17/12/2016 -

Linh Đạo

2534
Đời sống kỷ luật và nếp sống tu trì

KỶ LUẬT VÀ NẾP SỐNG TU TRÌ

 

I. CHIA SẺ

Vào lúc 8g, cha giảng phòng Giuse chia sẻ với cộng đoàn về chủ đề “Kỷ luật và nếp sống tu trì” với đề tài: “Vòng tuần hoàn của vũ trụ và ngày Quang Lâm” với ba ý chính: (1) Nguy cơ của cái tẻ nhạt và đều đặn; (2) Trung tín trong cái tẻ nhạt với mơ ước lớn; (3) Cử hành cuộc sống.

1. Nguy cơ của cái tẻ nhạt và đều đặn

Cuộc sống nhân loại bị đe doạ không phải chỉ do những cái ác lớn, với những khuôn mặt “quỷ dữ” đáng sợ, nhưng thường khi còn bị đe doạ do một sự tẻ nhạt, tầm thường của cuộc sống hằng ngày. Sự kiện này xuất phát từ một nền tảng tư tưởng sâu xa và căn bản hơn nhiều : đó là quan niệm vũ trụ luận về thời gian. Có lẽ không có tư tưởng nào ngoài Sách Thánh có quan niệm vũ trụ được sáng tạo từ hư vô, nghĩa là có một khởi đầu và có chung cuộc. Khi người ta quan niệm thời gian đi vòng tròn, thì cả vũ trụ, trong đó có con người, đều bị nhận chìm trong sức ì cố hữu, như một dòng nước chậm chạp, nhưng mạnh mẽ (giống hình ảnh sóng thần vào bờ) không cùng, lôi cuốn tất cả mọi sự. Thời gian đi vòng tròn, vũ trụ như một bánh xe luân hồi, chúng thể hiện sức mạnh “chậm chạp” nhưng mạnh mẽ vô song trong cái tầm thường tẻ nhạt của cuộc đời. Nỗ lực vượt thoát cái tẻ nhạt bằng cách tìm kiếm cái mới lạ chỉ là giải pháp của những con người hời hợt, giống như người đứng trong dòng nước mà cứ muốn nhẩy lên cao, bởi vì cuối cùng cũng sẽ lại rơi vào cái buồn chán tẻ nhạt còn ghê gớm hơn nữa. Đó là kinh nghiệm mà Kierkegaard đã diễn tả trong cuốn Nhật ký một anh chàng Don Juan. Có lẽ cách vượt thoát sâu xa và bền vững hơn đó là cách của những thiền sư Á châu, vượt thoát bằng một sự giác ngộ, bằng một thứ ánh sáng tri thức siêu việt, để xoá đi cái “tiểu ngã” mong manh bọt bèo, hiểu ra những  kiểu đối phó vụn vặn chỉ là thái độ chấp-nê, để chìm lặn vào cái “đại ngã” mênh mông, vững vàng, của cả vũ trụ.

Thế giới triết học bao hàm một vấn đề căn bản : tương quan giữa vũ trụ luận và nhân sinh quan. Nếu lấy vũ trụ luận là nền tảng, người ta tìm đến những quy luật ngàn đời, nhưng phẩm chất ngã vị của con người chắc chắn bị suy giảm (Phật Giáo ? Marx ?…). Nếu lấy nhân sinh quan làm nền tảng, người ta có nhiều nguy cơ đánh mất nét hoà điệu tổng thể, và đưa đến những khủng hoảng khác tệ hại hơn, chẳng hạn tình trạng môi sinh trong thế giới hiện đại ngày nay. Về phương diện này, sách Sáng Thế Ký là một cuộc cách mạng lớn, theo đó, vũ trụ được dựng nên vì con người, con người ở trung tâm vũ trụ, có phẩm giá xuất phát từ Thiên Chúa, phẩm giá cao hơn vũ trụ, có quyền đặt tên cho muôn loài. Tuy nhiên, con người cai quản vũ trụ theo ý của Thiên Chúa và có nhiệm vụ đưa vũ trụ này đến ngày được giải thoát khỏi cảnh hư ảo. Đây là một thứ đề cao “nhân sinh quan”, nhưng không phải nhân sinh trong cuộc chiến tay đôi và thường là thảm hại trước sức mạnh ầm ừ, sức mạnh lặng câm, sức mạnh mù quáng nhưng không bao giờ bị run sợ do tác động của ý thức. Nhân sinh quan của Kitô giáo là nhân “sinh quan tay ba”, trong đó, Thiên Chúa và con người cùng một phe, một thế lực hữu-ngã, để lôi kéo vũ trụ, một thứ vũ trụ đã bị hư hoại do tội của con người; chứ không phải Thượng Đế và vũ trụ về một phe để cuốn con người vào lòng một sự hoà điệu vô ngã.

