03/04/2016 -

Linh Đạo

1937
Cầu nguyện theo gương THÁNH ĐA MINH (2)

CẦU NGUYỆN

THEO GƯƠNG THÁNH ĐA MINH (2)

Lm. Giuse Phan Tấn Thành, OP. chuyển ngữ

 

Lời giới thiệu.

Có lẽ anh chị em trong gia đình Đa Minh đã có lần nghe nói tới các lối cầu nguyện của thánh Đa Minh. Nhưng có lẽ ít ai đặt câu hỏi xem chúng ta có thể học hỏi gì từ những đường lối ấy? chúng ta có thể áp dụng trong đời sống cầu nguyện của mình hay không? Hơn thế nữa, có đáng quảng bá hay không? Một chị nữ tu dòng kín đã giúp chúng ta trả lời những câu hỏi đó.

Chị đã viết một tập sách nhỏ dành cho các bạn trẻ Italia, để tập cho họ cầu nguyện. Sau khi trình bày sơ qua các hình thức cầu nguyện của Đa Minh, chị đã thúc giục các bạn trẻ cũng hãy học hỏi cầu nguyện cũng như Đa Minh.

Chúng tôi xin dịch lại để tặng các bạn trẻ gia đình Đa Minh ở Việt Nam, với vài thích nghi nho nhỏ.

Tập sách được chia làm hai phần. Phần đầu gồm chín cách cầu nguyện của Đa Minh, cộng thêm lời cầu nguyện phụng vụ. Phần thứ hai kéo dài việc cầu nguyện ra hoạt động tông đồ, đúng như linh đạo của Đa Minh, dựa trên các tài liệu lấy từ bản án phong thánh (viết tắt: PT).

MARIA PIA FRAGNI, Come Domenico, Edizioni Dehoniane, Roma 1994.

--------------
 

PHẦN II

TỪ CHIÊM NIỆM TỚI HOẠT ĐỘNG

 

1.Kẻ bênh vực người nghèo và công lý

Đa Minh bán các sách vở của mình, tuy dù cha rất cần chúng, cũng như các đồ đạc khác, để lấy tiền phân phát cho người nghèo. Cha nói: Tôi không muốn học trên những tấm da chết đang khi người nghèo đang chết đói" (PT 35).

Hằng ngày, khi đọc báo hay vặn radio, bạn nghe thấy bao nhiêu tin tức về chiến tranh, tang tóc, đói khát, bất công, đau khổ. Biết bao người đang thiếu thốn những điều "cần thiết tối thiểu"! Có lẽ bạn thấy thắt ruột lại, hoặc căm phẫn trước những cảnh bất công xã hội. Tuy nhiên, tiếc rằng kế đó cuộc sống của bạn chẳng có gì thay đổi cả; bạn quên đặt câu hỏi: "tôi có thể làm gì đây?"

Cũng như Đa Minh, bạn hãy để cho con tim động lòng trắc ẩn với những Đau khổ của những anh chị em mình. Bạn hãy nhớ lại lời Phúc âm: "Hãy bán những gì bạn có và phân phát cho người nghèo; bạn hãy thu góp kho tàng không mục nát ở trên trời" (Lc 12,23). Dĩ nhiên, Chúa không muốn cho bạn bán hết nhà cửa ruộng vườn đến nỗi trở thành một người đói rách; nhưng theo gương Đa Minh, bạn được mời gọi từ bỏ những gì thừa thãi và biết chia sẻ điều cần thiết với người túng bấn. Sự chia sẻ, dù ít hay nhiều, diễn tả cảm nghiệm về lời Chúa Giêsu đã dạy: "Kẻ nào hiến tặng dù chỉ một ly nước lã cho một trong những người bé nhỏ này vì là môn đệ của tôi, thì tôi bảo thực anh em: họ sẽ không mất phần thưởng đâu!" (Mt 10,42).

2.Chiêm niệm trong hoạt động tông đồ

Dù ở bất cứ chỗ nào, Đa Minh đều nói về Chúa hoặc nói với Chúa và khuyên nhủ các tu sĩ cũng làm như vậy. Cha đã muốn ghi điều này vào hiến pháp của Dòng. (PT 37).

