VÙNG ĐẤT-TÊN GỌI ĐI QUA NHỮNG THĂNG TRẦM
“ĐÀNG TRONG” – “COCHINCHINE” - “NAM KỲ…”; “ĐÀNG NGOÀI” – “TONKIN” – “BẮC KỲ…” NÓI SAO VÀ LÚC NÀO CHO ĐÚNG ?
Dẫn nhập: Địa lý Việt Nam qua những bước thăng trầm
Trong bài viết NGHỀ IN Ở VIỆT NAM VÀ VAI TRÒ CỦA ẤN PHẨM TRONG CÔNG CUỘC TRUYỀN GIÁO của tác giả Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính[1], trong đoạn cuối có viết rằng: “Nhà in hiện đại chỉ được lập tại Việt Nam thời Pháp thuộc. “In typo kiểu phương Tây được đưa vào Đàng Trong năm 1862 và Đàng Ngoài năm 1883 với các công báo (Bulletin officiel de l’Expédition de la Cochinchine, Bulletin du Comité d’Etude Agricole, Industrielle et Commerciale de l’Annam et du Tonkin …).”.
Nói “Đàng Trong năm 1862” và “Đàng Ngoài năm 1883” về phương diện “địa lý hành chánh” hay “địa lý mục vụ” có lẽ cần được rọi sáng nhiều hơn để thêm phần khả tín.
Thật ra, theo lịch sử cả đời lẫn đạo (Giáo Hội Công Giáo), danh xưng Đàng Trong (Cochinchine), Đàng ngoài (Tonkin) đã biến thiên theo nhiều giai đoạn. Cần nắm bắt danh xưng nầy được sử dụng cho thời đại nào để nếu có vấn đề liên quan, phương diện “lịch sử địa lý” sẽ không bị hàm hồ hoặc thiếu chuẩn xác, như nhận định của tác giả Choi Byung Wook[2]: “Các nhà nghiên cứu thường chia đôi Việt Nam thành hai vùng Nam và Bắc (Đàng Trong và Đàng Ngoài), một cách làm tiện dụng trong chừng mực có thể giúp tránh được sự khái quát hóa một đất nước Việt Nam vốn đa dạng về mặt văn hóa cùng lịch sử của nó. Tuy nhiên, có vẻ như sự phân chia này không mấy phù hợp khi chúng ta cố tìm hiểu quan điểm chính trị về vùng miền của người Việt trong nửa đầu thế kỷ XIX”[3].
Sau đây, xin được góp một số chi tiết để những ai, khi giải trình hoặc chuyển dịch những vấn đề liên quan đến hai địa danh nầy, có thể tham khảo.
I. DANH XƯNG “ĐÀNG TRONG” - “ĐÀNG NGOÀI” VÀ “NAM KỲ” – “BẮC KỲ” THEO DÒNG “LỊCH SỬ ĐỊA CHÍNH TRỊ”
Trước khi bàn chuyện “Đàng Trong”, “Đàng Ngoài” của “nước Đại Việt thế kỷ 17”, có lẽ chúng ta nên đi ngược về thời gian trước đó để xem thử có những yếu tố nào liên quan hoặc là “nguồn gốc phát xuất” cho những địa danh trên.
1. Đàng Trong – Đàng Ngoài: Nguồn gốc xuất hiện
1.1. Đại Ngu – Giao Chỉ – Đại Việt: Thời Cochinchine, Tunquin chỉ là một
- Triều đại Nhà Hồ với nước Đại Ngu (1400 -1407): Hồ Quý Ly cướp ngôi nhà Trần tự xưng làm vua, đặt niên hiệu là Thánh Nguyên và quốc hiệu là Đại Ngu, đóng đô ở Tây Đô (Vĩnh Lộc, Thanh Hóa)[4]. Như vậy, có thể nói được, cho tới đầu thế kỷ 15, nước Việt (Đại Ngu) chưa có một dấu vết nào về “Đàng Ngoài”, “Đàng Trong”.
- Thời Minh thuộc với Giao Chỉ (1407-1418): Nhà Minh lấy cớ Hồ Quý Ly phản nghịch cướp ngôi nhà Trần đã sai Trương Phụ và Mộc Thạnh đem quân xâm chiếm Việt Nam. Sau khi diệt nhà Hồ (17.6.1407) và tiếp đó thanh toán nhà Hậu Trần (cuối năm Quý Tỵ 1413)[5], Việt Nam hoàn toàn bị đặt dưới ách đô hộ của nhà Minh và chỉ còn là một quận: quận Giao Chỉ với 15 phủ, 36 châu, 181 huyện[6]. Như vậy, nếu có những cuộc giao thương nào tới vùng đất Việt Nam lúc đó (người Bồ Đào Nha chẳng hạn), chắc chắn người ta chỉ biết đó là xứ Giao Chỉ, một tên gọi mà nhà Minh đã lấy lại từ các “đế chế phương bắc” (Hán, Tùy, Đường, Tống…) liên tục định danh hoặc là tỉnh hoặc là quận lệ thuộc[7].
Riêng từ “Giao Chỉ” thì có cả một “trường phái” coi đây chính là nguồn gốc người Tây phương dịch thành “Cochin”: “Cochin có nguồn gốc từ tên Giao Chỉ (phát âm theo tiếng Trung là Jiaozchi và tiếng Nhật là Koschi), vốn được người Hoa Hạ cổ đại dùng để gọi miền Bắc Việt Nam từ rất sớm, khoảng năm 111 trước Công nguyên…”[8]. Riêng thừa sai Alexandre De Rhodes cũng xác nhận rằng: “Còn cái xứ ngày nay ta gọi là Đàng Ngoài, lúc đó cũng được kể chung với danh hiệu Cochinchina. Cho nên không bỡ ngỡ nếu trong nhiều bản đồ, ngay cả những bản đồ mới họa đây, xứ Đàng Ngoài được gọi theo danh hiệu Cocin và được liệt vào lãnh thổ Cochinchina hoặc như thể thuộc về Cochinchina…”[9].
- Thời Hậu Lê với Đại Việt (1428-1527): Sau 10 năm chinh chiến kháng Minh phục quốc (1418-1428), ngày 15 tháng 4 năm Mậu Thân (1428), Lê Lợi tức Lê Thái Tổ, lên ngôi lấy niên hiệu là Thuận Thiên, đặt tên nước là Đại Việt, chọn Thăng Long (Đông Quan) [Thời nhà Minh đô hộ Việt Nam, Thăng Long được đổi thành Đông Quan, x. TRẦN TRỌNG KIM, Việt Nam sử lược, nxb Văn Học 2022, tr. 217] làm Đông Đô và sau đó, năm 1430 đổi thành Đông Kinh[10], một tên gọi mà sau nầy vào thế kỷ 17, chính xác là thời Trịnh Nguyễn phân tranh, người Tây phương gọi là Tunquin và gán danh xưng nầy cho toàn vùng đất Bắc, cả trong ngôn ngữ hành chánh lẫn ngôn ngữ “nhà đạo”[11].
Như vậy, cho đến thời vua Lê Thánh Tôn chinh phạt Chiêm Thành với “chiến dịch Đồ Bàn” (1471), nước Đại Việt bao gồm một lãnh thổ phía bắc giáp Trung Hoa và phía nam tới Đồ Bàn (Vijaya - Bình Định bây giờ)[12] mà địa bàn hành chánh vùng “tân lập” mang tên Thừa Tuyên Quảng Nam[13].
Như thế, cho đến thời điểm hậu bán thế kỷ 15, khái niệm hay danh xưng “Đàng Trong”, “Đàng Ngoài” cũng chưa xuất hiện; có chăng, chỉ là danh xưng Cochinchina trong ngôn ngữ của các tài liệu ngoại quốc (Bồ Đào Nha, Tàu, Nhật…) với hai lập trường cắt nghĩa:
- Hoặc là Cochinchina khi hiểu đó là Jiaozchichina (Giao Chỉ thuộc Tàu) hay Tunquin (Đông Kinh) đó là kinh đô đại diện cho vương quốc Đại Việt[14].
- Hoặc là Cochin-china, một vùng lãnh thổ mà theo tài liệu nghiên cứu của nhiều tác giả trong đó có Tomé Pires là để phân biệt với Cochin-Coulam, “một bang thị nằm ở bờ biển Malabar phía Tây nam Ấn Độ” thuộc Vương quốc Coulam “rộng lớn phồn thịnh bậc nhất trong vùng”… “Ở Malacca, đất nước ấy (tức Việt Nam) được gọi là Cauchy Chyna” và “vương quốc nằm giữa Chiêm Thành và Trung Hoa”[15].
Nói cách khác, vào thế kỷ 15, dưới cái nhìn của người Âu Tây, lãnh thổ hay vương triều thuộc Việt Nam lúc đó đều được gọi chung là Cochinchine hay Tunquin (Đông Kinh – Tonkin).
1.2. Đại Việt (thời nhà Lê) và những cuộc phân tranh
- Cuộc phân tranh sơ khởi: Bắc Triều (Mạc) - Nam Triều (Lê Trung Hưng) và khái niệm chính trị “bên trong”, “bên ngoài”:
Cuối triều “Lê sơ”, nhân sự kiện Lê Cung Hoàng bạc nhược, quyền thần Mạc Đăng Dung ép vua và thái hậu tự tử cướp ngôi xưng vương lập triều đại nhà Mạc[16]. Từ đó vương triều nhà Lê một phần trốn chạy sang Ai Lao (Lào), một phần tản vô Thanh Hóa, Nghệ An tìm cách “trung hưng”. Năm 1543, nhờ đại thần Nguyễn Kim và con rễ là Trịnh Kiểm phò tá, nhà Lê chiếm được Tây Đô (Thanh Hóa) và từ đó mở ra một thời đại nội chiến tàn khốc Nam – Bắc Triều kéo dài gần nửa thế kỷ (1543-1592): Nam Triều từ Thanh hóa, Nghệ An trở vào do nhà Lê Trung hưng cai quản; Bắc Triều: cả vùng Bắc bộ với kinh đô Đông Đô nhà Mạc làm chủ cho đến khi bị quân Lê – Trịnh đập tan năm 1592 và tận diệt hoàn toàn năm 1677[17].
