“Sao cũng được” là câu nói cửa miệng của nhiều người hiện nay. Khi chúng ta hỏi bạn của chúng ta muốn ăn hay uống gì, thì nhiều người sẽ trả lời “sao cũng được.” Nhiều khi chúng ta thấy nó bình thường nên không để ý. Thế nhưng, nếu suy xét kỹ càng, chúng ta sẽ khám phá ra một thực trạng đáng quan ngại mà xã hội của chúng ta đang mắc phải. Trong tác phẩm “Kẻ ngoại cuộc” nổi tiếng của mình, Albert Camus đã xây dựng nên một nhân vật không nhận thức về tính phi lý của cuộc sống, thế nên đã sống ở ngoài cuộc đời và ở ngoài luôn cả chính mình. “Tôi thì sao cũng được” là thái độ sống xuyên suốt tác phẩm. Nhân vật Meursault là một kẻ xa lạ, đứng bên lề xã hội mà nhìn vào chính cuộc đời mình. Hình tượng của “kẻ ngoại cuộc” này cũng có thể là trường hợp của nhiều người trong chúng ta.
“Kẻ ngoại cuộc” là kẻ đứng bên ngoài mọi vận hành của xã hội, như người đứng ngoài nhìn vào cuộc sống trong tâm thế của ngôi thứ ba. Người này chẳng quan tâm cũng chẳng muốn dấn thân vào bất kỳ việc gì bởi vì họ nghĩ đó không phải là chuyện của họ và họ cũng không tìm thấy hứng thú cho việc này. Ngày cả đối với bản thân mình, họ cũng chẳng mấy quan tâm, không biết mình thích gì, mình giỏi gì và cũng chẳng biết mình sống để làm gì. “Tôi thì sao cũng được,” mọi người sao tôi vậy. Cuộc sống trôi qua chỉ là chuỗi ngày nhàm chán, lặp đi lặp lại đến vô tận. Hiện hữu của họ dừng như bị đóng băng, đông cứng và tách biệt. Hiện hữu này chỉ chiếm chỗ trong không gian nhưng lại rỗng tuếch và vô vị. Cái định hình họ là ai chỉ còn là tên gọi mà họ có được chứ không có gì đặc biệt để mọi người biết và nhớ đến.
Như vậy nguyên nhân của thái độ trên là từ đâu? Xã hội hiện đại đã biến nhiều người thành như hàng công nghiệp. Ai làm sao tôi làm như vậy. Chúng ta được giáo dục trở nên như bản sao của người khác. Nếu có ai đó khác biệt, người đó sẽ trở thành tâm điểm của sự phán xét và chỉ trích từ số đông. Từ đó, tư duy của con người sẽ bị ảnh hưởng. Nhiều người dần thu mình lại, để sang một bên những mộng ước và kế hoạch lớn lao vì sợ bị chỉ trích. Trong một thế giới mà ai cũng tật nguyền thì kẻ lành mạnh lại trở nên “tật nguyền.” Chính vì vậy, con người trở nên lười sáng tạo vì sáng tạo cái mới thì có ai để ý hay công nhận đâu.
Kế đến là ảnh hưởng của mạng xã hội, đặc biệt điện thoại thông minh. Với sự hỗ trợ vô cùng nhanh chóng của công nghệ thông tin, con người tiếp cận được mọi diễn biến trên thế giới. Tuy ở Việt Nam nhưng chúng ta có thể nắm bắt tình hình của nơi này nơi kia cách nhanh chóng và chính xác. Tuy nhiên, nhiều người lại không biết chọn lọc thông tin nên trở nên “ngộp thở” vì hàng tấn thông tin cứ ào ạt tấn công họ. Có nhiều trends trên các kênh “tóp tóp” nào đó thu hút nhiều người follow hoặc bắt chước theo. Nếu chỉ là “đu trends” cho có với người ta mà không chọn lọc cũng như phân tích lợi hại thế nào thì nhiều người sẽ bị cuốn đi cùng với những trào lưu nhất thời đó nhưng chẳng được lợi ích gì. Tiêu tốn thời gian là vậy nhưng lại chẳng có ích lợi gì cho tư duy và lối sống của chúng ta, đặc biệt là giới trẻ.