Hằng ngày đã có biết bao lời lẽ tuốn ra, trong số đó không thiếu những lời lường gạt, những lời thô kệch ... khiến cho bạn mệt mỏi khi phải nghe những lời vô nghĩa ấy. Ước chi bạn có thể bịt tai lại để khỏi phải nghe chúng. Tuy nhiên, tại sao bạn không đặt câu hỏi: ở trong  con tim của những con người đó có cái gì không, hay hoàn toàn rỗng tuếch ? Phải chăng có thể áp dụng lời của thánh vịnh: "tội ác thì thào trong thâm tâm kẻ dữ; hắn không thấy cần phải kính sợ Chúa" (Tv 35,2). Bạn hãy cảm thấy bị thôi thúc: "tôi phải làm cái gì để cho Thiên Chúa có thể đi vào trong tim của con người". Phải làm gì đây? bắt đầu từ đâu? cần phải cầu nguyện nói với Chúa trước, hay là cần phải nói về Chúa trước? Bạn hãy xin Chúa Thánh Thần ban cho bạn được ánh sáng để hiểu biết, và rồi bạn sẽ thấy bạn đang chuyển cầu cho tha nhân rồi đó. Và rồi khi đi gặp họ, người ta sẽ thấy có cái gì khác thường nơi bạn. Họ sẽ đặt câu hỏi, và chắc bạn không thể giấu được. Bạn hãy nói về Chúa cho họ nghe. Thánh Toma Aquinô nói: "chiếu sáng thì toàn hảo hơn là chỉ nóng rực mà thôi".

Cũng như Đa Minh, bạn hãy cố gắng hòa hợp giữa cầu nguyện và hoạt động, giữa chiêm niệm và làm tông đồ. Bạn hãy ý thức rằng đó không phải là hai con đường song song hay đối nghịch, nhưng là hai đường đồng quy: chúng giao nhau và bổ túc cho nhau, bởi vì cả hai đều bắt đầu từ một nguồn ngọn là Thiên Chúa và Thánh Thần. Bạn hãy bắt chước Đa Minh, sau khi đã đàm đạo với Chúa rồi, bạn hãy nói với anh chị em về Chúa, trút vào lòng họ điều dào dạt từ điều mà bạn đã chiêm niệm và cầu nguyện.

3.Chiến sĩ đức tin

Đa Minh luôn hớn hở trong những khi bị sỉ vả, luôn tươi vui lúc gặp nghịch cảnh. Có một lần người ta hỏi Đa Minh tại sao cha lại thích dừng chân ở Carcassonne hơn là ở Toulouse, cha đáp lại: bởi vì ở Toulouse tôi được người ta kính trọng, còn ở Carcassonne thì tôi gặp toàn là thù địch. (PT 18).

Bạn có biết không:  càng dấn thân theo sát Chúa thì mình càng thấy nảy ra lắm vấn đề. Chúa đã gọi bạn để sai bạn đi với những lời: "Thầy sai các con như con chiên giữa sói rừng" (Lc 10,3). Trên đời này có những người chẳng chịu làm gì hết; suốt ngày họ chỉ đứng bên đường để quan sát và đàm tiếu việc người khác làm. Lắm lần bạn thấy chán nản vì không thấy ai đến giúp bạn một tay, mà chỉ thấy những lời dèm pha chỉ trích! Bạn cũng muốn xua tay đi tìm chỗ an thân. Nhưng này, bạn nên nghĩ lại xem:  những người thực tình làm việc "chỉ vì lòng mến Chúa" thì sẽ không chùn bước khi bị chỉ trích và thất bại. Cha Eckart đã viết như sau: "nếu bạn muốn biết việc đang làm có phải là việc làm cho Chúa hay làm cho bạn, thì bạn hãy đo lường qua những thất bại; nếu là công việc của bạn thì ắt hẳn là bạn sẽ bỏ cuộc; nhưng nếu không phải là việc của bạn mà là việc của Chúa thì bạn đâu cho màng chi danh lợi ở đời này, bởi vì phần thưởng của bạn là nơi Chúa cơ mà!". Trước đó thánh Phaolo cũng đã nói: "bị lăng mạ, chúng tôi chúc tụng; bị bách hại chúng tôi chịu đựng; bị nguyền rủa chúng tôi ủy lạo; cho tới nay chúng tôi đã trở thành rác rưởi cho thế gian, bị thiên hạ xua đuổi" (1Cr 4,12-13).

