05/05/2022 -

Lịch Sử

907
Văn học nghệ thuật Kitô Giáo và những lời dạy của Giáo hội
 

Trước khi bắt đầu những dòng đầu tiên tác phẩm của mình, người cầm bút Công giáo phải trả lời nhiều câu hỏi: Viết điều gì (viết những gì chưa ai viết)? Viết cho ai đọc (đối tượng: người trẻ, người đọc bình dân, nhà nghiên cứu)? Viết để làm gì (mục đích: để chia sẻ, để thuyết phục, để tự bộc lộ…)? Viết thế nào (tức là nghệ thuật thể hiện. Điều này tùy thuộc vào nội dung, đối tượng và mục đích viết)? Những câu hỏi như thế dẫn đến mối quan hệ giữa văn học và tôn giáo, quan hệ giữa tác giả (văn nghệ sĩ) với Giáo hội, quan hệ giữa sáng tác của cá nhân với cộng đoàn dân Chúa và cộng đồng xã hội. Trong sự giao thoa của nhiều hệ tư tưởng, nhiều nền văn hóa, nhiều hoàn cảnh chính trị khác nhau, những câu hỏi ấy đòi buộc người sáng tác văn học Công giáo phải có ý thức sáng tạo riêng trên nền tảng Mỹ học Kitô giáo [[1]] và những hướng dẫn của Giáo hội.

LỜI DẠY CỦA GIÁO HỘI

Có thể tìm thấy lời dạy của Giáo hội về vấn đề văn học nghệ thuật và tôn giáo qua các văn kiện của Công đồng Vaticano II và đặc biệt thư của Đức giáo hoàng Gioan Phao lô II gửi nghệ sĩ năm 1999[[2]]. Những nội dung chính giáo huấn của Giáo hội đã được Mauro Mantovani, S.D.B (Viện trưởng Đại Học Salesianum Roma) tóm tắt trong bài viết: “Giáo hội và nghệ thuật: Từ Công đồng Vaticano II đến nay”[[3]].

Trong bài viết này, tôi tập chú vào Thư gửi nghệ sĩ năm 1999 của Đức Giáo hoàng Gioan Phao lô II để tìm hiểu những quan điểm của Giáo hội về Mỹ học, về vai trò của nghệ sĩ về mối quan hệ của nghệ thuật với tôn giáo và sự quan tâm của Giáo hội đối với văn học nghệ thuật.

Trước hết là những vấn đề về Mỹ học Kitô giáo. Sáng tạo nghệ thuật là khám phá và thể hiện Cái Đẹp. Nhưng “Cái Đẹp” Kitô giáo là gì?

Đức Giáo hoàng Gioan Phao lô II nói về bản chất của “Cái Đẹp”:“Thế giới chúng ta đang sống rất cần cái đẹp để không rơi vào thất vọng”(Hiến chế“Vui mừng và Hy vọng- Gaudium et spes); “cái đẹp là ơn gọi Tạo Hóa đã ban cho người nghệ sĩ”. Đức Kitô là vẻ đẹp trọn hảo. “Macario Cả nói tới vẻ đẹp của Chúa Phục Sinh, một vẻ đẹp có sức biến đổi và giải thoát”;

Đức Gioan Phao lô II khẳng định: ”Bao lâu nghệ thuật còn đi tìm cái đẹp, như hoa trái của một óc tưởng tượng biết vươn lên trên những chuyện hằng ngày, thì nghệ thuật tự bản chất vẫn là một con đường dẫn ta đến với những gì là mầu nhiệm”.

Người diễn giải: “Cái đẹp là chìa khóa mở cửa mầu nhiệm và là tiếng gọi mời ta vươn lên cao. Đó cũng là tiếng nói mời gọi ta cảm nếm cuộc sống và mơ về tương lai. Chính vì thế, cái đẹp của thụ tạo không bao giờ có thể làm ta cảm thấy thoả mãn hoàn toàn. Nó khơi dậy nỗi nhớ nhung thầm kín về Thiên Chúa, một sự thật mà chỉ có người mê say cái đẹp như thánh Augustino mới diễn tả được một cách tuyệt vời như sau: ‘Con yêu Chúa quá muộn màng, ôi vẻ đẹp rất xưa mà rất mới; con yêu Chúa quá muộn màng…’”

“…Quan hệ giữa tốt và đẹp bắt ta phải suy nghĩ thế nào cho đúng. Theo một nghĩa nào đó, đẹp là hình thức bên ngoài của cái tốt, cũng như tốt là điều kiện siêu hình của cái đẹp”.

