Làm sao để tôi khám phá được ơn gọi của mình trong cuộc sống?
Năm tôi lên 9 và học lớp Giáo lý, giáo lý viên đã đưa ra một vài hình ảnh minh họa, một số từ sách Giáo lý Baltimore cổ, giúp chúng tôi hiểu về đức tin của mình. Để giải thích về tội lỗi, ba chai sữa đã được đưa ra. Một chai bị đốm đốm bẩn: đó là linh hồn ở trong tình trạng mắc nhiều tội nhẹ. Một chai màu đen: linh hồn đang trong tình trạng tội trọng. Chai cuối cùng trắng tinh: linh hồn ở trong tình trạng ân sủng. Để giải thích về “ơn gọi”, có bức vẽ một cặp vợ chồng với dòng chú thích “Tốt”. Bên dưới là bức vẽ một linh mục và nữ tu, có ghi nội dung: “Tốt hơn”.
Khái niệm ơn gọi đã có những thay đổi về mặt thần học kể từ Công đồng Vatican II. Và đã đến lúc cần phải như vậy. Niềm tin rằng một ơn gọi này tốt hơn ơn gọi khác đã nhường chỗ cho cách hiểu rằng mọi người, bất kể họ là ai — độc thân, đã kết hôn, đã khấn, được truyền chức — đều tham gia vào “lời mời gọi phổ quát hướng đến sự thánh thiện” theo cách riêng của từng người.
Quả thật, điều này vô cùng hợp lý. Xét cho cùng, sự đa dạng là một phần trong kế hoạch của Chúa, theo đó mỗi người xây dựng cộng đồng theo những cách mà người khác không thể làm được. Chúng ta sẽ ở đâu nếu mọi người đều là linh mục hoặc nữ tu? (Trước hết, chúng ta sẽ gặp một số thách thức trong vấn đề sinh sản.) Hoặc nếu mọi người đều kết hôn và không có các dòng tu thì sao? Như hình ảnh thánh Phaolô dùng để nói về Thân Thể Chúa Kitô, chúng ta sẽ ở đâu nếu như con mắt nói rằng nó không có tác dụng gì cho bàn tay?
Thế nhưng điều đó lại đặt ra một truy vấn hiển nhiên là: Vâng, vậy tôi có một ơn gọi độc đáo. Nhưng nó là gì?
Đây chính là điểm mà linh đạo I-Nhã có thể giúp ích. Đối với thánh Inhaxiô thành Loyola, vị sáng lập Dòng Tên vào thế kỷ thứ 16, những khao khát là cách quan trọng để khám phá ơn gọi của một người. Những khao khát của bạn – không phải những nhu cầu hời hợt, mà là mong muốn sâu thẳm trong lòng bạn – là một dấu chỉ cho thấy cách mà Thiên Chúa dẫn bạn đến hạnh phúc.
Ở mức độ cơ bản nhất, một người nam và một người nữ đến với nhau trong khao khát khám phá ơn gọi của họ như một cặp vợ chồng. Các bác sĩ, luật sư hoặc nghệ sĩ thấy rằng họ khao khát một lối sống cụ thể và do đó tìm thấy ơn gọi của họ. Sự khao khát hoạt động theo cách tương tự trong cuộc đời của các vị thánh, thu hút mỗi người trong số họ đến các con đường thánh thiện và phục vụ khác nhau trong Giáo hội. Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu rất khác biệt và đã làm những điều rất khác biệt so với thánh Têrêsa Avila.
Theo cách này, những khao khát của Chúa cho thế giới được thực hiện, vì cuối cùng những khao khát sâu thẳm nhất là những điều mà Chúa đã gieo vào lòng chúng ta. Vì vậy, khái niệm ơn gọi (từ tiếng Latinh vocare, có nghĩa là “kêu gọi”) không phải là tìm ra cho bằng là được Chúa mặc khải cho chúng ta, khi chúng ta không ngừng cầu nguyện để hiểu được những gì mà các tu sĩ Dòng Tên gọi là những khao “thúc đẩy”.
Khó khăn chính trong tất cả những điều này là niềm tin sai lầm rằng để trở nên hữu ích, hạnh phúc, hay thánh thiện thì chúng ta phải trở thành một người khác. Người mẹ trẻ buồn bã nói “Tôi sẽ không bao giờ là Mẹ Têrêsa”, trong khi thực tế thiên chức của bà là trở thành một người mẹ. Hoặc có luật sư khi đọc về Thomas Merton tu sĩ Dòng Xitô đã nói “Tôi sẽ không bao giờ giống như ngài ấy”. Nhưng bạn không được sinh ra để trở thành Mẹ Têrêsa hay Thomas Merton, trở nên đáng kính như họ. Bạn sinh ra để trở thành chính mình. Như chính Merton đã viết: “Đối với tôi, trở thành một vị thánh có nghĩa là trở nên chính mình”.
Một phần của điều đó có nghĩa là từ bỏ mong muốn sống cuộc sống của người khác, và nhớ rằng chính ơn gọi của chúng ta — không phải của người khác — là điều cuối cùng sẽ dẫn chúng ta đến hạnh phúc. Bạn không cần phải sử dụng bản đồ lên thiên đàng của bất kỳ ai, bởi vì Chúa đã đặt trong tâm hồn bạn tất cả những hướng đi mà bạn cần. Khi mọi người đến thăm Mẹ Têrêsa thành Calcutta, hy vọng được làm việc với bà, bà thường nói với nhiều người: “Hãy tìm Calcutta của riêng bạn”. Khám phá ơn gọi của riêng bạn. Và hãy nhớ rằng mọi ơn gọi đều có giá trị và vẻ đẹp như nhau trong mắt Chúa.
Cách tốt nhất để tóm tắt điều này là dùng kiểu diễn đạt yêu thích của cha Gioan Kerdiejus, một tu sĩ Dòng Tên thánh thiện đã làm việc nhiều năm tại nhà tĩnh tâm ở Gloucester, Massachusetts, bên bờ Đại Tây Dương. Ngày nay ngài đang nằm liệt trên giường tại nhà hưu Dòng Tên bên ngoài Boston. Ngài là một người hạnh phúc nhất mà tôi từng biết trong ơn gọi của mình, và ngài thường nói một cách tinh nghịch: “Bạn phải là chính mình, chứ không phải là ai khác. Bởi vì nếu bạn không phải là chính mình, thì bạn sẽ là ai đó không phải bạn. Và điều đó không tốt!”
James Martin, S.J.
Kim Linh chuyển ngữ từ magazine.scu.edu
Nguồn: dongten.net