Cho dù cuộc phân tranh Bắc triều – Nam triều diễn ra trong suốt gần 50 năm, nhưng vào thời điểm đó danh xưng và khái niệm Đàng Trong, Đàng Ngoài vẫn chưa xuất hiện trong lịch sử như hai “vùng lãnh thổ” hay hai “vương triều độc lập”. Tuy nhiên, theo hai tác giả OLGAR DROR và K.W. TAYLOR, trong cuốn sách “giới thiệu và chú giải” hai tác phẩm của hai tác giả[18] viết về “Đàng Trong” và “Đàng Ngoài”[19] mang tên: Việt Nam thế kỷ XVII – Những góc nhìn từ bên ngoài, thì khái niệm “Đàng Trong”, “Đàng ngoài” có thể xuất hiện trong xã hội và ngôn ngữ Việt Nam vào thời kỳ “phân tranh” nầy với nội hàm mang tính “chính trị”: “Từ đó cho đến hết thế kỷ XVI là cuộc nội chiến giữa nhà Mạc gốc gác ở vùng cửa biển sông Hồng, và hai gia tộc Trịnh-Nguyễn ở Thanh Hóa, những người luôn sử dụng chiêu bài phản Mạc phục Lê. Các tên gọi trong tiếng Việt mà về sau tương ứng với những cái tên Tonkin và Cochinchina được người Tây Dương sử dụng – tức Đàng Ngoài (“bên ngoài”) ứng với Tonkin và Đàng Trong (“bên trong”) ứng với Cochinchina – đã xuất hiện từ thời này, được nhóm phe cánh ủng hộ nhà Lê, gồm họ Trịnh và họ Nguyễn, dùng để tự nhận mình là người “bên trong” trung thành với nhà Lê, đồng thời chỉ nhà Mạc là nhóm phản loạn “bên ngoài” chống đối triều đại hợp pháp. Sang đến thế kỷ XVII, các tên này mang ý nghĩa phân định ranh giới địa lý cũng như (nếu không muốn nói thay thế cho) cảm quan về mặt chính trị liên quan đến quá trình mở cõi về phương Nam vốn kéo dài cho đến tận bây giờ, giữa những người dân Việt Nam vẫn hay ngược xuôi “ra” Bắc “vào” Nam với nhau”[20].
- Cuộc “Nam tiến định mệnh”: “Hoành sơn nhất đái vạn đại dung thân” năm 1558
Khởi đầu cho giai đoạn “Trịnh Nguyễn phân tranh”, và cũng là điểm xuất phát cho “vương triều Nguyễn” sau nầy, có thể nói được đã bắt đầu từ năm 1558, tức năm Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Hóa theo kế sách “an thân” của người cậu ruột là Nguyễn Ư Dĩ (anh của mẹ Nguyễn Hoàng là bà Nguyễn Thị Mai vợ Nguyễn Kim) để thoát khỏi âm mưu ám hại của Trịnh Kiểm và theo “chiến lược địa chính trị” của Trạng Trình Nguyễn Bĩnh Khiêm “Hoành sơn nhất đái vạn đại dung thân” để tính cuộc an bang tế thế lâu dài[21].
Tuy nhiên, lý do cốt yếu để đất nước Đại Việt của triều Lê bị phân thành hai vùng lãnh thổ cùng với hai “thế lực không đội trời chung” có lẽ đã ẩn sâu trong chính lời trăn trối của “Chúa Tiên Nguyễn Hoàng”: “Đất Thuận Quảng phía bắc có núi Ngang (Hoàng Sơn) và sông Gianh (Linh Giang) hiểm trở, phía nam có núi Hải Vân và núi Đá Bia (Thạch Bi Sơn) vững bền. Núi sẵn vàng sắt, biển có cá muối, thật là dất dụng võ của người anh hùng. Nếu biết dạy luyện binh để chống chọi với họ Trịnh thì đủ xây dựng cơ nghiệp muôn đời. Ví bằng thế lực không địch được, thì cố giữ vững đất đai chờ cơ hội, chứ đừng bỏ qua lời dặn của ta”[22].
- Trịnh - Nguyễn phân tranh giai đoạn đầu: Nam Hà và Bắc Hà với sông Lam
Vào thế kỷ 17, nước Đại Việt một cách chính danh thuộc vương triều Lê. Cả chúa Trịnh lẫn chúa Nguyễn đều tự xưng là công thần của vua Lê. Đời chúa Tiên Nguyễn Hoàng, người khai sáng triều Nguyễn, vẫn về kinh (Đông Kinh) triều yết và mang quân binh về hỗ trợ dẹp loạn, cho dù đã quyết dụng tâm ly khai[23]. Và “ý đồ” đó bắt đầu lộ rõ vào thời chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên, cũng là thời chúa Trịnh Tráng (1623-1657) mang chỉ dụ của vua Lê Thần Tông (1619-1662) cùng với quân binh vào đất Thuận-Quảng để “nam phạt” chúa Nguyễn Phương Nam lần đầu tiên tại cửa biển Nhật Lệ (năm Đinh Mão 1627)[24].
Chính sử Việt Nam (Đại Việt Sử ký toàn thư…) khi nhắc đến giai đoạn lịch sử nầy thì không dùng từ “Đàng Trong” hay “Đàng Ngoài” như hai thực thể chính trị biệt lập đối kháng mà chỉ dùng danh xưng hay khái niệm “Nam Hà”, “Bắc Hà”, tức là phía bắc và phía nam sông Lam ở Nghệ An[25] để xác định vị trí chiến đấu của những lần vua Lê chúa Trịnh vào phương nam chinh phạt chúa Nguyễn: “Tháng ấy, sai Thái bảo Khê quận công Trịnh Trượng làm thống lĩnh…, đem 18 viên thuộc tướng đến thẳng đất Nam Hà xứ Nghệ An tiến đánh Thuận Hóa”[26].
- Trịnh - Nguyễn phân tranh giai đoạn cuối: Đàng Trong và Đàng Ngoài với sông Gianh
Kể từ năm 1627 đến 1672 với 7 lần đối chiến bất phân thắng bại, chúa Trịnh và chúa Nguyễn đình chiến lấy sông Gianh ở Quảng Bình làm ranh giới của hai thế lực chính trị và quân sự đối kháng (mà theo cái nhìn của người Âu Tây đó chính là hai vương triều, hai quốc gia): phía Nam sông Gianh gọi là Đàng Trong do chúa Nguyễn cai trị mà người Âu Tây gọi là Cochinchine. Phía Bắc sông Gianh gọi là Đàng Ngoài thuộc “Vua Lê Chúa Trịnh” mà người Âu Tây gọi là Tonkin[27].
Cho nên có thể nói khái niệm hay danh xưng “Đàng Trong”, “Đàng Ngoài” xuất hiện trong lịch sử Việt Nam vào khoảng giữa thế kỷ 17 và gắn liền với cuộc nội chiến Nam Bắc giữa chúa Trịnh và chúa Nguyễn vào giai đoạn cuối, nhất là sau khi đình chiến; và đây là danh xưng hay khái niệm đến từ người ngoại quốc qua ngôn ngữ và sách vở của họ khi nói đến Việt Nam vào giai đoạn nầy như nhận xét của hai nhà nghiên cứu Olgar Dror và K.W. Taylor: “Việc dùng tên Cochinchina (Đàng Trong) và Tonkin (Đàng Ngoài) để chỉ hai đàng Việt Nam thời thế kỷ XVII phát xuất từ các tu sĩ Dòng Tên, bởi lẽ họ là những người Tây dương đầu tiên quan tâm đặc biệt đến mảnh đất này và ghi chép mọi điều về nó”[28].
Như vậy, chúng ta có thể nói được rằng: năm 1627, năm diễn ra cuộc chiến tranh Trịnh Nguyễn đầu tiên là thời điểm chính thức để hình thành hai thực thể chính trị và vùng địa lý mang tên “Đàng Ngoài” (Tonkin) và “Đàng Trong” (Cochinchine). Còn muốn lấy sự kiện chính trị như một “hiệp ước” để xác định rõ ràng cương vực biên giới của hai miền “Trong” và “Ngoài” thì có thể chọn năm 1672, thời điểm hai thế lực chính trị “Trịnh (bắc sông Gianh) – Nguyễn” (nam sông Gianh) đình chiến để “chung sống hòa bình”.
2. Đàng Trong - Đàng Ngoài: ổn định lãnh thổ và chính trị
2.1. Đàng Trong củng cố vương triều –mở rộng biên cương
Kể từ cuộc đình chiến năm 1672, chúa Nguyễn không còn bận tâm nhiều về thế lực phương bắc và dốc tâm dốc sức mở rộng biên giới về phương nam.
Như chứng từ lịch sử để lại, trước “chiến dịch Đồ Bàn năm 1471” của vua Lê Thánh Tôn, phía nam lãnh thổ của Đại Việt có hai vương quốc: Chiêm Thành (Champa) từ Thuận Hóa, Quảng Nam tới Phan Rang, Bình Thuận; và Chân Lạp từ Bình Thuận trở vào với đồng bằng Sông Cửu Long và vùng đất Campuchia bây giờ. Vương quốc Champa sau năm 1471 gần như tàn lụi, và chịu sự bảo hộ của Đại Việt. Kể từ năm 1611, sau cuộc dẹp loạn Văn Phong, chúa Nguyễn đã mở rộng biên cương đến Đèo Cả Phú Yên[29].
