giuđa nhận thấy rõ các nhà lãnh đạo Do Thái giáo ngày càng thù ghét Chúa Giêsu. Thế nào cũng tới ngày họ bắt Chúa Giêsu cùng với các đệ tử của Người. Giuđa cũng biết họ đã nhận ra anh là một đệ tử của Người và như thế thì sẽ bị liên lụy.
Làm sao đây? Giuđa quyết định thay đổi chiến tuyến. Anh sẽ phản lại Chúa Giêsu, vì có như thế may ra anh sẽ cứu vãn tình thế của mình.
Việc này rất dễ. Giuđa biết rõ nơi Chúa Giêsu thường đến để qua đêm mỗi khi Người lên Giêrusalem. Đó là một khu vườn ở ngoại thành, dưới chân đồi Cây Dầu. Vậy Giuđa sẽ tìm đến gặp những kẻ thù ghét Chúa Giêsu và thương lượng với họ. Anh sẽ dẫn họ đi bắt Người, và họ sẽ trao cho anh 30 nén bạc, đúng giá mua bán một tên nô lệ. Giuđa còn hy vọng cuộc mua bán này sẽ giúp anh có thêm những người bạn mới.
Vài ngày sau, Chúa Giêsu cùng các tông đồ ăn một bữa ăn từ biệt tại một căn nhà ở Giêrusalem. Giuđa cũng có mặt. Chúa Giêsu vốn thấu suốt mọi sự trong lòng mọi người nên giữa bữa ăn, đột nhiên Người báo cho các tông đồ hay có một người trong nhóm sẽ phản Người. Lời ấy như một quả bom nổ tung làm mọi người bàng hoàng. Mọi người ngừng ăn, nhìn nhau và tự hỏi: Ai mà cả gan làm chuyện động trời như vậy… Giuđa hiểu là Thầy đã lật tẩy mình, nhưng anh tỉnh bơ không nao núng. Gioan, lúc đó đang nằm cạnh Chúa Giêsu, nghiêng qua Người hỏi nhỏ: “Xin Thầy cho con biết. Ai vậy?” Chúa Giêsu cũng trả lời nhỏ: “Là người mà Thầy sẽ trao miếng ăn này”. Người Do Thái có thói quen để tôn vinh một khách mời là chủ nhà trao cho người đó một miếng ăn đã chuẩn bị sẵn: một miếng thịt hoặc một miếng bánh chấm nước sốt. Chúa Giêsu trao miếng ăn cho Giuđa. Bằng cử chỉ này, Người muốn kêu gọi lương tâm anh lần cuối. Người tỏ cho anh thấy Người vẫn thương mến anh… Lẽ ra Giuđa nên chộp lấy cơ hội này để từ bỏ ý định xấu xa. Anh chỉ cần đưa mắt nhìn lại Thầy thì cũng đủ cho Thầy hiểu anh đã hối hận… Tuy nhiên, Thiên Chúa không ép lòng ai cả, và mọi người ai cũng có tự do đáp lại hay phải bội tình yêu của Người.. Giuđa khoá mình trong lòng kiêu ngạo và sự hận thù… Chúa Giêsu hiểu Giuđa ngoan cố nên nhẹ nhàng nói: “Vậy thôi, con muốn làm gì thì làm nhanh đi…”. Thế là Giuđa ra khỏi phòng, đi sâu vào đêm tối…
Tối hôm đó, Chúa Giêsu không bỏ thói quen thường lệ. Người dẫn các tông đồ đến vườn Cây Dầu.
Vài giờ sau, Giuđa dẫn đầu một đám lính, trang bị gươm giáo và đèn đuốc. Nhưng làm sao nhận ra Chúa Giêsu được giữa nhiều người khác… nhất là trong những ngày mùa lễ Vượt qua này có rất nhiều người hành hương ngủ đêm trong vườn Cây Dầu này? Nhưng Giuđa đã tiên liệu và đã có sẵn giải pháp: “Tôi hôn chào ai thì chính là người đó… Mau bắt lấy và giữ cho thật chật”. Mọi sự diễn ra đúng như Giuđa sắp xếp. Chỉ có một chi tiết bất ngờ: Khi anh hôn chào Chúa Giêsu, Người hỏi: “Này anh bạn. Anh dùng một cái hôn để phản tôi vậy sao?!
Hôm sau, Giuđa hay tin Thượng Hội Đồng đã kết án xử tử Chúa Giêsu. Lúc đó anh mới hối hận vì đã phản bội Người. Anh đã không lường trước sự việc lại xảy ra nhanh chóng và tồi tệ như vậy. Thế là anh đến gặp những kẻ thù ghét Chúa Giêsu và nói: “Tôi đã làm sai… Tôi đã nộp một người vô tội…”. Nhưng họ lạnh lùng đáp: “Mặc kệ mày. Chuyện đó không ăn thua gì tới chúng tao. Bây giờ kể như đã xong chuyện. Trễ quá rồi”.
Tuy nhiên, đối với Giuđa vẫn chưa trễ. Anh vẫn còn có thể tìm đến Chúa Giêsu xin Người tha thứ… Nhưng than ôi, anh vẫn giam mình trong tuyệt vọng… Anh chán ghét tất cả, chán ghét người khác, chán ghét chính mình… Anh ra khỏi thành, leo lên một tảng đá, rút dây lưng tròng vào cổ, cột vào một nhánh cây, rồi buông mình treo lủng lẳng giữa khoảng không…
* * * * *
Từ trên Thánh Giá nhìn xuống, Chúa Giêsu cũng nhìn thấy tôi.
Phải chăng tôi cũng phần nào giống Giuđa: để thành đạt, để có một địa vị, để nổi danh, để giàu có… tôi đã dám làm tất cả, kể cả tội lỗi?
Phải chăng đôi khi tôi không can đảm đi xưng tội, thú nhận các tội lỗi tôi đã phạm, bởi vì tôi nghĩ những tội đó quá nặng, tôi cho rằng chỉ có tôi mới dám phạm những tội ấy… Tôi quên rằng Thiên Chúa là Đấng thương xót vô cùng, luôn sẵn sàng tha hết mọi tội lỗi của tôi?
Có khi nào tôi nghĩ đến các Kitô hữu ở những nước bách hại đạo không, để cầu nguyện cho họ được can đảm sống đạo, không phản bội Chúa, không bán đứng các anh em tín hữu khác?
Từ trên Thánh Giá nhìn xuống, Chúa Giêsu thấy Mađalêna.
Cô đang đứng dưới chân Người, bên cạnh Đức Mẹ và tông đồ Gioan. Cô là một trong số ít ỏi những người còn trung thành với Chúa Giêsu.
Tuy nhiên, cuộc sống cô không phải lúc nào cũng tốt lành. Trong thành Magdala, người ta không khen ngợi cô, trái lại còn nói xấu cô, vì cô sống buông thả, tội lỗi, lại còn lôi kéo nhiều người đàn ông vào đường tội lỗi.
Nhưng một ngày kia cô đã gặp được Chúa Giêsu. Khi nghe Người giảng dạy, cô hiểu ra rằng cô đã làm đời mình ra hư hỏng, cô hiểu rằng tình yêu chân thực không phải là thứ tình yêu cô theo đuổi bấy lâu nay. Trước mắt Mađalêna, Chúa Giêsu mới thực là Đấng Thiên Chúa sai đến. Chỉ có người mới thay đổi được trái tim cô, làm cho nó trở nên mới lại, để bắt đầu một cuộc sống mới.
