25/04/2024 -

Kỹ năng sống

52
Kenza, tân tòng từ đạo Hồi: “Thứ Bảy Tuần Thánh này đánh dấu ngày tôi tái sinh”

Hơn 12.000 người lớn được rửa tội trong Giáo hội công giáo đêm Vọng Phục Sinh. Năm nay, số người lớn yêu cầu được rửa tội đã tăng 31%, trong đó có 5% là hồi giáo, và hơn một phần ba là thanh niên, từ 18 đến 25 tuổi.


Kenza, 29 tuổi, tín hữu hồi giáo sẽ là tín hữu công giáo tối thứ bảy đêm Phục sinh 30 tháng 3. Lễ rửa tội của cô cử hành ở Sartrouville, ngoại ô Paris. Cô rất nóng lòng được rửa tội, cô giải thích: “Suốt ba năm nay, tôi chờ đợi ngày này. Tôi chỉ có một từ để diễn tả những gì tôi trải qua: bình yên. Khi người nào muốn theo đạo hồi, họ chỉ cần đến một nhà thờ hồi giáo, nói một câu là xong. Khi tôi đến gặp một linh mục công giáo, tôi lập tức xin rửa tội, nhưng tôi phải học đạo. Hành trình này mang bình yên đến cho tôi, một bình yên nội tâm”.
 

Kenza là một trong 12.135 người lớn và thanh thiếu niên “dự tòng” được rửa tội ở Pháp Đêm Vọng Phục Sinh. Ngày thứ tư 20 tháng 4, Hội đồng Giám mục công bố các dữ liệu này, tăng mạnh so với năm 2023. Số lần rửa tội cho người lớn đã tăng 28% từ năm 2022 đến năm 2023. Con số này năm nay tăng 31%. Giáo phận Saint-Claude ở Jura còn tăng đến mức kỷ lục: 200%! Năm 2023 có 8 người, năm nay họ có 27 người.
 

Yêu cầu rửa tội của giới trẻ tăng mạnh
 

Theo Hội đồng Giám mục Pháp, một thực tế đáng chú ý khác: 36% số người được rửa tội ở độ tuổi từ 18 đến 25. Bà Catherine Chevalier, người phụ trách hồ sơ này giải thích: “Mức tăng ở nhóm tuổi này là mạnh nhất. Trên khắp nước, từ năm năm nay, số người xin rửa tội trong độ tuổi 18-25 đã tăng 150%. Hiện tượng này không chỉ xảy ra ở các thành phố”.
 

Theo số liệu người trở lại của tòa giám mục, người hồi giáo chiếm 5%. Phái bộ Ismeria, một tổ chức của người công giáo chào đón người hồi giáo trở lại kitô giáo, công bố con số “400 người gốc hồi giáo xin được rửa tội”. Ông Vincent Neymon, giám đốc Ismeria cho biết: “Năm ngoái có khoảng 200 người”.
 

Kenza kể cô rất khó khăn mới bỏ được gốc gác hồi giáo của mình: “Môi trường của tôi khó chấp nhận việc tôi trở lại đạo công giáo, họ rất bực bội. Tôi là người gốc Marốc, chuyện này rất phức tạp. Ngoài ra, tôi không hề định trước. Tôi chẳng biết gì nhiều về cội nguồn tôn giáo của mình, và tôi bắt đầu tìm hiểu. Nhưng chính cuộc tìm kiếm tâm linh này đã đưa tôi đến với Chúa Kitô. Tôi đào sâu hơn, đọc lại kinh Koran, và càng đọc, tôi càng chất vấn mình nhiều hơn. Tôi bắt đầu nghi ngờ về tôn giáo của tôi, điều này làm tôi rất áy náy vì tôi không thể nói chuyện với ai”.
 

Cô nói tiếp: “Chúa Giêsu, người mà kinh Koran thường nói đến, nói Ngài là tiên tri đã làm tôi rất tò mò. Tôi cố gắng tìm hiểu thêm. Ngài làm tôi tò mò mãnh liệt đến mức tôi không ngủ được. Tôi biết ở nhà tôi có quyển Kinh thánh. Khi tôi mở ngăn kéo ra, tôi thấy quyển Kinh thánh mở sẵn ở trang của một bài thánh vịnh, tôi đọc và rất xúc động. Vài phút sau, cô bạn hàng xóm theo đạo mời tôi đi lễ. Tôi đã từ chối cô hai lần nhưng lần này tôi nhận lời. Thế là mọi chuyện bắt đầu. Tôi nhận ra, tôi tìm ra con đường không phải vì tôi đi tìm, nhưng vì tôi đã đáp lại một lời mời gọi. Thứ Bảy Tuần Thánh này là ngày tôi được tái sinh”.
 

Một xu hướng cơ bản
 

Theo bà Catherine Chevalier, việc gia tăng số người xin rửa tội “là một xu hướng cơ bản, chứ không phải một kiểu trào lưu thời hậu-Covid. Chúng tôi thấy được điều này qua các thư người trẻ viết cho giám mục để xin rửa tội: những câu hỏi hiện sinh, về sự sống, về cái chết. Họ hoàn toàn tự do khi đến với đức tin”.
 