Mầu nhiệm Kitô giáo bao hàm một yếu tố hết sức căn bản : thời gian không còn là một chu kỳ tuần hoàn vĩnh cửu, nhưng là một con đường vươn tới từ một khởi điểm đến một điểm chung cuộc. Diễn tiến thời gian ấy bao gồm tất cả vũ trụ chứ không phải chỉ có con người tìm cách thoát khỏi vòng luân hồi nhờ một cuộc giác ngộ nào đó.

Thời gian tuần hoàn vĩnh cửu chính là một vòng tròn khép kín, có khả năng nhận chìm tất cả mọi giá trị, mọi biến cố, mọi nhân vật. Trong cái vòng tròn tuần hoàn vĩnh cửu, mọi điều vĩ đại nhất đều trở nên nhạt nhoà, vô nghĩa. Sự tẻ nhạt của cuộc sống hằng ngày chính là hệ quả tất yếu của vòng thời gian tuần hoàn, và nó có khả năng dập tắt mọi ngọn lửa hăng nồng, mọi nỗ lực vươn lên, mọi giá trị to lớn nhất. Thời gian thực sự là thuốc thử của mọi phẩm chất nhân sinh.

Cũng cần phải nói thêm rằng : khi đưa thời gian đích thực vào dòng đời, khi vượt thoát khỏi sự tẻ nhạt của vòng tuần hoàn vĩnh cửu, thì Thiên Chúa lại đã đặt trên vai con người một gánh nặng khác không kém phần nguy hiểm, đó là quy luật “trước - sau” làm gia trọng cho luật nhân quả. Từ đây, mọi giá trị đích thực, nếu muốn khẳng định giá trị đích thực, thì đều phải đảm nhận lấy lịch sử, phải mang vác lấy hệ luỵ có trọng lượng tối đa của những biến cố duy nhất. Con người dấn bước trong dòng lịch sử bao giờ cũng phải đảm nhận quá khứ của mình, sống ngụp lặn trong những hệ luỵ của quá khứ. Quy luật “trước – sau” thay thế cho quy luật tuần hoàn, và quy luật mới này cũng không nhẹ nhàng gì.

Niềm tin Kitô dựa trên Sách Thánh, trong nền tảng sâu xa nhất của mọi giá trị Kitô giáo, chính là một vết cắt đối với vòng tuần hoàn vĩnh cửu. Sách Thánh cho thấy vũ trụ đã được sáng tạo từ hư vô, đã có một khởi đầu trong thời gian và không ngừng hướng tới một điểm thành toàn trong dòng thời gian; Sách Thánh công bố cho ta những biến cố trọng tâm, những biến cố duy nhất trong dòng lịch sử. Mặt khác, những biến cố trong lịch sử ơn cứu độ, đặc biệt là biến cố đức Giêsu Kitô, phải là những biến cố có khả năng nâng dậy hành trình cuộc sống nhân sinh và cả vũ trụ vừa khỏi vòng tuần hoàn cũng như cái tẻ nhạt của cuộc sống hằng ngày, vừa có khả năng giúp người tín hữu đảm nhận được gánh nặng của quá khứ.

