1. LỜI CHÚA : Một người trong bọn, thấy mình được khỏi, liền quay trở lại và lớn tiếng tôn vinh Thiên Chúa. Anh ta sấp mình dưới chân Đức Giê-su mà tạ ơn. Anh ta lại là người Sa-ma-ri. Đức Giê-su mới nói : ”Không phải cả mười người đều được sạch sao ? Thế thì chín người kia đâu ? Sao không thấy họ trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại bang này ?” (Lc 17,15-18).
2. CÂU CHUYỆN : QUÊN NÓI CÁM ƠN.
Trên một chuyến xe buýt đông người, khi đến trạm dừng, một cụ già chống gậy run run bước lên xe. Sau khi đảo mắt nhìn các hàng ghế không một chỗ trống, cụ đành buồn bã đứng dựa vào thành ghế, đang khi chiếc xe từ từ chuyển bánh. Một số thanh niên đang ngồi trên ghế thấy vậy, liền nhìn sang chỗ khác như không thấy cụ già đang phải đứng. Bấy giờ, một bé trai 8 tuổi ngồi ghế gần bên thấy vậy, liền đứng dậy nhường chỗ cho ông cụ vào ngồi chỗ mình. Mắt cụ già sáng lên khi thấy có người nhường ghế và vui vẻ ngồi xuống mà không nói một lời.
Cậu bé vốn được cha mẹ dạy phải biết nói cám ơn người đã làm ơn cho mình và ngỏ lời xin lỗi khi lỡ gây phiền hà cho người khác, thấy cụ già không nói lời cám ơn việc cậu đã hy sinh nhường chỗ thì ấm ức. Cậu ghé sát tai ông cụ hỏi : ”Thưa cụ, cụ vừa bảo gì cháu ạ ?”. Ông lão lắc đầu nói : ”Ta có nói gì đâu”. Cậu bé liền trả lời : ”Thế mà cháu cứ tưởng cụ nói lời để “Cám ơn” cháu chứ”.
3. SUY NIỆM :
- Về những lời nói lịch sự khi giao tiếp bằng tiếng Anh lớp vỡ lòng, bài đầu tiên bao giờ cũng dạy các học viên về cách chào hỏi khi giao tiếp, trong đó những câu nói thông dụng như “Xin chào”, ”Xin mời”, “Xin vui lòng”, “Cám ơn”, “Xin lỗi”… luôn được sử dụng… Đây là bài học nhân bản đầu tiên về văn hóa ứng xử mà các bậc làm cha mẹ cần lưu ý tập luyện cho con cái mình ngay từ khi chúng bập bẹ nói : Khi được ai đó giúp đỡ điều gì, phải bày tỏ lòng biết ơn bằng lời nói “cám ơn”. Lời “cám ơn” nếu được thốt ra kịp thời sẽ làm cho cả người làm ơn cũng như kẻ chịu ơn đều cảm thấy vui. Từ “Xin lỗi” cũng vậy. Khi làm điều gì vô ý tổn thương đến tha nhân như lỡ va chạm phải ai đó, lỡ đánh rơi vật gì của người khác, hay khi con em mình có thái độ lời nói thiếu tôn trọng người lớn… Các bậc cha mẹ cần mau nói lời “xin lỗi” họ và dạy con biết “xin lỗi” người vừa bị xúc phạm.
- Từ nhiều năm gần đây, nền tảng đạo đức xã hội nơi giới trẻ và người lớn xem ra ngày một mờ nhạt. Những tiếng “cám ơn”, “Xin lỗi” cũng thưa dần do người ta không ý thức hay có ý thức nhưng lại cố tình lờ đi. Tôi đã từng chứng kiến nhiều trường hợp có người hỏi thăm đường đi, hỏi thăm nhà người quen mà sau khi đã được chỉ dẫn cặn kẽ, đã bỏ đi mà không một lời “cám ơn”. Có người đánh rớt một đồ vật được người khác lượm giúp cũng quên nói hai tiếng “cám ơn”. Trong số những người không biết nói cám ơn này không ít người là sinh viên, học sinh hay viên chức nhà nước. Người ta cũng ít dùng hai tiếng ”Xin lỗi”. Nhiều người ngại không muốn mở miệng xin lỗi dù họ biết rõ chính mình đã gây tổn thương cho người khác. Những chuyện lặt vặt đã đành, mà ngay cả những điều lớn lao cũng vậy : một bộ phận không nhỏ người ta đã không biết “văn hóa ứng xử” khi không nói lời “Cám ơn” và “Xin lỗi”…
4. SINH HOẠT :
Hãy cho biết có khi nào bạn đã gặp hoàn cảnh bạn ra tay giúp đỡ cho ai đó một việc gì, mà không những họ không nói “cám ơn”, lại còn trách ngược tại sao bạn đã chậm trễ làm việc đó, như thể đó là trách nhiệm bạn phải làm cho họ ?
Bạn có đồng ý với lối ứng xử sau : ”Nói cám ơn hay xin lỗi có vẻ khách sáo quá. Tôi chỉ cần hành động để tỏ lòng biết ơn hoặc chỉ cần cúi đầu tỏ vẻ nhận lỗi là đủ” ?
5. LỜI CẦU :
Lạy Chúa Giê-su. Xin cho con biết năng cầu nguyện để tạ ơn Chúa khi vui lúc buồn, khi được thành công cũng như lúc bị thất bại. Xin cho con mỗi buổi tối trước khi ngủ biết dành một hai phút dâng lời cám ơn Chúa vì bao hồng ân Chúa đã ban trong một ngày qua, và dâng lời xin lỗi Chúa vì các sai lỗi và các thiếu sót bổn phận đối với Chúa và tha nhân.- AMEN.
LM ĐAN VINH – HHTM