Tuy mặt sẽ đỏ vì thẹn thùng, nhưng bạn hãy thú nhận đi: "tôi cần phải thanh lọc các ý định của mình. Có lẽ tôi chỉ biết đi tìm bản thân mình. Tôi đã bắt tay vào việc với ước mong là được người đời nể nang. Tôi thường phục vụ những ai biết ơn, thán phục tôi; trái lại, tôi sẽ tránh cho xa những ai không đối xử tử tế với tôi". Nhưng bạn biết không: chính hạng người này mới thực cần tới bạn. Dù sao đi nữa, quả là một hồng ân của Chúa ban cho bạn thì Người soi sáng cho bạn hiểu rằng sự thử thách giúp cho công việc của Chúa được thêm phong phú hơn!

Cũng như Đa Minh, bạn hãy học cho biết duy trì niềm hớn hở vui tươi khi gặp gian truân thử thách. Cũng như Đa Minh, bạn hãy nhẫn nhục chịu đựng những lời chỉ trích, vu khống hoặc thái độ thờ ơ lãnh đạm. Nhờ vậy, bạn thanh lọc được những vất cả của việc loan truyền Lời Chúa và phục vụ anh em: "Họ vui mừng khi bị lăng mạ vì lòng mến danh Chúa Kitô" (Cv 5,41). Ngoài ra, danh dự đâu có phải là điều mà các môn đệ đích thực của đức Kitô nhắm tới: "Phúc cho các con, khi người ta lăng nhục bách hại các con, và vu khống chụp mũ cho các con vì Thầy. Các con hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng các con sẽ bội hậu" (Mt 5,11). Theo gương Đa Minh, ngày mai, bạn hãy đi Carcassonne nhé!

4.Sứ giả của chân lý

Đa Minh đầy lòng thương đối với tha nhân, cha mong muốn sao cho họ được cứu độ. Cha năng đi giảng thuyết, và tìm cách thúc giục các tu sĩ đi giảng (PT 26).

Còn biết bao nhiêu người chưa biết Chúa. Cũng không ít người mang tiếng là có đạo nhưng mà rất dốt nát về đạo nghĩa và sống không khác gì người ngoại. Cảnh tượng thật giống như tình trạng mà Chúa Giêsu đã chứng kiến trước đám đông: "họ như đàn chiên thiếu kẻ chăn dắt" (Mc 6,34). Nhân loại còn cần được nghe nói về chân lý, về chính đức Kitô là chân lý: "Tôi sinh ra và đến cõi trần này nhằm để làm chứng cho Chân lý" (Ga 18,37).

Cũng như Đa Minh, bạn hãy phục vụ anh chị em mình bằng việc đem chân lý đến cho họ. Bạn hãy hiến dâng toàn thân như Đa Minh để trở thành "tôi tớ" của Lời Chúa, tức là chính đức Kitô. Đa Minh đã bị thu hút bởi lý tưởng thi hành việc "bác ái của chân lý", thương yêu tha nhân bằng cách giúp họ thoát khỏi u mê lầm lạc: "Ôi đẹp thay bước chân của những người loan báo tin mừng, loan báo hòa bình, loan báo ơn cứu độ" (Is 52,7). Đối với Đa Minh, chân lý không phải chỉ là lời nói, nhưng nó chiếm đoạt hết tâm hồn, hết cả cuộc đời. Cũng như Đa Minh, bạn hãy để cho Chân lý thu hút bạn: bạn hãy biết tò mò đi tìm kiếm chân lý, biết thán phục trước chân lý, biết đào sâu học hỏi chân lý. Và dĩ nhiên, hãy làm sứ giả để rao truyền chân lý.