Muôn loài thọ tạo những ngong ngóng đợi chờ ngày Thiên Chúa mặc khải vinh quang của con cái Người. Quả thế, muôn loài đã lâm vào cảnh hư ảo, không phải vì chúng muốn, nhưng là vì Thiên Chúa bắt chịu vậy ; tuy nhiên, vẫn còn niềm trông cậy là có ngày cũng sẽ được giải thoát, không phải lệ thuộc vào cảnh hư nát, mà được cùng với con cái Thiên Chúa chung hưởng tự do và vinh quang. Thật vậy, chúng ta biết rằng : cho đến bây giờ, muôn loài thọ tạo cùng rên siết và quằn quại như sắp sinh nở.” (Rm 8, 19-22)

Có lẽ trên nền tảng chung ấy, chúng ta hiểu ra được nguy cơ của nếp sống tu trì, một nếp sống luôn hướng tới sự bình ổn, luôn muốn đặt nền tảng cho mọi sinh lực sống trên sự đều đặn tẻ nhạt của cuộc sống. Quả thật, trong số những yếu tố căn bản của đời sống Đa minh, và của đời sống thánh hiến trong Giáo Hội nói chung, yếu tố “nề nếp tu trì” có vẻ như ít có giá trị tự tại nhất, có chăng thì chỉ là một thứ giá trị phương tiện, nhằm nâng đỡ cho những yếu tố cao cả khác.

Bao nhiêu lòng nhiệt thành thuở ban đầu của những tu sĩ trẻ đã bị nguội lạnh, bao nhiêu mơ ước lớn bị chôn vùi trong cái tẻ nhạt, bao nhiêu lý tưởng, tâm huyết, hoài bão… đã bị tan loãng trong đòi hỏi phải trung tín với những nghĩa vụ thường ngày… những anh em lớn tuổi thì có lẽ đã quen với nề nếp tu trì nhưng lại ít nhiều bị rơi vào thái độ coi nề nếp tu trì như một nơi trú ẩn an toàn.

2. Trung tín trong cái tẻ nhạt với mơ ước lớn

Kitô giáo cũng đã từng bị tố cáo là một thứ tôn giáo vũ trụ, nghĩa là một thứ tôn giáo chìm ngập trong vòng tuần hoàn khép kín của vòng thời gian trong trời đất : việc mừng ngày Chúa Giêsu Giáng Sinh vào ngày 24/12 chỉ là một cách đặt tên khác cho thần Mặt Trời, vị thần bắt đầu bộc lộ quyền năng của mình trong ngày Đông chí. Cũng thế, lễ Phục Sinh diễn ra ăn khớp với những biểu hiện sức sống mới của mùa Xuân trong cảnh vật của trời đất. Chu kỳ phụng vụ của Giáo Hội, gồm những mùa Vọng, Giáng Sinh, thường niên, Chay, Phục Sinh được mừng kính như thể rõ ràng là một sự diễn tả vòng vo của một thứ tôn giáo vũ trụ, giúp người ta hoà mình vào vòng thời gian tuần hoàn bất tận…. Đó là một sự hiểu lầm về bản chất Kitô giáo, nhưng diễn tả khá đúng lớp vỏ bên ngoài, và ít nhiều diễn tả cùng những nguy cơ hằng rình rập trong thực chất Kitô giáo. Sự hiểu lầm như thế cũng có thể được coi như một lời cảnh giác về sự biến chất của chính sinh hoạt Kitô giáo.

Nếu chúng ta nhất mực đòi hỏi một nề nếp tu trì đều đặn chỉ vì chính nó, nếu chúng ta thôi thúc nhau tìm sự ẩn trốn an toàn trong nề nếp tu trì, nếu chúng ta nghiệm ra một sự nhạt nhoà của lý tưởng Đa minh trong cái tẻ nhạt hằng ngày, hoặc nếu chúng ta coi thường kỷ luật tu trì… thì có lẽ đây là lúc phải nhìn lại ý nghĩa cũng như tìm lại sinh lực đích thực của nề nếp tu trì.

Thật ra, yếu tố nề nếp tu trì không phải chỉ là một thứ phương tiện tối thiểu, nhưng chính là nơi thể hiện một cách căn bản chiều kích sâu xa của ơn cứu độ. Có lẽ chính nếp sống đan tu là nơi phải đón nhận thách đố này một cách trực diện, nhưng đời tu Đa minh, trong đó có suýt soát một nửa là đời sống chiêm niệm, cũng cần phải đón nhận thách đố này một cách rõ nét.