Đức Gioan Phao lô II kêu gọi: Hỡi các nghệ sĩ trên thế giới, ước gì mọi nẻo đường khác nhau mà quý vị đang đi đều dẫn tới đại dương mênh mông của cái đẹp…”; “ước gì nghệ thuật sẽ giúp quý vị xác nhận rằng một cái đẹp chân thật, cũng tựa như tia sáng của Thánh Thần Thiên Chúa, sẽ làm biến đổi vật chất, mở linh hồn con người cho cảm nhận được cõi đời đời”.

Vấn đề thứ hai: Vai trò của nghệ thuật trong quan hệ với tôn giáo.

Đức Gioan Phalo II có những lời dạy rất sâu sắc:

“Mọi hình thức nghệ thuật chân chính, theo cách riêng của nó, đều là đường dẫn ta đến với thực tại sâu thẳm của con người và thế giới. Bởi vậy, đó chính là một phương cách rất hiệu quả giúp ta đến với thế giới đức tin, cho kinh nghiệm sống của con người có được ý nghĩa cuối cùng của nó. Đó chính là lý do giải thích tại sao chân lý trọn vẹn của Tin Mừng ngay từ đầu đã có sức khơi dậy sự quan tâm thích thú của các nghệ sĩ, những người do bản tính tự nhiên vốn rất nhanh nhạy trước các sự “hiển lộ” của cái đẹp bên trong các sự vật”.

Thái độ của Giáo hội đối với nghệ thuật thế nào?

…”Giáo Hội vẫn không ngừng trân trọng giá trị của nghệ thuật. Ngay cả khi không phải là những cách diễn tả tôn giáo điển hình, nghệ thuật chân chính vẫn rất gần gũi với thế giới đức tin, đến nỗi ngay trong những tình huống văn hóa và Giáo Hội cách biệt nhau, nghệ thuật vẫn là cây cầu đưa ta đến với kinh nghiệm tôn giáo.”

Do đâu nghệ thuật có khả năng đưa ta đến với kinh nghiệm tôn giáo?

“Để truyền đạt sứ điệp mà Đức Kitô đã giao cho mình, Giáo Hội cần đến nghệ thuật. Nghệ thuật có nhiệm vụ là làm cho thế giới tinh thần, thế giới vô hình, thế giới Thiên Chúa trở nên có thể cảm nhận được và trở nên hấp dẫn càng nhiều càng hay”

Giáo hội quan tâm thế nào đối với văn chương: “Giáo Hội đặc biệt cần đến những người có thể làm công tác ấy trong lãnh vực văn chương và tạo hình, dùng được những khả năng vô tận của các hình ảnh và sức mạnh biểu tượng của chúng. Chính Đức Kitô cũng đã sử dụng rất nhiều hình ảnh trong các bài giảng của Ngài, cho theo kịp với ước nguyện của Ngài là trở thành hình tượng của Thiên Chúa vô hình, qua mầu nhiệm Nhập Thể”.

Vấn đề thứ ba: quan điểm của Giáo hội về người nghệ sĩ:

“Không phải tất cả mọi người đều được gọi trở thành nghệ sĩ theo nghĩa riêng của hạn từ này.”

Nghệ sĩ là một ơn gọi đặc biệt: “Thiên Chúa cho con người hiện hữu, giao cho con người nhiệm vụ của những nghệ nhân. Chính qua ‘hoạt động sáng tạo nghệ thuật’ ấy mà hơn bao giờ hết, con người cho thấy mình ‘giống Thiên Chúa’”.

Nhiệm vụ của người nghệ sĩ là gì?

