29/11/2016 -

Linh Đạo

2169
Ân Sủng Giảng Thuyết - Lm. Giuse Phan Tấn Thành, OP.

Ân Sủng Giảng Thuyết
(Gratia Praedicationis)

Lm. Giuse Phan Tấn Thành, OP.

 Dẫn nhập

Dĩ nhiên là có rất nhiều đường lối để trình bày nếp sống Đaminh. Cha D.A. Turcotte trong cuốnMéditations sur l’idéal dominicain (Montréal 1942) không những chỉ bàn về lý tưởng của Dòng Đaminh, mà còn đi sâu vào hết mọi góc cạnh của đời sống tu trì: sự hoàn thiện Đaminh, tông đồ Đaminh, vâng lời Đaminh, khiết tịnh Đaminh, khó nghèo Đaminh, linh đạo Đaminh, khổ chế Đaminh, kinh nguyện Đaminh, học vấn Đaminh, đức khôn ngoan Đaminh, tính đơn sơ Đaminh, lương tâm Đaminh, tình huynh đệ Đaminh, nét vui tươi của Đaminh, và chương cuối cùng bàn về Đức Mẹ với Dòng Đaminh. Còn Cha H. Vicaire, khi giới thiệu Dòng Đaminh trong lịch sử Giáo Hội, chỉ chú trọng tới một điểm là “nếp sống tông đồ” (vita apostolica: xc. Cv 4,32; 6,4; Lc 9,3; 10,7) tổng hợp các yếu tố: cộng đoàn, cầu nguyện, khó nghèo, phục vụ các linh hồn, chuyên cần học hành. Thêm vào đó là vài đặc trưng trong lối sinh hoạt: lề luật không buộc thành tội; quyền hành chia sẻ giữa bề trên và công hội; giảng thuyết; học vấn.[1] Thoạt tiên xem ra hai tác giả tượng trưng cho hai thái cực: một bên thì ngửi thấy mùi Đaminh phảng phất khắp mọi ngóc ngách; một bên thì chỉ nêu bật tính chất độc đáo ở một vài định chế mà thôi. Thực ra, hai lối tiếp cận ấy bổ túc cho nhau. Cha Vicaire cho ta thấy những yếu tố làm nên căn tính Đaminh, còn Cha Turcotte trải rộng ra cả suốt nếp sống cụ thể hàng ngày. Tôi xin lấy Cha Vicaire làm khởi điểm và Cha Turcotte làm bản đồ trên hành trình tìm hiểu Dòng Đaminh. Hôm nay, chúng ta tìm hiểu bản chất của Dòng qua chính danh hiệu mà Thánh Đaminh đã muốn đặt cho đoàn thể mà mình lập ra. Tại sao lại gọi là Dòng Giảng? (Cha nào mà chẳng giảng?). Chúng ta sẽ thấy rằng Cha Đaminh đã phải vận động tranh đấu xin Tòa Thánh cho lập một Dòng để đi giảng. Sau khi đề nghị được chấp thuận rồi, Cha lo tổ chức các cơ chế để đào tạo các chuyên viên đi giảng. Nói cách khác, “Linh đạo” của Dòng cốt để đào tạo những nhà giảng thuyết đích đáng.

I. ORDO PRAEDICATORUM

Danh hiệu này (được dịch là “Dòng Giảng thuyết” hay “Dòng Thuyết giáo”) đã quá quen thuộc với ta cho nên không thấy gây ngạc nhiên. Giả như có thắc mắc nào nảy lên thì chỉ là tại vì thấy nó nhạt nhẽo hầu như vô nghĩa: Linh mục nào mà chẳng giảng? Tại sao không tìm một tên khác kêu hơn? (thí dụ: Dòng Chân lý, Dòng Lời Chúa).

Để giải toả cho thắc mắc vừa nêu, thiết tưởng cần phải xác định ý nghĩa của “Ordo Praedicatorum” là gì, bởi vì nó không phải là “Dòng Giảng Thuyết” đâu! Từ ngữ này đã xuất hiện trong lịch sử Giáo Hội lâu lắm rồi.[2] Thực vậy, ngay từ thời các Giáo Phụ (cách riêng là trong các tác phẩm của Thánh Grêgôriô Cả),“Ordo Praedicatorum” ám chỉ các giám mục (Ordo Episcoporum). Nên biết là trong tiếng La tinh cổ, “Ordo” không phải là một “dòng tu”, nhưng là một hàng ngũ, một nhóm người (thí dụ: Ordo Virginum, Ordo Viduarum). Cũng theo nghĩa ấy mà “Bí tích Truyền Chức” được gọi là “Ordo, Ordinatio”, theo nghĩa là gia nhập một hàng ngũ (Ordo Diaconorum, Ordo Presbyterorum, Ordo Episcoporum). Theo nghĩa đen,“Ordo Praedicatorum” có nghĩa là hàng ngũ những giảng viên, nhưng Thánh Grêgôriô áp dụng cho hàng giám mục, những người lãnh sứ mạng “giảng” (praedicare) và “dạy” (docere). Như vậy, ba từ ngữ “Ordo Episcoporum, Ordo Praedicatorum, Ordo Doctorum” đồng nghĩa với nhau. Nói ngược lại: sứ vụ chính yếu của giám mục là giảng và dạy. Hai công tác này chiếm chỗ ưu tiên trong các hoạt động của giám mục (đi trước nhiệm vụ cai quản). Nói cho đúng, đối với giám mục hai chuyện “giảng và dạy” chỉ là một, bởi vì việc giảng thuyết của các giám mục không phải chỉ đánh động cảm tình nhưng là giải thích Kinh Thánh. Mặt khác, việc giảng dạy là “độc quyền” của các giám mục. Ai muốn giảng (kể cả các linh mục) thì cần có phép của giám mục. Cần phải nói thêm là các Giáo Phụ không ngừng nhắc nhở các giám mục là nghĩa vụ giảng dạy (bằng lời nói) cần được đi kèm với đời sống đạo hạnh (verbo et exemplo): các“Praedicatores” không những cần phải là “Doctores” mà còn là “Sancti Praedicatores”.