Thật ra, Kitô giáo không nhằm giải thoát con người khỏi vòng luân hồi của vũ trụ để tìm ẩn thân trong cõi Niết bàn. “Tham vọng” của Kitô giáo lớn hơn và có lẽ cũng gian khó hơn nhiều. Kitô giáo muốn mang vác cả vũ trụ này đến ơn giải thoát, và chiều hướng căn bản của Kitô giáo là chiều hướng dấn thân, nhập cuộc, nhập thể, chứ không phải là siêu thoát. Chính trong chiều hướng căn bản ấy, Kitô giáo cần phải “chui vào hang cọp” của vòng thời gian, bắt cho được những “cọp con” là sự tẻ nhạt, tầm thường của thời gian… Ít nhiều gì đó, đời sống đức Tin Kitô giáo cũng luôn phải đối diện với tầm mức vũ trụ vốn dính dáng vào tất cả mọi sự của đời sống con người.

Tự trong bản chất, Kitô giáo là một sự công bố những sự kiện, những sự kiện duy nhất được Thiên Chúa thực hiện trong dòng lịch sử, và đó là những sự kiện có khả năng nâng dậy cuộc sống thường ngày, nối cuộc sống tẻ nhạt hằng ngày vào một vận hành của ơn cứu độ được thể hiện trong dòng lịch sử. Chu kỳ phụng vụ Kitô giáo không phải là sự lập đi lập lại mãi những chuyện tuần hoàn, nhưng là một nỗ lực nối kết cuộc sống hằng ngày, nối kết chu kỳ ra như tuần hoàn tẻ nhạt của cuộc sống vào biến cố đức Giêsu Kitô, đặc biệt và vào mầu nhiệm Tử Nạn-Phục Sinh của đức Kitô. Do đó, thời gian của đời sống hằng ngày cần phải được thánh hoá bằng kinh nguyện thần vụ; và những bổn phận hằng ngày, bằng lao tác, lao tâm hoặc lao lực. Tất cả đều là những nỗ lực lôi cuộc sống thường nhật ra khỏi vòng thời gian đều đặn và tẻ nhạt. Đó là nỗ lực thánh hoá vũ trụ.

Nói theo kiểu của đức Benedictô XVI, chính lối sống đan viện biểu lộ cách sống triết lý, nghĩa là diễn tả thái độ đi tìm một ý nghĩa khác đằng sau những công việc hằng ngày, và tổ chức toàn bộ đời sống như một nghi lễ, ướm cuộc sống đều đặn hằng ngày vào những thực tại của ngày sau hết. Người đan tu có đời khấn vĩnh cư, và đòi buộc đan sĩ lao động. Lao động chân tay làm cho người đan sĩ trở nên thân quen với môi trường, có một sự quan tâm thường trực đến mọi sự, từ con chó, cây trái, ruộng vườn, nhà cửa…. Như đã nói, người quản lý thường là người thể hiện ý nghĩa thuộc về nhau trong cộng đoàn một cách rõ nét, qua thái độ quan tâm đến mọi người và mọi sự trong tu viện như chuyện của mình, thì đời sống đan tu hình như có khả năng đào tạo mọi người đều có khả năng làm quản lý cả. Có lẽ đó là một thành công lớn của đời đan tu trong phương cách đào tạo.

Đời sống như thế diễn tả một thái độ đặc biệt của người tín hữu, thái độ trung tín trong việc nhỏ, trong khả năng và giới hạn của mình; và những điều đó được thực hiện trong lòng khao khát, ước mơ những chuyện lớn lao mà Thiên Chúa sẽ làm. Thật ra những điều Chúa Giêsu giảng trong bài giảng trên núi đều là những điều con người không thể làm được, ngay cả với những bậc chính nhân quân tử cao quí nhất. Tất cả những điều ấy là diễn biến của Nước Trời do Chúa Giêsu thiết lập, và người Kitô hữu được mời gọi đón nhận, đón nhận bằng một sự sám hối, sám hối liên tục, thể hiện trong lòng trung tín nơi những việc nhỏ hằng ngày của mình.

