1. LỜI CHÚA :
Chúa Giê-su phán : “Cha tôi vẫn làm việc thì tôi cũng làm việc” (Ga 5,17).- Thánh Phao-lô dạy : “Ai không chịu làm thì cũng đừng ăn” (2 Tx 3,10).
2. CÂU CHUYỆN : TRÁNH Ỷ LẠI VÔ TRÁCH NHIỆM VỚI VIỆC CHUNG.
Vào một buổi sáng Chúa Nhật nọ, trong một phòng dành cho các bệnh nhi bị sốt xuất huyết thuộc bệnh viện đa khoa quận, có ba đứa trẻ đang nằm thiêm thiếp trên ba chiếc giường nhỏ kê gần nhau. Ba bà mẹ trẻ thì đang ngồi bên giường của con, vừa ăn cơm vừa nói chuyện rôm rả. Bấy giờ một bà nêu nhận xét : “Hình như đã hai ngày rồi : Thứ Bảy hôm qua và Chúa Nhật hôm nay, mà sao tôi chẳng thấy có ai đến phòng mình để dọn dẹp vệ sinh cả ?” Bà thứ hai thì nhìn chung quanh phòng góp chuyện : “Đã thế, tôi lại chẳng tìm thấy cái chổi hay cây lau nhà nào ở quanh đây cả”. Bà thứ ba cũng phụ họa : “Có câu ví : Sạch như bệnh viện, mà sao tại bệnh viện này người ta lại để dơ như vậy chứ ?”. Rồi ba bà tiếp tục than thở về nhiều việc khác liên quan đến vấn đề phục vụ cơm nước và vệ sinh trong bệnh viện.
Vừa lúc ấy, một phụ nữ trẻ bế trên tay một đứa con nhỏ đi vào phòng. Ba bà mẹ trẻ kia liền ngưng câu chuyện và chăm chú theo dõi người mới tới. Sau khi nhận ra chiếc giường còn trống và đặt đứa bé gái khoảng năm sáu tháng tuổi vào giường, chị ta nhìn ra cửa thấy chồng còn đang đứng thập thò, liền đưa tay vẫy gọi : “Anh mau vào trong này trông con cho em, để em đi kiếm xem có cây chổi hay cây lau nào dọn phòng nhé”. Rồi chỉ một loáng sau cả căn phòng đã trở nên sạch bóng đang khi ba bà mẹ kia tỏ thái độ thờ ơ không cần quan tâm. Sau khi xong việc, chị ta mới vào ngồi lên giường bên cạnh chồng và cho con nhỏ bú. Nét mặt chị thật đôn hậu và không chút so đo thiệt hơn. Hình như có một nỗi hổ thẹn nào đó đang nhen nhúm trong lòng ba bà mẹ trẻ kia.
3. SUY NIỆM :
- Câu chuyện trên cũng thường hay xảy ra ở những nơi tập thể như nhà trọ, ký túc xá sinh viên, lớp học, nhà thờ, chợ búa hay xóm ngõ… Nhiều người thường hay suy nghĩ và sống theo châm ngôn ích kỷ : “Đèn nhà ai, nhà ấy rạng”, hoặc “Tránh ăn cơm nhà đi vác tù-và hàng tổng !”. Những khi gặp phải điều bực mình trái ý thì nhiều người chỉ biết than trời trách đất, hoặc đổ lỗi cho hoàn cảnh, mà không dấn thân làm việc phục vụ ích chung. Đó chính là thái độ ỷ lại vô trách nhiệm của không ít người trẻ hôm nay.
- Trong một xóm nọ, mỗi lần mưa to gió lớn đều xảy ra tình trạng ngập nước. Nước đen hôi thối từ cống rãnh dâng lên tràn vào nhiều nhà trong xóm có nền nhà thấp hơn mặt đường.
Ai cũng biết chuyện ngập nước là do đường cống bị tắc, hay do nắp lỗ ga bị rác bít kín, khiến nước mưa không dễ dàng tiêu thoát mau được. Nhưng trong lúc trời mưa to, it có người nào trong xóm chịu hy sinh đội áo mưa ra ngoài lấy rác thông nắp ga cho tiêu nước. Ai nấy chỉ lo tát nước trong nhà và kêu trách nhà nước không sớm giải quyết tình trạng ngập nước gây ô nhiễm môi trường.
Nếu có ai đó hăng hái ra khai thông lỗ ga thì các người khác vẫn bình chân như vại. Họ chỉ khoanh tay đứng nhìn và có khi còn trách ngược nếu người này không sớm ra thông nắp lỗ ga như mọi khi, để nước bẩn ở sân tràn vào nhà họ.
4. SINH HOẠT :
Trong cuộc sống thường ngày, gặp thái độ lười biếng ỷ lại và thờ ơ vô trách nhiệm với việc chung, bạn nên làm gì để vừa cấp thời giải quyết sự cố, lại vừa giúp mọi người ý thức trách nhiệm cộng tác giải quyết việc chung cách tốt đẹp ?
5. LỜI CẦU :
Lạy Chúa Giê-su. Xin giúp chúng con tránh thói ỷ lại và vô trách nhiệm đối với việc chung từ trong gia đình, khu xóm, đến nhà trọ và những nơi chung như nhà thờ, trường học, xí nghiệp, công sở… Xin cho chúng con “nói ít làm nhiều”, biết luôn dấn thân phục vụ cho lợi ích chung. Nhờ đó, chúng con hy vọng sẽ gây được thiện cảm với mọi người, xứng đáng nên môn đệ thực sự của Chúa và nên chứng nhân tình thương, giúp anh em lương dân dễ dàng nhận biết Chúa và cùng được hưởng niềm vui ơn cứu độ với chúng con.- AMEN.
LM ĐAN VINH – HHTM