Tình trạng Giáo Hội vào thế kỷ XIII khá thê thảm: các linh mục không biết giảng thì đã đành rồi, nhưng nhiều giám mục vì khiêm tốn cũng không dám mở miệng. Khi cần phải giảng thì các ngài giở các bài chú giải của các Giáo Phụ để đọc (dịch từ tiếng La tinh ra tiếng bản quốc). Đã hơn một người chê trách các giám mục là “chó câm”[3] bởi vì không chịu rao giảng đang lúc nhân dân đang đói khát Lời Chúa. Cùng với việc rao giảng, các tín hữu và các Công Đồng còn mong đợi nơi giám mục sự hiểu biết về đạo lý để dạy dỗ và để chống lại các lạc thuyết: “Oportet praelatum esse doctorem”.[4] Ngoài thái độ câm lặng, các giám mục còn bị chế giễu vì tác phong vô luân, cách riêng là lòng ham mê của cải, mua thần bán thánh(tội simonia).

Đối lại với sự câm lặng của các giáo sĩ là sự nhiệt thành rao giảng của nhiều phong trào giáo dân. Thực là khó phân biệt đâu là “chính đạo” và đâu là “lạc đạo”, chẳng hạn như nhóm “Humiliati” ở Bắc Italia, các nhóm nghèo Lyon (Vaudois).

Từ đó ta có thể hiểu được mối bận tâm của Đức Giáo Hoàng Innocentê III (khởi đầu từ năm 1198 và đạt tới cao điểm tại Công Đồng Laterano IV năm 1215): một đàng cần thúc giục các chủ chăn thi hành sứ vụ giảng dạy; đàng khác phải kiểm soát các giảng viên nhiệt tình nhưng không phục tùng hàng giáo phẩm. Riêng về điểm thứ nhất, các giám mục được yêu cầu tuyển lựa những cộng sự viên để thực thi sứ vụ giảng dạy,[5] cách riêng trong việc bài trừ các lạc giáo. Dĩ nhiên các cộng sự viên được cung cấp từ các đan sĩ và các kinh sĩ.

Cha Đaminh đã lập Dòng trong bối cảnh ấy. Chúng ta hãy theo dõi công trình của Cha trong việc tổ chức một đoàn ngũ giảng viên (Ordo Praedicatorum): đối ngoại, phải “ngoại giao” với hàng giáo phẩm để được chấp nhận dự án; đối nội, phải thiết lập những định chế để đào tạo các giảng viên chuyên nghiệp.

II. ĐỐI NGOẠI: XIN PHÉP ĐI GIẢNG

Vào khoảng tháng 5-6 năm 1215, Đức Cha Foulques đã trao cho Cha Đaminh “bài sai” ấn định công tác như sau: “nhằm bứng nhổ sự tàn phá của bè rối, săn đuổi các tật xấu, dạy quy luật đức tin và tiêm nhiễm phong hóa tốt lành, chúng tôi thiết lập Cha Đaminh và các anh em đồng bạn làm những giảng viên trong giáo phận, mà tôn chỉ là ra đi rao giảng lời chân lý Tin Mừng trong tinh thần tu trì và sự khó nghèo Phúc Âm”.[6]

Nên lưu ý là giám mục coi nhóm của Cha Đaminh như là cộng sự viên của mình, với nhiệm vụ không những chỉ là tiễu trừ lạc giáo mà còn rao giảng đức tin và luân lý (thuộc nhiệm vụ giám mục).

Như đã có lần nhắc đến, cái nhìn của Đức Cha Foulques mang tính cách ngôn sứ, bởi vì sau đó mấy tháng, Công Đồng Laterano IV (12-30/11/1215) đã truyền cho các giám mục hãy bổ nhiệm các giảng viên để cộng tác thi hành phận sự rao giảng Lời Chúa, ngõ hầu cung cấp lương thực thiêng liêng cho các tín hữu.

Lúc ấy Cha Đaminh đang có mặt tại Rôma cùng với giám mục của mình. Sắc lệnh của Công Đồng đối với Cha đã “lỗi thời” (bởi vì giám mục Toulouse đã bổ nhiệm Cha làm giảng viên trong giáo phận rồi). Cha xin Đức Thánh Cha một điều mới hơn, đó là cho phép “đoàn giảng viên” của mình được quyền đi giảng trên khắp thế giới. Như chúng ta đã biết, đề nghị của Cha không được chấp thuận “simpliciter”, bởi vì Công Đồng vừa ra sắc lệnh cấm lập Dòng mới; nhưng chính Đức Thánh Cha đã tìm cách để “lách”, nghĩa là tìm cách núp dưới bóng của một bản Luật cổ nào đó. Chúng ta hãy gác chuyện lách qua một bên để chú trọng vào vấn đề chính yếu. Vào năm sau, Đức Giáo Hoàng Honorio III đã châu phê Dòng(với các bulla Religiosam vitam ngày 22/12/1216, Gratiarum omnium largitori ngày 21/1/1217), và còn giới thiệu với hàng giám mục thế giới qua 38 bulla trong khoảng thời gian từ 1218 cho đến 1221. Những văn kiện này không những xác định bản chất của Dòng[7] mà còn cho phép các thành viên của Dòng được đi giảng khắp thế giới. Nói cách khác, trước đây Cha Đaminh (và anh em) được đặt làm giảng viên cộng tác với giám mục Toulouse; thì từ nay về sau, anh em được Tòa Thánh đặt làm giảng viên để đi giảng khắp thế giới, mà khỏi phải xin phép các giám mục địa phương.[8]

Anh em ta đã hiểu như vậy, cho nên đã ghi vào Hiến Pháp rằng: khi tới một giáo phận nào thì hãy đến “thăm” giám mục nếu có thể được và hội ý với ngài ngõ hầu công việc mang lại kết quả khả quan.[9]

Trên thực tế, việc tiếp xúc với các giám mục (và các cha xứ) không phải chỉ được thúc đẩy do động lực thần học (thông hiệp với Hội Thánh!), nhưng nhiều lần vì nhu cầu thực tế. Lúc ấy Dòng mới thành lập, chưa có nhà thờ riêng, cho nên cần phải đi “mượn” địa điểm để hành nghề.