Rồi một hôm cô đến nhà ông Simon biệt phái, vì cô được biết Chúa Giêsu được ông ấy mời đến dùng bữa. Người Do Thái thời đó khi ăn tiệc thì không ngồi trên ghế mà nằm trên những chiếc trường kỷ được kê quanh một chiếc bàn ở giữa, đầu hướng vào trong phía chiếc bàn, chân đưa ra ngoài, một tay chống cùi chỏ lên một chiếc gối, bàn tay giữ cái đầu, tay kia dùng để cầm ly và lấy thức ăn được dọn sẵn trên bàn.
Khi đó, Mađalêna bước vào nhà. Chẳng cần quan tâm xem người ta nghĩ sao khi thấy mình đột ngột đi vào, cô tiến đến Chúa Giêsu, quỳ sụp xuống dưới chân Người. Cô có mang theo một bình thuốc thơm. Cô mở ra, rưới lên chân Người, vừa để biểu lộ lòng tôn kính Người, mà cũng vừa muốn làm cho Người chú ý.
Theo tục lệ Do Thái, việc làm này chẳng có gì gây sốc cả. Theo phép lịch sự, chủ nhà phải có những cử chỉ biểu lộ sự tôn trọng khách: Bắt đầu là ôm hôn chào khách và chúc mừng vì đã đến dự tiệc (giống như ngày nay chúng ta bắt tay). Rồi phải rửa chân cho khách, vừa để sạch bụi đường, vừa tránh làm dơ trường kỷ mà khách sẽ nằm lên. Sau cùng phải xức thuốc thơm lên đầu, mặt và bàn tay của khách, vừa để sạch mồ hôi, vừa cho khách được mát mẻ.
Ông Simon biệt phái này đã chẳng làm việc nào trong những việc vừa kể. Thực ra ông đâu có kính trọng Chúa Giêsu. Ông chỉ mời Người đến dự tiệc vì tò mò muốn thấy con người đang được dân chúng ngưỡng mộ thôi. Mặt khác, nếu ông tiếp đón Người tử tế quá thì sẽ bị những người biệt phái khác dị nghị.
Phần cô Mađalêna, lúc cô quỳ dưới chân Chúa Giêsu và xức thuốc thơm chân Người, tự dưng lòng cô trào tràn cảm xúc. Cô bật khóc vì hối tiếc quá khứ tội lỗi của mình. Nước mắt cô rơi xuống ướt đẫm chân Chúa Giêsu, vô tình trở thành nghi thức rửa chân đón khách dự tiệc. Thấy nước mắt mình đã làm ướt chân Chúa Giêsu, cô hốt hoảng vội xõa tóc ra lau…
Ông Simon biết rõ cô Mađalêna này vốn có tiếng là trắc nết. Ông ngạc nhiên vì Chúa Giêsu không ngăn cản cô mà cứ để cho cô làm. Ông nghĩ thầm: “Nếu quả thực ông Giêsu này là Người của Thiên Chúa, là kẻ thấu tỏ lòng người, thì hẳn ông ta phải biết cái ả Mađalêna này là đứa lăng loàn và phải tức khắc đuổi ả như đuổi tà mới phải chứ”. Ông biệt phái này, nào đâu có hiểu tình yêu của Thiên Chúa là gì. Thiên Chúa yêu thương, luôn sẵn sàng tha thứ cho những người tội lỗi khi họ ăn năn chạy đến với Người. Ông đâu có đi theo Chúa Giêsu, nên chưa hề nghe Người kể dụ ngôn “Đứa con hoang đàng trở về nhà cha”.
Chúa Giêsu đọc thấy ý nghĩ của Simon, cũng như Người đã đọc được tâm tư của Mađalêna. Simon tưởng mình đạo đức, vì luôn giữ luật chín chắn, ít ra là trước mắt thiên hạ. Tuy nhiên, ở tận đáy lòng, ông chẳng tốt hơn gì những người khác. Ông lại còn giả hình nữa. Đức Giêsu nói cho ông biết: Người đã thấu hết suy nghĩ của ông. Người còn nói Mađalêna đã làm tất cả những việc, mà lẽ ra ông phải làm đối với Người, để biểu lộ lòng hiếu khách. Như thế, Mađalêna chứng tỏ cô thực lòng yêu mến Người hơn ông. Tuy cô tội lỗi, nhưng cô biết hối hận, còn ông thì vẫn luôn coi mình đạo đức. Cô cũng muốn làm lại cuộc đời.
Bởi vậy Chúa Giêsu nói với Mađalêna: “Tội lỗi con đã được tha. Con hãy về bình an”. Kể từ hôm đó, Mađalêna đổi thay cuộc sống.
Mađalêna là một trong số rất ít người luôn trung thành với Chúa Giêsu và cô có mặt dưới chân thập giá Người.
* * * * *
Từ trên Thánh Giá nhìn xuống, Chúa Giêsu cũng nhìn thấy tôi.
Phải chăng, đôi khi tôi cũng phần nào như Mađalêna, buông mình tìm kiếm thú vui nhục dục: Nói chuyện tục tĩu, xem sách báo phim ảnh khiêu dâm, làm những việc ô uế…?
Phải chăng, đôi khi tôi không đủ can đảm để bày tỏ với một người đáng tín nhiệm để được tư vấn về những thắc mắc và bối rối liên quan đến vấn đề tình cảm, xác thịt và tính dục?
Phải chăng tôi có khuynh hướng tìm cách sống thoải mái: Ham ăn sung mặc sướng, thích hưởng thụ, chiều chuộng thân xác…?
5. Ông Simon người Xirênê và bà Vêrônica
Từ trên Thánh Giá nhìn xuống, Chúa Giêsu thấy ông Simon người Xirênê và bà Vêrônica.
Simon người xứ Xirênê được Tin Mừng nói đến.
Ông đã giúp Chúa Giêsu vác thánh giá. Còn Vêrônica thì sách Tin Mừng không nên đến nhưng thánh truyền nói bà đã lau mặt Chúa Giêsu.
Khi ấy, Chúa Giêsu đã kiệt sức vì phải chịu những đòn tra tấn. Đã vậy Người còn phải leo lên đồi Canvê để chịu xử tử. Mà theo hình luật thời đó, những kẻ bị xử tử đóng đinh phải đích thân vác cây thập giá của mình. Viên chỉ huy đội hành hình sớm nhận ra là Chúa Giêsu khó mà vác thập giá leo nổi tới đỉnh đồi Canvê. Theo luật, ông có quyền buộc một người nào đó giúp sức cho tử tội. Về phía người bị buộc làm việc đó thì dĩ nhiên chẳng thích chút nào, vì vừa mệt nhọc vừa nhục nhã, bởi có thể bị người ta tưởng mình cũng là phạm nhân.
Do đó, khi viên sĩ quan yêu cầu ông Simon tiếp vác thập giá Chúa Giêsu thì Simon chẳng vui chút nào cả. Ông định trốn đi. Nhưng lính kéo tay ông lại. Ông đành phải tuân lệnh. Ông đưa mắt nhìn Chúa Giêsu. Ông thấy một khuôn mặt bê bết mồ hôi và máu nhưng rất hiền lành nhẫn nhục. Ông tội nghiệp quá, nên sẵn sàng kề vai vác tiếp cây thập giá đi lên tận đỉnh đồi Canvê.
Còn bà Vêrônica.
