18/10/2024 -

Kỹ năng sống

104
Học gì từ Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền giáo năm 2024?

Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền giáo năm nay, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chọn dụ ngôn về tiệc cưới trong Tin Mừng Mátthêu: “Hãy đi ra và mời gọi tất cả mọi người vào tiệc cưới” (Mt 22,9), làm chủ đề để suy tư về sứ mạng truyền giáo của Giáo hội. Chủ đề này không chỉ nhấn mạnh đến tính cấp bách của việc loan báo Tin Mừng, mà còn đánh động lòng mỗi Kitô hữu, khơi dậy một khát vọng mãnh liệt để đem Tin Mừng đến mọi ngõ ngách của thế giới. Từ sứ điệp này, chúng ta có thể rút ra nhiều bài học quý giá về tinh thần dấn thân và trách nhiệm truyền giáo trong thời đại hôm nay.

1. Sứ vụ truyền giáo là một lời mời gọi không mệt mỏi

Trong dụ ngôn tiệc cưới, sau khi những khách được mời đầu tiên từ chối tham dự, nhà vua đã truyền lệnh cho các tôi tớ: "Hãy đi ra các ngã đường, gặp ai cũng mời hết vào tiệc cưới" (Mt 22,9). Điều này làm nổi bật sự kiên trì và lòng nhân từ vô biên của Thiên Chúa. Đức Thánh Cha cũng nhấn mạnh rằng việc loan báo Tin Mừng không phải là một công việc có giới hạn về thời gian hay đối tượng: “Sứ mạng là một cuộc đi ra không mệt mỏi hướng tới toàn thể nhân loại để mời gọi họ gặp gỡ và hiệp thông với Thiên Chúa". Ngài nhắc nhở rằng Giáo hội phải tiếp tục vượt qua mọi biên giới, không ngừng nỗ lực để đưa mọi người đến với tình yêu và sự sống của Thiên Chúa.

2. Mỗi Kitô hữu đều được mời gọi trở thành nhà truyền giáo

Đức Thánh Cha không chỉ khen ngợi các nhà truyền giáo chuyên nghiệp đã rời bỏ quê hương để đi đến những vùng đất xa xôi mà còn mời gọi mỗi Kitô hữu tham gia vào sứ vụ truyền giáo: “Mỗi Kitô hữu được kêu gọi tham gia vào sứ mạng phổ quát này thông qua chứng tá Tin Mừng của chính mình trong mọi môi trường xã hội”. Điều này có nghĩa là chúng ta không cần phải đi xa để truyền giáo, mà hãy sống sứ vụ truyền giáo ngay tại nơi mình đang sống, bằng cách thể hiện niềm tin, lòng nhân ái, và tình yêu đối với tha nhân.

3. Sứ mạng truyền giáo được thực hiện với sự tôn trọng và tử tế

Một khía cạnh quan trọng mà Đức Thánh Cha nhấn mạnh là, phong cách loan báo Tin Mừng cần phải phản ánh bản chất của Thiên Chúa, đó là sự tôn trọng, dịu dàng và yêu thương: “Sứ mạng mang Tin Mừng đến với mọi thụ tạo nhất thiết phải mang phong cách của Đấng được rao giảng... với niềm vui, lòng cao thượng và nhân từ, là những hoa trái của Chúa Thánh Thần nơi họ”. Như vậy, việc truyền giáo không phải là ép buộc người khác theo đạo, mà truyền giáo cần phải bắt nguồn từ sự nhân từ và dịu dàng, đúng với cách mà Chúa Kitô đã truyền bá thông điệp yêu thương của Người. Đây là chìa khóa để mọi người nhận ra vẻ đẹp của tình yêu Thiên Chúa và cảm nhận được sự ấm áp, gần gũi từ Ngài.

