06/01/2022 -

Kỹ năng sống

284
Làm thế nào để bệnh tật của bạn có thể trở thành một trải nghiệm thiêng liêng tích cực?


Thánh Gioan Phaolô II tin rằng việc gặp phải bệnh tật chỉ tìm thấy ý nghĩa khi được nhìn dưới ánh sáng của Chúa Giêsu Kitô.


Là con người, cách tự nhiên chúng ta khinh thường bất kỳ loại bệnh tật nào xảy đến với mình. Những căn bệnh đó làm gián đoạn kế hoạch của chúng ta và thậm chí trong những trường hợp nghiêm trọng nhất có thể dẫn đến cái chết.


Bên ngoài đức tin vào Thiên Chúa, thì bệnh tật được xem như một tai ương cần được loại bỏ.


Tuy nhiên, theo Thánh Gioan Phaolô II, bệnh tật có thể trở thành một khoảnh khắc gặp gỡ Thiên Chúa cách sâu sắc.


Thánh Gioan Phaolô II suy ngẫm về nỗi thất vọng mà bệnh tật có thể mang lại cho cuộc sống của chúng ta trong thông điệp của ngài nhân Ngày Thế giới Bệnh nhân hàng năm đầu tiên vào năm 1992.


Theo kinh nghiệm hằng ngày, bệnh tật được xem là một sự hư hỏng của sinh lực tự nhiên, nhưng với những ai có niềm tin thì bệnh tật lại trở thành một lời mời gọi để “đọc hiểu” về một tình thế mới và khó khăn trong viễn cảnh phù hợp với đức tin. Hơn nữa, bên ngoài đức tin, làm thế nào chúng ta có thể khám phá ra được trong thời điểm thử thách này một sự đóng góp mang tính xây dựng của đau khổ? Làm thế nào chúng ta có thể mang lại ý nghĩa và giá trị cho những nỗi thống khổ, bất an, những bệnh tật về thể chất và tinh thần đi kèm với thân phận hay chết của chúng ta? Chúng ta có thể tìm ra lời biện minh nào cho sự suy giảm của tuổi già và đích điểm cuối cùng là cái chết, mà bất chấp mọi tiến bộ khoa học và công nghệ, chúng vẫn tồn tại một cách không thể chối cãi được?


Tuy nhiên, khi nhìn dưới ánh sáng đức tin, một căn bệnh có thể đưa chúng ta đến gần Thiên Chúa hơn.


Đúng vậy, chỉ trong Đức Kitô, Ngôi Lời nhập thể, Đấng Cứu Chuộc nhân loại và Đấng chiến thắng sự chết, người ta mới có thể tìm ra câu trả lời thỏa đáng cho những câu hỏi cơ bản như vậy.


Dưới ánh sáng của cái chết và sự phục sinh của Đức Kitô, bệnh tật không còn xuất hiện như một biến cố tiêu cực độc đoán; đúng hơn, nó được xem như một “cuộc viếng thăm của Thiên Chúa”, một cơ hội “để giải phóng tình yêu, để khai sinh ra những tác phẩm của tình yêu đối với tha nhân, nhằm biến đổi toàn bộ nền văn minh nhân loại thành nền văn minh của tình yêu” (Tông thư Salvifici doloris, số 30).


Lịch sử của Giáo Hội và linh đạo Kitô giáo mang đến chứng từ rất rõ ràng về vấn đề này. Qua nhiều thế kỷ, những trang sử sáng ngời đã được viết ra về chủ nghĩa anh hùng khi mà đau khổ được đón nhận và hiến dâng trong sự kết hợp với Chúa Kitô. Và không ít trang sử tuyệt diệu đó lại được bắt nguồn từ việc phục vụ khiêm nhường cho người nghèo và người bệnh, nơi những thân xác đau khổ của những con người đáng thương này, người ta đã nhận ra sự hiện diện của Đức Kitô chịu đóng đinh.


Cho dù việc khinh thường bất kỳ loại bệnh tật nào là điều đương nhiên, nhưng gương chứng nhân của các vị thánh thúc đẩy chúng ta xem bệnh tật đó như một ơn ban để có thể được kết hợp với thập giá của Chúa Giêsu Kitô.


Khi bệnh tật của chúng ta được dâng lên cho Thiên Chúa, thì lúc đó và chỉ khi đó chúng ta mới có thể tìm thấy ý nghĩa nơi nỗi thống khổ và đau đớn, và nhìn thấy ánh sáng trong bóng tối.
 


Tác giả: Philip Kosloski - Nguồn: Aleteia (04/01/2022)
Chuyển ngữ: Phil. M. Nguyễn Hoàng Nguyên

114.864864865135.135135135250