Có lẽ bà là người thường trú tại Giêrusalem. Hôm đó bà đang đi đường thì tình cờ nhìn thấy Chúa Giêsu đang bị đưa đi xử tử. Bà nhìn một hồi rồi nhận ra đó là người mà bà đã từng nghe giảng. Nhưng sao hôm nay, Người thảm hại như vậy! Mặt mũi đầy mồ hôi, máu và cả những thứ người ta khạc nhổ…
Bà không chịu nổi cảnh khổ ấy nên vội rẽ đám đông chạy đến Chúa Giêsu, bất chấp người ta sẽ nghĩ gì và làm gì bà. Khi đã đến trước Chúa Giêsu, bà lột tấm khăn trùm đầu xuống, có thể đây là loại vải quý thêu hoa rất đẹp. Nhưng bà không tiếc. Bà dùng nó lau mặt Chúa Giêsu một cách nhẹ nhàng và kính cẩn. Điều gì sẽ xảy ra sau đó? Sách Tin Mừng không nói, nhưng ta cũng có thể đoán: Bọn lính vừa lôi bà ra vừa chửi, trong đám đông có những tiếng la ó chế nhạo… Nhưng bà vẫn kiên quyết tiếp tục lau mặt Chúa Giêsu.
Còn Chúa Giêsu thì nhìn bà, ánh mắt Người biểu lộ lòng biết ơn. Suốt đời, bà sẽ không bao giờ quên ánh mắt ấy.
* * * * *
Từ trên Thánh Giá nhìn xuống, Chúa Giêsu cũng nhìn thấy tôi.
Tôi có góp phần với Chúa Giêsu trong công trình cứu chuộc loài người không: Bằng những việc hy sinh hãm mình; bằng cách chịu khó thăm viếng, ủi an, chăm sóc những người đau ốm, bệnh tật, già cả; bằng cách giúp đỡ tiền bạc cho kẻ đang cần…?
Tôi có góp phần cho việc chung của xã hội và của Giáo Hội không: bằng cách sử dụng thời giờ, khả năng và sức lực làm cho họ đạo, lớp học, khu xóm, chỗ làm… được ngày càng tốt hơn?
Chung quanh tôi có rất nhiều khuôn mặt gầy còm, mệt mỏi, thẫn thờ, khổ sở… vì túng thiếu, vì bệnh tật, vì bị áp bức… Nhìn thấy những khuôn mặt đó tôi vẫn dửng dưng lạnh lùng? Hay là qua đó tôi nhận ra khuôn mặt của Chúa Giêsu đang vác thánh giá và tìm cách ủi an nâng đỡ.
6. Thượng tế Caipha và những nhà lãnh đạo Do Thái
Từ trên Thánh Giá nhìn xuống, Chúa Giêsu thấy Thượng tế Caipha và những nhà lãnh đạo Do Thái giáo.
Họ đang đứng dưới chân thập giá, hả hê nhìn lên Chúa Giêsu đang bị dời đi đóng đinh, lòng hãnh diện vì đã thắng được kẻ thù nguy hiểm. Bởi vậy họ lớn tiếng mỉa mai: “Xem kìa… Nó đã cứu người khác, nhưng không cứu nổi bản thân. Nó nói, nó là Đấng Thiên Chúa sai đến. Nhưng Thiên Chúa còn đợi gì mà chưa cứu hắn!… Ê, mi có giỏi thì xuống khỏi thập giá xem! Khi đó thì chúng ta mới tin mi”.
Chúa Giêsu nghe hết, nhưng Người không đáp trả lời nào. Người chỉ cầu nguyện với Chúa Cha: “Cha ơi, xin Cha tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm”. Nghĩa là Người biện hộ cho họ, vì quả thực họ không ý thức Người chính là Con Thiên Chúa.
Thế nhưng, sở dĩ họ không ý thức điều đó, là vì họ đã ngoan cố trong sự mù quáng, họ đã đóng cửa lòng đối với Thiên Chúa. Tội họ rất nặng: Tội kiêu ngạo, tội nghĩ mình đạo đức, tội giả hình và tội ganh ghét…
Trong đám họ có một số người biệt phái.
Số biệt phái này luôn tham dự đầy đủ các lễ nghi tôn giáo. Người ta còn thường gặp họ cầu nguyện giữa đường nữa. Họ bố thí rất nhiều tiền, nhưng chỉ khi có người nhìn thấy thôi. Thực chất thì họ là những kẻ giả hình và chẳng có gì tốt hơn những người khác. Chúa Giêsu đã từng nói thẳng: “Các ông giống như những mồ mả tôi vôi. Bên ngoài thì tốt đẹp lắm, nhưng bên trong đầy những ô uế thối tha”. Chúa Giêsu đã lột mặt nạ giả hình của họ, chắc chắn họ sẽ không bao giờ tha thứ cho Người về chuyện sỉ nhục này.
Cũng có những người thuộc phái Sađốc.
Họ là các tư tế, khi cử hành các lễ nghi, họ chỉ chú trọng đến bề ngoài chứ trong lòng không hề kính mến Chúa. Chúa Giêsu không để yên cho họ sống theo thói quen hình thức ấy nữa. Người dạy phải kính mến Chúa thật lòng và phải chứng tỏ lòng kính mến ấy, không phải bằng những hình thức lễ nghi, mà bằng chính cách sống.
Một ngày kia Chúa Giêsu vào đền thờ Giêrusalem. Người thấy nhiều người chỉ lo các hình thức lễ nghi bề ngoài, chỉ chú ý đến lễ vật: Những kẻ bán chiên bò, chim câu… những kẻ đổi tiền… Sân đền thờ vô cùng om sòm náo nhiệt. Bầu khí bát nháo ấy chẳng thuận lợi cho người ta bình tâm cầu nguyện chút nào. Lòng yêu mến Chúa khiến Người nổi giận, một “cơn giận thánh”. Người lấy những sợi dây cột bò có sẵn đấy, quấn lại thành một sợi roi, đánh đuổi những kẻ mua bán: “Nhà Cha ta là nhà cầu nguyện. Thế mà các ngươi đã biến nó thành hang trộm cướp”. Các viên chức đền thờ sẽ không bao giờ tha thứ cho Người về chuyện này.
Thế là Chúa Giêsu trở thành kẻ thù số một của cả nhóm biệt phái lẫn nhóm tư tế Sađốc. Người có làm bao nhiêu phép lạ, họ cũng không tin. Dân chúng càng đi theo Người đông đảo thì họ càng ganh ghét. Chúa Giêsu có cố gắng bao nhiêu đi nữa cho họ biết Người là Đấng Thiên Chúa sai đến, họ cũng bưng tai bịt mắt. Hai nhóm liên minh tìm cách thủ tiêu Người.
Tuy nhiên, làm sao mà bắt được Chúa Giêsu đây, vì dân chúng ngưỡng mộ Người. Họ vừa đón rước Người vào thành Giêrusalem, như rước một vị vua. Chỉ có cách bắt lén thôi. Chính lúc họ đang nghĩ cách thì Giuđa tìm đến đề nghị bán Thầy. Cuối cùng họ đã bắt được Chúa Giêsu trong vườn Cây Dầu và điệu Người đến toà án Thượng Hội Đồng Do Thái giáo. Cách xử án thật lố bịch: Họ dùng hai người làm chứng gian để kết án Người; một nhân viên còn dám tát vào mặt Người; cuối cùng Thượng tế Caipha đứng lên long trọng hỏi: “Nhân danh Thiên Chúa hằng sống, Ta hỏi mi: Mi có phải là Con Thiên Chúa không? Chúa Giêsu đáp: “Ông nói đúng”. Khi đó mọi người đều đứng dậy hô lớn: “Cần gì phải tìm nhân chứng nữa. Chính chúng ta đã nghe nó nói. Thật là tội phạm thượng khủng khiếp. Nó đáng chết”.