3. Cử hành cuộc sống

Đời sống thánh hiến luôn bao hàm một thứ nề nếp tu trì; và chúng ta cũng nhận ra có rất nhiều tâm hồn khao khát sống đời sống thánh hiến đã bị chùm bước trước tính đều đặn tẻ nhạt của nề nếp tu trì. Khi giới đan sĩ chọn lối sống lao động và cầu nguyện, thì đó là một chọn lựa diễn tả quan niệm độc đáo của Kitô giáo, dám can đảm phối hợp hai phạm trù đối nghịch nhau trong văn hoá Hy Lạp. Thật ra, bước đột phá này đã có trong truyền thống Do Thái. Các Rabbi Do Thái đều có một nghề tay chân thành thạo để kiếm sống, chẳng hạn thánh Phaolô với nghề làm lều. Trong văn hoá Hy Lạp, cầu nguyện thì thuộc lãnh vực chiêm ngắm (théorie) của con người tự do, trong khi lao động thì lại là sự lao tác bắt buộc thuộc về công việc của người nô lệ. Thế nhưng, với người Kitô hữu, lao lực, mặc dù vẫn luôn là cực nhọc, lại được lựa chọn như một cách diễn tả thái độ một thái độ triết lý, diễn tả đức Tin thể hiện trong một lòng trung tín. Người sống đời sống thánh hiến nói chung được mời gọi trung tín với Chúa, trung tín trong từng công việc nhỏ nhất của cuộc sống hằng ngày:

"Vậy thì ai là người đầy tớ trung tín và khôn ngoan mà ông chủ đã đặt lên coi sóc gia nhân, để cấp phát lương thực cho họ đúng giờ đúng lúc ? Phúc cho đầy tớ ấy nếu chủ về mà thấy anh ta đang làm như vậy. Thầy bảo thật anh em, ông sẽ đặt anh ta lên coi sóc tất cả tài sản của mình. Nhưng nếu tên đầy tớ xấu xa ấy nghĩ bụng : "Còn lâu chủ ta mới về", thế rồi hắn bắt đầu đánh đập các đồng bạn, và chè chén với những bọn say sưa, chủ của tên đầy tớ ấy sẽ đến vào ngày hắn không chờ, vào giờ hắn không biết, và ông sẽ loại hắn ra, bắt chung số phận với những tên giả hình : ở đó, người ta sẽ phải khóc lóc nghiến răng." (Mt 24, 45-51)

Thái độ trung tín như thế làm cho người môn đệ không phải “cúi gầm mặt” vào những sự vật, những sự vật “buồn nôn” của cuộc sống, mà là ngẩng cao đầu để trông chờ Tôn Chủ của mình. Người ta có thể thấy một thứ “nội lực đan tu” nơi những đan sĩ chân chính. Sức mạnh được thể hiện ở chỗ, thay vì ngóng chờ hiệu năng của công việc và rơi vào tình trạng sốt ruột hay nản chí, thì người đan sĩ dâng lên cho Chúa mọi công việc nhỏ nhặt của mình. Chính sự “gắn liền” từng bước hành trình với trời cao giúp cho người đan sĩ trân trọng từng công việc và tìm thấy một sự nhẫn nại vô bờ.

Một cách nào đó, cung cách ấy không khác lắm với thái độ của người thiền sư. Tuy nhiên, đối với người đan sĩ, đây không phải là một hành vi phát xuất thuần tuý từ nội lực, được soi sáng nhờ ánh sáng giác ngộ về tính cách hoà đồng của toàn thể vũ trụ, mà là một thứ nội lực phát xuất từ lòng trung tín “hướng thượng” và từng bước vươn lên đến Đấng là nguồn cội của bản ngã.