“Người nghệ sĩ có một quan hệ rất đặc biệt với cái đẹp. Nói cho đúng, cái đẹp là ơn gọi Tạo Hóa đã ban cho người nghệ sĩ…”

…Những ai nhận thấy nơi mình có tia sáng thần linh ấy, tức là ơn gọi làm nghệ sĩ (làm thi sĩ, văn sĩ, nhà điêu khắc, nhà kiến trúc, nhà nhiếp ảnh, nhạc sĩ,…) cũng sẽ cảm thấy mình có bổn phận không được để hoang phítài năng ấy mà phải phát triển, để đem ra phục vụ nhân loại”.

“Giáo Hội luôn nhờ đến khả năng sáng tạo của các nghệ sĩ để giải thích sứ điệp Tin Mừng và để tìm cách áp dụng sứ điệp ấy cách chính xác vào trong đời sống cộng đoàn Kitô hữu”

Người nghệ sĩ có chỗ đứng thế nào giữa cộng đồng và nhân lọai?

“Trong toàn cảnh văn hóa rộng lớn của mỗi dân tộc, các nghệ sĩ có một chỗ đứng đặc biệt. Khi nghe theo cảm hứng để sáng tạo ra các tác phẩm vừa đáng giá vừa đẹp đẽ, các nghệ sĩ chẳng những đã làm giàu cho di sản văn hóa của quốc gia và nhân loại, mà còn phục vụ công ích qua sự phục vụ xã hội hết sức đặc biệt của mình”.

Vì thế, Đức Gioan Phao lô II nhắc nhở nghệ sĩ “không để mình bị lôi vào cuộc săn tìm những vinh quang hão huyền, những sự nổi tiếng rẻ tiền, càng không để mình bị hướng dẫn bởi sự tính toán lợi lộc cá nhân nào”.

Vấn đề thứ tư: Người nghệ sĩ Công giáo sáng tác thế nào?

“Thánh Thần là Nhà Nghệ Sĩ mầu nhiệm của vũ trụ. Hướng tới thiên niên kỷ thứ ba, tôi thầm mong rằng mọi nghệ sĩ sẽ nhận được dồi dào ơn cảm hứng sáng tạo, vì đó là khởi đầu cho mọi công trình nghệ thuật chân chính”.

Đây là sự phân tích rất sâu sắc “ơn cảm hứng sáng tạo” (Thần khí) trong sáng tác nghệ thuật:

“Các nghệ sĩ thân mến, quý vị đã quá rõ có nhiều sự thúc đẩy, từ trong hay từ ngoài, có thể gây hứng cho quý vị thi thố tài năng. Nhưng bất cứ sự cảm hứng chân chính nào, cũng đều cưu mang phần nào “hơi thở” mà “Thánh Thần Sáng Tạo đã từng dùng để đỡ nâng công trình sáng tạo ngay từ thuở ban đầu”. Thánh Thần Sáng Tạo trông coi các quy luật mầu nhiệm đang chi phối vũ trụ, sẽ thổi cho tới các bậc kỳ tài trong nhân loại và đánh thức dậy khả năng sáng tạo của họ. Ngài chạm đến khả năng ấy bằng cách soi sáng họ từ bên trong, cho họ vừa cảm thấy cái tốt lẫn cái đẹp, đồng thời đánh thức mọi năng lực của tâm trí lẫn của tâm hồn để chúng có thể thai nghén một ý tưởng nào đó, rồi phô diễn nó ra thành một tác phẩm nghệ thuật. Vì thế, không có gì sai khi nói đó là những “giây phút của ơn phước”, dù chỉ theo nghĩa loại suy, vì lúc ấy con người như cảm nghiệm được Đấng Tuyệt Đối, vượt lên trên hết mọi sự”.

Người nghệ sĩ Công giáo lấy nguồn chất liệu sáng tác từ đâu?

Đức Gioan Phaolô II có những chỉ dẫn rất cụ thể:

“Thánh Kinh đã trở thành một loại “kho tàng ngữ vựng bao la” (Paul Claudel) và một “tập bản đồ mô tả bằng hình tượng” (Marc Chagall) cho văn hóa và nghệ thuật Kitô giáo khai thác.