Đâu đâu và thời nào cũng có giám mục chịu chơi và giám mục khó chơi. Giả như một giám mục dùng quyền “veto” không cho giảng thì sao? Trong suốt thế kỷ XIII, nhiều chuyện tranh chấp đã xảy ra giữa Dòng (Đaminh cũng như các Dòng hành khất) với các giáo sĩ Triều, khiến Tòa Thánh lắm lần thấy lúng túng, đôi khi phải nhượng bên này lúc thì phải chiều bên kia.

Đức Giáo Hoàng Innocentê IV đã hạn chế quyền giảng của các Dòng hành khất (bulla Etsi animarum, ngày 21/11/1254): khi tới các xứ, cần phải có phép cha sở thì mới được giảng ở các nhà thờ giáo xứ. Tuy nhiên, nhưng vị kế nhiệm đã rút lại lệnh ấy: Đức Giáo Hoàng Alexandro IV buộc chỉ cần phải xin“jurisdictio” của Bản quyền chứ không cần phép của cha xứ (bulla Non sine multa, 30/3/1257). Đức Giáo Hoàng Martino IV đã trả lại các đặc ân cho Dòng, nghĩa là khỏi cần phải xin phép giám mục (bulla Ad fructus uberes ngày13/12/1281), cũng giống như hồi Thánh Đaminh. Thế kỷ XIII kết thúc với một đường lối thỏa hiệp của Đức Giáo Hoàng Bonifacio VIII (bulla Super cathedram18/2/1300): các tu sĩ phải đến xin giám mục “jurisdictio” để giảng; nếu ngài cho thì tốt, còn nếu không cho thì mới cần xuất trình “delegatio pontificia”.

Chúng tôi xin miễn theo dõi lịch sử cuộc tranh luận với hàng giáo phẩm địa phương ở các thế kỷ tiếp. Ngày nay, với Bộ Giáo luật 1983, các linh mục và phó tế được cấp năng quyền rộng rãi hơn để giảng.[10]Nhưng khi nhìn lại quá khứ, ta thấy dự án của Thánh Đaminh quả là táo bạo: ngài xin Tòa Thánh cấp giấy phép để thi hành một tác vụ vốn là độc quyền của hàng giám mục kế vị các tông đồ. Với phép này, các tu sĩ của Dòng được quyền giảng “ex professione sui ordinis”. Đồng thời, đặc ân của Tòa Thánh cũng đặt ra cho Cha Đaminh một trách nhiệm, đó là phải đào tạo những giảng viên. Dưới khía cạnh này, ta có thể nói được là tất cả cơ chế của Dòng (nghĩa là nội dung của Hiến Pháp) nhằm đến việc chuẩn bị các giảng viên xứng đáng, những giảng viên bằng lời nói và bằng cuộc sống: “verbo et exemplo”.

III. ĐỐI NỘI: ĐÀO TẠO CÁC GIẢNG VIÊN; KỶ LUẬT GIẢNG THUYẾT

Dòng Đaminh được gọi là “Ordo Praedicatorum”. Đây không phải chỉ là một tên đặt cho kêu. Danh hiệu này biểu lộ mục tiêu chính yếu của Dòng, như chúng ta đọc thấy ở lời mở đầu bản Hiến Pháp nguyên thủy: “Dòng được thành lập cốt để giảng thuyết và cứu rỗi các linh hồn” (Cum ordo noster specialiter ob praedicationem et animarum salutem ab initio noscatur institutus fuisse). Cũng nên biết là thậm chí mỗi tu viện cũng được gọi là “Praedicatio” (thí dụ: praedicatio Toulouse, Narbonne,...).[11]

Chúng ta có thể tìm thấy trong Hiến Pháp nguyên thủy của Dòng ba điểm giúp khám phá chân tướng của một nhà giảng thuyết theo ý định của Cha Đaminh: 1/ Những điều kiện để trở thành nhà giảng thuyết. 2/ Tác phong của nhà giảng thuyết. 3/ Việc đào tạo nhà giảng thuyết.[12]

A. Những điều kiện để được đi giảng

Như đã nói trên đây, theo giáo luật thời đó, các linh mục (và giáo dân) cần phải được phép của giáo quyền (giám mục hay giáo hoàng) thì mới được giảng; nhưng Cha Đaminh đã xin được phép của Tòa Thánh để các tu sĩ của mình được miễn xin phép giáo quyền địa phương khi đi giảng. Các tu sĩ của Dòng sẽ lãnh phép từ các bề trên của Dòng. Hiến Pháp nguyên thủy quy định điểm này ở số 20, về sự khảo hạch để được cấp “licentia et mandatum” đi giảng.[13]

1/. Thẩm quyền sát hạch: Bề trên cao cấp hay capitulum (lúc đầu là bề trên Tổng Quyền và Tổng Hội, sau đó nới rộng cho bề trên Tỉnh Dòng và Tỉnh Hội;[14] từ năm 1249-51, bề trên tu viện và ban cố vấn cũng được quyền cấp giấy phép).[15]

2/. Đối tượng kiểm tra: “de gratia praedicationis, quam eis Deus contulerit, et studio et religione et caritatis fervore, proposito ac intentione”.

a/. Gratia praedicationis (đôi khi cũng gọi là “gratia sermonis”). Từ ngữ này được hiểu theo nhiều nghĩa:[16]

- Tài hùng biện, biệt tài khéo nói (gratia eloquentiae), hấp dẫn, có duyên.

- Ơn gọi (vocatio, missio) đi giảng (gratia praedicandi a Deo collata, ex dono speciali).

- Ơn Chúa ban khi giảng (gratia in sermone, gratia in verbo, gratia in praedicatione), để cho lời giảng mang lại hiệu quả chẳng hạn như đánh động lòng người nghe (Theo lời khai của nhiều nhân chứng trong vụ án phong thánh, Cha Đaminh “khóc khi giảng và làm cho nhiều thính giả khóc theo”[17]).

b/. Những đòi hỏi khác: studium (học vấn), religio (kỷ luật tu trì), caritas (nhiệt thành trong lòng mến Chúa và yêu thương các linh hồn).

3/. Sau khi khảo xong, bề trên sẽ quyết định: hoặc phải học thêm, hay là cần đi thực tập với người từng trải, hay là được tự mình thi hành sứ vụ giảng thuyết (utrum ipsi fratres adhuc debeant in studio morari vel cum fratribus provectioribus in praedicatione exercitari vel idonei sint et utiles per se praedicationis officium exercere).

