Năm Thánh không chỉ là một sự kiện tôn giáo mang tính hình thức, mà hơn thế nữa, đó là một năm “tha tội và hình phạt do tội gây ra, một năm hòa giải giữa những người đối lập nhau, một năm hoán cải và lãnh nhận Bí tích Hòa giải”[1]. Như vậy, Năm Thánh là một hành trình thiêng liêng giúp mỗi tín hữu đào sâu đức tin và sống niềm hy vọng cách trọn vẹn. Khi cánh cửa Năm Thánh được mở ra, cũng là lúc mỗi người Kitô hữu được mời gọi bước vào một hành trình đổi mới, hoán cải và trở thành chứng nhân của niềm hy vọng trong thế giới hôm nay. Nhưng sống Năm Thánh thế nào để thực sự mang lại ý nghĩa?
1. Nhìn lại quá khứ và canh tân đức tin
Sống Năm Thánh cách ý nghĩa không đơn thuần là việc tham dự các nghi lễ, đọc kinh hay lãnh nhận ơn toàn xá, quan trọng hơn, đó là thời gian để nhìn lại hành trình đức tin của mình. Giáo hội dạy rằng “Năm Thánh là thời gian đặc biệt của ân sủng, giúp mỗi người tự vấn lương tâm, thống hối và quyết tâm canh tân”[2]. Đức Thánh Cha Phanxicô cũng nhấn mạnh: “Năm Thánh phải là một dịp để dân Chúa làm mới lại đời sống đức tin, đào sâu lòng thương xót và phát triển sự hiệp nhất trong cộng đoàn”[3]. Như vậy, việc nhìn lại quá khứ không chỉ dừng lại ở sự hoài niệm, mà là cơ hội để thay đổi và hướng về tương lai.
2. Sống hy vọng giữa thực tại
Thế giới hôm nay đầy rẫy những bất an và thử thách: chiến tranh, nghèo đói, khủng hoảng niềm tin…Tuy nhiên, giữa những biến động ấy, Năm Thánh mời gọi chúng ta sống niềm hy vọng. Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Năng trong cuộc phỏng vấn ngày 27/12/2024 chia sẻ rằng: “Những người lữ hành của niềm hy vọng” là chủ đề của Năm Thánh 2025, thúc đẩy mỗi người kiên trì giữ vững niềm tin vào Thiên Chúa ngay cả trong những hoàn cảnh khó khăn nhất[4]. Thánh Phaolô cũng dạy: "Anh em hãy lấy thiện mà thắng ác" (Rm 12,21). Điều này có nghĩa là thay vì đầu hàng trước thử thách, người Kitô hữu phải biết chọn lựa cách sống tích cực, phản ứng với thế giới bằng tinh thần bác ái và hy vọng.
3. Trở thành dụng cụ của lòng Chúa Thương Xót
Năm Thánh cũng là cơ hội để chúng ta thực hành lòng thương xót qua những hành động cụ thể. Như sách Gióp viết: "Tôi sẽ trở thành mắt cho người mù, trở thành tay chân cho người què quặt" (G 29,15). Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi: “Hãy là những chứng nhân của lòng thương xót, không chỉ bằng lời nói mà còn qua hành động”[5]. Một ánh nhìn yêu thương, một lời động viên chân thành hay một cử chỉ giúp đỡ nhỏ bé cũng có thể trở thành nguồn hy vọng cho những ai đang gặp đau khổ. Vì thế, sống Năm Thánh không chỉ là việc cầu nguyện cá nhân, mà còn là sự dấn thân để đem tình yêu của Thiên Chúa đến với mọi người.
Sống Năm Thánh thế nào cho ý nghĩa? Đó không phải là một câu hỏi mang tính lý thuyết, nhưng là một lời mời gọi để chúng ta dấn thân. Vì thế, hãy làm cho Năm Thánh trở thành một hành trình hoán cải thực sự, nơi chúng ta học cách đặt trọn niềm hy vọng vào Thiên Chúa, thực hành lòng thương xót và lan tỏa ánh sáng Tin Mừng đến với thế giới. Hành trình này không chỉ kéo dài một năm, mà còn mở ra một lối sống mới, để chúng ta thực sự trở thành "những người lữ hành của niềm hy vọng" trong thế giới ngày nay.