Khi đọc Cựu Ước trong ánh sáng của Tân Ước, Cựu Ước sẽ cung cấp cho chúng ta những nguồn cảm hứng bất tận. Từ những câu chuyện về sự Sáng Tạo và Tội, Đại Hồng Thủy, lịch sử các Tổ Phụ, các biến cố chung quanh cuộc Xuất Hành, cho đến nhiều sự việc và nhân vật khác trong lịch sử cứu độ, Thánh Kinh quả là đã châm ngòi cho óc tưởng tượng của các họa sĩ, thi sĩ, nhạc sĩ, nhà biên kịch và làm phim hoạt động. Chỉ cần lấy một thí dụ thôi, một khuôn mặt như Gióp, với nỗi băn khoăn và thắc mắc không nguôi về đau khổ, đã và vẫn còn gây sự chú ý không phải chỉ về mặt triết học mà cả về mặt văn chương và nghệ thuật. Rồi chúng ta phải nói sao đây về Tân Ước? Từ cuộc Hạ Sinh Đức Giêsu đến đồi Golgotha, từ cuộc Hiển Dung đến sự Phục Sinh của Người, từ những phép lạ đến bài giảng, cho đến những biến cố đã được thuật lại trong sách Công Vụ Tông Đồ hay đã được tiên báo trong sách Khải Huyền trong bối cảnh cánh chung, biết bao nhiêu lần những lời lẽ của Thánh Kinh đã trở thành hình ảnh, âm nhạc và thi ca, nhằm gợi lại mầu nhiệm “Ngôi Lời nhập thể” bằng ngôn ngữ nghệ thuật”.

…”dù tin hay không tin, ai ai cũng vẫn coi các tác phẩm nghệ thuật, được cảm hứng từ Thánh Kinh, là một cách suy tư về một mầu nhiệm khôn dò, đang bao trùm và ngự trị trên thế giới”.

“Kitô giáo vẫn là nơi đóng góp cho các nghệ sĩ một chân trời những cảm hứng hết sức phong phú. Nghệ thuật sẽ trở nên nghèo nàn biết bao, khi từ bỏ kho Tin Mừng phong phú bất tận này!”

Lời hiệu triệu với nghệ sĩ Công giáo:

“Còn các nghệ sĩ Kitô Giáo, tôi cũng xin có lời hiệu triệu đặc biệt đối với các bạn: tôi muốn nhắc anh chị em nhớ rằng, ngoài những suy nghĩ nặng tính chức năng trên đây, ta còn thấy có một sự liên minh chặt chẽ và luôn luôn giữa Tin Mừng và nghệ thuật, nghĩa là các bạn được mời sử dụng trực giác sáng tạo của mình để đi sâu vào mầu nhiệm Thiên Chúa Nhập Thể và đồng thời, đi sâu vào mầu nhiệm con người…

…Nhân loại thời nào, kể cả thời nay, đều mong muốn các tác phẩm nghệ thuật soi sáng cho đường đi và số phận của nhân loại”.


VÀ THỰC TIỄN SÁNG TÁC

1. Những lời dạy của Giáo hội tách bạch rõ hai việc: việc sáng tạo và việc sử dụng sáng tạo cho mục đích gì.

Sáng tạo là “làm ra” cái mới. Khi chưa được tạo dựng, vũ trụ không có gì. Thiên Chúa làm ra vũ trụ, làm ra mọi tạo vật. Đó là sáng tạo. “Thiên Chúa thấy mọi sự Người đã làm ra quả là rất tốt đẹp” (St 1,31). Thiên Chúa đã đặt sự sáng tạo (“làm ra”) theo chuẩn mục của Cái Đẹp và Cái Thiện (tốt đẹp).

“Sáng tạo nghệ thuật” là “làm ra Cái Đẹp mới”. Đức Gioan Phao lô II khẳng định: “một cái đẹp chân thật, cũng tựa như tia sáng của Thánh Thần Thiên Chúa, sẽ làm biến đổi vật chất, mở linh hồn con người cho cảm nhận được cõi đời đời”. Trong ý nghĩa này, Đức Gioan Phao lô II, khám phá sâu sắc về sự sáng tạo: “Chính qua ‘hoạt động sáng tạo nghệ thuật’ ấy mà hơn bao giờ hết, con người cho thấy mình ‘giống Thiên Chúa’”.