5.Tông đồ của Mẹ Maria

Trong khi đi đường, Đa Minh thường hát kinh "Veni Creator" và "Ave Maris stella" (PT 21). Đa Minh, sứ giả của Tin mừng, cũng là tông đồ của Mẹ Maria. Mối liên lạc ấy xem ra rất tự nhiên. Chúng ta cần đến với Mẹ Maria để học biết Chúa Giêsu; và Mẹ sẽ trao Chúa cho chúng ta.  Con tim cũng thúc đẩy chúng ta chạy đến với Mẹ, tìm đến khuôn mặt dịu hiền của Người, khi tâm tư nặng trĩu vì gánh nặng tội lỗi.

Cũng như Đa Minh, khi cầu khẩn lòng khoan nhân của Chúa Giêsu, bạn đừng quên lòng khoan nhân của Mẹ Maria. Bạn hãy học cách lần chuỗi Mân côi và cùng với đức Maria suy niệm những mầu nhiệm cứu chuộc. Đây là một món quà mà Đa Minh dành cho bạn và cho những tâm hồn đơn sơ theo Phúc âm.

Bạn hãy tin tưởng phó thác cho Mẹ những việc ban đang làm hay đang dự tính. Đường đời quả thật là dài, và bạn không biết điều gì sẽ xảy đến cho bạn. Vì thế, mỗi tối trước khi đi ngủ, bạn hãy nhìn lên trời và hát lên lời cầu: "Kính chào Mẹ là Sao Bắc đẩu, Đấng mệnh danh là Hiền mẫu Chúa Trời, chói lòi trinh tiết gương soi, cửa vào cõi phúc tuyệt vời thiên cung".

6.Con người đại kết

Khi đi đường Đa Minh thường thăm viếng các tu viện thuộc hết mọi Dòng, và giảng lời Chúa cho họ, thúc giục họ tiến trên đường trọn lành. (PT 6).

Khi dấn thân hoạt động tông đồ, bạn gia nhập một hội đoàn, một phong trào hoặc bạn đã là phần tử của một Tu hội. Lắm lần bạn thấy khó chịu khi thấy có những người khác không đi theo một đường lối giống như bạn. Chúng ta thường bị cám dỗ muốn cho hội đoàn của mình, giáo xứ của mình, tu hội của mình phải nổi nang chèn ép hết tất cả. Làm như thế, bạn có biết rằng bạn đang làm thương tổn đến sự hợp nhất của Hội thánh và nhất là bạn xúc phạm tới Chúa Thánh Thần: "Khi người này nói: tôi thuộc Phaolô ... tôi thuộc về Apollo, phải chăng anh em đã không biểu lộ cách tính chất thế tục đó sao?" (1Cr 3,4). Chúng ta hãy có can đảm cám ơn Thiên Chúa bởi vì trong Hội thánh còn có "những người khác" nữa: tuy chỉ có một Thánh Thần, nhưng các đặc sủng của Người thì muôn mầu (1Cr 12,4). Chúng ta hãy biết chấp nhận sự hiệp nhất trong sự khác biệt đa dạng.

Cũng như Đa Minh, bạn hãy có thái độ cởi mở đối với những anh chị em được Chúa gọi vào một cảm nghiệm tâm linh khác với bạn. "Duy một đức Chúa, duy một đức tin, duy một phép rửa", chính mối dây bằng an (Ep 4,3) và "bác ái là dây toàn thiện (Col 3,14). Bạn hãy học nơi Đa Minh cho được con tim rộng rãi, biết trung thành với hồn ân riêng Chúa ban cho bạn, đồng thời biết "làm bạn với Phanxicô", và sẵn sàng đi "ăn xin" tí chút chân lý ở bất cứ ai có thể ban cho bạn.

Tác giả bài viết: Lm. Giuse Phan Tấn Thành, OP

 

114.864864865135.135135135250