Thế là bản án đã được tuyên. Chỉ còn lèo lái cho tổng trấn Philatô – người đại diện đế quốc Rôma và là kẻ nắm thực quyền – chuẩn y bản án ấy thôi. Và Philatô, vì hèn nhát, đã để mặc cho họ đem Chúa Giêsu đi đóng đinh.
* * * * *
Từ trên Thánh Giá nhìn xuống, Chúa Giêsu cũng nhìn thấy tôi.
Tôi có phần nào giống những người biệt phái giả hình không: nhìn bề ngoài thì xem ra tôi đạo đức lắm: Dự lễ đầy đủ, rước lễ đều đặn, xưng tội thường xuyên… Nhưng trong lòng, tôi làm những việc ấy chỉ vì bị lôi cuốn theo đám đông, vì sợ cha mẹ rầy la, vì muốn cho người khác thấy… Lòng tôi không kính mến Chúa?
Tôi có sống như một Kitô hữu thực thụ, không phải chỉ ngày Chúa nhật, mà là mọi nơi mọi lúc không? Tôi chỉ lo chu toàn những nghĩa vụ tôn giáo bề ngoài mà thôi, hay là biết phản ứng như một Kitô hữu có đức tin trước mọi tình huống như ở nhà, ở trường, khi làm việc, lúc giao tiếp với bạn bè? Tôi có biết luôn tự nhắc mình: “Nếu Chúa Giêsu ở vào hoàn cảnh của tôi, thì Người sẽ làm gì” không?
Có khi nào tôi ganh ghét những người khá hơn tôi không? Có khi nào tôi tìm cách hạ người ta xuống, bởi vì người ta khen họ hơn tôi, bởi vì thành công của họ làm tôi khó chịu?
Từ trên Thánh Giá nhìn xuống, Chúa Giêsu thấy Tổng trấn Philatô.
Vào giờ này, ông đang ở pháo đài Antônia tại Giêrusalem. Từ pháo đài này ông theo dõi và chỉ huy quân đội Rôma xâm lược.
Ông nghĩ gì? Chắc ông đang nghĩ lại về vụ xử án Chúa Giêsu tại toà của ông. Chưa bao giờ trong đời ông phải gặp một vụ án rắc rối đến vậy. Chưa bao giờ ông bị ấn tượng mạnh trước một bị cáo như thế. Cho tới bây giờ, ông vẫn còn băn khoăn bối rối trước những diễn biến của vụ án, và nhất là về thái độ hèn nhát của ông. Quả thực, đây là một vụ án nổi tiếng nhất lịch sử và người ta sẽ còn nhắc tới hoài cho đến tận thế.
Người ta điệu đến toà án của tổng trấn Philatô một bị cáo tên là Giêsu. Phong thái bị cáo giống như một Ngôn sứ, một kẻ được Thiên Chúa sai đến. Philatô thì không tin Thiên Chúa, ông chỉ tin vào đế quốc Rôma. Đế quốc Rôma chính là thần thánh của ông. Đế quốc Rôma đang thống trị cả thế giới, và ông tin rằng sẽ còn thống trị mãi mãi. Chống lại Rôma là một tội nặng, đáng chết.
Philatô nắm quyền lên án tử. Vậy, để Philatô lên án xử tử Chúa Giêsu, Thượng tế Caipha và các thành viên Thượng Hội Đồng Do Thái giáo đã tố cáo Chúa Giêsu là phản loạn, là dám tự xưng là vua, là xách động dân chúng nổi loạn, đánh đuổi quân Rôma xâm lược. Toàn là những tội danh rất nặng.
Nhưng Philatô thắc mắc: Tại sao Thượng Hội Đồng Do Thái giáo dẫn Chúa Giêsu đến toà của ông? Philatô hiểu ngay là họ muốn ông chuẩn y bản án tử hình mà họ đã kết sẵn, nhưng chưa thi hành được, nếu không được ông chuẩn y.
Vậy Philatô truyền đưa Chúa Giêsu ra trước toà để ông thẩm vấn. Ông hỏi: “Ông có coi mình là vua không?” Chúa Giêsu trả lời rằng: Người chính là vua, nhưng không như người đời nghĩ. Người là vua tâm hồn người ta, vì thế cho nên Người chẳng cần đến quân đội và lãnh thổ. Nghe vậy, Philatô hiểu ngay Chúa Giêsu không phải là một kẻ âm mưu chính trị và cũng không nguy hiểm gì cho ách đô hộ Rôma. Vụ án này chỉ có tính cách tôn giáo. Mà ông thì không quan tâm đến tôn giáo, cho nên ông có ý muốn thả Người.
Thế nhưng những kẻ thù Chúa Giêsu thì không chịu vậy. Họ đã kết án xử tử Chúa Giêsu, và bằng mọi giá họ phải thực hiện được điều này. Phản ứng của họ lại cho Philatô hiểu lý do họ kết án Chúa Giêsu chỉ là vì ganh ghét… Philatô bối rối quá: Một mặt ông không muốn kết án người vô tội, mặt khác ông không muốn bị rắc rối với các lãnh đạo tôn giáo Do Thái. Để rút khỏi vụ việc khó khăn này, ông đã làm đủ cách: Trước hết ông chuyển Chúa Giêsu sang vua Hêrôđê, viện cớ Chúa Giêsu là người Galilê thuộc lãnh thổ của Hêrôđê. Nhưng Hêrôđê lại trả Chúa Giêsu lại cho ông… Kế đến ông bám vào thông lệ thả một tù nhân trong dịp Đại lễ Vượt qua theo yêu cầu của dân. Vậy ông đem ra trước công chúng một tên cướp khét tiếng đáng sợ tên là Baraba để so sánh với Chúa Giêsu và yêu cầu dân chúng chọn một trong hai. Ông hy vọng dân sẽ xin tha Chúa Giêsu. Nào ngờ dân chúng bị các thượng tế xúi giục đã xin tha cho Baraba. Philatô chới với. Ông nghĩ đến khổ nhục kế: Ra lệnh đánh đòn Chúa Giêsu. Khi Chúa Giêsu đã bị đánh đòn quần áo tả tơi, mình mẩy bê bết máu, ông cho dẫn Người ra trước dân chúng và nói: “Đây là Người”, ngụ ý: “Các ngươi bằng lòng chưa? Hắn đã bị trừng trị đích đáng rồi đó. Sau này hắn sẽ không dám tái phạm nữa đâu…”. Thế nhưng một lần nữa Philatô bị bất ngờ: “Đóng đinh nó đi… Đóng đinh nó đi…”. Đến lúc đó những kẻ thù Chúa Giêsu đưa ra một đòn tấn công quyết định: Họ nói thẳng với Philatô: “Chúng tôi dẫn hắn đến đây vì hắn là một tên phản loạn, chống lại hoàng đế Xêda. Nếu ngài thả hắn thì ngài phản bội hoàng đế. Chúng tôi sẽ thưa ngài lên hoàng đế…”. Đến đây Philatô hiểu rằng: Ông có thể gặp rắc rối lớn, thậm chí cả mất chức Tổng trấn Giuđêa. Thế là ông buông tay. Ông sai đem nước ra, rửa tay trước mặt mọi người và tuyên bố: “Tôi vô can trong việc đổ máu người vô tội này. Các ngươi phải gánh trách nhiệm”. Và ông giao Chúa Giêsu cho họ đem đi đóng đinh.