2.2. Đàng Trong tiến về phương nam
Vượt qua vùng đất thuộc lãnh thổ “Champa bảo hộ”, chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên, kế thừa di sản và thực thi di mệnh của cha là chúa Tiên Nguyễn Hoàng đã mở ra cuộc “Nam tiến” vào vùng đất của vương quốc Chân Lạp; một tầm nhìn chiến lược quan trọng mang tính “định mệnh” trong lịch sử Việt Nam, chẳng khác nào cuộc “Nam tiến của tiên vương” năm 1558.
Vâng, đó là cuộc nam tiến kết hợp cả ngoại giao, chính trị, quân sự, kinh tế mà cuộc hôn nhân của Ngọc Vạn Công chúa, thứ nữ của chúa Sãi, và vua Chetta II của Chân Lạp năm 1620 là một cột mốc ghi đậm dấu ấn[30]. Từ đây, những bước chân của người Việt, từ quân binh để bảo hộ Việt kiều hoặc huấn luyện và yễm trợ cho đội quân Chân Lạp chống lại người Xiêm đến những đoàn di dân kinh tế, đã xuất hiện lần lượt từ Đồng Nai, đến Biên Hòa rồi Sài Côn Bến Nghé, mà việc Thống Suất Nguyễn Hữu Cảnh lập Phiên Trấn (Phủ) Gia Định năm 1698[31] thời Quốc Chúa (Hiển Tông) Nguyễn Phúc Chu và tiếp theo là sự tan vở của vương triều Chân Lạp năm 1757 đời Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát[32] chính là “hai biến cố quyết định” cho tiến trình “nam tiến”. Từ đây, Đại Việt làm chủ cả “Đồng bằng sông Cửu Long”[33], một vùng lãnh thổ được xem nhưng vùng trũng, vùng thấp của Đàng Trong (Basse Cochinchine).
Như vậy, có thể nói được, Cochinchine hay Đàng Trong, cho tới năm 1757 là một dãi đất từ Sông Gianh tới mũi Cà Mau thuộc quyền Chúa Nguyễn.
Sở dĩ nhắc đến hay nhấn mạnh việc chinh phục vùng đất phương nam của Đàng Trong nầy vì với những diễn biến lịch sử diễn ra sau đó, chính vùng “đất phương nam” nầy trở thành lãnh thổ “đại bản doanh của chúa Nguyễn Đàng Trong” nên vẫn còn mang tục danh “Cochinchine”; cho dù đã co cụm lại để chỉ còn là “Nam Kỳ”, “Nam Bộ”, “Nam Kỳ lục tỉnh”… mà người Tây gọi là “Basse Cochinchine” (Nam Kỳ Hạ), hoàn toàn tách biệt khỏi “phần phía bắc của “Đàng Trong cũ”, tức Trung Kỳ, hay Miền Trung mà vào thời thuộc địa gọi là An Nam.
2.3. Đàng Trong – Đàng Ngoài thời “kiên định danh xưng”: Cochinchine – Tonkin
Từ khi đem quân vào trấn đất Thuận Hóa (1558) thời Chúa Tiên Nguyễn Hoàng cho đến khi chinh phục toàn thể Đồng Bằng sông Cửu Long (1757) thời chúa Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát, có thể nói được, vương triều Nguyễn đã phát triển, tồn tại và vững mạnh suốt 200 năm. Chính trong khoảng thời gian nầy, dưới con mắt của người Tây Phương, đặc biệt, với các nhà truyền giáo lần đầu tiên đến Việt Nam tại Cửa Hàn Đà Nẵng năm 1615[34], đều có chung một cái nhìn: Đàng Trong (Cochinchine) là một “Vương quốc” tách biệt với vương quốc Đàng Ngoài (Tonkin) với thiết chế chính trị hoàn toàn khác nhau[35]. Chúng ta dễ dàng nhận ra điều nầy trong tác phẩm “XỨ ĐÀNG TRONG” (1631)[36] rất nổi tiếng của Cristoforo Borri, một trong các tu sĩ thừa sai Dòng Tên có mặt tại “cư sở truyền giáo chính thức” tại Nước Mặn Qui Nhơn vào năm 1618 nhờ sự bảo trợ của một quan chức tại Qui Nhơn là Khám Lý Trần Đức Hòa[37]. Đây là tác phẩm sớm nhất và rất giá trị của người ngoại quốc viết về Đàng Trong để làm tiền đề cho những tác phẩm giá trị khác sau nầy như “HÀNH TRÌNH VÀ TRUYỀN GIÁO”[38], “LỊCH SỬ VƯƠNG QUỐC ĐÀNG NGOÀI”[39]… của một linh mục thừa sai Dòng Tên nổi tiếng khác là Alexandre De Rhodes và các tác phẩm của các tác giả khác hậu thời. (x. NGUYỄN THỪA HỶ (Tuyển dịch, giới thiệu và bổ chú), Việt Nam thế kỷ XVII, XVIII, XIX)[40].
3. Đại Việt thời biến loạn và đổi thay địa chính trị: Những cuộc phân chia lãnh thổ
Thời hậu bán thế kỷ 18 có thể nói được là suy mạt của cả hai vương triều Đàng Ngoài và Đàng Trong; và cũng từ đó lãnh thổ Đại Việt đã trải qua một sự thay đổi địa chính trị phức tạp với quyền cai trị của nhiều thế lực.
3.1. Tây Sơn khởi nghĩa và Đàng Trong bị chia cắt
Sau 200 năm, vương triều Nguyễn của Đàng Trong đã đến hồi suy vi, nhất là sau biến cố quyền thần Trương Phúc Loan thao túng chính sự, lập Nguyễn Phúc Thuần mới 12 tuổi lên ngôi (hiệu Định Vương) cùng với việc tác oai tác quái khiến dân tình căm ghét oán than[41]. Đây chính là nguyên nhân trực tiếp và cũng là cơ hội mang tính chính danh trong cuộc khởi nghĩa của ba anh em nhà “Nguyễn Tây Sơn” năm 1771[42].
Nhờ các yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”, quân Tây Sơn lần lượt chiếm phủ Qui Nhơn (1773), uy hiếp Phú Yên, Bình Thuận phía nam và Quảng Nam Thuận Hóa phía bắc. Chính vì thế, trong khoảng thời gian nầy, Đàng Trong gần như bị chia cắt làm ba phần: Chúa Nguyễn cai trị hai vùng lãnh thổ: Phía bắc từ Quảng Nam tới sông Gianh với quyền lực trung ương tập trung ở kinh đô Phú Xuân[43]. Phía nam từ Bình Thuận trở vào với trung tâm quyền lực là phủ Gia Định[44] và ở giữa (từ Phú Yên tới Quảng Nam) là vùng đất thuộc nhà Tây Sơn đang tạm chiếm với Qui Nhơn là thủ phủ[45].
3.2. Chúa Trịnh và Tây Sơn đẩy chúa Nguyễn vào tận phía nam Đàng Trong
Năm 1774, Tỉnh Đô Vương Trịnh Sâm, nhân dịp vương triều chúa Nguyễn Đàng Trong bấn loạn với nội tình bất ổn bởi “quyền thần Trương Phúc Loan”, bên ngoài rối ren với “giặc Tây Sơn”, nên sai Hoàng Ngũ Phúc đem quân vượt Sông Gianh vào chiếm Thuận Hóa và sau đó lấy Phú Xuân (1775); quân Trịnh vừa truy đuổi tàn binh của chúa Nguyễn thoát vào Gia Định vừa đấu dịu với Tây Sơn để dùng Tây Sơn ngăn chặn chúa Nguyễn; và đó cũng là kế sách của Tây Sơn để gầy dựng thế lực và tập chú vào cuộc thư hùng với chúa Nguyễn phía nam[46].
Như vậy, kể từ năm 1775, vùng đất “Đàng Trong triều Nguyễn” đã thuộc quyền lãnh đạo của ba thế lực: Chúa Trịnh mở rộng lãnh thổ Đàng Ngoài từ Sông Gianh đến Quảng Nam; Tây Sơn từ Quảng Nam đến Phú Yên-Diên Khánh và chúa Nguyễn từ Bình Thuận trở vào. Cho nên, khái niệm địa lý “Đàng Trong – Đàng Ngoài” trước năm 1775 không thể áp dụng cho những gì liên quan đến địa lý sau năm 1775. Nói cách khác, kể từ năm 1775, ranh giới Đàng Trong – Đàng Ngoài với sông Gianh làm biên giới không còn tồn tại. Đàng Ngoài của Chúa Trịnh mở rộng vào khỏi biên giới sông Gianh đến Thuận Hóa – Quảng Nam; miền Trung Từ Quảng Nam tới Phú Yên-Diên Khánh thuộc Tây Sơn và miền Nam từ Bình Thuận trở vào thuộc Chúa Nguyễn.
3.3. Từ Cochinchine (Đàng Trong) đến Cohinchine (Nam Kỳ, Nam Bộ…)
Riêng chúa Nguyễn, vì có ý đồ cát cứ và xây dựng địa bàn phía nam (Đồng Nai, Biên Hòa, Gia Định, Đồng Bằng sông Cửu Long…) thành căn cứ địa cho vương “triều Nguyễn Đàng Trong buổi thoái trào”[47] nên “Đàng Trong (Cochinchine) của thời trước 1775” bây giờ chỉ còn “Đàng Trong (Cochinchine) là vùng Nam Bộ”. Và đây chính là một trong những nguyên nhân chính để dịch chuyển ý nghĩa chữ “Cochinchine” (Đàng Trong) là toàn bộ vùng lãnh thổ từ Sông Gianh trở vào đến Cà Mau-Hà Tiên sang nghĩa “Cochinchine” - Nam Kỳ là vùng đất từ Đồng Nai trở vào Đồng bằng sông Cửu Long.