B. Tác phong của nhà giảng thuyết

Bản văn số 31 “De praedicatoribus” (được các sử gia đặt tên là “speculum praedicatorum”), tuy ngắn ngủi nhưng mô tả mẫu gương của giảng viên lý tưởng trong lúc “hành nghề”. Mẫu gương này họa lại lối sống mà Cha Đaminh đã thực hành từ năm 1205 và được củng cố trong văn kiện của Đức Cha Foulques năm 1215.

Qui, recepta benedictione, exeuntes, ubique tanquam viri qui suam et aliorum salutem procurare desiderant, honeste et religiose se habeant sicut viri evangelici, sui sequentes vestigia Salvatoris (cf. 1Pet. 2,21), cum Deo vel de Deo secum vel proximis loquendo, vitabunt suspiciosi comitatus familiaritatem.

Euntes vero ad iam dictum praedicationis officium exercendum vel alias itinerantes, aurum, argentum, pecuniam et munera (cf. Mt 10, 7.9), excepto victu et vestitu et necessariis indumentis et libris, nec accipient nec portabunt.

1/. Xét về tinh thần, nhà giảng thuyết phải tỏ ra như là con người của Tin Mừng (viri evangelici), đi theo Chúa Kitô, thể hiện qua đời sống khó nghèo, khiêm nhường:

- Chính trong bối cảnh của hoạt động giảng thuyết mà Hiến Pháp xen vào châm ngôn “cum Deo vel de Deo loquendo”: họ hãy nói với Chúa và về Chúa, khi đàm đạo với nhau (secum) hay khi chuyện trò với tha nhân. Động lực và mục tiêu của việc giảng thuyết là lòng khát khao phần rỗi của mình và của các linh hồn (như vậy là hơn các đan sĩ, chỉ lo phần rỗi của bản thân mà thôi).

- Hiến Pháp còn thêm hai trạng từ:

a/. Honeste (nết na, đứng đắn): đời sống luân lý gương mẫu (tránh những sự giao tiếp dễ sinh tai tiếng);

b/. Religiose (vào thời ấy, “religio” được hiểu là observantia canonice regularis: kỷ luật, đạo đức), bao hàm việc cầu nguyện, khổ chế. Nên biết là đối với Dòng Đaminh việc giảng thuyết cũng được kể như một trong những việc “khổ chế đạo đức”. Ngược lại, ai có đời sống bê bối sẽ bị phạt “cấm giảng” (CA I, 23).

2/. Ngoài tâm trạng nội tâm, Thánh Đaminh còn muốn anh em tuân giữ vài quy tắc kỷ luật bên ngoài nữa, đó là:

- Đi bộ (pedites) chứ không đi ngựa. Nên biết là luật không cấm đi ngựa khi cần di chuyển; tuy nhiên khi đi giảng thì buộc phải đi bộ; cùng lắm thì chống gậy.

- Ăn mặc thô sơ (vilitas), không mang theo tiền bạc (và cũng không được nhận tiền, và xin tiền vì bất cứ lý do gì); chỉ được mang những vật dụng cần thiết và sách vở (đặc biệt là quyển Kinh Thánh).[18]

C. Việc đào tạo các nhà giảng thuyết

Để đạt tới lý tưởng vừa nói, cần phải dự trù việc chuẩn bị xa và gần.[19]

1. Chuẩn bị xa

Sự chuẩn bị xa đồng nghĩa với sự huấn luyện (formatio) về ba mặt: Vita, Scientia, Sermo.[20] Toàn thể kỷ luật tu trì (khổ chế, ăn chay, cầu nguyện) nhằm rèn luyện sự thánh thiện cho nhà giảng thuyết. Riêng đối với các tu sĩ trẻ, Cha Đaminh nhấn mạnh đến việc học hành.

a/. Sự học hành được coi như một điểm canh tân đặc biệt của Thánh Đaminh trong lịch sử đời tu.[21] Việc học được coi như thành phần của “observantia canonica religionis”, tương đương với lao động chân tay nơi các Dòng cổ. Đối tượng của việc học là “Sacra Pagina” (Kinh Thánh). Việc học nhằm chuẩn bị thi hành sứ mạng giảng thuyết: “Cum ordo noster specialiter ob praedicationem et animarum salutem ab initio noscatur institutum fuisse, et studium[22] nostrum ad hoc principaliter ardenterque summo opere intendere, ut proximorum animarum utiles esse” (CA, Prologus, được trích lại trong LCO [“Hiến Pháp Nền Tảng”], số 77,1).

b/. Ngoài những khi phải đi dự lớp (trong thời gian từ một tới ba năm), tu sĩ còn phải học riêng. Việc học hỏi riêng tư được tóm lại trong vài từ ngữ: legere, scribere, orare.[23] Legere và scribere có thể hiểu là đọc sách và ghi chép; nhưng legere còn có thể hiểu theo nghĩa là suy niệm (lectio divina). Điều này khá rõ khi Hiến Pháp muốn cho cha giám sư hãy huấn luyện cho các tập sinh biết chuyên cần học hỏi: “dù ban ngày hay ban đêm, khi ở nhà hay lúc đi đường họ hãy đọc hay suy điều gì đó, và cố gắng ghi nhớ điều mình đọc”.[24] Việc học và cầu nguyện (lectio - meditatio) đi đôi với nhau

Trong các sách cần phải học và đọc, thì đừng kể Kinh Thánh, nên biết là vào thế kỷ XIII đã có những sách bài giảng (sermones). Có lẽ theo gót các Giáo Phụ, nhiều anh em (đặc biệt là các bề trên, giáo sư)ngay từ buổi đầu của Dòng đã để lại nhiều sách viết về bài giảng: Giorđanô, Tôma,...[25] Ngoài ra anh em cũng chuyền tay nhiều quyển sưu tập các “exempla” (những chuyện ngắn, rút từ Kinh Thánh, hạnh tích các thánh, chuyện cổ dân gian,...). Có lẽ tu sĩ Đaminh đầu tiên xuất bản loại sách này là Etienne Bourbon(De septem donis Spiritus Sancti, hay cũng gọi là Tractatus de diversis materiis praedicabilibus, viết khoảng năm 1250-61).

