12/06/2019 -

Kỹ năng sống

2083

LẮNG ĐỂ NGHE

 Trần Tuyền

Có bao giờ đi giữa phố chợ đông vui, tấp nập người mà lòng bạn man mác nỗi cô đơn trống vắng, lạc lõng? Có bao giờ chỉ một mình bạn giữa không gian vắng lặng mà tâm hồn bạn lại tràn ngập niềm vui, niềm hạnh phúc mà chẳng hề thấy cô đơn? Cuộc sống đôi khi có những nghịch lí như vậy. Sự cô đơn hay hạnh phúc hệ tại ở việc bạn có tìm được cho mình một sự đồng cảm, hay nói rõ hơn là có một ai đó hiểu bạn, biết lắng nghe và thấu hiểu được tâm tư của bạn.

Cuộc đời sẽ thật đẹp nếu bạn lắng nghe được những âm thanh của cuộc sống. Nhưng, làm sao âm thanh của cuộc sống có thể đến với bạn khi bạn chưa biết lặng tâm hồn để lắng nghe chính mình qua từng hơi thở, từng nhịp đập của con tim. Một khi đã biết lắng nghe chính mình thì sẽ dễ dàng giúp bạn lắng nghe nhau, nghe được tiếng gọi có khi là tiếng thì thầm tâm sự của người khác. Và có khó gì khi đã lắng nghe người khác thì bạn cũng có thể nghe được tiếng nói của Đấng Tạo Hóa là Thiên Chúa; tiếng nói của Thiên Chúa âm thầm lặng lẽ nhưng cũng thật mạnh mẽ khiến biết bao con người phải từ bỏ lối sống cũ, con người cũ để trở nên một con người mới đầy sinh lực, đầy yêu thương hơn. Như vậy, bạn có thể thấy được sức mạnh của sự lắng nghe có thể biến đổi được tất cả.

Tác giả Minh Niệm trong cuốn sách Hiểu Về Trái Tim đã nói về sự lắng nghe như thế này: “Chữ lắng nghe có ý nghĩa rất hay. Phải “lắng” thì mới “nghe” được. “Nghe” mà không lắng lòng xuống, không dừng lại để suy tư, không buông bỏ thành kiến hay phiền não đang chế ngự trong tâm thì cái nghe đó không đạt tới mức thấu tận nguồn cơn.”

Lúc nào đó trong ngày, bạn hãy tìm cho mình một không gian yên tĩnh, để chỉ một mình bạn với tâm hồn bạn mà thôi, khi đó hãy lắng nghe chính mình. Có những nỗi đau giấu kín trong lòng mà không dễ dàng bày tỏ cho ai cả. Hãy lắng nghe nỗi đau của chính bạn để tìm ra nguyên nhân. Chính vì sự dồn nén và tránh né nỗi đau của chính mình mà đã làm cho vết thương lòng thêm sâu nặng. Một khi dám đối diện với nỗi đau của chính mình cũng là cách chữa lành vết thương đó. Hãy “lắng” để nghe những cảm xúc đang chảy trong tâm hồn; những niềm vui, nỗi buồn, những cơn sóng của sự tức giận, ghen tuông, hiểu lầm… Hãy lắng nghe chúng để bạn có cơ hội nhìn lại thái độ sống của mình, để hiểu mình hơn, làm chủ được chính mình, khi đó bạn có thể phát huy những điều tích cực và khắc phục những sai lầm.

Công ty Prudential của Anh đã thật tinh tế khi đưa ra cho mình tiêu chí: “Luôn luôn lắng nghe, luôn luôn thấu hiểu”. Thánh Giacôbê tông đồ đã khuyên các tín hữu: “Anh em nên biết rằng: mỗi người hãy mau nghe, đừng vội nói và khoan giận, vì khi nóng giận con người không thực thi đường lối công bình của Thiên Chúa” (Gc 1,19). Trong tương quan với mọi người, đôi khi chỉ vì không biết lắng nghe hoặc nghe một cách vội vàng mà bạn đã gây ra bao nhiêu sự đỗ vỡ. Đang khi sự tức giận đang lên cao thì việc lắng nghe nhau giúp bạn nguôi cơn giận. Khi sự hiểu lầm đang diễn ra căng thẳng thì chính sự lắng nghe giúp bạn hiểu nhau hơn. Những lúc tâm hồn chìm ngập trong nỗi buồn, chỉ cần một người bạn biết lắng nghe cũng làm cho nỗi buồn vơi đi có khi biến nên niềm vui. Sự thất bại sẽ không xảy ra nếu bạn biết hợp tác với nhau, lắng nghe ý kiến của nhau, điều dĩ nhiên sẽ đưa đến là thành công.

Trong Cựu Ước, Thiên Chúa đã gọi Samuel ba lần và tiếng gọi đó phát ra thật sự nên Samuel đã nghe và mau mắn đáp trả. Còn bạn, chắc chắn nhiều lúc bạn sẽ đặt câu hỏi: Làm sao có thể nghe được tiếng Chúa? Tiếng của Thiên Chúa thật êm ả, nếu không phải là một tâm hồn “lắng” hoàn toàn thì khó có thể nghe được tiếng Ngài. Có những đêm tối của đức tin, có những vực sâu của tâm hồn bạn kêu cầu lên Chúa, bạn chẳng xin Ngài điều gì, chỉ mong Ngài lắng nghe và đáp trả lại như một sự an ủi trong lúc tâm hồn đau khổ, nhưng rồi tiếng của bạn lại vọng về trong vô vọng, phải chăng Thiên Chúa không nghe, Ngài không đáp trả hay Ngài đáp trả nhưng bạn không nghe? Đôi khi sự im lặng lại chính là sự đáp trả. Ngài đáp trả bằng chính đau khổ trên Thập Giá mà chỉ khi nào chúng ta cảm nhận được nỗi đau của Ngài trải qua thì chúng ta mới nghe được tiếng của Ngài. Thiên Chúa đáp trả qua những biến cố trong cuộc sống, có khi là những niềm vui nhưng không ít lần là những đau khổ. Hãy đối chiếu những biến cố đó với Lời của Ngài để biết Ngài đang muốn nói gì với chúng ta. Và đó chỉ có thể là ngôn ngữ của Tình yêu.

Có thể bạn đang thấy mình may mắn vì có hai tai để nghe, từ bây giờ bạn hãy làm cho sự may mắn đó đem lại hạnh phúc cho mọi người xung quanh bằng cách tập sự lắng nghe đích thực. Lắng nghe chính mình – lắng nghe người khác – lắng nghe Thiên Chúa. Trong những giây phút lắng mình lại bạn sẽ nghe được nhiều tiếng bi thương phát ra từ góc tối của cuộc đời giữa những xao động, và có thể bạn sẽ nghe được niềm hạnh phúc từ những điều bạn đang cảm thấy là bi thương đó. Như Chúa Giêsu đã nói: “Ai có tai nghe thì hãy nghe”.

114.864864865135.135135135250