3.4. Trịnh – Lê - Nguyễn suy tàn, Tây Sơn bá chủ
Cuộc chiến nhập nhằng giữa ba thế lực chính: Chúa Trịnh Đàng Ngoài (Từ Thuận Hóa trở ra bắc), Tây Sơn (cả dãi đất miền Trung từ Quảng Nam đến Bình Thuận), chúa Nguyễn (Đồng Nai – Gia Định…), cùng với bao nhiêu cuộc nổi loạn cục bộ khác hoặc những áp lực và tương quan phức tạp của các thế lực bên ngoài (Trung Hoa, các nước phương Tây, Champa, Chân Lạp, Xiêm…), cho nên có thể nói, thời hậu bán thế kỷ 18 là thời chính trị xã hội rối ren, thay đổi, phức tạp nhất về địa chính trị trong lịch sử Việt Nam[48].
- Tây Sơn đối đầu và tiêu diệt chúa Nguyễn:
Như đã nói trước, kể từ khi khởi nghĩa (1771), nhất là khi chúa Trịnh chiếm Phú Xuân và đuổi chúa Nguyễn vào Gia Định (1775), Tây Sơn dùng kế sách đấu dịu với Trịnh phía bắc để tìm cách thanh toán chúa Nguyễn phía nam.
Sau 6 lần đem quân vào Gia Định[49], đặc biệt lần thứ hai năm 1777, Tây Sơn gần như kết thúc triều đại chúa Nguyễn sau khi vị chúa chính thức cuối cùng của vương tộc Nguyễn Hoàng là Định Vương Nguyễn Phúc Thuần[50] cùng các cháu là Đông cung Nguyễn Phúc Dương, Nguyễn Phúc Đồng (anh ruột Nguyễn Phúc Ánh) bị Tây Sơn sát hại năm 1777[51].
Cái chết của Định vương Nguyễn Phúc Thuần năm 1777, có thể nói được, đã kết thúc triều đại 200 năm chúa “Nguyễn Đàng Trong”; và sau đó một năm, vào năm 1778, tại Qui Nhơn, Nguyễn Nhạc đã tự xưng hoàng đế với niên hiệu Thái Đức, định đô tại thành Đồ Bàn cũ với tên gọi Hoàng Đế Thành, mở ra triều đại mới “Nguyễn Tây Sơn”[52]. (x. GEORGE DUTTON, Cuộc nổi dậy của nhà Tây Sơn[53] và TRẦN THUẬN, Đàng Trong lịch sử và văn hóa[54]). Và cũng kể từ đó, “hậu cơ đồ” nhà Nguyễn lọt vào tay của Nguyễn Ánh “Đại Nguyên Soái” (1778)[55], con của Nguyễn Phúc Luân, cháu nội của Võ vương Nguyễn Phúc Khoát, người sẽ cầm chịch trong cuộc đối đầu và sau đó tiêu diệt nhà Tây Sơn để thống nhất đất nước dưới vương triều nhà Nguyễn (hậu Lê và Tây Sơn), triều đại quân chủ cuối cùng của Việt Nam[56].
Riêng trong lần “chinh nam” lần thứ 6 (1785), với tài điều binh của Long Nhượng tướng quân Nguyễn Huệ, quân Nguyễn Tây Sơn đã đập tan quân Nguyễn Ánh cùng với hơn hai vạn quân Xiêm[57] hỗ trợ với hàng trăm tàu chiến trên sông Rạch Gầm - Xoài Mút[58]. Như vậy, nhà Tây Sơn từ năm 1785 đã có cả một giang sơn từ Quảng Nam tới Nam Bộ. Vì thế, Đàng Trong bây giờ thuộc Tây Sơn; và để phân biệt “Đàng Trong thời chúa Nguyễn”, các nhà viết sử gọi vùng đất “Đàng Trong của Tây Sơn” trong giai đoạn nầy là Nam Hà khi dịch từ Cochinchina[59] cũng như Bắc Hà cho Tonkin. (x. NGUYỄN THỪA HỶ (Tuyển dịch, giới thiệu và bổ chú), Việt Nam thế kỷ XVII, XVIII, XIX)[60].
- Tây Sơn trong quá trình tiêu diệt Trịnh - Nguyễn: Nam Hà – Bắc Hà hai “đế chế”:
Sau khi đập tan thế lực Nguyễn Ánh năm 1785 trong trận Rạch Gầm-Xoài Mút, khí thế chính trị và quân sự dâng cao, chỉ trong chưa đầy một tuần lễ, quân Tây Sơn dưới quyền điều binh khiển tướng của Tiết chế Nguyễn Huệ đã lần lượt chiếm Phú Xuân, Thuận Hóa trong giữa tháng 5 năm Bính Ngọ (1786)[61]. Như vậy, kể từ năm 1786, toàn bộ đất Đàng Trong của chúa Nguyễn kiến lập và làm chủ từ năm 1558 – 1777, trải dài từ sông Gianh tới Hà Tiên, đã hoàn toàn thuộc về nhà Tây Sơn, hoàn toàn độc lập như một vương quốc hay “đế chế”, Đế chế Nam Hà hoàn toàn độc lập với đế chế Bắc Hà của triều Lê, dưới quyền cai trị của một triều đình mới chính thức được thiết lập (1778) với Trung ương Hoàng đế là Nguyễn Nhạc ở Qui Nhơn, Đông Định Vương Nguyễn Lữ ở Gia Định và Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ ở Phú Xuân[62].
Chưa dùng lại ở sông Gianh, như biên giới mặc định giữa hai quốc gia Nam Hà (Tây Sơn) và Bắc Hà (vua Lê chúa Trịnh), Nguyễn Huệ với “ý đồ tham mưu” của Nguyễn Hữu Chỉnh, cũng trong năm 1786 đã đưa quân ra Bắc Hà với chiêu bài “Phù Lê Diệt Trịnh”. Giữa lúc đất Bắc Hà đang trong nạn đói, lại thêm triều đình Lê-Trịnh thối nát, kiêu binh…, đoàn quân Nam Hà của Bắc Bình vương Nguyễn Huệ mau chóng đập tan thế lực chúa Trịnh, trao lại sự độc lập chính trị cho vua Lê Hiển Tông, thiết lập tương quan ngoại giao giữa Nam Hà và Bắc Hà qua việc công chúa Ngọc Hân được gả cho Nguyễn Huệ[63].
Chúng ta đừng quên, danh xưng Nam Hà và Bắc Hà trong giai đoạn nầy là để thay thế Đàng Trong, Đàng Ngoài của thế kỷ 17 xét về mặt địa lý với sông Gianh làm biên giới nhưng với hai quốc gia (sơn hà xã tắc) có chủ quyền độc lập: Bắc Hà là đất nước của nhà Lê; Nam Hà là đất nước của Tây Sơn; khác với “Bắc Hà” và “Nam Hà” (tên gọi của chính sử Việt Nam) thời đầu của Trịnh Nguyễn phân tranh lấy sông Lam làm chiến tuyến (Bắc Hà: phía bắc sông Lam; Nam Hà: phía nam sông Lam) như đã nói ở trên.
4. Đại Việt và quá trình thống nhất đất nước thời quân chủ (Thế kỷ XVIII – XIX)
4.1. Nhà Tây Sơn và một số diễn biến chính trị quan trọng
Kể từ sau chiến dịch “bình Nam 1785” đánh tan liên quân Nguyễn Ánh – Xiêm La trên sông Rạch Gầm- Xoài Mút và tiếp sau là chiến dịch “diệt Trịnh phù Lê” năm 1786, uy tín chính trị và sức mạnh quân sự của nhà Tây Sơn, đặc biệt của thế lực Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ ở Phú Xuân càng lúc càng được khẳng định.
Tuy nhiên, với một thế lực chính trị mới nổi cùng với việc quản lý một lãnh thổ rộng lớn từ Thăng Long tới Gia Định luôn bị đe dọa “phản công” của các thế lực cựu triều Lê-Trịnh hoặc các hàng thần phản loạn (Nguyễn hữu Chỉnh 1787, Vũ Văn Nhậm 1788)[64] phía Bắc và Nguyễn Ánh phía Nam (Nguyễn Ánh chiếm lại Sài Gòn-Gia Định 1787-1789)[65], lại thêm quân binh phải liên tục chiến chinh, dân chúng oằn mình dưới những cuộc nhũng lạm, tàn phá và thuế khóa…, nhà Tây Sơn như mang một “gánh nặng quá lớn” và dần dần bộc lộ những “khối u chính trị xã hội”. (x. GEORGE DUTTON, Cuộc nổi dậy của nhà Tây Sơn (The Tây Sơn uprising)[66].
Một trong những “khối u chính trị-xã hội” nói trên chính là biến cố “huynh đệ tương tàn” giữa Thái Đức Hoàng đế và Bắc Bình vương Nguyễn Huệ kể từ cuộc “Bắc tiến” của Nguyễn Huệ năm 1786 mà đỉnh điểm chính là cuộc xuất quân vây thành Qui Nhơn của Nguyễn Huệ năm 1787[67]; đến độ từ sự cố nầy, Nguyễn Nhạc tự nguyện hạ mình thoái vị hoàng đế để xin giữ chức Tây Sơn Vương và an thân trên địa bàn khởi nghiệp là tiểu quốc Qui Nhơn[68], cho đến khi lệ thuộc hoàn toàn dưới quyền lực của Bắc Hà thời Nguyễn Quang Toản sau chiến dịch “giải cứu Qui Nhơn” năm 1793[69].