2. Chuẩn bị gần

Hiến Pháp nguyên thủy (cũng như công vụ các Tổng Hội và Tỉnh Hội) đã đề ra vài phương pháp để huấn luyện các tu sĩ trẻ tập luyện giảng.

a/. Thực tập trong tu viện. Các tập sinh đã có nhiều dịp nghe các bài giảng trong tu viện (bề trên giảng cho anh em; các linh mục giảng cho các tín hữu). Đến lượt mình phải tập giảng trước mặt cộng đoàn, tại một nơi gọi là “praedicatorium” (locus sermonis).

b/. Thực tập với các đàn anh. Các tu sĩ trẻ (gọi là exercitatores) được bề trên cử đi tháp tùng (socius) các cha giảng thuyết lành nghề (fratres provectiores). Những anh lớn có thể tùy nghi cho các em tập giảng: hoặc cho nhóm nhỏ hoặc tại một giáo họ (kèm theo những lời chỉ bảo cần thiết).

Sau một thời gian thực tập, tu sĩ có thể đi giảng “per se”. Khi đã cừ rồi, thì được gọi là “Praedicator Generalis”.[26]

IV. TRONG HIẾN PHÁP HIỆN NAY

Trên đây là những nét bàn về chân dung của nhà giảng thuyết trong Hiến Pháp nguyên thủy. Vì khuôn khổ bài viết có hạn, xin phép nhảy qua dòng thời gian để rảo qua vài nét chính trong Hiến Pháp hiện hành.

Đề tài giảng thuyết được bàn trong chương IV của Quyển Một, mang tựa đề: “Sứ vụ Lời Chúa” (De ministerio Verbi) từ số 98-153. Từ ngữ này không những gặp thấy trong Bộ Giáo Luật hiện hành (thiên I của Quyển Ba: “De divini verbi ministerio”), nhưng nhất là đã được Thánh Catarina sử dụng để mô tả đặc sủng của Dòng Đaminh (Sách “Đối Thoại”, chương 158). Nên ghi nhận là “Lời” được hiểu theo hai nghĩa: Lời Chúa vừa có nghĩa là Tin Mừng, vừa có nghĩa là Ngôi Lời.

Thực ra, những điểm cốt yếu về sứ mạng của Dòng đã được đề cập ngay từ Hiến Pháp căn bản: về mục tiêu của Dòng (§§1-2); về hoạt động rao giảng (§V).

Vài nhận xét:

- Tất cả sinh hoạt cầu nguyện, học hỏi, kỷ luật nhằm đào tạo sứ vụ giảng thuyết: lời giảng cần trào ra từ chiêm niệm (Const. Fundam. §IV).[27]

- Cần trau dồi tác phong đạo đức kẻo lối sống sẽ hủy hoại công trình của lời giảng (LCO 99,3).

- Việc huấn luyện khởi đầu cũng như việc thường huấn nhắm giúp cho tu sĩ thực hiện sứ vụ giảng thuyết được hữu hiệu hơn (thí dụ: LCO số 215; 219; 223; 251bis).

- Việc giảng thuyết là một công tác của cộng đoàn (Dòng, Tỉnh Dòng, hay tu viện). Vì thế cần phải thảo kế hoạch (LCO số 100), cũng như những hình thức ưu tiên (LCO số 106).

- Sứ vụ rao giảng hướng đến nhiều môi trường khác nhau: a/ dành cho người ngoại đạo (missio ad gentes: số 108); b/ dành cho những người đã theo đạo (LCO số 124), nghĩa là cộng đoàn Dân Chúa - gồm cả giáo sĩ và tu sĩ (LCO số 125), để giúp họ trưởng thành trong đức tin; c/ những vấn đề xã hội(LCO số 131-134).

- Những hình thức phục vụ Lời Chúa cũng đa dạng: giảng và dạy học đi với nhau (LCO số 102), giảng và giải tội (LCO số 105), đó là chưa kể các phương tiện truyền thông xã hội (LCO số 139).

Kết luận

1/. Trở lại với vấn nạn nêu lên ở đầu: cần gì phải lập Dòng Giảng? Cha nào mà chẳng giảng? Ôn lại bối cảnh lịch sử vào lúc lập Dòng, ta thấy Cha Đaminh không hề muốn dẫm chân lên các linh mục; Cha còn nhắm cao hơn nữa: thấy các giám mục không thi hành chức năng của mình, Cha tình nguyện đứng ra đảm nhận “sứ vụ tông đồ” (giảng và dạy) để giúp các ngài. Thánh Tôma Aquinô đã hiểu như vậy (II-II, q.184,7, 3m). Hiến Pháp hiện nay cũng hiểu như vậy (số 99§1: participatio muneris prophetici corporis episcoporum; xem thêm Hiến Pháp Nền Tảng §V: cooperatores ordinis episcopalis per sacerdotalem ordinationem effecti, ut proprium officium habemus munus propheticum).

2/. Nói thế không phải để đâm ra kiêu ngạo (đặt mình ngang hàng với các giám mục!) nhưng để hiểu phần nào tại sao mà tinh thần của Dòng Đaminh “bàng bạc”. Thế nào là bàng bạc? Từ điển tiếng Việt của viện Ngôn ngữ học định nghĩa “bàng bạc” là: “tràn ngập khắp nơi, không rõ nét, nhưng đâu cũng có”. Theo tôi nghĩ, nên phân biệt hai nghĩa của nó:

a/. Hiểu cách tiêu cực thì bàng bạc tương đương với tơ lơ mơ (“không rõ nét”);

b/. Hiểu cách tích cực thì bàng bạc có nghĩa phổ quát (“tràn ngập khắp nơi”), đối lại với cục bộ.