* * * * *
Từ trên Thánh Giá nhìn xuống, Chúa Giêsu cũng nhìn thấy tôi.
Phải chăng, đôi khi tôi cũng hèn nhát không dám bênh vực những người vô tội yếu đuối, thấp hèn trước sự chèn ép bất công của những người mạnh thế, giàu có?
Phải chăng, đôi khi có người khác vì tôi mà phải bị kết án và trừng phạt, thế mà tôi lại hèn nhát không dám bênh vực họ, thậm chí còn hùa theo dư luận mà kết án họ?
Phải chăng, đôi khi tôi hèn nhát vì dễ dàng đứng về phía những kẻ mạnh thế nhưng khôn khéo xảo quyệt hơn, để gây thiệt hại cho những kẻ yếu thế hiền lành, chứ không chịu khó tìm hiểu kỹ, xem phần phải thuộc về ai?
Từ trên Thánh Giá nhìn xuống, Chúa Giêsu thấy vua Hêrôđê.
Vào giờ này, vua Hêrôđê đang ở trong cung điện cùng với triều thần của mình. Ông bỏ nhiều thời gian để tiếp khách, ăn chơi, giải trí… đang khi Chúa Giêsu hấp hối trên Thập Giá. Ông có nhớ chút gì về Người chăng? Có lẽ cũng nhớ đôi chút… Nhưng ông không bận tâm.
Chuyện gì đã xảy ra?
Trong khi vụ án Chúa Giêsu đang diễn biến, Tổng trấn Philatô biết được Chúa Giêsu là người miền Galilê. Đúng vậy quê Chúa Giêsu là Nadarét. Mà Nadarét thuộc miền Galilê. Philatô trực tiếp cai trị miền Giuđê, còn miền Galilê thì được giao cho vua Hêrôđê. Ông Hêrôđê là con của vua Hêrôđê Cả, là kẻ đã tìm giết Chúa Giêsu khi Người vừa mới sinh, nhưng giết không được vì Thánh Giuse và Đức Mẹ đã đưa Người trốn sang Ai Cập.
Vì Philatô bối rối không biết xử vụ án Chúa Giêsu thế nào nên Philatô đã quyết định gởi Chúa Giêsu qua vua Hêrôđê, vì đúng lúc đó Hêrôđê đang có mặt ở Giêrusalem dịp đại lễ Vượt qua. Thế là quân lính giải Chúa Giêsu đi. Người vẫn bị trói.
Vua Hêrôđê rất tò mò, mong được thấy mặt Chúa Giêsu. Ông đã nghe nói rất nhiều về Người, nhất là ông nghe kể Người làm nhiều phép lạ và được dân chúng rất ngưỡng mộ. Thực ra Chúa Giêsu cũng khiến ông hơi lo sợ, vì ông rất mê tín dị đoan… Ông sợ Chúa Giêsu chính là Gioan Tẩy Giả sống lại. Câu chuyện thế này: Gioan Tẩy Giả là một ngôn sứ nổi tiếng khắp vùng sông Giođan. Gioan đã cả gan khiển trách vua Hêrôđê vì tội đoạt vợ của em mình. Hêrôđê đã nổi giận bắt giam Gioan. Còn Hêrôđia, người đàn bà lăng loàn mà Hêrôđê chiếm đoạt, thì nuôi lòng căm thù Gioan và tìm dịp thủ tiêu. Và dịp may đã đến: Trong một bữa tiệc, Salômê con gái của bà này biểu diễn một điệu múa khiến vua Hêrôđê mê mẩn và buộc miệng hứa là sẽ thưởng cho cô bất cứ thứ gì mà cô muốn. Bà Hêrôđia chộp ngay lấy cơ hội tốt ấy, xúi con gái xin cái đầu của Gioan Tẩy Giả. Hêrôđê tuy không muốn, nhưng vì đã lỡ hứa trước mặt đông đảo quan khách nên không dám nuốt lời. Ông miễn cưỡng sai lính vào tù chém đầu Gioan Tẩy Giả, đặt trên đĩa đưa ra cho cô gái… Câu chuyện thật khủng khiếp luôn ám ảnh Hêrôđê. Ông luôn phập phòng lo sợ Gioan sẽ sống lại tìm ông báo thù. Khi nằm ngủ, Hêrôđê cũng mơ thấy Gioan… Bởi vậy khi biết tổng trấn Philatô chuyển Chúa Giêsu sang cho ông xử, ông rất muốn thấy mặt Chúa Giêsu, để coi xem mặt Chúa Giêsu có giống Gioan Tẩy Giả không.
Khi Chúa Giêsu được đưa đến, vua Hêrôđê triệu tập triều đình và truyền dẫn Chúa Giêsu ra. Ông tưởng Chúa Giêsu sẽ làm một phép lạ cho ông vui để lấy lòng ông, và các quan trong triều cũng vui nữa. Thế nhưng Chúa Giêsu chẳng hề mở miệng nói với ông một tiếng nào. Ông rất giận. Và để hả giận, ông trả đũa bằng cách khoác cho Người một chiếc áo trắng, ý nói Chúa Giêsu là một kẻ khùng điên. Rồi ông gởi Người lại cho Philatô.
* * * * *
Từ trên Thánh Giá nhìn xuống, Chúa Giêsu cũng nhìn thấy tôi.
Phải chăng, đối với tôi, tôn giáo chỉ là chuyện tình cảm với những nghi lễ, thánh ca, trang trí… được tổ chức để đánh dấu những kỷ niệm trong đời, như rửa tội, rước lễ lần đầu, thêm sức, hôn phối… Hoặc là những dịp người ta ăn mặc xinh đẹp đến gặp gỡ nhau…?
Phải chăng, tôi giữ đạo vì sợ: Sợ Chúa phạt, sợ xuống hỏa ngục, sợ xui xẻo? Tôi có hiểu rằng: Chính vì kính mến Chúa và yêu thương người nên tôi mới trở thành Kitô hữu không?
Tôi có cố gắng giữ đạo chỉ vì để được Chúa ban ơn không: Làm việc tốt để được thưởng, tránh việc xấu để khỏi bị phạt, đọc kinh cầu nguyện để được làm ăn khá, thi đậu, khỏi bệnh vv…?
Từ trên Thánh Giá nhìn xuống, Chúa Giêsu thấy đám binh lính lý hình đang bao quanh Người và những tử tội khác.
Trong lòng họ, họ nghĩ gì khi hành hạ và đóng đinh Chúa Giêsu? Chắc chắn họ rất ngạc nhiên trước cách Chúa Giêsu chịu đựng đau khổ. Thật là can đảm! Tuy nhiên, họ chỉ quan tâm đến mỗi một điều. Đó là thi hành lệnh trên. Chúa Giêsu có tội hay không? Đó không phải là việc của họ. Người có phải là Đấng Thiên Chúa sai đến hay không? Họ cũng chẳng cần biết. Cấp trên đã ra lệnh bảo họ tra tấn và đóng đinh Người thì họ tuân lệnh. Thế thôi.