4.2. Quang Trung Hoàng đế thống nhất sơn hà
Nếu cuộc lục đục nội bộ giữa Qui Nhơn và Phú Xuân đã phần nào làm suy yếu sức mạnh và uy tín của phong trào Tây Sơn thì cũng từ sự kiện nầy lại giúp củng cố quyền lực của Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ để trở hành vị Hoàng đế đầu tiên của Việt Nam thống nhất sơn hà từ Bắc Chí Nam.
Thật vậy, với việc lên ngôi Hoàng đế tại núi Bân[70] cuối năm Mậu Thân (22.12.1788), nhất là, sau cuộc đại thắng quân Thanh đầu năm Kỷ Dậu (30.01.1789) cùng với việc vị vua cuối cùng của nhà Lê (Lê Chiêu Thống) đào thoát vĩnh viễn và chết tại Trung quốc, Hoàng đế Quang Trung đã trở thành An Nam Quốc Vương chính thức được vua Càn Long Trung quốc công nhận[71], của một nước An Nam thống nhất từ Bắc chí Nam.
Cho nên, kể từ sau năm 1789, khái niệm “Đàng Trong, Đàng Ngoài, Nam Hà, Bắc Hà” về phương diện chính trị không còn nữa. Nước An Nam là một thực thể chính trị thống nhất, một lãnh thổ toàn vẹn từ Bắc xuống Nam, dưới quyền của một hoàng đế duy nhất là Quang Trung cho dù xã hội và văn hóa phía Bắc vẫn còn ảnh hưởng “chính trị hoài Lê”; miền Trung Qui Nhơn bắt đầu suy yếu; và ở tận phương Nam, vùng đồng bằng Nam Bộ, lực lượng “Nguyễn Ánh” đang bắt đầu chỗi dậy. Có lẽ đây chính là sự phân vùng địa chính dẫn tới “Ba Kỳ” sau nầy của Việt Nam thời Minh Mạng !
4.3. Nam Bộ (hay Nam Kỳ) và sự chỗi dậy của “nhà Nguyễn trung hưng” (Nguyễn Ánh)
Kể từ khi để mất Phú Xuân vào tay chúa Trịnh (1775) và rút chạy vào Gia Định, nhất là, từ khi chúa Nguyễn Phúc Thuần và con cháu bị Tây sơn tiêu diệt (1777), cơ đồ nhà Nguyễn được trao vào tay Nguyễn Phúc Ánh, một người thuộc hoàng tộc Nguyễn nhưng không thuộc diện được kế vị.
Sau nhiều năm tháng thăng trầm và thất điên bát đảo gần như sắp bị tiêu diệt với sáu lần hành quân truy kích của lực lượng Tây Sơn từ năm 1776-1785, Nguyễn Ánh nhờ những cơ duyên và may mắn thuận lợi của một vùng “đất mới” trù phú và giàu có, mênh mông và dễ sống…; lại đang giang tay tiếp nhận mọi nguồn hổ trợ (nhất là đế quốc Pháp qua trung gian của Đức Giám Mục Bá Đa Lộc)[72], khao khát cháy bỏng xây dựng lại cơ đồ, nên chẳng bao lâu, lực lượng phục quốc của Nguyễn Ánh đã mạnh lên và tiến trình “trung hưng” bắt đầu.
Cột mốc đầu tiên cho việc trung hưng nhà Nguyễn có thể nói được bắt đầu với việc Nguyễn Ánh xưng vương năm 1780[73], cho dù mới 18 tuổi và dưới cái bóng của Đỗ Thành Nhân, một trong “Gia Định tam hùng”[74]. Tuy nhiên, thực quyền chỉ về tay Nguyễn Ánh khi “thủ lãnh quân Đông Sơn bị tiêu diệt”[75]; và chiến dịch trung hưng bắt đầu có cơ sở và thuận lợi khi lực lượng Nguyễn Ánh tái chiếm Gia Định, thủ phủ miền nam của Tây Sơn, năm 1788[76].
Lợi dụng việc phân tán lực lượng của triều Tây Sơn với Nguyễn Huệ ở mặt trận quân sự và chính trị tại Bắc Hà, nhất là sau cuộc đại thắng quân Thanh và xóa sổ nhà Lê cùng với sự yếu kém của Đông Định Vương Nguyễn Lữ cai quản miền Nam, Nguyễn Ánh từng bước thâu tóm lại lãnh thổ từ Gia Định-Đồng Nai tới Bình Thuận Diên Khánh. Và thời điểm quyết định đã tới sau cái chết của hai anh em rường cột của phong trào Tây Sơn Nguyễn Huệ (1792) và Nguyễn Nhạc (1793), lực lượng Nguyễn Ánh đánh tan thủy quân Tây Sơn tại cảng Thị Nại, chiếm Phú Xuân năm 1801, thu hồi Thăng Long năm 1802[77], tiếp nối và hoàn chỉnh công cuộc thống nhất đất nước mà triều đại Tây Sơn đã xây dựng cách dang dở.
Lịch sử Việt Nam trong giai đoạn vua Quang Trung đánh bại quân Thanh và giải tán nhà Lê ở Thăng Long Bắc Hà năm 1789 và chúa Nguyễn Ánh chiếm lại Gia Định ở Nam Bộ năm 1788 cho đến khi Gia Long thống nhất đất nước năm 1802, đã cho thấy đất nước chìm trong những cuộc giao tranh khốc liệt giữa quân Tây Sơn và quân Gia Định[78] nên chẳng có một đường phân ranh biên giới nào, khái niệm lãnh thổ “Đàng Trong”, “Đàng Ngoài” gần như không còn tồn tại xét về mặt “địa lý hành chánh”. Vì thế, đó cũng là giai đoạn bắt đầu hình thành địa lý của ba vùng mang tính thổ nhưỡng văn hóa là Bắc, Trung, Nam như đã nói ở trên.
5. Việt Nam với lãnh thổ “Ba Kỳ”
Sau khi chiếm Thăng Long và tiêu diệt triều Nguyễn Tây Sơn năm 1802, Gia Long chính thức lên ngôi Hoàng Đế và được nhà Thanh Trung quốc truy nhận là Việt Nam Quốc vương năm 1804[79]. Có thể nói, nhờ việc “dọn đường thống nhất” của nhà Nguyễn Tây Sơn, nhất là vua Quang Trung Nguyễn Huệ, mà “nhà Nguyễn” của một “vương quốc Đàng Trong” nhỏ hẹp qua “9 đời chúa” đã trở thành “Triều Nguyễn” với một cõi sơn hà thống nhất với Hoàng đế chấp chánh từ Bắc xuống Nam; một kết quả tuyệt vời mà nếu không có “phong trào Tây Sơn”, không biết nhà Nguyễn có trụ được bên nầy bờ sông Gianh khi đối diện với thế lực mang tính chính quy của Đàng Ngoài vua Lê-Chúa Trịnh; bằng chứng là năm 1775, quân chúa Trịnh đã vượt sông Gianh chiếm Phú Xuân và đuổi triều thần chúa Nguyễn rút chạy vào Gia Định !
Cho nên, dù Gia Long có đánh bại Tây Sơn, và sau đó, đã trả thù những người của nhà Tây Sơn một cách tàn bạo, như cách ứng xử của “kẻ tiểu nhân”[80], thì công tâm mà xét, việc thống nhất đất nước từ Nam chí Bắc phải dành công đầu cho triều đại Tây Sơn, nhất là cho vị Hoàng đế đầu tiên của một quốc gia An Nam thống nhất đó là Quang Trung Nguyễn Huệ !
5.1. Vua Minh Mạng và việc thiết đặt “Ba Kỳ” năm 1832
Đất nước Việt Nam chính thức là một dải sơn hà thống nhất kể từ khi nhà Nguyễn Gia Long đánh bại nhà Nguyễn Tây Sơn (1802). Từ đó, không còn hiện hữu hai vùng địa lý tách biệt và đối nghịch (như hai vương quốc) mang tên Đàng Trong – Đàng Ngoài (thời Trịnh Nguyễn phân tranh) hay Bắc Hà – Nam Hà (thời Tây Sơn và Lê-Trịnh). Đặc biệt, sau khi vua Minh Mạng định đặt lại địa giới hành chánh cho cả nước (trong cuộc cải cách hành chành từ năm 1831-1832), thì vương quốc Đại Nam vào năm 1832 gồm có Ba Kỳ: Nam Kỳ, Trung Kỳ và Bắc Kỳ[81]. Riêng địa danh “Nam Kỳ lục tỉnh” cũng xuất phát từ cuộc cải cách hành chánh nầy[82]. Như vậy, có thể nói được, kể từ năm 1832, khái niệm hay tên gọi “Đàng Trong, Đàng Ngoài” chính thức không còn tồn tại, ít ra là về phương diện địa lý hành chánh.
5.2. Địa danh “Nam Kỳ” (Cochinchine), “Trung Kỳ” (An Nam), “Bắc Kỳ” (Tonkin) thời Pháp thuộc
- Khi người Âu Châu, đặc biệt là Pháp và Tây Ban Nha lầ đầu gây chiến với Việt Nam, kể từ cuộc chiến đầu tiên ngày 1.9.1858 ở của biển Đà Nẵng, cho đến những cuộc chiến ở miền Bắc lẫn miền Nam từ 1859 – 1874 mà đỉnh điểm của hệ lụy chiến tranh xâm lược và chiến tranh vệ quốc của thời nầy đó là hai Hiệp ước: Hiệp ước Nhâm Tuất (5-6-1862) và Hiệp ước Giáp Tuất (15-3-1874)[83]. Với hai Hiệp ước nầy, địa chính trị Việt Nam đã xuất hiện danh xưng của ba vùng lãnh thổ:
- Nam Kỳ thuộc địa hay Nam Kỳ thuộc Pháp (Cochinchine Francaise) bao gồm Nam Kỳ Lục tỉnh (3 tỉnh Miền Đông: Gia Định, Biên Hòa, Định Tường; 3 tỉnh Miền Tây: Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên). Theo nhiều tác giả, vùng đất “Nam Kỳ Lục Tỉnh” nầy còn được gọi “Basse Cochinchine”[84] để phân biệt với “Haute Cochinchine” và “Moyenne Cochinchine”[85].