Như vậy, nếu không “sáng tạo ra Cái Đẹp mới”, cũng đồng nghĩa vời việc không sáng tạo nghệ thuật. Việc sáng tác lặp lại những ý, tứ, lời, những nội dung như một công thức (công thức suy niệm, công thức sám hối, công thức tụng ca, công thức cầu nguyện…), rập khuôn những gì đã được học, như thuộc Kinh bổn từ thuở lên mười, những gì người đi trước đã sáng tạo ra (thí dụ bắt chước thơ Hàn Mạc Tử), đó không phải là “sáng tạo nghệ thuật”. Đó chỉ là công việc của người thợ sắp chữ. Dù người thợ có lành nghề thế nào, thì sản phẩm được làm ra cũng chỉ là “hàng giả”, không phải tác phẩm nghệ thuật.

Nghệ thuật và Tôn giáo là hai lĩnh vực tinh thần khác biệt nhau.Nghệ thuật là “sáng tạo Cái đẹp”. Tôn giáo là con đường tâm linh. Con đường cứu rỗi (“Đạo” là con đường. Đức Giê Su nói: “Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống”-Ga 14, 6).Việc sử dụng nghệ thuật để phục vụ tôn giáo là một vấn đề khác với việc sáng tạo nghệ thuật. Đức Gioan Phao lô II nói rõ việc sử dụng nghệ thuật: “Để truyền đạt sứ điệp mà Đức Kitô đã giao cho mình, Giáo Hội cần đến nghệ thuật. Nghệ thuật có nhiệm vụ là làm cho thế giới tinh thần, thế giới vô hình, thế giới Thiên Chúa trở nên có thể cảm nhận được và trở nên hấp dẫn càng nhiều càng hay”.

Như vậy người nghệ sĩ Công giáo có 2 việc làm cùng một lúc là: “sáng tạo Cái Đẹp mới” và làm cho “thế giới Thiên Chúa trở nên có thể cảm nhận được và trở nên hấp dẫn càng nhiều, càng hay”. Những nghệ sĩ ngoài Kitô giáo, họ có thể chỉ “sáng tạo Cái Đẹp mới”, mà không có nhiệm vụ tôn giáo. Và ngay cả trong trường hợp ấy, Đức Gioan Phaolô II cũng bày tỏ niềm tin vào họ: “Mọi hình thức nghệ thuật chân chính, theo cách riêng của nó, đều là đường dẫn ta đến với thực tại sâu thẳm của con người và thế giới. Bởi vậy, đó chính là một phương cách rất hiệu quả giúp ta đến với thế giới đức tin…”. Giáo hội không đòi buộc hy sinh nghệ thuật cho việc loan báo Tin Mừng, trái lại, Giáo hội cần nghệ thuật để “làm cho thế giới tinh thần, thế giới vô hình, thế giới Thiên Chúa trở nên có thể cảm nhận được và trở nên hấp dẫn càng nhiều càng hay”.

Với những quan điểm như thế, Giáo hội đã mở ra những khả năng rất rộng của nghệ thuật trong nhiệm vụ “sáng tạo”: “Chính qua ‘hoạt động sáng tạo nghệ thuật’ ấy mà hơn bao giờ hết, con người cho thấy mình ‘giống Thiên Chúa’”.

2.Trong thực tiễn sáng tác của văn học Công giáo Việt Nam, các tác giả đã nhận thức thế nào về văn học nghệ thuật Công giáo và mục đích sáng tạo?

Nhà nghiên cứu Võ Long Tê nói về nhiệm vụ của nhà văn Công giáo: “Là giáo hữu, nhà văn có sứ mạng truyền bá đức tin. Là nghệ sĩ, nhà văn phải sáng tác theo ý thức nghệ thuật”. Ông nhận định: “Văn học Công giáo chính là những công trình của người Công giáo nhằm mục đích vận dụng ngôn ngữ văn tự để thể hiện lối sống đạo của mình. Sự thể hiện này nói lên ý thức nghệ thuật và đời sống đức tin của tác giả”[[4]].

