08/01/2025 -

Kỹ năng sống

37
Những trái tim xa lạ chung nhịp đập

Trong thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, câu chuyện về người phụ nữ 63 tuổi hiến tạng tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã để lại một bài học sâu sắc, khơi dậy trong chúng ta những suy nghĩ về giá trị của sự hiến tặng và tình yêu vô điều kiện. Việc hiến tạng của người phụ nữ không chỉ là một nghĩa cử cao đẹp mà còn là minh chứng sống động cho sức mạnh của tình yêu và lòng nhân ái vượt qua ranh giới của sự sống và cái chết.

Dù đang sinh sống và làm việc tại nước Lào, người phụ nữ này vẫn luôn giữ trọn tình yêu đối với quê hương Việt Nam. Khi không may mắc phải bệnh hiểm nghèo, bà đã quyết định hiến tặng những bộ phận quý giá từ cơ thể mình, bao gồm trái tim, lá gan, hai giác mạc và hai quả thận để mang lại hy vọng và sự sống mới cho những người đang đối mặt với nỗi đau bệnh tật.

Trái tim không chỉ bơm máu mà còn truyền đi nhịp đập của tình yêu; giác mạc không chỉ khôi phục ánh sáng mà còn mở ra chân trời hy vọng. Những người nhận được tạng không chỉ tiếp tục sự sống mà còn mang theo lòng biết ơn sâu sắc, khích lệ họ sống một cuộc đời ý nghĩa hơn. Và đó chính là sức mạnh của sự cho đi: không chỉ đem lại sự sống mà còn làm phong phú thêm cuộc sống của người khác.

Điều này gợi nhớ đến lời Chúa Giêsu trong Tin Mừng: “Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người hy sinh mạng sống mình vì bạn hữu” (Ga 15,13). Người phụ nữ ấy, dù không thể tiếp tục sống đời mình, nhưng đã chọn cách để tình yêu và sự sống của mình được lan tỏa qua những người khác. Cái chết của bà không phải là sự kết thúc mà là sự mở đầu cho những cuộc đời mới, một minh chứng sống động cho mầu nhiệm phục sinh – nơi sự sống không bị chấm dứt mà được biến đổi.

Từ góc độ đức tin Công giáo, hành động hiến tạng mang một ý nghĩa thiêng liêng sâu sắc. Giáo Hội khẳng định rằng hiến tạng là một cách thức cao cả để thể hiện tình liên đới, bác ái và phẩm giá con người. Thánh Gioan Phaolô II trong Thông Điệp Evangelium Vitae đã viết: "Trên những khoảnh khắc phi thường như thế, luôn có những hành vi anh hùng trong cuộc sống thường ngày, được làm nên từ những cử chỉ sẻ chia, dù lớn hay nhỏ, giúp xây dựng một nền văn hóa sự sống chân thực. Một ví dụ đáng khen cho những cử chỉ này là việc hiến tặng các cơ phận, được thực thi một cách hợp đạo đức, mang lại cơ hội sống cho những bệnh nhân, những người đôi khi chẳng còn hy vọng gì nữa." (Thông Điệp Evangelium Vitae, số 86)

Chính từ hành động cao cả này, người phụ nữ ấy đã làm chứng cho Tin Mừng trong thế giới hôm nay. Việc hiến tạng không chỉ cứu sống những người bệnh mà còn góp phần vào công trình sáng tạo và cứu chuộc của Thiên Chúa. Chúng ta, mỗi người, đều được mời gọi trở thành "ánh sáng cho trần gian" (Mt 5,14) – một ánh sáng chiếu rọi từ những hành động đầy tình yêu thương và sự sẻ chia.

Người phụ nữ ấy không còn hiện diện trên trần gian nhưng bà vẫn hiện diện trong nhịp đập trái tim, hơi thở mới, ánh nhìn tươi sáng của những người được bà cứu sống. Tinh thần “cho đi là còn mãi” mà bà để lại chính là ngọn đuốc soi sáng cho chúng ta, nhắc nhở rằng mỗi sự sống, dù ngắn ngủi, đều có thể trở thành một di sản bất tử.

Không phải ai cũng có thể hiến tạng, nhưng chúng ta vẫn có thể học hỏi và sống theo tấm gương cao đẹp này trong những hành động nhỏ hàng ngày, bằng cách mở rộng trái tim và tay chân để chia sẻ tình yêu thương và sự quan tâm với những người xung quanh. Câu chuyện của bà sẽ mãi là nguồn động lực để chúng ta sống ý nghĩa hơn, biết cho đi nhiều hơn, và làm cho cuộc đời mình cũng lưu lại những giá trị tốt đẹp trong lòng người.

Mưa HẠ

 
114.864864865135.135135135250