- Trung Kỳ (Annam) và Bắc Kỳ (Tonkin) thuộc chủ quyền của Triều đình Huế nhưng được Pháp bảo hộ.
5.3. Ba Kỳ thời Liên Bang Đông Dương (1887-1945)
- Ngày 17.10.1887: Pháp chính thức thành lập Liên Bang Đông Dương (Union Indochinoise hay Fédération Indochinoise hay Indochinoise Francaise)[86] gồm Nam Kỳ (Cochinchine), Trung Kỳ (Annam), Bắc Kỳ (Tonkin) và Campuchia; sau có Lào gia nhập 1893 và Quảng Châu Loan của Trung Quốc nhập năm 1900. Riêng Nam Kỳ theo chế độ “Thuộc địa” do Pháp cai trị trực tiếp; còn Trung Kỳ, Bắc Kỳ, Campuchia… theo chế độ Bảo Hộ… Như vậy, có thể nói được, kể từ năm 1887, danh xưng “Nam Kỳ” hoàn toàn thay thế cho từ “Đàng Trong” mặc dù người Tây vẫn sử dụng một từ cũ: Cochinchine.
Chính vì thế, các tư liệu lịch sử Tây Phương, đặc biệt là Pháp, liên quan đến giai đoạn từ sau năm 1832 thời Minh Mạng, hoặc sau Hiệp ước Giáp Tuất (1874), hay chính xác, kể từ sau khi thành lập Liên Bang Đông Dương (1887), khi gặp danh xưng Cochinchine thì phải hiểu (hoặc dịch sang tiếng Việt) đó là Nam Kỳ chứ không phải Đàng Trong.
Cho nên, về mặt địa lý hành chánh của xã hội, thay vì nói “In typo kiểu phương Tây được đưa vào Đàng Trong năm 1862… Đàng Ngoài năm 1883…” thì phải nói “…. Nam Kỳ năm 1862… Bắc Kỳ năm 1883”.
5.4. Nam Việt Nam (South Viet-Nam) – Bắc Việt Nam (North Viet-Nam)
Từ cuối thế kỷ 19, hay chính xác hơn, từ khi quân Pháp nổ phát súng đầu tiên khai mào cho cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam tại Đà Nẵng năm 1858 cho đến khi kết thúc “chiến tranh Đông Dương” (Lần I) với hiệp định Genève được ký kết vào 20-21.7.1954, đất nước Việt nam lại rơi vào một giai đoạn chiến tranh liên miên; vừa chiến tranh với các thế lực ngoại quốc (chủ yếu là đế quốc Pháp), vừa là những cuộc chiến tranh nội bộ, phe cánh; kể cả những cuộc bách hại đẩm máu người Công Giáo của triều đình nhà Nguyễn.
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ (7.5.1954), nước Pháp bị buộc phải ngồi vào bàn hội nghị để ký kết Hiệp Định Genève (20-21/7/1954) để chấm dứt chiến tranh và tái lập hòa bình trên bán đảo Đông Dương; lấy vĩ tuyến 17 với cầu Hiền Lương trên sông Bến Hải làm ranh giới tạm thời phân đôi đất nước để chờ ngày tổng tuyển cử và thống nhất[87].
Tuy nhiên, cũng từ sự kiện quốc tế đặc biệt nầy, cùng với bao nhiêu hệ lụy chính trị phức tạp của thế giới và khu vực, sông Bến Hải lại trở thành một lần nữa “con sông Gianh hay sông Lam” phân chia hai “đàng” Nam, Bắc. Và cũng chẳng khác gì “cuộc chiến Trịnh – Nguyễn phân tranh” hay cuộc đối đầu giữa “Đàng Ngài – Đàng Trong” diễn ra suốt nửa thế kỷ 17, cuộc “chiến tranh Đông Dương” (lần II) giữa Việt Nam Cộng Hòa (Nam Việt Nam) và Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (Bắc Việt Nam) đã đi qua 20 năm đau thương và máu đổ, cho đến ngày ngưng tiếng súng (30.4.1975).
Và danh xưng địa lý “Nam Việt Nam” và “Bắc Việt Nam”, có thể nói được, đã tồn tại từ năm 1955 đến 1975, khi hai thực thể chính trị của hai vùng Nam Bắc không tìm được tiếng nói chung để thi hành triệt để các điều khoản mà Hiệp định Genève đã đề ra (các điều khoản chính của Hiệp Định cũng như các thỏa thuận trong Tuyên Bố Chung kết) như tín hiệu của một niềm hy vọng.
5.5. Địa danh “Nam Kỳ - Cochinchine” lại một thời trôi nổi
- Ngày 9.3.1945: Nhật đảo chánh Pháp và chiếm toàn cõi Đông Dương, thiết lập chế độ “Đế quốc Việt Nam” với chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim và vua Bảo Đại dưới sự bảo hộ của Nhật; và kể từ tháng 8 năm 1945, toàn bộ lãnh thổ thuộc Pháp đã được thu hồi. Riêng Nam Kỳ được đổi thành Nam Bộ.
- Ngày 14.8.1945: Nhật đầu hàng Đồng Minh, kết thúc thế chiến II. Ngày 23.8.1945, Bảo Đại tuyên bố thoái vị. Chế độ “Đế quốc Việt Nam” sụp đổ sau 5 tháng.
- Ngày 2.9.1945: Hồ Chí Minh đọc tuyên ngôn độc lập chính thức thành lập Nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa.
- Ngày 23 tháng 9 năm 1945, Pháp đã nổ súng gây chiến ở Sài Gòn rồi mở rộng đánh chiếm Nam Bộ. Pháp đã lập ra thể chế Nam Kỳ quốc hòng tách khu vực này ra khỏi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
- Ngày 8.3.1949: Hiệp định Élysée (Accords de l’Élysée) được ký kết giữa Cựu hoàng Bảo Đại và Tổng thống Pháp Vincent Auriol để thành lập “Quốc Gia Việt Nam” (État du Viet Nam) nằm trong Liên Hiệp Pháp để sau đó, ngày 22 tháng 5 năm 1949, Quốc hội Pháp chính thức bỏ phiếu thông qua việc trao lãnh thổ Nam Bộ cho Quốc gia Việt Nam quản lý về hành chính.
- Ngày 26.10.1955, sau cuộc trưng cầu dân ý, truất phế Bảo Đại, Tổng Thống Ngô Đình Diệm thành lập nước Việt Nam Cộng Hòa trên phần lãnh thổ Miền Nam (từ vĩ tuyến 17 trở vào). Từ đây, phần đất Nam Bộ được đặt tên là Nam Phần với Tây Nam phần (Cochinchine Occidentale) và Đông Nam phần (Cochinchine Orientale)[88]. (x. PHAN HUY LÊ, Vùng đất Nam Bộ)[89].
Chúng ta vừa bàn đến câu chuyện về địa danh “Đàng Trong”, “Đàng Ngoài” và một số địa danh liên quan khác trải qua dòng lịch sử “địa chính trị” tại Việt Nam qua chiều dài 6 thế kỷ (từ thế kỷ 15-20). Vì các “địa danh” trên lại có quan hệ mật thiết đến công cuộc truyền giáo của Đạo Công Giáo từ những bước “khai hoang vỡ đất” cho đến khi chính thức hình thành các Giáo phận chính thức, nên chúng ta cũng cần trao đổi thêm về cách sử dụng các địa danh nầy trong môi trường mục vụ của Giáo Hội Công Giáo.
1. Đàng Trong, Đàng Ngoài: địa chỉ của “mối tình đầu”
1.1. Thời điểm, địa điểm và nhân vật vẫn còn tồn nghi
Khi nói đến lịch sử truyền giáo của Đạo Công Giáo, thì có nhiều tài liệu trong cũng như ngoài Giáo Hội thường chọn năm 1533 như là cột mốc đầu tiên; một chi tiết thuộc nguồn “Dã lục” được “chua” thêm của bộ chính sử triều Nguyễn “Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục” được soạn và phát hành vào triều vua Tự Đức (Soạn: 1856; Phát hành: 1884)[90]. Đây là thời mà cuộc bách hại Công Giáo đang tới hồi đỉnh điểm.
Tuy nhiên, theo nhiều nhà nghiên cứu hiện nay, cả hai chi tiết thời điểm 1533 và nhân vật I-nê-xu được “chua thêm” của bộ Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục vẫn là một giả thuyết còn tồn nghi; nhất là các chi tiết đó lại liên quan đến một tài liệu thuộc “truyện ký dã sử” có nội dung và chủ đích bôi nhọ và bài bác Công Giáo mang tên “Tây Dương Gia Bí lục” xuất hiện trước đó (Khởi thảo: 1794; in: 1812)[91]. Trong khi đó, cho đến nay, chưa tìm được một manh mối nào liên quan đến “hai chi tiết” đó từ kho tàng lịch sử trong cũng như ngoài Giáo Hội tại Âu Châu, Ấn Độ, Nhật Bản… những nơi xuất phát của hầu hết các nhà thừa sai đến truyền giáo tại Việt Nam thuở ban đầu.