Chúng ta hãy hiểu theo nghĩa tích cực. Dòng Đaminh mang tính cách “phổ quát” về không gian: Thánh Tổ Phụ đã được chính thức bổ nhiệm làm giảng viên phụ tá giám mục Toulouse; nhưng người đã sang Rôma để xin Đức Thánh Cha cho phép được đi giảng trên toàn thế giới.[28] Từ đó, không còn thấy xuất hiện chữ “Toulouse” trong các văn kiện của Dòng nữa (khác xa với vài Hội Dòng nữ hiện tại: tên địa phận to hơn là tên Đaminh). Nhất là tính cách phổ quát được hiểu theo nghĩa nội dung sứ mạng: Cha Đaminh đảm một sứ vụ căn bản mà Chúa Kitô đã ủy cho các Thánh Tông Đồ (Mc 16,15; Mt 28,20); như vậy sứ mạng của Dòng bao trùm toàn thể sứ mạng của Hội Thánh. Vì thế khi trung thành phục vụ sứ mạng của Hội Thánh thì các tu sĩ Đaminh cũng trung thành với đặc sủng của mình (và ngược lại). Cha Vicaire đã đặt ở nhan đề cho quyển thứ hai cuộc đời Thánh Đaminh là “In medio Ecclesiae”. Tinh thần Đaminh không có tính cách cục bộ là thế đó! Đối lại, Giáo Hội không ngần ngại nhìn nhận đạo lý của Thánh Tôma Aquinô làm đạo lý chính thức của mình. Thực vậy, tuy Thánh Tôma đã để lại nhiều vết tích Đaminh khi biên soạn tác phẩm, nhưng thần học của Thánh Nhân không khép kín: tinh thần Đaminh cho phép người mở rộng ra tới mọi chiều kích của Hội Thánh. Thánh Tôma biết “đồng cảm với Hội Thánh”.

3/. Đầu đề của bài này là “Gratia Praedicationis”. Như đã nói trên đây, từ ngữ này có thể được hiểu nhiều nghĩa khác nhau. Truyền thống của Dòng cũng thích chơi chữ, cốt để lột ra nội dung súc tích của nó. Một đàng ta có “Gratia Praedicationis” (hay: Gratia Sermonis). Và “nói lái” ra thì thành “Praedicator Gratiosus”: vừa có thể hiểu là người có tài giảng thuyết (hùng biện, giảng hay), hoặc là người được Chúa ban ơn giảng có kết quả thiêng liêng.[29] Xoay thêm một vòng nữa thì sẽ ra “Praedicator Gratiae”. Đây là một đặc trưng của Đaminh (được ghi lại trong kinh O Lumen): nhấn mạnh đến ơn thánh Chúa hơn là sức lực của con người.

Nên biết là Thánh Tôma đã dành cho “Gratia Sermonis” một chỗ đứng trong Summa Theologiae (II-II, q.177). Tác giả coi đó như là một đặc sủng. Dĩ nhiên là trước khi đi giảng thì cần phải học hỏi nghiền ngẫm chân lý đức tin (xc. I-II, q.111, a.4). Nhưng để giảng cho có hiệu quả thì cần phải biết diễn tả (ut doceat), biết cách thu hút (ut delectet), biết thuyết phục người nghe để họ chấp nhận chân lý (ut flectat): cả ba động từ này được trích lại từ Thánh Augustinô. Hơn nữa, tác giả không quên nhắc cho chúng ta rằng lời giảng chỉ là dụng cụ, duy chỉ có Thánh Thần mới có thể đánh động lòng người. Ai cũng biết rằng ơn ấy chỉ được ban qua lời khẩn nài. Vì vậy, để kết thúc bài này, chúng ta hãy đọc lại những lời nguyện trích từ Sách Lễ của Dòng, cầu cho các giảng viên (Missa pro praedicatoribus). Nguồn gốc của nó xa xưa lắm, bởi vì đã được Gérald de Frachet nhắc đến trong “Vitae Fratrum” (I pars, cap.V). Tục truyền rằng, các lời nguyện này đã được trời linh ứng cho một thầy Dòng Xitô quê gần Siena (Italia) tên là Giacôbê, xúi thầy hãy cầu nguyện cho các tu sĩ Dòng Giảng Thuyết.

 
http://hv.catechesis.net/linh-dao-dong-daminh/an-sung-giang-thuyet-(gratia--praedicationis).html
***

THƯ TỊCH

(Giới hạn vào các văn kiện chính thức của Dòng) 

1. Thánh Đaminh, nhà giảng thuyết ân sủng

- Đức Giáo Hoàng Benedict XVI, Bài Huấn Giáo về Thánh Đaminh trong buổi Tiếp Kiến Chung(03/02/2010).

- Vincent de Couesnongle: Hội nghị Quid sibi velit hodie Verbum loqui (Ý nghĩa của việc giảng thuyết hôm nay là gì?), (20/09/1982) [Analecta 90 (1982) 153-159].

- Damian Byrne: Thư về Tác Vụ Giảng Thuyết (20/05/1989) [Analecta 97 (1989) 65-72; IDI 269 (tháng 9 năm 1989) 114-122].

- Fr. Carlos A. Azpiroz Costa, Việc Công Bố Tin Mừng trong Dòng Anh Em Giảng Thuyết (07/11/2002) trong Công vụ Tổng Hội 2004 (Krakow) Phụ lục II; Sứ điệp lễ Chúa Giáng Sinh (30/11/2008) [IDI 467] (tháng 12 năm 2008) 271-274].

2. Sứ Vụ Giảng Thuyết

- Fr. Vincent de Couesnongle, Thuyết trình: Bốn Ưu Tiên Tông Đồ của Quezon City và Walberberg(01/06/1981) [IDI 195 (tháng 10 năm 1983) 125-140].

- Fr. Damian Byrne, Thư về Thách Đố của Việc Loan Báo Tin Mừng ngày hôm nay (05/05/1988) [Analecta 96 (1988) 159-168, IDI 259 (tháng 10 1988) 114-123].

- Fr. Timothy Radcliffe, Thư Dấn Thân cho Sứ Vụ (03/04/1994) [Analecta 102 (1994) 16-36; IDI 319 (tháng 4 năm 1994) 62-80].

- Fr. Carlos Azpiroz Costa, Thư Tiến Bước trong Niềm Vui và Nghĩ đến Chúa Cứu Thế – một vài suy tư về Tính Lữ Hành Đaminh (24/05/2003) [Analecta 111 (2003) 259-295; IDI 413 (2003) 151.180].