Như thế, trong đời sống thánh hiến, sự trung tín trong nề nếp tu trì chỉ có thể được giải thoát khỏi cái tẻ nhạt hằng ngày khi người tu sĩ biết “cử hành” cuộc sống của mình, cử hành toàn bộ cuộc sống của mình trong từng chi tiết, cử hành như một nghi lễ hiến tế của cả vũ trụ.

Phương cách cử hành này, hình như, bao hàm một sự chấp nhận quy luật đều đặn của vũ trụ chứ không phải chỉ bằng một ý thức thuần tuý tinh thần. Cần phải chấp nhận quy luật đều đặn của vũ trụ, cần lập đi lập lại như một thứ “niệm” chứ không phải chỉ là “suy”. Cũng thế, cần phải có một cử điệu, vững vàng, ổn định đồng hành cùng với những tinh thần có tính cách nhân linh của con người….. tụng kinh, lời cầu nguyện Taizé, đọc điệp ca…

THẢO LUẬN

Có thể nói, kỷ luật tu trì nằm trong nếp sống tu trì. Nếp sống tu trì không đương nhiên làm cho chúng ta đạo đức, mà chỉ là tiền đề mà trên đó ta xây dựng mối tương quan với Thiên Chúa. Hơn nữa, nó cũng bao hàm những nguy cơ, biến chúng ta thành những người máy móc, buồn tẻ. Nguy cơ lớn hơn, nguy cơ Pharisêu, là lấy công khó cuộc đời tu trì mình sống làm bệ đứng phê phán người khác. Nhưng cũng phải khẳng định rằng không có một người tu sĩ đạo đức nào lại coi thường nếp sống tu trì.

Nếp sống tu trì đôi khi làm chúng ta buồn tẻ, nhưng dòng thời gian xét trong quy mô nhỏ, chúng ta phải ướm những sự việc từng ngày, tính chất buồn tẻ vào trong cuộc sống mình; ướm cả những vết thương quá khứ vào mầu nhiệm phục sinh của Đức Kitô để làm cho cuộc sống thêm phong phú.

Trong sách Hiến Pháp Dòng Đa minh, nếp sống tu trì được trình bày rõ ràng từ số 39 đến số 55. Nếp sống này gắn kết năm thành tố chính làm nên đời sống Đa minh, và là mặt biểu hiện ra bên ngoài của các thành tố làm nên Dòng chúng ta.

Một số nhận xét về nếp sống tu trì trong Tu viện hiện nay :

-   Thời nay, chúng ta dễ dàng tự miễn chuẩn cho việc tuân giữ kỷ luật với những lý do không chính đáng.

-   Nội vi (vật thể và phi vật thể [là internet, điện thoại]): anh em chưa ý thức đủ về tầm quan trọng của nội vi.

-   Bầu khi thinh lặng chưa được cộng đoàn xem trọng.

-   Sự xáo trộn về mục đích nơi chốn.

Tóm lại, những chiều kích của cộng đoàn Đa minh cần được tuân giữ, nếu thiếu một trong những chiều kích đó, thì chúng ta không thể trở thành một tu sĩ Đa minh. Còn khi ta sống những chiều kích đó, thì chúng làm nên chính con người mình.

Các ý kiến của quý cha và quý thầy bàn về “nếp sống tu trì”có thể tóm gọn trong những mục sau:

- Nếp sống tu trì Đa minh đã hình thành qua tám thế kỷ. Nhìn một cách nhẹ nhàng, nếp sống tu trì như là một môn học với mục đích để đào luyện môn sinh chân chính.

- Tuy nhiên, đôi khi về phía cá nhân, ta cảm thấy khó chịu khi tuân giữ nếp sống tu trì, nhưng phải đón nhận, phải tỉnh để chấn chỉnh đời sống của mình.

- Nếp sống tu trì dựa trên hai trục chính: thời gian và không gian. Chúng ta phải lợi dụng hoàn cảnh để gắn bó hết mình để đời sống Đa minh được hoàn thiện, cũng như để đời sống này hoàn thiện mình.

- Các vị hữu trách nên nhắc nhở các anh em khi chưa tuân giữ đúng nếp sống tu trì....

NGUYỄN TRỌNG VIỄN

114.864864865135.135135135250