TS Lm Nguyễn Đức Thông cũng một ý ấy. Trong hội thảo: “Bốn trăm năm hình thành và phát triển chữ Quốc ngữ trong lịch sử loan báo Tin Mừng tại Việt Nam” do Ủy Ban Văn Hóa trực thuộc Hội Đồng Giám mục Việt Nam tổ chức ngày 25-26/10/2019, tại Trung tâm Mục vụ TGP Sài Gòn, Lm Nguyễn Đức Thông nhấn mạnh: “sứ mạng của văn sĩ Kitô giáo là truyền bá đức tin, hết lòng phục vụ, bảo vệ chân lý với ý thức viết là để tôn vinh Thiên Chúa. Họ dùng nghệ thuật để làm cho người ta xa tránh dục vọng, trở về với Thiên Chúa..”. [[5]]

Họp mặt Câu Lạc Bộ Thi Ca Cầu Nguyện tại Ma Lâm, Phan Thiết ngày 15/08/2011, Lm Phêrô Nguyễn Thiên Cung, Giám đốc Chủng viện Nicola thuyết trình đề tài “Tin Mừng và Thi ca”. Ngài chia sẻ: Thi ca như là lời mặc khải về thực tại vĩnh hằng, như lời mặc khải về chính bản thân con người, như là hành vi mặc khải và tuyệt đỉnh của mọi thứ nghệ thuật. Mọi thứ thi ca là chiêm ngắm và cầu nguyện. Các thi sĩ khi sáng tác cần phải tâm niệm làm sao để từ thực tại đưa độc giả đến cảm nghiệm tâm linh và phải luôn lấy Lời Chúa làm kim chỉ nam cho tác phẩm của mình.[[6]]

Qua ba ý kiến trên, các nhà nghiên cứu đã không quan tâm đến “sự sáng tạo nghệ thuật” là bản chất của hoạt động văn học nghệ thuật mà chỉ nhấn mạnh đến mục đích tâm linh là “truyền bá đức tin, tôn vinh Thiên Chúa, làm cho người ta trở về với Thiên Chúa” (hoặc “đưa độc giả đến cảm nghiệm tâm linh”). Tôi e rằng điều này không đúng với những gì Giáo hội dạy. Bởi vì nhiệm vụ truyền giáo là của mọi tín hữu, đâu phải là nhiệm vụ riêng của người nghệ sĩ Công giáo. Người nghệ sĩ Công giáo có nhiệm vụ sáng tạo Cái Đẹp, như Thiên Chúa đã làm ra vũ trụ, tạo vật “Thiên Chúa thấy mọi sự Người đã làm ra quả là rất tốt đẹp”(St 1, 31 đd). Khi được sáng tác dưới ánh sáng Tin Mừng, từ trong bản chất, tác phẩm văn học Công giáo đã mang ánh sáng Cứu độ của Đức Kitô. Khi tác phẩm không hay, không có người đọc thì không thể nói gì đến việc “truyền bá đức tin”.

Còn các nhà thơ, nhà văn Công Giáo-người sáng tác- quan niệm thế nào về sáng tác văn học?

Trong bài “Cùng sống cuộc sống đức tin văn hóa” nhân đêm thơ Xuân Ly Băng tại Tòa Giám mục Phan Thiết ngày 22/3/2008, Đức ông-nhà thơ Xuân Ly Băng chia sẻ [[7]]:

“Người ta có nói, mỗi tài năng đều gồm 1% do bẩm sinh và 99% do đào luyện. Một phần trăm của thiên tài không thể thiếu. Nếu thiếu, dù có làm cả trăm bài văn vần cũng chẳng ra thơ”...; Đức ông nhấn mạnh: ”Làm thơ là sáng tạo. Khi Xuân Diệu viết: “Bữa nay lạnh mặt trời đi ngủ sớm”, Tản Đà đòi lôi ra chém vì Xuân Diệu dám bảo mặt trời đi ngủ. Thế nhưng làm thơ là phải vậy, phải sáng tạo”.

Trong mối tương quan với Chúa, Đức Ông cho biết: “Tôi chỉ gặp Chúa cách đơn giản trong vạn vật, trong thiên nhiên, qua con người, cỏ cây, bông hoa, tiếng gió, ánh mặt trời, vv… Vâng, đó là một ân huệ Thiên Chúa ban cho tôi mà tôi luôn luôn cảm tạ”.(Trả lời phỏng vấn Trăng Thập Tự)

Rồi ngài khuyên người làm thơ: “Đừng tự ti mặc cảm. Cứ viết, cứ đăng báo, cứ in, trong sự khôn ngoan dè dặt./ Cuối cùng, cần hai chữ thành thực và khiêm nhường, đừng tự tôn vinh mình. Thời gian sẽ sàng lọc và đào thải những gì không phải là thơ”.

