Kinh Thánh cho chúng ta biết, trên đời này, chúng ta không có thành đô vĩnh cửu. Đúng thế. Nhưng có vẻ chúng ta cũng không có ngôi nhà vĩnh cửu, trường học, khu phố, thành phố, địa chỉ hay bất kỳ thứ gì khác trường cửu. Xét tận cùng, không có thứ gì trường cửu cả.
Có lẽ trường hợp của tôi không phải là trường hợp chung, nhưng nhiều thứ trong đời tôi chẳng có gì trường cửu. Ông bà tôi là dân nhập cư, gốc Nga và Đức, chuyển đến vùng đồng cỏ Canada và nằm trong số những nông dân đầu tiên khai hoang ở đó vào đầu thế kỷ 19. Họ còn trẻ, và cuộc sống ở đồng cỏ quá mới mẻ, thế hệ của họ gây dựng những nông trại, trường học, thị trấn mới trên khắp vùng đồng bằng Canada và Hoa Kỳ. Tôi thuộc thế hệ thứ hai, vào thời điểm đô thị hóa và những thay đổi khác bắt đầu khiến nhiều thứ mà thế hệ ông bà tôi gầy dựng biến mất.
Đây là câu chuyện của tôi về việc không có thành đô trường cửu. Năm tôi lên lớp sáu, trường tiểu học của tôi bị đóng cửa. Chúng tôi đi xe buýt đến một trường có nhiều học sinh hơn, còn trường cũ thì bị tháo dỡ. Ngày nay chẳng còn dấu vết gì cho biết ở đó đã từng có một ngôi trường. Vài năm sau khi tôi tốt nghiệp, trường mới cũng bị đóng cửa. Tòa nhà đó bị san bằng, và hiện nay toàn bộ khu vực trường trở thành một phần của cánh đồng nông trại, chỉ còn lại một tấm bảng nhỏ cho thấy ở đây từng là nơi náo nhiệt với hàng trăm tiếng líu lo của học sinh. Ngôi trường đó cách thị trấn vài dặm và thị trấn đó giờ cũng đã biến mất, không còn lại tòa nhà nào.
Tôi rời trường trung học và vào tập viện dòng Hiến sĩ nằm ở trung tâm thung lũng Qu’Appelle, một tòa nhà đẹp cạnh bờ hồ. Vài năm sau khi tôi rời tập viện, tòa nhà bị đem bán và không lâu sau bị tiêu hủy trong một vụ hỏa hoạn. Hiện giờ ở đó chỉ là một dải đồng cỏ trống không. Rồi tôi chuyển đến một chủng viện khác, một tòa nhà cổ nguy nga (trước đây là Tòa nhà Chính quyền Khu vực Tây Bắc), tôi ở đó sáu năm. Một lần nữa, vài năm sau khi tôi tốt nghiệp, tòa nhà đó bị bỏ hoang và cuối cùng cũng bị tiêu hủy trong một vụ hỏa hoạn.
Rồi tôi chuyển đến Trường Thần học Newman ở Edmonton, tôi ở đây suốt 15 năm. Trường Newman có khuôn viên đẹp nằm ở rìa thành phố, nhưng vài năm sau khi tôi rời trường, khu vực trường đã bị thành phố lấy để mở đường vành đai và mọi tòa nhà ở đó đều bị san bằng. Rồi tôi chuyển đến một tòa nhà rất ấm cúng, nhà của Tỉnh dòng Hiến sĩ ở Saskatoon. Vài năm sau, khi tôi rời đi, tòa nhà đó cũng bị san bằng, không còn lại chút gì. Đồng thời, thị trấn mà gia đình tôi gắn bó, nơi chúng tôi đến để gởi thư, mua hàng hóa, làm giấy tờ, đã trở thành một thị trấn ma, không người ở, mọi nhà cửa đều bỏ hoang.
Cuối cùng, tôi chuyển đến Trường Thần học Hiến sĩ ở Texas, sống ở ngôi nhà nhỏ dành cho viện trưởng. Tuy nhiên vài năm sau, Dòng cần xây chủng viện mới trên mảnh đất đó, và tòa nhà cũng bị san bằng. Cuối cùng, và đau đớn hơn cả, là hai năm trước, ngôi nhà của gia đình tôi, ngôi nhà với hơn 70 năm tuổi, đã bị bán và chủ mới đã đốt trụi nó (dĩ nhiên họ rất tế nhị, họ ngỏ ý xin gia đình tôi cho phép làm).
Rất nhiều cội rễ của tôi đã biến mất: trường tiểu học, trường trung học, thị trấn có căn nhà tôi gắn bó, cả hai chủng viện tôi theo học, trường tôi dạy khi mới vào nghề, cả hai nhà Hiến sĩ tôi đã có những năm tháng tuyệt vời, và ngôi nhà của gia đình tôi, tất cả đều ra đi, đều bị san bằng, không còn lại gì nữa.
Những chuyện này đã tạo những gì trong tâm hồn chúng ta? Những hoài niệm, có. Tôi muốn bước đi trong những tòa nhà đó biết bao, muốn được cảm nhận ý nghĩa một thời của chúng với tôi và chìm trong ký ức. Nhưng không thể. Mỗi một chuyện này là một cái chết nhỏ, mỗi một lần như vậy là nó làm cho tâm hồn tôi mất gốc rễ. Mặt khác, và tích cực hơn, tất cả những buông bỏ không mong muốn đó giúp tôi chuẩn bị cho một buông bỏ tận cùng, khi tôi đối diện với cái chết của tôi.
Nó còn dạy cho tôi một chuyện về thực chất. Những tòa nhà có thể biến mất, nhưng mái ấm không biến mất. Rene Fumoleau, nhà thơ người bộ lạc Dene, chia sẻ về chuyện ông ghé thăm một gia đình ngay sau khi nhà của họ bị ngọn lửa thiêu rụi, và ông đã chuyện trò với một cô bé như thế này:
Hôm sau, tôi ghé thăm gia đình bị hỏa hoạn.
Tôi biết nói gì sau thảm kịch đây?
Tôi thử nói với cô con gái mười tuổi:
“Joan, hẳn cháu đau lòng lắm khi không có mái ấm”.
Nhưng cô bé khôn hơn tôi tưởng:
“Ồ, nhà cháu vẫn có mái ấm đấy thôi.
Nhưng không có ngôi nhà để đặt nó vào thôi”.
(Home – Here I Sit)
Phải, chúng ta vẫn có mái ấm dù không có ngôi nhà cũ của nó.
Ronald Rolheiser,
J.B. Thái Hòa dịch
Nguồn: https://giaophanlongxuyen.org/