06/08/2020 -

Lịch Sử

985
Thánh Đa Minh - (Sr Thùy Dung)
Bologna, ngày 6 tháng 8 năm 1221

Thánh Tổ Phụ kính mến!
 
- Ngài thành lập dòng gì vậy?

- Hôm con ra ngoài Bắc, mặc áo dòng trắng lúp đen, sau thánh lễ, một bà ra: “chào dì!” Dì ở dòng “Con Chó” hở?

- Sao lại dòng “Con Chó”?

- Dòng gì mà người sáng lập là “Con Chó ngậm bó đuốc ấy!”[1]

Câu chuyện về ngài mang từ Châu Âu, khi đến Châu Á đã bị thất thoát nên bà kia chỉ nhớ mỗi câu “con chó ngậm bó đuốc.” Để hiểu cho rõ, con quyết tâm tìm đọc tiểu sử Ngài và xin phân tích mấy điểm đặc biệt:

Việc sinh hạ: Khi mẹ ngài mang thai, trong giấc mơ bà thấy từ lòng mình có con chó ngậm bó đuốc nhảy ra, mang lửa chạy khắp thế giới. Lần sau dặn bà cố, mơ thấy gì đừng nói ra, kẻo người khác nghe được hiểu lầm, không những cho Ngài còn cho cả tông ti họ hàng nhà Đa Minh nữa. Nhưng thôi, không biết bà nghĩ gì, nhưng con cái ngài giải thích đó là bà ước mong con mình sau này trở thành nhà giảng thuyết. Phải chăng bà đã đọc tiểu sử thánh Bênađô, cũng có cảnh con chó ngậm bó đuốc rực sáng hỗ trợ vị mục tử Giêsu canh chừng cho đoàn chiên khỏi sói rừng, nên mơ thấy con mình như thế? Thì ra, bà bắc kỳ kia nói cũng không sai!

Tên gọi: Ngài tên “Nguyễn Văn Chúa Nhật” sao? Trong ngày rửa tội, mẹ đỡ đầu trông thấy trên đầu ngài một ngôi sao sáng chiếu xung quanh và hôm đó là Chúa Nhật. Có lẽ tên phát xuất từ đó vì Domingo tiếng Tây Ban Nha là “chủ nhật.” Điều đó khá trùng hợp khi so sánh với tiếng Latinh Dominicanus là “chủ nhật,” đây là cách chơi chữ của cụm từ Domini canis, nghĩa là “Con chó của Thiên Chúa,”
[2] vậy tên của Ngài vừa là “Chúa nhật” vừa là “Con chó của Thiên Chúa.” Hum!!! Tên nghe kì kì!!! Nhưng tên dịch tiếng Việt mới hay “Đa Minh”! “Đa” là nhiều, “Minh” là ánh sáng. Vậy tên nôm na “Nguyễn Văn Ánh Sáng.”

Hình dáng: Chân phước Cecilia kể ngài có thân hình mảnh mai, đôi mắt đẹp hút hồn và da hơi rạm nắng. Không biết có ai đó “uống nhầm một ánh mắt” mà “cơn say suốt cả đời” không! Điều đặc biệt hơn là từ vầng trán như thoát ra một ánh sáng rực rỡ, ánh sáng thu hút người khác, khiến ai nấy đều quý mến, đều kính trọng và lúc nào mặt ngài cũng rạng rỡ, vui tươi. Sống đời thánh hiến trong dòng Đa Minh, mặt ai cũng phải vui tươi, vì “Con nhà tông không giống lông cũng giống cánh” mà!

Đời sống: Không biết sau khi sinh, bà cố có mang đến trước Đức Mẹ Kỳ Đồng dâng hiến không mà từ nhỏ ngài đã có ý định đi tu, rồi khi lên 7 tuổi đã được cha mẹ gởi đến sống, học hỏi với người cậu là linh mục xứ Gumiel và mầm ơn gọi chính thức được gieo trồng từ đây. Sự thánh thiện thấm vào từng lời nói, từng hành động của ngài. Sống đời khổ hạnh nhưng luôn vui tươi, nghèo tiền của nhưng giàu tình thương, đi chân đất nhưng đầu đội triều thiên Nước trời, bán của cải trần thế để mua thiên đàng, bỏ những chuyện phù phiếm thế gian để chuyên “nói với Chúa và nói về Chúa”… Mẫu gương đức hạnh cho mọi đời noi theo!

Việc lập dòng: Hoàn cảnh lập dòng rất kì khôi! Ngài được ủy thác đi sắp xếp cuộc hôn nhân giữa hoàng tử của xứ Marches và công chúa Đan Mạch. Ở Việt Nam có bốn cái ngu cần tránh: làm mai, lãnh nợ, gác cu, cầm chầu. Sao ngài lại lãnh một trong bốn điều “cấm kỵ” vậy? Hèn chi mà mai mối không thành vì cô công chúa qua đời đột ngột. Thôi thì “mai mối” kiểu khác: đó là nối kết những người lạc giáo ở vùng Albi
[3] với Giáo Hội. Mai mối lần này lại trở thánh cái “khôn” và từ đó tiếp tục huấn luyện những “ông mai bà mối” để đưa những người chưa biết Chúa hoặc sống lầm lạc về với Ngài. Do vậy năm 1206[4] ngài quy tụ các chị lập nên tu viện đầu tiên ở Prouilhe-Pháp. Ngài lập dòng các chị trước các anh nhé, thật hãnh diện! Từ đó các chị, các anh Đa Minh được sinh ra, lớn mãi đến nay và trong tương lai.

Nhờ ngài mà các con cái ngày nay hãnh diện được gọi là “Ordo Praedicatorium,” “Dòng thuyết giáo.” Đó vừa là một vinh dự, vừa là trách nhiệm của mỗi người mang tên O.P.

Xin nói một lời cảm ơn Đấng Tổ Phụ!

Con: Catarina Thùy Dung, O.P.

 
 

[1] Ai không vui vì câu chuyện thật 100 %, xin thông cảm !
[3] Miền Nam nước Pháp.
Thánh Tổ Phụ kính mến,
114.864864865135.135135135250