Ông Philippe Portier, nhà xã hội học hàng đầu về các vấn đề tôn giáo ở Pháp giải thích: “Trong khoảng ba mươi năm trở lại đây, các khảo sát về các giá trị đã xác nhận có một khát vọng rất mạnh về tâm linh trong giới trẻ. Đôi khi, những khuynh hướng linh đạo này không liên tục và không nhất thiết phải cố định trong khuôn khổ thể chế nặng nề. Tuy nhiên, những người dự tòng có đặc điểm nổi bật là có linh đạo ít lan tỏa hơn, họ cần những xác tín và các thể chế”.
 

Ông tiếp tục: “Vì thế cực đầu tiên có đặc điểm là hiện đại “hay thay đổi” nhưng chúng ta thấy sự xuất hiện của một “cực chắc chắn”, để đáp lại tình trạng bất thường của xã hội. Những xác tín mà Giáo hội công giáo có thể mang lại. Đặc biệt là vì phần lớn các tân tòng đến từ các gia đình có truyền thống kitô giáo. Thêm nữa, công giáo đôi khi có một cấu trúc “lạnh lùng”, bây giờ “hỗ trợ” cho tín hữu một tiến trình khai tâm được cá nhân hóa. Sự an toàn mang tính chuẩn mực, tính liên tục về tiểu sử, cộng đồng tình cảm: ba yếu tố này là những yếu tố thuận lợi”.
 

Bà Catherine Chevalier nhận xét “đó là một niềm vui bất ngờ” với Giáo hội vẫn còn bị sốc vì các vụ lạm dụng tình dục. Con số người dự tòng tăng cao trong nhiều năm nay nhất là trong Tuần Thánh. Tuy vậy, con số này cũng không bù đắp được con số trẻ em rửa tội bị giảm mạnh trong các thập kỷ qua. Trong gần 25 năm, con số trẻ em rửa tội đã giảm từ 380.093 –  gần một nửa số sinh hàng năm – xuống còn 220.000 năm 2022, tức là chỉ một phần tư số trường hợp sinh trong một năm, chính xác là 65.000 trẻ sơ sinh trước một tuổi và 114.000 trẻ từ 1 đến 7 tuổi. 41.000 trẻ còn lại được rửa tội khi các em lớn.
 

Số em bé rửa tội bị giảm nhiều
 

Giáo hội Pháp đã bỏ hẳn việc công bố số lượng trẻ em ghi tên học giáo lý, vì con số này quá thấp. Thời điểm gần đây nhất là năm 2016, khi chỉ có 17,4% trẻ em được rửa tội đi học giáo lý. Nhưng chỉ có một phần ba các giáo phận ở Pháp tham gia cuộc khảo sát này của ban giáo lý và dự tòng quốc gia. Cuộc khủng hoảng Covid đã làm giảm nặng con số này. Năm 1993, cuộc khảo sát đáng tin cậy gần đây nhất cho thấy 42,1% trẻ em học giáo lý ở các nhà thờ công giáo Pháp.
 

Khi được hỏi về những diễn biến cơ bản này, mục sư Christian Krieger, chủ tịch Liên đoàn Tin lành Pháp nhận xét: “Trong thực tế giáo xứ của mình, Giáo hội công giáo đang trở thành một Giáo hội “tuyên xưng”, một Giáo hội gắn bó, chứ không phải một Giáo hội “thể chế”. Người trẻ và người lớn được rửa tội này có thể sẽ mang lại nhiều điều cho cộng đồng công giáo hơn hàng ngàn trẻ em được rửa tội khi mới sinh”.
 

Tất cả các tân tòng đều có động lực. Bà Sonia Danizet Bechet, người được rửa tội vào năm 2023, nói: “Covid đã châm ngòi. Sau đó tôi đi gõ cửa nhà thờ. Tôi đã sẵn sàng.” Nhưng bà phải chờ được đào tạo từ hai đến ba năm, vì Giáo hội rất chú trọng đến “quyền tự do cam kết”. Bà kể giây phút quan trọng: “Khi ở đó, bên giếng rửa tội, hết sức đơn giản, lời cầu nguyện làm phép nước vang vọng và tôi cảm thấy như mình đang ở bên bờ sông Jordan, cảm nhận được sự hiện diện của Chúa Giêsu bên cạnh, nói với tôi, mọi chuyện sẽ ổn. Sau khi rước lễ, tôi đột nhiên cảm thấy được xoa dịu, được tràn ngập ánh sáng và niềm vui”.
 

Cô Elvira Mota từ vùng Cape Verde sẽ được rửa tội vào tối thứ Bảy tại Malakoff. Cô nói, cô “vui mừng chờ đợi nhận ơn Chúa đêm Phục sinh”. Lớn lên trong môi trường công giáo nhưng lại không giữ đạo, cô đã tìm được đức tin trong chuyến hành hương đến Lộ Đức. Cô thú nhận và cân nhắc từng lời nói: “Tôi đã tìm thấy điều tôi đi tìm: tình yêu của Thiên Chúa”.


lefigaro.fr, Jean-Marie Guénois, 2024-03-27
Maria Tô Diệu Lan dịch

Nguồn: phanxico.vn

114.864864865135.135135135250