Trong đám họ có những tên rất thô lỗ. Họ đã quen nhìn thấy những tội nhân phải chịu khổ, nhất là những tội nhân của các dân bị đế quốc Rôma của họ đô hộ. Dù các tội nhân ấy đau đớn kêu la đến đâu họ cũng dửng dưng không chút xúc động.
Chúa Giêsu bắt đầu bị bọn lính ấy hành hạ bằng nhục hình đánh đòn. Đây là một hình khổ hết sức khủng khiếp. Có những người đã chết gục ngay dưới những làn roi.
Tiếp đến là trò chế nhạo. Bọn họ đã nghe người ta tố cáo Chúa Giêsu tự xưng là vua. Đúng hay sai, đối với họ điều đó không quan trọng. Họ chỉ coi đây là cơ hội vui đùa chế nhạo Người như một ông vua hề. Họ lấy dây gai kết thành một vòng tròn, rồi ấn lên đầu Người và làm bộ cung kính thưa: “Muôn tâu Bệ hạ, vương miện của ngài đây”. Để cho “chiếc vương miện” ấy dính chặt vào đầu Người, họ lấy gậy đóng xuống… Những chiếc gai cắm sâu vào da đầu Chúa Giêsu… Những dòng máu ròng ròng cháy xuống ướt đỏ mặt Người… “Và đây là cẩm bào của ngài”. Họ khoác một tấm vải rách màu đỏ lên vai Người. Còn thiếu gì nữa? À, vua thì phải có vương trượng chứ! Họ tìm được một cây sậy ấn vào tay Người. Thế là tạm xong. Họ bắt Chúa Giêsu ngồi trên một bậc thềm và bắt đầu tung hô. Họ đi vòng quanh Người, vừa đi vừa hô: “Hoan hô vua dân Do Thái”. Lần lượt những kẻ đi ngang trước mặt dừng lại khạc nước miếng vào mặt Người.
Khi đã lên đến đồi Canvê, bọn lính cởi áo Chúa Giêsu ra. Vải đã dính vào các vết thương khắp mình Chúa Giêsu, nên khi bị cởi áo, Người đau đớn chẳng khác gì bị lột da. Rồi họ đè Người nằm xuống trên cây thập giá. Họ kéo hai tay hai chân Người ra cho đến chỗ làm dấu sẵn để đóng đinh…
Đóng đinh xong, họ dựng Người cùng cây thập giá đứng thẳng lên. Rồi họ ngồi xuống nghỉ mệt, thẩy xúc xắc, để xem ai được lấy tấm áo không đường khâu của Chúa Giêsu.
Tuy nhiên trong đám họ cũng có một người còn chút lòng nhân đạo. Anh này đưa cho Chúa Giêsu một ly mật đắng pha mật ong. Đây là một thứ thuốc giảm đau. Nhưng Chúa Giêsu đã từ chối không uống.
Và cũng có một cử chỉ nhân đạo khác: Chúa Giêsu trên thập giá kêu lên “Tôi khát”. Nghe vậy, một anh lính đi lấy một tấm bọt biển thấm một chút giấm rồi đưa lên cho Người. Chúa Giêsu đã nếm một chút. Ta có thể tưởng tượng Chúa Giêsu đưa mắt nhìn anh tỏ dấu cám ơn. Và có lẽ ánh mắt đó đã thấu tận đáy lòng anh, suốt đời anh không thể nào quên.
Nhưng đáng để ý nhất là viên sĩ quan chỉ huy đội lý hình. Ngay từ đầu cuộc xét xử tại toà án, ông đã có ấn tượng về phong cách của Chúa Giêsu: Rất can đảm, bình thản và oai nghiêm. Ông hiểu Chúa Giêsu không phải là một người bình thường. Vì thế, mặc dù được lệnh phải hành quyết Chúa Giêsu, nhưng ông vẫn dành cho Người một sự tôn trọng. Trên đường đi đến pháp trường, khi thấy Người đã kiệt sức, ông đã yêu cầu một kẻ qua đời vác thập giá giúp Người. Rồi khi Chúa Giêsu đã bị treo trên thập giá, nhiều người bên dưới lớn tiếng chế nhạo, xỉ vả Người. Ông rất ngạc nhiên khi nghe Chúa Giêsu chỉ đáp lại bằng những lời tha thứ. Cuối cùng, lúc Chúa Giêsu tắt thở, khi trời tối sầm lại và đất rung chuyển, thiên nhiên như muốn để tang Chúa Giêsu, viên sĩ quan này thốt lên: “Quả thật, người này là Con Thiên Chúa”.
* * * * *
Từ trên Thánh Giá nhìn xuống, Chúa Giêsu cũng nhìn thấy tôi.
Trên đời này vẫn còn những vụ hành hạ, tra tấn… Vẫn còn những trại tập trung… Vẫn còn hàng triệu người phải bỏ nước trốn đi… Khi biết đến tình trạng này, tôi có suy nghĩ gì không? Hay là tôi dửng dưng? Tôi có ý nghĩ rằng sau này khi có thể, tôi sẽ đấu tranh cách nào đó để thế giới bớt đi những sự dữ và thêm nhiều tình thương không?
Phải chăng, đôi khi tôi cũng hung dữ, cay độc, xỉa xói những người khác kém cỏi hơn tôi, nghèo hèn hơn tôi… Phải chăng, đôi khi tôi ỷ thế để ức hiếp kẻ yếu thế hơn tôi?
Phải chăng, tôi có óc kỳ thị: Kỳ thị màu da, kỳ thị giai cấp xã hội, kỳ thị khả năng… Khinh dể những kẻ không giống tôi, không bằng tôi?
Từ trên Thánh Giá nhìn xuống, Chúa Giêsu thấy đám đông dân chúng.
Họ là những người thấy Chúa Giêsu vác thập giá đi trên những con đường Giêrusalem, dẫn đến pháp trường, và những người tập trung trên đồi Canvê để xem Chúa Giêsu bị đóng đinh.
Họ có những suy nghĩ gì? Rất khác nhau.
Trước hết, có những người đã kêu to trước toà tổng trấn Philatô: “Hãy thả Baraba và đóng đinh Giêsu”. Trong số họ, có cả những người mới vài ngày trước đây thôi, khi Chúa Giêsu vào thành Giêrusalem, đã hô lớn: “Hoan hô con vua Đavít. Hoan hô anh hùng giải phóng chúng tôi”. Nhưng hôm nay những người này đã bị những kẻ thù ghét Chúa Giêsu mua chuộc, xách động, nên quay lưng chống lại Người. Họ không suy nghĩ xem những kẻ mua chuộc họ có lý hay không. Họ chỉ biết đi theo những người đang thắng thế. Đối với họ, Chúa Giêsu trước đây mấy ngày có thể là một anh hùng giải phóng dân tộc, nhưng hôm nay đã trở thành kẻ thù số một có thể khiến cho đất nước lâm cảnh điêu tàn. Do đó phải khử trừ Người càng sớm càng tốt. Chính vì họ đã kêu gào ầm ĩ nên cuối cùng Philatô đành giao Chúa Giêsu cho họ đem đi đóng đinh.
Kế đến, có những người không hung hăng lắm. Họ nhìn thấy Chúa Giêsu vác thập giá đi lên đồi Canvê. Họ nhìn thấy Người bị đóng đinh. Nhưng họ dửng dưng. Có thể họ cũng đã nghe nói về Người, có thể họ cũng từng gặp Người, có thể họ cũng được hưởng vài phép lạ của Người nữa. Thế nhưng họ nghĩ rằng chính quyền đã kết án Người, nên chắc là chính quyền có lý. Họ không muốn mất công tìm hiểu cặn kẽ chi cho mệt. Có lẽ họ thấy Chúa Giêsu tội nghiệp. Nhưng thôi mặc kệ.