Những ý kiến của Xuân Ly Băng về “1% thiên tài” trong sáng tạo nghệ thuật đó chính là “Ơn gọi nghệ sĩ” trong lời dạy của Giáo hội: “Không phải tất cả mọi người đều được gọi trở thành nghệ sĩ theo nghĩa riêng của hạn từ này.” Nói đến nghệ thuật, Đức ông đòi buộc phải “sáng tạo”. Năng lực “sáng tạo” đó chính là phẩm chất 1% của thiên tài.

Xuân Ly Băng làm thơ về thiên nhiên tạo vật là bởi: “Tôi chỉ gặp Chúa cách đơn giản trong vạn vật, trong thiên nhiên, qua con người, cỏ cây, bông hoa, tiếng gió, ánh mặt trời, vv… Vâng, đó là một ân huệ Thiên Chúa ban cho tôi mà tôi luôn luôn cảm tạ”(đd). Mời đọc bài viết về thơ Xuân Ly Băng [[8]].

Nhà thơ Lê Đình Bảng làm thơ theo một chiều kích khác. Ông tự thổ lộ:

Tôi làm thơ, nghĩa là tôi cầu nguyện
Hồn reo vui trong từng chữ, từng lời
Trong đất mầu đang vỡ vạc sinh sôi
Trong cây lá vươn sức dài vai rộng…

Tôi làm thơ, nghĩa là tôi cầu nguyện
Như chùm hoa tự trút hết hương thơm
Phải tự nghiệm sinh để sống vô thường
Chẳng hề nghĩ mình cho đi, nhận lại

(Tôi làm thơ nghĩa là tôi cầu nguyện, trong tập Hành Hương)

Xin lưu ý rằng, Lê Đình Bảng viết: “Tôi làm thơ, nghĩa là tôi cầu nguyện”. Ông nhấn mạnh đến hành động “Tôi làm thơ”. Khi làm thơ, hồn ông reo vui, ông như chùm hoa trút hết hương sắc cho đời. Hành động làm thơ của ông là hành động cầu nguyện. “Cầu nguyện” ở đây không phải là quỳ đọc kinh. “Cầu nguyện “ là từ ông dùng đễ diễn tả trạng thái hồn thơ ông vượt lên, bay vào cõi tâm linh, hòa vào muôn vẻ đẹp của Đấng Sáng Tạo vĩ đại là Thiên Chúa. Vì thế thơ ông thanh khiết, tinh khôi và lấp lánh muôn vẻ đẹp. Ông không nói nội dung thơ của ông là lời cầu nguyện, cũng không nói mục đích làm thơ là để cầu nguyện. Điều này hoàn toàn khác với “tôn chỉ” của CLB “Thi Ca Cầu Nguyện”. Vì thế Lê Đình Bảng viết về mọi đề tài của cuộc sống, ghi nhận nhiều nét đẹp của đời sống đạo. Ông tỏ lộ mọi nỗi niềm và chia sẻ với rất nhiều hoàn cảnh. Và trên hết, là một nghệ sĩ Công giáo, ông sáng tạo nhiều tứ thơ mới lạ, mang đến cho thơ ca Công giáo Việt Nam một thế giới nghệ thuật tinh khôi và vô cùng phong phú mà ông khám phá được từ Kinh thánh (cả Cựu Ước và Tân Ước), đúng như lời dạy của Giáo hội.

Tôi nghe thấy trong câu thơ “Tôi làm thơ, nghĩa là tôi cầu nguyện” lời dạy này của Đức Giaoan Phaolo II: “Công Đồng đã không ngần ngại coi các nghệ sĩ ấy là những người đang thi hành “một thừa tác vụ cao cả” khi các tác phẩm của họ phản ảnh vẻ đẹp vô biên của Thiên Chúa, giúp nâng cao tâm trí con người lên với Ngài. Cũng nhờ các nghệ sĩ ấy mà “Thiên Chúa được mặc khải nhiều hơn, Tin Mừng được trở nên rõ ràng hơn cho tâm trí loài người” (đd).