 

[1] H. Vicaire, Frères Prêcheurs, in: Dictionnaire d’Histoire ecclésiastique, vol.XVIII, col. 1369-1410.

[2] Xc. R. Ladner, L’Ordo Praedicatorum avant l’Ordre des Prêcheurs, trong: Pierre Mandonnet Saint Dominique. L’idée, l’homme, l’oeuvre, vol.II, Desclée de Brouwer, Paris, (1937), p. 11-68.

[3] Sunt et hodie quibus commissa est dispensatio Verbi Dei, qui silent in bonis, canes muti, non valentes, imo non volentes latrare” Pierre de Blois (+1200), PL 207,1108A. xc. Innocentius III, PL 214,904. Nên biết là thuật ngữ “canes muti” lấy từ Isaia 56,10.

[4] Câu nói “oportet episcopum esse doctorem” đã gặp thấy nơi Thánh Hiêrônimô (PL 23,538C). Petrus Cantor: “Doctorem autem Episcopum oportet esse” (PL 205,172 C). – xc. Công Đồng Laterano III (1179), c.3.

[5] Thực ra nên phân biệt hai cấp độ giảng: a/ sự khuyên lơn an ủi (exhortatio, admonitio) là một điều mà bất cứ người tín hữu đạo đức nào cũng có thể thi hành được; còn sự giảng đạo lý (officium praedicandi, publice docendi) là chuyên môn của hàng giám mục.

[6] “Instituimus praedicatores in episcopatu nostro fratrem Dominicum et socios eius, qui in paupertate evangelica pedites religiose proposuerunt incedere et veritatis evangelicae verbum praedicare”.

[7] Thí dụ như các công thức: “ad officium predicationis deputati” (bulla Si personas religiosas, 26/4/1218); “qui paupertatem et vitam regularem professi verbi Dei sunt evangelizationi totaliter deputati” (bulla ngày 4/2/1221); “ut nomen evangelizent domini nostri Iesu Christi gentibus et Christi ministrent fidelibus pabulum verbi Dei” (bulla ngày 6/5/1221).

[8] Khi giải tội thì cần phải có phép của giám mục (bulla 4/2/1221).

[9] Constitutiones antiquae ordinis fratrum praedicatorum (Viết tắt CA), II Distinctio, c.32: “Cum fratres nostri diocesim alicuius episcopi ad praedicandum intraverint, primo, si potuerunt, episcopum illum visitabunt et secundum consilium eius in populo fructum faciant, quem facere intendunt. Et quamdiu in episcopatu fuerint, ipsi in hiis quae contra ordinem non fuerint, devote obedientes erunt”.

[10] Xc. Lm. Giuse Phan Tấn Thành, OP., Giải Thích Giáo Luật, 5 tập, Học Viện Đaminh, 2012, điều 764 cùng với chú giải

[11] Praedicatio cũng ám chỉ ranh giới của một vùng giảng: các tu sĩ được bổ nhiệm vào tu viện nào thì chỉ được giảng trong vòng ranh giới đó mà thôi. Việc phân ranh giới xem bắt đầu từ năm 1243 (Chỉ có các praedicator generalis mới có quyền giảng ra ngoài ranh giới). Việc ấn định ranh giới “giảng” cũng có hậu quả kinh tế nữa: không ai được quyên tiền (nghĩa đen là “ăn mày”) ở ngoài ranh giới!

[12] Theo các nhà sử học, những khoản Hiến Pháp dưới đây (thuộc phần thứ hai, Distinctio Secunda) được ấn định tại Tổng Hội 1220.

[13] “Qui idonei ad praedicandum ab aliquibus aestimantur praesententur et illi qui de licentia et mandato sui prioris necdum licentia maioris praelati vel capituli praedicationis officium receperint. Quibus omnibus diligenter seorsim examinatis ab idoneis personis ob hoc et ob alias capituli questiones institutis et fratribus cum quibus conversati sunt studiose inquisitis de gratia praedicationis quam eis Deus contulerit et studio et religione et caritatis fervore proposito et intentione”.

[14] Các Tỉnh Dòng xuất hiện từ năm 1221. Chúng ta sẽ bàn đến trong Chương XIV.

[15] Tổng Hội 1249, 1250, 1251.

[16] Xc. Humbertus a Romanis, De eruditione praedicatorum, in: De vita regulari, vol.II p.373-484. Bản dịch tiếng Anh Treatise on the formation of preachers trong Early Dominicans. Selected writings (S. Tugwell ed.), Paulist Press, New York 1982, p.179-325. Nên biết là dựa vào đây mà cha G. Bedouelle đặt tựa đề cho tác phẩm Dominique ou la grâce de la Parole. Dịch sao cho lột hết ý không phải là chuyện dễ (xc. chương Sáu).

[17] Acta canonisationis. Processus Bononiae: 6, 33, 37, 47.

[18] “Gậy và sách”, hành trang của nhà giảng thuyết. Cha Constantino de Orvieto kể lại trong Legenda(c.21) rằng khi đang cầu nguyện tại đền thánh Phêrô thì Cha Đaminh đã mơ thấy (quadam imaginaria visione) hai tông đồ Phêrô và Phaolô hiện ra trao cho một cây gậy và một quyển sách và nói: “Cha hãy đi và giảng, vì Thiên Chúa đã chọn cha vào tác vụ này”. Nên biết là tích này không thấy nói trong Libelluscủa cha Giorđanô và Legenda của Pedro Ferrando. Trong các tài liệu cổ điển có ba chỗ nói đến Thánh Đaminh chống gậy khi đi dường. 1/ Trong lời khai tại tòa án phong thánh Toulouse, nhân chứng số 26 và 27 khai rằng có nghe nói Cha Đaminh thà xách gậy bỏ nhà đi trốn giữa đêm khuya, còn hơn là nhận chức tước giám mục. 2/ Chị Cêcilia kể lại một phép lạ xảy ra tại Rôma đã đuổi một con quỷ (hiện hình con khỉ) “với cái gậy mà người vốn mang theo mình” (Miracula, c.4). 3/ Trong các bức họa về các cách thức cầu nguyện của Cha Đaminh, họa sĩ đã vẽ người cầm gậy khi đi đường (số 9). Độc giả đừng cười nhé: đã có một cuộc tranh luận thần học về việc mang gậy khi đi giảng: Marcô (6,8) cho phép, còn Mátthêu (10,10) và Luca (9,3) thì cấm! Riêng về quyển sách, các sử gia lưu ý rằng các bức tranh cổ gắn một quyển sách trên tay Thánh Đaminh (biểu tượng của sách Tin mừng? Hay sự học vấn?). Mãi tới cuối thế kỷ XV mới thấy những bức họa vẽ Thánh Đaminh cầm tràng chuỗi Mân Côi. Chúng ta sẽ trở lại lịch sử kinh Mân Côi khi có dịp.