Đặc biệt, thực trạng “đu idol” vốn đã diễn ra trong vòng hơn chục năm nay nhưng có vẻ không hề hạ nhiệt mà còn trở nên hot hơn bao giờ hết. Chúng ta không hề phủ nhận rằng việc đu theo idol có lợi ích của nó. Chúng ta cần có cho mình một idol như một hình mẫu lý tưởng để hoàn thiện chính mình. Chúng ta cần họ để chính mình học hỏi những đức tính tốt đẹp. Tuy nhiên, việc chạy theo idol, hành xử như idol, ăn mặc như idol cách mù quáng lại là một vấn đề hoàn toàn khác. Đó là hậu quả của việc không có hoặc có bản sắc cá nhân cách mờ nhạt. Nhiều người cứ nghĩ việc trở nên giống như idol là cách để mình trở nên đặc biệt hơn. Nhưng không họ chỉ trở thành sản phẩm bắt chước của người khác.
Từ nguyên nhân trên chúng ta có thể truy về được nguyên nhân sâu xa hơn chính là việc con người ngày nay thiếu đi đời sống tôn giáo, tức thiếu đi mục đích tối hậu. Nhiều người chỉ lo đi tìm ý nghĩa trong những vật chất phù vân mà quên mất điều kỳ diệu cao vượt trên hết mọi sự, đó là Thiên Chúa. Nếu họ ý thức được mình được Thiên Chúa tạo nên cách độc nhất thì họ sẽ không cần phải lay hoay tìm cho mình một hình mẫu hữu hạn để theo đuổi. Tự bản chất, họ vốn cao quý, đặc biệt và độc nhất. Họ là nguyên bản tuyệt vời mà Thiên Chúa tạo nên. Ngài muốn họ hãy luôn là chính mình và lan tỏa nét tuyệt vời đó cho thế giới. Và nếu nhận thức được chân lý, họ cũng sẽ không sống “sao cũng được.”
Hậu quả là đúng như câu nói “sao cũng được,” con người cũng sống và hành xử theo cách “sao cũng được.” Thứ nhất, con người chỉ sống bề ngoài mà thiếu đi đời sống nội tâm. Họ không nhận thức hoặc cũng không muốn nhìn vào chính mình để xây đắp bản sắc cá nhân. Họ đánh mất tính bản chân của mình, tức nền tảng của hiện hữu của mình. Con người chỉ muốn lấp đầy những trống vắng bằng những niềm vui chóng qua.
Hơn nữa, thái độ này làm cho những vấn đề luân lý đạo đức trở nên phức tạp hơn bao giờ hết. Khi yêu nhau, nhiều bạn trẻ chỉ muốn thỏa mãn những tò mò của mình. Họ cho rằng ngoài kia ai cũng sống thử trước hôn nhân mà có sao đâu. Chính cái “có sao đâu” đó lại đưa đến những điều đáng buồn như có thai ngoài ý muốn hay chia tay nhau mà không đi đến hôn nhân được. Điều đó chứng tỏ sự thiếu trưởng thành về tâm cảm và chính chắn về suy nghĩ. Họ có khả năng làm nhưng lại không có khả năng chịu trách nhiệm.
Bên cạnh đó, hôn nhân hiện nay trở nên dễ tổn thương hơn bao giờ hết. Nhiều cặp đôi yêu tức thời và cưới tức thời, họ sống bằng cảm xúc nhất thời mà thiếu đi sự suy xét kỹ lưỡng. Hễ có xung đột là đưa nhau ra tòa ly hôn vì nhiều người cũng ly hôn mà. Họ làm được tôi cũng làm được. Hôn nhân giống như một cuộc dạo chơi hơn là một kết ước trọn đời giữa hai người. Con người dường như mất đi khả năng tin tưởng và chịu đựng nhau. Con người chỉ còn yêu nhau những lúc vui vẻ, còn những lúc đau buồn thì tình yêu không còn chỗ đứng nữa. Họ cũng chẳng màn đến những lời kết ước mà chính họ đã thề hứa. Rốt cuộc họ cũng chỉ là những kẻ phản bội chính mình!