Như vậy, qua hai trường hợp cụ thể (Xuân Ly Băng và Lê Đình Bảng), mỗi nghệ sĩ khám phá những lời dạy của Giáo hội theo những chiều kích khác nhau tùy theo “ơn gọi nghệ sĩ” của mình (tức là “nén bạc nghệ thuật” Chúa trao, cũng là cái 1% thiên tài).

ĐỂ VĂN HỌC CÔNG GIÁO VƯỢT LÊN

Tôi nghĩ, lời dạy của Đức Gioan Phaolô II và những lời dạy khác của Công đồng Vaticano II về bản chất của “sáng tạo nghệ thuật”, về mối quan hệ giữa nghệ thuật và Tin Mừng và về sứ mạng của người nghệ sĩ Công giáo là những lời chứa đựng những ý nghĩa sâu sắc cả về Thần học (Theology), về Tâm lý học sáng tạo (The Psychology of Creativity), về Lý thuyết văn học (Literary theory), Lý thuyết tiếp nhận (Reception theory)mà người sáng tác Công giáo cần phải hiểu thấu đáo. Và kinh nghiệm sáng tác của hai nhà thơ Công giáo đương đại Xuân Ly Băng, Lê Đình Bảng có thể gợi mở nhiều hướng khám phá “Cái Đẹp” theo tư tưởng Mỹ học Kitô giáo để người làm thơ kiến tạo nhiều tác phẩm hay, tác phẩm giá trị, đóng góp vào tài sản văn hóa của dân tộc.

Có một điều chắc chắn rằng:

…”dù tin hay không tin, ai ai cũng vẫn coi các tác phẩm nghệ thuật, được cảm hứng từ Thánh Kinh, là một cách suy tư về một mầu nhiệm khôn dò, đang bao trùm và ngự trị trên thế giới”.

“Kitô giáo vẫn là nơi đóng góp cho các nghệ sĩ một chân trời những cảm hứng hết sức phong phú. Nghệ thuật sẽ trở nên nghèo nàn biết bao, khi từ bỏ kho Tin Mừng phong phú bất tận này!”(Thư gửi nghệ sĩ… đd).

Tác giả: Bùi Công Thuấn
Nguồn: 
https://www.vanthoconggiao.net


 

[1] Bùi Công Thuấn-Tư tưởng Mỹ học Ki tô giáo và văn học nghệ thuật:
https://vanhoadatmoi.net/chuyen-de/tu-tuong-my-hoc-kito-giao-va-van-hoc-nghe-thuat-cong-giao-bui-cong-thuan.html

[2] http://huangiao.com/index.php/van-kien/duc-giao-hoang/thu-luan-luu/item/1529-thu-duc-thanh-cha-gioan-phaolo-ii-gui-cac-nghe-si-1999

[3] http://betrenthuongcap.org/giao-hoi-va-nghe-thuat-tu-cong-dong-vatican-ii-den-nay.html

[4] Võ Long Tê-Lịch sử văn học Công giáo Việt Nam, cuốn I, Nxb Tư Duy Sài Gòn 1965. Chương II, tr.25-33.

[5] Lm Đaminh Nguyễn Đức Thông-Văn học Công giáo từ 1620 đến nay–

https://denthanhanrephuyen.org/lm-daminh-nguyen-duc-thong-trinh-bay-de-tai-van-hoc-cong-giao-tu-nam-1620-den-nay/

[6] Họp mặt CLB Thi Ca Cầu Nguyện–https://vntaiwan.catholic.org.tw/11news/11news1541.htm

[7] Xuân Ly Băng-Lời ngỏ cho đêm thơ: https://www.tapsanmucdong.net/2017/07/xuan-ly-bang-loi-ngo-cho-em-tho.html

[8] Bùi Công Thuấn-Thơ Xuân Ly Băng:

https://www.vanthoconggiao.net/2021/02/nhung-khuon-mat-tho-ca-cong-giao-uong.html

 


Tags
114.864864865135.135135135250