Sau cùng, có những người cảm thông và thương khóc Chúa Giêsu. Những người này biết rõ Chúa Giêsu suốt đời chỉ làm ơn làm phước cho mọi người, thế mà hôm nay bị hành hạ đau đớn nhục nhã như một tên trọng phạm. Nhìn thấy Chúa Giêsu như thế, lòng họ vô cùng đau xót. Trên đường lên đồi Canvê, Chúa Giêsu đã gặp một nhóm phụ nữ trong số họ. Các bà này khóc thương Người. Người đã dừng lại an ủi họ: “Các bà đừng khóc thương tôi làm chi. Hãy khóc thương chính các bà và con cháu các bà”. Ý Chúa Giêsu muốn nói rằng: Chính vì tội lỗi của họ, vì tội lỗi của con cháu họ, và vì tội lỗi của cả nhân loại, mà Người phải chịu khổ hình đau đớn như thế.
* * * * *
Từ trên Thánh Giá nhìn xuống, Chúa Giêsu cũng nhìn thấy tôi.
Phải chăng, tôi cũng giống như dân chúng Do Thái ngày xưa đã chọn Baraba thay vì Chúa Giêsu: Tôi đã bỏ Chúa mà theo bè bạn để ăn chơi phóng túng, nhậu nhẹt, quậy phá và thậm chí sa vào tội lỗi…?
Có những người ở tuổi tôi sống nghiêm túc, siêng năng học giáo lý để hiểu biết Chúa hơn, hăng hái nhiệt thành giúp cho người khác biết Chúa và yêu mến Chúa. Nhưng phải chăng tôi đã phớt lờ không quan tâm gì đến những hoạt động ấy.
Có khi nào tôi biết buồn khi thấy người ta tội lỗi, nguội lạnh, không sống đạo tử tế? Có khi nào tôi dám mạnh dạn khuyên can những người ấy? Có khi nào tôi hối tiếc, chính vì tội lỗi mà tôi làm gương xấu cho người khác cũng phạm tội không?
11. Hai tên gian phi
Từ trên Thánh Giá nhìn sang bên phải và bên trái, Chúa Giêsu thấy hai tên gian phi cùng chịu đóng đinh như Người.
Đó là những kẻ phạm pháp thực sự và xứng đáng bị trừng phạt. Chính một trong hai đã nhìn nhận: “Chúng ta phải chịu thế này là đáng tội”.
Họ cũng như Chúa Giêsu phải vác thập giá của mình leo lên đỉnh đồi Canvê; cũng chịu đóng đinh; và giờ đây cùng đang hấp hối…
Có lẽ họ cũng có mặt trước dinh Philatô khi Chúa Giêsu bị xét xử, để chờ khi Philatô kết án xong thì cùng với Người được dẫn đi đóng đinh. Trên đường vác thập giá, có lẽ họ cũng đã nghe những lời bình phẩm về Chúa Giêsu được thốt ra từ miệng những người có cảm tình với Người cũng như những kẻ thù ghét Người. Trước khi họ bị bắt, có lẽ họ cũng có lần gặp mặt Người. Tóm lại, họ biết Chúa Giêsu là một nhân vật đặc biệt và đa số dân chúng coi Người là Đấng Thiên Chúa sai đến.
Bây giờ trong giây phút cuối đời họ lại được gặp Người, ở ngay bên cạnh Người. Đây là một cuộc gặp gỡ có tính quyết định sống còn. Nhưng thái độ hai người này rất khác nhau. Một người thì sừng sỏ hung dữ. Anh xỉa xói Chúa Giêsu: “Ông có giỏi thì cứu lấy ông và cứu chúng tôi luôn đi”. Anh này không chấp nhận số phận của mình. Anh chửi rủa lung tung: Chửi rủa những đau đớn của mình, chửi rủa các quan toà, chửi rủa đám lý hình, chửi rủa dân chúng đứng nhìn… Anh ngụp lặn trong cảm xúc oán hận và trong ước muốn báo thù… Anh khép lòng trong bóng đêm tăm tối…
Người kia thì trái lại. Trong những giây phút cuối đời, anh cố gắng làm hồi sinh những tâm tình tốt đẹp. Anh tự nhủ: “Đây không phải là lúc giận trách Thiên Chúa”. Anh nói với người kia: “Ít ra chúng ta cũng phải sợ bị Thiên Chúa xét xử chứ! Chúng ta phải chịu thế này là đáng tội rồi. Còn ông Giêsu này, ông không hề làm điều gì sai trái”. Rồi anh quay sang Chúa Giêsu nói: “Thưa Ngài, khi Ngài về Nước Ngài, xin hãy nhớ đến chúng tôi”. Anh đã nói “Nước Ngài”, bởi vì nhiều lần anh nghe Chúa Giêsu giảng về Nước Thiên Chúa. Chúa Giêsu thấy thiện ý của anh nên Người đáp: “Ngay hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên thiên đàng”.
* * * * *
Từ trên Thánh Giá nhìn xuống, Chúa Giêsu cũng nhìn thấy tôi.
Phải chăng đôi khi tôi giận trách Chúa vì tôi gặp thất bại trong việc học hành, trong nghề nghiệp… Vì tôi không đạt được điều mong muốn, vì tôi gặp điều trái ý… Thay vì tôi phải xét mình xem những điều ấy có phải tại tôi không: tại tôi lười biếng, tại tôi cẩu thả, tại tôi gây thù chuốc oán trước với người ta…
Khi gặp chuyện phiền muộn, phản ứng của tôi thường là khép lòng lại trong tủi hờn, cay đắng, chán nản, bi quan… hay là mở lòng ra với Chúa để cầu nguyện xin Người an ủi, thêm sức, giúp đỡ…?
Khi tôi buồn, khổ, bệnh tật… tôi có biết tự nhủ: “Mình sẽ mang nỗi buồn khổ này đi dự thánh lễ để kết hợp với những đau khổ của Chúa Giêsu, hầu cứu giúp những người khốn khổ và tội lỗi” không? Tôi có tin rằng những đau khổ kết hợp với thánh giá Chúa Giêsu sẽ là nguồn ơn cứu rỗi không?
12. Giuse Arimathia và Nicôđêmô
Từ trên Thánh Giá nhìn xuống, Chúa Giêsu thấy Giuse Arimathia và Nicôđêmô.
Hai vị này tuy là thành viên Thượng Hội Đồng Do Thái, nhưng cũng là môn đệ Chúa Giêsu cách kín đáo. Họ rất ngưỡng mộ Chúa Giêsu. Nhưng vì họ nắm giữ địa vị cao ở Giêrusalem, nên nếu họ để cho người ta biết tình cảm của họ đối với Người, thì địa vị ấy sẽ bị ảnh hưởng. Nhưng dù sao, cách sống như vậy cũng cho thấy họ chưa quảng đại, họ còn nhát đảm… Chắc hẳn khi Thượng Hội Đồng biểu quyết án xử tử Chúa Giêsu thì họ không giơ tay đồng ý, nhưng cũng không dám lên tiếng bênh vực Người. Khi Người bị lên án rồi, thì họ chán nản quay về nhà và buồn bã chờ tin Chúa Giêsu bị giết chết.