Cuối cùng đó là vấn nạn của sự thờ ơ vô cảm trước những đau khổ của người khác. Với thái độ “sao cũng được” trên, nhiều người chẳng thấy gì khác biệt giữa hạnh phúc và bất hạnh. Giống như nhân vật Meursault trong “Kẻ ngoại cuộc” đến cả cái chết của mẹ mình hay cái chết của người Ả Rập mà anh ta đã giết cũng chẳng liên hệ gì đến anh ta thì nhiều người cũng như vậy. Chuyện đó không liên quan gì đến tôi. Họ không hề xót xa hay động lòng trước hoàn cảnh đau thương của người khác. Đôi lúc họ cũng không bận tâm hay suy nghĩ gì. Kể cả với chính họ, đau khổ và hạnh phúc chẳng khác nhau vì cuộc sống của họ chỉ có một màu - một màu tẻ nhạt và vô vị!
Chính vì những lẽ đó, chúng ta cần chân thành nhìn nhận lại cuộc sống của chính mình. Chúng ta có thực sự ý thức và mong muốn mình được hạnh phúc hay không? Chúng ta chỉ sống một lần trên đời này. Đừng để những năm tháng trôi qua mà chúng ta chẳng ghi được bất kỳ dấu ấn đặc biệt nào trên cuộc đời. Do đó, hãy can đảm làm những gì mình yêu thích. Dấn thân hết mình cho lý tưởng và mục đích cao cả vì nhờ đó mà chúng ta mới làm cho hiện hữu của mình trở nên tròn đầy. Kế đến, mỗi người cần sống chậm lại, trao dồi tri thức và tu dưỡng nội tâm để có được sức mạnh nội tại vững vàng để dù có phong ba bão táp gì thì chúng ta vẫn đứng vững. Khó khăn thử thách không còn là rào cản mà là đòn bẩy đưa chúng ta vươn lên cao hơn trong cuộc sống.
Đặc biệt, đứng trước thực trạng thờ ơ vô cảm hiện nay, chúng ta cần mở mình ra. Để làm được điều đó, chúng ta cần cho phép chính mình được tổn thương để được chữa lành. Tức là cho phép mình được yếu đuối, dù chỉ một lần. Nhiều người sợ người khác thấy mình yếu đuối hay biết được điểm yếu của mình nên cố gắng che lấp mình bằng muôn vàn mặt nạ. Hãy can đảm để mình trần trụi trước cuộc sống. Dám để cho người khác đến và chạm đến nỗi đau của chúng ta. Hãy cho người khác cơ hội đi vào trong tương quan với chúng ta. Chỉ khi có được kinh nghiệm được đụng chạm và được chữa lành thì chúng ta mới có thấu cảm cho người khác. Đừng là “kẻ ngoại cuộc” nữa! Thay vì chỉ đứng đó nhìn mình và nhìn đời, hãy đi vào cuộc đời và làm điều gì đó thực sự hữu ích.
Nói tóm lại, mặc dù hiện nay con người nhân danh chủ nghĩa cá nhân nhưng dường như tính cá nhân đó chỉ mang tính đóng kín. Cùng với làn sóng của công nghệ thông tin, giải trí, v.v. thì bản sắc cá vị của chúng ta cũng bị thách thức. Chúng ta muốn mình trở thành sản phẩm của xã hội hay là người kiến tạo nên giá trị cá nhân cho mình đều hệ tại nơi nhận thức, thái độ và hành vi của chúng ta. Là “kẻ ngoại cuộc,” chúng ta không phải lo lắng về việc đi tìm ý nghĩa của cuộc sống. Thế nhưng, có một nghịch lý là chúng ta hiện hữu trên đời không phải để nhìn đời bằng nhãn quan của “kẻ ngoại cuộc” nhưng là của người trong cuộc. Sống thật ý nghĩa chính là trách nhiệm mà cuộc đời đã trao phó cho từng người trong chúng ta. Cho nên, chúng ta cần mở ra và dấn thân cho công cuộc truy tìm ý nghĩa đích thực. Đừng sợ đau khổ cũng đừng sợ bị chỉ trích! Cuộc đời dù cho phi lý đến đâu thì chỉ có chúng ta mới có khả năng mặc lấy ý nghĩa cho nó.
Tác giả: Philip
Nguồn: https://giaophanvinhlong.net/