[19] J.P. Renard, La formation et la désignation des prédicateurs au début de l’Ordre des Prêcheurs, Fribourg 1977.

[20] Xc. Hugo a sancto Victore: “Tria solent in praedicatore requiri: sanctitas conversationis, perfectio scientiae, eloquentiam ad gratiam” (PL 177,845A).

[21] Thánh Phanxicô cũng ấp ủ một lý tưởng phục vụ Hội Thánh như Thánh Đaminh; nhưng Thánh Phanxicô coi chuyện học hành trái ngược với đời sống tu trì. Về sau, Thánh Bonaventura (đậu tiến sĩ Paris trước khi vào Dòng) đã sửa lại tư tưởng của vị lập Dòng Anh Em Hèn Mọn. Bonaventura (tổng quyền từ 1257-1274) được coi như vị sáng lập thứ hai của Dòng; nhưng không thiếu kẻ đã tố cáo là ông đã làm cho Dòng trật đường rầy!

[22] Từ “studium” có thể hiểu theo hai nghĩa: a/ học hành; b/ nỗ lực. Tuy nhiên ở đây phải hiểu theo nghĩa thứ nhất (học vấn), bởi vì mạch văn đang nói về sự chuẩn chước Hiến Pháp khi ngăn trở cho việc học.

[23] CA II 29: “In cellis legere, scribere, orare, dormire et etiam de nocte vigilare ad lumen possunt, qui voluerit, propter studium”.

[24] CA I 13: “qualiter intenti esse debeant in studio, ut de die, de nocte, in domo, in itinere legant aliquid vel meditentur, et quicquid poterunt, retinere cordetenus nitantut; quam ferventes esse debeant in praedicatione tempore opportuno”.

[25] Các sách bài giảng được phân loại thành những bài giảng theo mùa phụng vụ hoặc lễ các thánh, và những bài giảng “ad status” theo từng giới hoặc tùy hoàn cảnh (tựa như đám tang). Ngoài ra còn có những bài giảng cho giới bình dân (coram clero et populo), có thứ cho giới trí thức đại học (coram univéitate). Các tác phẩm của thánh Tôma gồm đủ loại ấy: ngoài những bài giảng cho các sinh viên, người ta còn giữ được những bài giảng Mùa Chay năm 1273 ở Napoli, chú giải các kinh Lạy Cha, Kính Mừng, Tin Kính.

[26] Đã có một cuộc tranh luận sôi nổi về nguồn gốc và ý nghĩa của từ ngữ này. 1/ Một ý kiến cho rằngPraedicator generalis là một thứ “hàm cấp” dành cho các giảng viên cừ khôi. Như vậy họ trổi hơn các“praedicator ordinarius, communis”. Hàm cấp kèm theo vài đặc ân, trong số đó có quyền đương nhiên tham dự Tỉnh Hội. 2/ Ý kiến khác cho rằng nguồn gốc của “praedicator generalis” là họ lãnh phép đi giảng do capitulum generale (licentia generalis praedicandi), đang khi các praedicatores khác thì lãnh giấy phép từ giám tỉnh hay Tỉnh Hội. Dĩ nhiên, nếu ai được Tổng Hội cấp giấy phép thì có quyền đi giảng khắp năm châu bốn biển, còn những người khác thì chỉ được hành nghề trong lãnh thổ của cơ quan cấp giấy phép mà thôi. Nên biết là từ năm 1255, con số các praedicator generalis không được lên quá 1,5 con số các tu viện trong Tỉnh Dòng. Trải qua dòng thời gian, praedicator generalis trở thành một chức tước danh dự, cho đến lúc chỉ còn là hư danh. Hiến Pháp hiện hành (1968) còn nhắc đến ở số 135, nhưng bị Tổng Hội Tallagh (Acta CG 1971, n.59) và Madonna dell’Arco (Acta CG 1974, n.152) dẹp bỏ. Xin phép nhắc nhở các đàn em rằng trong lịch sử Dòng Đaminh Việt Nam có ba cha mang “hàm” này là: Cha Nguyễn Tri Ân, Trần Mục Đích, Phạm Văn Vang.

[27] Có người định nghĩa: “giảng là suy niệm lớn tiếng”. Dù sao chiêm niệm và rao giảng đều có cùng một đối tượng: Lời rao giảng cũng là Lời mà ta suy niệm học hỏi, đồng thời cũng là Lời chúc tụng ngợi khen khi cử hành phụng vụ. Cử hành phụng vụ cũng là một hình thức “rao giảng” (xem LCO số 57).

[28] Cha Vicaire đã ghi nhận sự tiến triển trong đời Thánh Đaminh: 1/ Từ năm 1206 đến năm1215: việc giảng hướng đến các lạc giáo. 2/ Từ năm 1215 (khi có ý định lập Dòng), Cha Đaminh chuyển hướng từ chỗ tranh luận đến chỗ truyền giảng Tin Mừng, nhưng còn giới hạn trong vùng Toulouse. 3/ Từ năm 1217 trở đi (sau khi nhận được sắc lệnh châu phê Dòng), Cha Đaminh mở rộng biên cương: không còn nghĩ tới lạc giáo Albigeois, không còn bị giới hạn vào địa phận Toulouse, nhưng bao trùm việc rao giảng Tin Mừng cho muôn dân. L’esprit de saint Dominique et son intention dans la fondation des Prêcheurs. Trong: Dominique et ses Prêcheurs, Fribourg 1977, p.174-175.

[29] Thiết tưởng cũng có thể tán sermo gratiosus là: lời thanh ăn nói mặn mà có duyên.

 

114.864864865135.135135135250