1.2. “Mối tình đầu truyền giáo” hay cuộc gặp gỡ đầu tiên của các thừa sai: Năm 1615
Nói đến lịch sử truyền giáo tại Việt Nam, cột mốc thời gian khả tín nhất đó chính là năm 1615. Thật vậy, theo những “chứng nhân trong cuộc” (các thừa sai như Cristoforo Borri, Alexandre De Rhodes…) và các Báo Cáo chính thức của Dòng Tên, thì chúng ta có chứng tích rõ ràng về thời điểm, địa điểm cũng như nhân vật lần đầu tiên đặt chân đến Việt Nam: Do cuộc bách hại tại Nhật Bản, nhất là chỉ dụ cấm đạo 14.02.1614, các thừa sai bị buộc rời khỏi nước Nhật cùng với những thông tin thuận lợi và hấp dẫn của thuyền trưởng thương gia Ferdinand Costa về xứ Đàng Trong, Bề trên tỉnh dòng Macao của Dòng Tên Valentim Carvalho đã cử phái đoàn truyền giáo đầu tiên đến Đàng Trong gồm ba người: Cha Buzomi (người Ý là Trưởng đoàn), cha Diogo Carvalho và tu huynh Antonio Dias (người Bồ). Các ngài đã cập bến Đàng Trong tại Cửa Hàn ngày 18.01.1615[92].
1.3. Ấn tượng ban đầu về hai xứ Đàng Trong, Đàng Ngoài
- Cristoforo Borri với Đàng Trong: Đến Đàng Trong năm 1618, tức thời chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên đang cai quản vùng đất Thuận Hóa tới Qui Nhơn mà người ngoại quốc (Bồ Đào Nha) thời ấy gọi là Cochinchina, vị giáo sĩ nầy đã tường thuật khá tỉ mỉ về địa lý, chính trị, xã hội, văn hóa, phong tục…; và xem ra rất ưu ái vùng đất đầu tiên gặp gỡ nầy:“Tôi chỉ nói đến Đàng Trong bởi vì chỉ với nơi đây người Bồ Đào Nha mới giao thương và chỉ trong vùng đất này những giáo sĩ mới đến đặt nền móng cho Cơ Đốc giáo”[93].
- Alexandre de Rhodes với Đàng Ngoài: mặc dù đến Đàng Trong sau thế hệ đàn anh 9 năm (1624), nhưng thừa sai Alexandre de Rhodes, người có công kiện toàn và phát triển chữ Quốc ngữ trong giai đoạn đầu, cũng là người cho thế giới và chúng ta biết nhiều chuyện về xứ Đàng Ngoài, sau khi đặt chân lên vùng đất nầy lần đầu tiên ngày 18.03.1627: “Tôi biết bởi đâu đất nước rất đẹp này lại không được biết tới, bởi đâu các nhà địa lý châu Âu không biết tới tên gọi và gần như không ghi trong bản đồ nào cả, tuy họ chép đầy đủ tên các nước trên thế giới. Là vì họ lẫn với một nơi trùng với tên xứ này. Về xứ này họ chỉ đưa ra những lời dối trá làm cho những ai đến đây phải phì cười. Họ chỉ dựa theo sách vở và tự coi là nhà bác học, thế rồi người ta nhai lại những sai lầm của người viết sách”[94]. Và cái “xứ này” đó chính là “Đàng Ngoài” (Tonkin), được coi như “đại diện chính thức” của đất nước Việt Nam thuở ấy: Nước Việt chúng ta mà thời điểm khi thừa sai Đắc Lộ lần đầu đặt chân đến Đàng Trong (1624) và Đàng Ngoài (1627) lại là một đất nước đang trong tình trạng “chia cắt chính trị” với hai miền “xứ Bắc”, “xứ Nam” hay “Đàng Ngoài”, “Đàng Trong” như chúng ta đã trao đổi[95].
2. Đàng Trong – Đàng Ngoài: địa bàn mục vụ được chính thức thiết lập và phát triển
2.1. Năm 1659: Thiết lập hai Giáo phận Tông Tòa Đàng Ngoài và Đàng Trong
Ngày 9.9.1659, với Sắc chỉ Super Cathedram, Đức Giáo Hoàng Alexandro VII đã thiết lập hai Giáo phận Tông Tòa Đàng Ngoài và Đàng Trong và giao cho hai Giám Mục: Lambert de La Motte: Đại diện Tông Tòa Đàng Trong (Vicario apostolico in regno Cocincinae) và François Pallu: Đại diện Tông tòa Đàng Ngoài (Vicari apostolico in regno Tunchini)[96].
Như vậy, kể từ 1659, Việt Nam chỉ có hai giáo phận tông tòa Đàng Trong và Đàng Ngoài. Riêng địa bàn Đàng Trong (Cochinchine) lúc bấy giờ, theo sách Quốc Sử Quán Triều Nguyễn, có lãnh địa từ Sông Gianh cho đến sông Phan Rang[97]. Như vậy, về phương diện Giáo Hội, kể từ năm 1659, giáo phận Tông Tòa Đàng Trong (Cochinchine) có địa bàn mục vụ là “vương quốc Đàng Trong” từ Sông Gianh vào đến sông Phan Rang (và một số tỉnh thuộc Trung Hoa); sau đó (năm 1665) có thêm một số địa bàn mục vụ phía nam bao gồm cả Chiêm Thành và Cao Miên phát sinh theo yêu cầu mục vụ và sự chuẩn nhận của Tòa Thánh[98].
Như vậy có thể nói được, kể từ năm 1665, tại Việt Nam, “Đàng Trong” (Cochinchine) theo địa bàn mục vụ” hay theo phương diện Giáo Hội là vùng đất bao gồm “vương quốc Đàng Trong thuộc chúa Nguyễn” cùng với lãnh thổ của vương quốc Chàm và Chân Lạp; có nghĩa từ Sông Gianh tới tận Campuchia; và “Đàng Ngoài” (Tonkin) là địa bàn thuộc “vương quốc Đàng Ngoài” từ Sông Gianh đến hết miền Bắc... Vì thế, “địa bàn mục vụ Đàng Trong” của Giáo Hội lúc bấy giờ rộng lớn hơn “địa bàn hành chánh Đàng Trong” của chúa Nguyễn.
2.2. Năm 1679: Hai Giáo phận Tây Đàng Ngoài và Đông Đàng ngoài:
Năm 1679, Đức Giáo Hoàng Innocens XI thiết lập hai giáo phận Tây Đàng Ngoài và Đông Đàng ngoài[99]. Như vậy, kể từ sau năm 1679, không còn “giáo phận Tông Tòa Đàng Ngoài” mà là hai giáo phận Tây Đàng Ngoài và Đông Đàng Ngoài. Cho nên, những gì liên quan đến Giáo Hội Công Giáo trong khoảng thời gian sau năm 1679, phải nói rõ thuộc Tây Đàng Ngoài hay Đông Đàng Ngoài chứ không thể nói chung chung thuộc Đàng Ngoài. Dĩ nhiên, về sau càng thêm nhiều Giáo phận được thiết lập…
2.3. Năm 1844: Hai giáo phận Tây Đàng Trong và Đông Đàng Trong:
Theo thỉnh cầu của Đức Cha Cuénot Thể, với Tự sắc Exponendum Nobis Curavit, năm 1844 Đức Giáo Hoàng Gregorio XVI thành lập hai giáo phận Tây Đàng Trong: gồm 6 tỉnh Nam Kỳ (Nam kỳ lục tỉnh) và nước Cao Miên. Giáo phận Đông Đàng Trong từ Phan Rang tới Quảng Bình (Sông Gianh)[100].
Như vậy, nếu ngoài đời, kể từ năm 1832, không còn vùng đất Đàng Trong, thì trong Giáo Hội, kể từ năm 1844, tức sau quyết định phối trí “Ba Kỳ” của vua Minh Mạng 12 năm, cũng không còn “địa bàn mục vụ “Đàng Trong” mà chỉ có hoặc Tây Đàng Trong hoặc Đông Đàng Trong. Cho nên, những gì liên quan đến danh xưng địa bàn mục vụ của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam trong khoảng thời gian từ sau 1844 thì phải xác định rõ thuộc Tây Đàng Trong hặc Đông Đàng Trong chứ không thể nói chung chung “Đàng Trong”.
2.4. Năm 1850: Giáo phận Bắc Đàng Trong
Ngày 27.08.1850, Đức Giáo Hoàng Pio IX ban sắc chỉ Postulat Apostolici cắt hai phần ba tỉnh Quảng Bình và trọn hai tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên để thiết lập Giáo phận Bắc Đàng Trong[101].
Như vậy, kể từ 1850, địa bàn mục vụ hay lãnh địa Giáo phận gọi là Đàng Trong “của 1659” đây bây giờ đã được phân chia thành ba: Bắc Đàng Trong (Quảng Bình tới Thừa Thiên); Đông Đàng Trong (Quảng Nam tới Phan Rang); Tây Đàng Trong (Nam Kỳ lục tỉnh và Campuchia). Theo linh mục sử học của Hội thừa Sai Paris, cha Adrien Launay[102], trong tác phẩm Histoire de la Mission de Cochinchine 1658-1823, đặc biệt cuốn III, khi tường thuật công cuộc truyền giáo tại Đàng Trong vào giai đoạn từ 1771-1823 thì đã phân vùng thành: Haute Cochinchine, Moyenne Cochinchine và Basse Cochinchine gần như trùng khớp với ba giáo phận trên: Haute Cochinchine tức Bắc Đàng Trong; Moyenne Cochinchine tức Đông Đàng Trong và Basse Cochinchine tức Tây Đàng Trong[103].