Ông Nicôđêmô nhớ lại ngày ông gặp Chúa Giêsu lần đầu tiên. Ông tìm đến gặp Người ban đêm để không bị người ta thấy. Ông xin Người giải thích những thắc mắc về tôn giáo. Và Chúa Giêsu đã nói với ông: “Chỉ có một cách duy nhất để trở nên nghĩa thiết với Thiên Chúa, đó là trở thành một con người mới, nhờ Phép Rửa và ơn Chúa Thánh Thần”. Cuộc nói chuyện đêm ấy đã khiến Nicôđêmô xúc động mạnh. Ông trở về nhà suy nghĩ rất nhiều. Và từ ngày ấy ông xin làm môn đệ Chúa Giêsu, nhưng cách kín đáo.
Còn ông Giuse Arimathia. Khi hay tin Chúa Giêsu đã chết, ông trở nên bạo dạn không còn hèn nhát nữa. Mặc kệ, đến đâu thì đến. Ông tìm gặp tổng trấn Philatô để xin hạ xác Chúa Giêsu xuống khỏi thập giá và an táng cho xứng đáng. Nếu không thì xác Chúa Giêsu, cũng như xác các tử tội khác, sẽ bị ném xuống hố làm mồi cho chim quạ và chồn cáo ăn thịt. Philatô đã cho phép.
Thế là Giuse Arimathia lên đồi Canvê, mang theo một tấm khăn liệm lớn. Còn Nicôđêmô thì mang thuốc thơm để xức xác Chúa Giêsu như thói quen khâm liệm của người Do Thái.
Khi ấy, Chúa Giêsu vẫn còn ở trên thánh giá, tay chân bị đóng đinh chặt vào thanh gỗ. Sườn Người có một vết thương mở rộng do một tên lính đã lấy đòng đâm thủng nhằm bảo đảm Người đã chết… Đứng dưới chân thánh giá là Đức Maria Mẹ Người, tông đồ Gioan, Maria Madalena và vài phụ nữ…
Giuse Arimathia và Nicôđêmô tháo đinh ra và hạ xác Chúa Giêsu xuống… Đặt xác Người trên một tảng đá để xức thuốc thơm… lấy khăn liệm quấn lại…
Gần sát đồi Canvê, ông Giuse Arimathia có một khu vườn, trong đó ông đã đào sẵn một ngôi huyệt để làm mộ cho gia đình ông. Nhưng chưa ai được an táng trong mộ đó. Các ông đã đặt xác Chúa Giêsu vào trong ngôi mộ đó, rồi lăn một tảng đá lớn lấp cửa mộ.
* * * * *
Từ trên Thánh Giá nhìn xuống, Chúa Giêsu cũng nhìn thấy tôi.
Phải chăng tôi sống đạo một cách có thể nói là ‘lén lút”: chỉ đọc kinh dự lễ cách tối thiểu, không tham gia hội đoàn và các sinh hoạt tôn giáo khác… Vì ngại phải làm thêm việc này việc nọ, vì không muốn mất công mất giờ…?
Tôi có chịu khó trau dồi thêm hiểu biết về đạo, bằng cách đọc sách báo, tham dự những khoá giáo lý và Thánh Kinh… để đức tin của tôi mạnh hơn, để có thể trả lời cho những người thắc mắc về đạo của tôi, và để làm cho nhiều người hiểu thêm về Chúa và Giáo Hội?
Tôi sống đạo cách đơn độc một mình hay còn chịu khó tham gia các nhóm, hội, đoàn thể? Đoàn kết gây sức mạnh, liên đới tạo thêm trợ lực, làm việc chung sẽ nâng đỡ nhau… Tôi có ý thức như vậy không?
Từ trên Thánh Giá nhìn xuống, Chúa Giêsu thấy Đức Maria, Mẹ Người.
Mẹ đứng sát chân Thánh Giá.
Mẹ đã theo dõi từng diễn biến của vụ xử án Chúa Giêsu. Mẹ đã chen chút trong đám người đứng hai bên đường để được nhìn thấy Con mình đang vác thập giá. Mẹ đã chạy ra gặp mặt Con. Không phải Mẹ muốn ngăn cản không cho người ta dẫn Con đi đóng đinh, vì Mẹ hiểu Con mình phải chịu nạn chịu chết để cứu chuộc loài người. Mẹ chỉ muốn nhìn Con để an ủi và thêm sức cho Con… Mẹ đã theo Con lên tận đỉnh đồi Canvê. Mẹ chứng kiến Con mình bị đóng đinh đau đớn. Khi Chúa Giêsu bị treo lên, Mẹ không yếu đuối quỵ xuống, mà đứng thẳng vững vàng… Như vị Linh mục đứng dâng của lễ trên bàn thờ.
Chúa Giêsu nhìn xuống thấy Đức Mẹ. Người nói với tông đồ Gioan đang đứng cạnh Mẹ: “Gioan ơi, đây là mẹ con”; và nói với Đức Mẹ: “Mẹ ơi, đây là con Mẹ”. Kể từ giây phút ấy, Gioan nhận lãnh gia tài cao cả, là chăm sóc cho Đức Mẹ, và cũng từ giây phút ấy, Đức Mẹ nhận làm mẹ của tất cả mọi người, mà Gioan đại diện.
* * * * *
Từ trên Thánh Giá nhìn xuống, Chúa Giêsu cũng nhìn thấy tôi.
Có khi nào đức tin của tôi vào Chúa và Giáo Hội bị chao đảo không? Đức tin chao đảo vì tôi ít hiểu biết giáo lý, vì tôi không đủ xác tín, vì tôi không hành đạo, không quan tâm loan báo Tin Mừng… Thay vào đó tôi quá nghe theo những lời chỉ trích Giáo Hội mà không nhìn thấy biết bao mặt tốt của Giáo Hội…
Đức tin của tôi có đủ mạnh để tôi có thể tha thứ cho những người làm hại tôi, ganh ghét tôi, khinh dể tôi…? Dù tha thứ như thế là chuyện rất khó, nhưng tôi hiểu rằng đó chính là dấu chứng tôi thực sự mến Chúa yêu người và là môn đệ thật của Chúa.
Đức Mẹ có vị trí nào trong đời tôi?
Phải chăng tôi coi Mẹ là người xinh đẹp hơn tất cả mọi người thế, và là người thánh thiện trong trắng hoàn toàn không hề có chút tội lỗi nào?
Phải chăng tôi thực lòng tin tưởng phó thác nơi Mẹ: Tìm đến với Mẹ để cầu nguyện trong những khi gặp khó khăn, đau khổ, buồn phiền, mệt mỏi? Tôi có tin rằng Đức Mẹ còn thương tôi và thừa khả năng giúp đỡ tôi hơn bất cứ người mẹ nào trên trần thế không?
Dịch giả: Lm. Carôlôo Hồ Bạc Xái
Nguyên bản tiếp Pháp: Ceux que Jesus voyait du haut de la Croix, A.-D. Sertillanges OP, Editions de la Revue des Jeunes, Paris 1924.
Nguồn: giaophanphucuong.org
Nguyên bản tiếp Pháp: Ceux que Jesus voyait du haut de la Croix, A.-D. Sertillanges OP, Editions de la Revue des Jeunes, Paris 1924.
Nguồn: giaophanphucuong.org
[1] Antonin-Dalmace Sertillanges OP có tên thật là Antonin-Gilbert Sertillanges. Ngài là một triết gia và là nhà tâm linh người Pháp.