4.  Bàn tiệc Thánh Thể và sứ vụ truyền giáo có mối liên hệ mật thiết

Một điểm nhấn quan trọng khác trong sứ điệp của Đức Thánh Cha là mối liên hệ mật thiết giữa bàn tiệc Thánh Thể và viễn cảnh cánh chung trong sứ vụ truyền giáo: “Lời mời gọi tham dự bàn tiệc cánh chung mà chúng ta mang đến cho mỗi người trong sứ mạng truyền giáo gắn liền với lời mời gọi đến bàn tiệc Thánh Thể.” Mỗi Thánh lễ không chỉ là nghi thức thờ phượng, mà còn là một hoạt động truyền giáo. Tại đây, Giáo hội không ngừng cầu nguyện cho sự hiện diện của Nước Chúa và sự hiệp thông trong tình yêu của Người, qua đó thúc đẩy mọi Kitô hữu tham gia vào sứ mạng loan báo Tin Mừng, khơi dậy tinh thần hiệp nhất và dấn thân cho Nước Trời.

5. Cần sự kiên nhẫn và hy vọng trong công cuộc truyền giáo

Đức Thánh Cha cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của sự kiên nhẫn trong công cuộc truyền giáo: “Chúng ta cần loan báo Tin Mừng trong niềm vui của người biết rằng Chúa đang đến gần, và trong niềm hy vọng của người đang hướng tới mục đích cuối cùng.” Trong bối cảnh thế giới hiện nay, truyền giáo không chỉ đơn giản là sự thúc đẩy ngắn hạn mà là một hành trình dài, đòi hỏi sự kiên nhẫn, niềm tin vào Chúa và niềm hy vọng vào cuộc sống đời đời.
​​
6. Sự cấp bách của sứ vụ truyền giáo

Cuối cùng, Đức Thánh Cha kêu gọi chúng ta luôn ghi nhớ viễn cảnh cánh chung, vì chính điều này thúc đẩy chúng ta loan báo Tin Mừng với niềm vui và hy vọng. Ngài nhắn nhủ: “Hãy loan báo Tin Mừng trong niềm vui của người biết rằng ‘Chúa đang đến gần’, và trong niềm hy vọng của người đang hướng tới mục đích.” Sự khẩn thiết của sứ vụ truyền giáo không chỉ xuất phát từ những nhu cầu cấp bách của thế giới, mà còn từ viễn cảnh hạnh phúc viên mãn trong Nước Thiên Chúa, nơi mà mỗi người chúng ta được mời gọi tham dự. Cuộc sống hiện tại chỉ là một một phần trong hành trình hướng về sự sống đời đời. Khi chúng ta rao giảng Tin Mừng, chúng ta làm điều đó với niềm xác tín rằng Chúa đang đến gần và lời mời gọi của Người chính là lời mời gọi bước vào niềm vui vĩnh cửu.

Truyền giáo là một sứ mạng chung của toàn thể Giáo hội, và mỗi Kitô hữu đều có vai trò thiết yếu trong công cuộc này. Đức Thánh Cha đã nhấn mạnh rằng; tất cả chúng ta đều được kêu gọi "đi ra" đến những giao lộ của thế giới hiện đại, mang tình yêu của Chúa đến với mọi người, không phân biệt vị trí, nghề nghiệp hay tình trạng xã hội. Sứ mạng truyền giáo cũng không chỉ thuộc về các linh mục hay tu sĩ, mà là trách nhiệm của mọi tín hữu đã nhận Bí tích Rửa tội... Mỗi người đều có thể trở thành những người rao giảng Tin Mừng, góp phần xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn bằng cách chia sẻ tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa.

Tóm lại, sứ điệp Ngày Thế Giới Truyền Giáo 2024 mời gọi chúng ta hãy làm mới lòng nhiệt thành truyền giáo, không ngừng "đi ra" và mời gọi mọi người đến với tình yêu và sự sống mới trong Thiên Chúa. Thánh Thể, niềm hy vọng cánh chung và lòng kiên trì là những yếu tố quan trọng giúp chúng ta hoàn thành sứ mạng truyền giáo trong thế giới ngày nay.

BTT


 
114.864864865135.135135135250