Cho nên, những gì liên quan đến “địa lý mục vụ” (thuộc Đàng Trong cũ) của Giáo Hội Công Giáo tại Việt Nam trong khoảng thời gian sau năm 1850 thì phải nói rõ tại Bắc Đàng Trong, Đông Đàng Trong hoặc Tây Đàng Trong…; và dĩ nhiên, lịch sử càng về sau thì địa bàn mục vụ càng thay đổi.
Hiện nay, toàn thể Giáo Hội tại Việt Nam đã có 27 Giáo phận thuộc 3 Giáo tỉnh: Giáo tỉnh Hà Nội với 11 Giáo phận (từ Quảng Bình trở ra); Giáo tỉnh Huế với 6 Giáo phận (từ Quảng Trị tới Ninh Thuận và vùng Tây Nguyên); Giáo tỉnh Sài Gòn với 10 Giáo phận (từ Bình Thuận tới Cà Mau…). Cách phối trí Giáo Tỉnh trên phần nào tương hợp với địa danh Ba Kỳ có từ thời Minh Mạng (1832): Bắc Kỳ (Giáo tỉnh Hà Nội); Trung Kỳ (Giáo tỉnh Huế) và Nam Kỳ (Giáo tỉnh Sài Gòn).
Chỉ từ một “câu chuyện nhỏ” liên quan đến hai từ “Đàng Trong”, “Đàng Ngoài” mà “xé ra to” như những gì đã chia sẻ ở trên thì quả thật cũng không hay lắm! Tuy nhiên, vùng đất nào, quê hương nào cũng gắn liền với lịch sử, với những dòng biến thiên ghi đậm dấu vết của con người, của sự sống, sự chết cùng bao nhiêu kỷ niệm, giai thoại, biến cố… làm nên những giá trị nhân văn bất biến, mà hình như mấy câu thơ trong bài “Tiếng Hát con tàu” của cố thi sĩ Chế Lan Viên đã cảm nhận dùm:
Nhớ bản sương giăng, nhớ đèo mây phủ
Nơi nào qua, lòng lại chẳng yêu thương?
Khi ta ở, chi là nơi đất ở
Khi ta đi, đất đã hoá tâm hồn!
Vâng, Đàng Trong hay Đàng Ngoài, Bắc Kỳ hay Nam Kỳ… hai vùng đất của Mẹ Việt Nam đã trải qua bao nhiêu chặng đường mà máu xương cùng mồ hôi nước mắt đã thấm đẩm trên từng gốc cây, ngọn cỏ, từng dòng sông bến cảng đến núi thẳm rừng thiêng… mà khi ta đọc lại, nhớ lại, nhìn lại… thì quả thật “đã hóa tâm hồn” !
Ôn lại một chút lịch sử liên quan đến những địa danh nầy, quả thật, không ngoài một chút cảm nhận: để luôn được lớn lên qua “mái trường mang tên lịch sử”; một điều mà hơn hai ngàn năm trước, văn hào Cicero[104] của đế quốc Rôma cũng đã từng cảm nhận: “Dốt nát về những chuyện xảy ra trước khi ta sinh chẳng khác nào luôn luôn mãi là đứa trẻ” (Nescire autem quid antequam natus sis acciderit, id est semper esse puerum).
TÀI LIỆU THAM KHẢO
I. TÁC GIẢ NGOẠI QUỐC (Theo thứ tự ABC):
1. A. BOUNAIS, La Basse-Cochinchine et les intérêst francais en Indo-Chine, en 1884, Rouen Imprimerie de Espérance Cagniard, 1884.
2. ADRIEN LAUNAY, Histoire de la Mission de Cochinchine, Documents historiques, I, II, III, P. Tequi, Paris 1923.
3. ALEXANDRE DE RHODES, Hành trình và truyền giáo, (Divers voyages et missions), bản dịch Việt ngữ của Hồng Nhuệ, nxb Hồng Đức 2020.
4. ALEXANDRE DE RHODES, Lịch sử vương quốc Đàng Ngoài (Histoire du Royaume de Tunqin), Hồng Nhuệ Nguyễn Khắc Xuyên dịch, nxb Khoa Học Xã Hội 2016.
5. CHOI BYUNG WOOK, Vùng đất Nam Bộ dưới triều Nguyễn Minh Mạng (1820-1841), Lê Thùy Linh, Trần Thiện Thanh, Hoàng Anh Tuấn, Phạm Văn Thủy, Nguyễn Mạnh Dũng dịch, nxb Hà Nội 2019.
6. CRISTOFORO BORRI, Relation de la nouvelle mission des pères de la Compagnie de Jésus au Royaume de la Cochinchine (bản dịch tiếng Việt mang tựa đề “XỨ ĐÀNG TRONG”), Thanh Thư dịch, nxb Tổng Hợp Thành phố Hồ Chí Minh 2019.
7. GEORGE DUTTON, Cuộc nổi dậy của nhà Tây Sơn (The Tây Sơn uprising), Lê Nguyễn dịch và giới thiệu, nxb Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh 2016.
8. JOHN BARROW, A voyage to Cochinchina in the years 1792-1793 (Một chuyến du hành đến xứ Nam Hà 1792-1793), Nguyễn Thừa Hỷ dịch, nxb Thế Giới 2018.
9. OLGAR DROR & K.W.TAYLOR, Việt Nam thế kỷ XVII: Những góc nhìn từ bên ngoài (Christoforo Borri về Đàng Trong và Samuel Baron về Đàng Ngoài), Hoàng Tịnh Thủy dịch, nxb Đà Nẵng 2020.
II. TÁC GIẢ VIỆT NAM (Theo thứ tự ABC)
1. BAN BIÊN SOẠN LỊCH SỬ GIÁO PHẬN, Giáo phận Qui Nhơn qua dòng thời gian, nxb An Tôn & Đuốc Sáng 2017.
2. ĐẠI VIỆT SỬ KÝ TOÀN THƯ, Bản in nội các quan bản, mộc bản khắc năm Chính Hoà thứ 18 (1697), dịch và chú thích: Quyển thủ- Bản kỷ IV: Ngô Đức Thọ; Bản kỷ V-XIX: Hoàng Văn Lâu. Hiệu đính: Giáo sư Hà Văn Tấn, Nhà Xuất Bản Văn Học 2017.
3. ĐỖ QUANG CHÍNH, SJ., Dòng Tên trong xã hội Đại Việt 1615-1773, nxb Tôn giáo 2008.
4. HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM, Giáo Hội Công Giáo Việt Nam, Niên Giám 2016, nxb Tôn Giáo 2017.
5. HÀ VĂN THƯ - TRẦN HỒNG ĐỨC, Tóm tắt niên biểu lịch sử Việt Nam, nxb Văn Hóa Dân Tộc 2016.
6. LM. TRĂNG THẬP TỰ (Chủ biên), Hướng đến 400 năm Văn Học Công Giáo Việt Nam (1632-2032), Tài liệu phổ biến nội bộ.
7. NGUYỄN THỪA HỶ (Tuyển dịch, giới thiệu và bổ chú), Việt Nam thế kỷ XVII, XVIII, XIX, nxb Khoa Học Xã Hội 2020.
8. NGUYỄN QUANG NGỌC (Chủ biên), NGUYỄN THỊ HẬU, HÀ MINH HỒNG, TRẦN THỊ MAI, NGUYỄN ĐÌNH THỐNG, Hỏi đáp về lịch sử vùng đất Nam Bộ Việt Nam, nxb Đại học Quốc Gia tp. Hồ Chí Minh 2019.
9. NHIỀU TÁC GIẢ, Triều Nguyễn & Lịch sử của chúng ta, nxb Hồng Đức – Tạp Chí Xưa & Nay, 2017.
10. PHAN HUY LÊ (Chủ biên), Vùng đất Nam Bộ, Quá trình hình thành và phát triển, tập I, II, nxb Chính Trị Quốc Gia Sự Thật 2017.
11. PHAN HUY LÊ, BÙI ĐĂNG DŨNG, PHAN ĐẠI DOÃN, PHẠM THỊ TÂM, TRẦN BÁCH, Một số trận quyết chiến chiến lược trong lịch sử dân tộc, nxb Hồng Đức 2019.
12. PHAN KHOANG, Việt sử: Xứ Đàng Trong 1558-1777, Cuộc nam tiến của dân tộc Việt Nam, nxb Khoa Học Xã Hội 2017.
13. QUỐC SỬ QUÁN TRIỀU NGUYỄN, Đại Nam thực lục, tập Một.
14. TẠ CHÍ ĐẠI TRƯỜNG, Lịch sử nội chiến ở Việt Nam từ năm 1771 đến năm 1802, nxb Tri Thức 2016.
15. TRẦN THUẬN, Đàng Trong lịch sử và văn hóa, nxb Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh 2021.
(Chúa Nhật lễ Hiển Linh, 8/01/2023)
Nguồn: WHĐ (09.01.2023)
- SAMUEL BARON, một thương nhân theo đạo Tin Lành có cha là người Âu mẹ là người Việt, sinh tại Hà Nội từ khoảng cuối năm 1630 đến đầu năm 1640, hoạt động buôn bán tại Đàng Ngoài trong khoảng thời gian 1670-1680, viết xong tác phẩm “A Description of the Kingdom of Tonqueen” (Mô tả vương quốc Đàng Ngoài) khoảng năm 1685-1686 nhưng mãi tận cho tới năm 1732 mới được xuất bản tại London trong tuyển tập Collection of Voyages and Travels (Tuyển tập các chuyến hành trình và du ký) của Awnsham và John Churchil. (x. OLGAR DROR & K.W.TAYLOR, Việt Nam thế kỷ XVII, sđd, tr. 36; 178-205).