NỀN TU ĐỨC ĐA MINH
L.m.An-rê Đỗ Xuân Quế,OP.
1.Nền tu đức Đa Minh
Dòng Đa Minh có một nền tu đức riêng rất sớm, ngay từ khi mới được thành lập. Nền tu đức đó đã sản sinh ra được những vị thánh lớn như thánh Tổ Phụ, thánh An-be-tô, thánh Tô-ma A-qui-nô, thánh Ca-ta-ri-na thành Xi-ê-na.v.v. Đây là những vị thánh tiêu biểu làm vẻ vang cho Dòng không ít.
Thánh Đa Minh đã không để lại tác phẩm tu đức nào nói về con đường linh đạo của Dòng như thánh I-nhã, nhưng cuộc đời và lối sống của ngài đã vẽ ra cho Dòng một con đường linh đạo và một nền tu đức rõ rệt. Như vậy, nền tu đức này đã có ngay từ năm 1216.
Thật vậy, không ai hơn ngài đã xác tín về ưu vị của đời sống nội tâm và coi đó là hồn của mọi công việc tông đồ. Chính ngài đã dạy cho các anh em mình những nẻo đường của Chúa, đã rút ra từ các sách Tin Mừng và thư của thánh Phao-lô cũng như phụng vụ các giờ kinh, giáo lý để giảng dạy và nuôi dưỡng đời sống thiêng liêng cho các anh em đầu tiên trong Dòng. Ngoài ra, ngài đã lấy qui luật của thánh Âu-tinh, một qui luật ngạt ngào hương vị và chứa chất tinh thần Tin Mừng làm khung cảnh cho đời tu. Trong đời tu này, ngài đặt đức ái lên bậc cao nhất và đưa ra một bản hiến pháp vừa quân bình vừa khôn ngoan với những kỷ luật và lề thói thịnh hành trong các dòng tu thời bấy giờ, nhằm giải gỡ tâm hồn các tu sĩ cho khỏi ách nặng nề của xác thịt và ý riêng. Ngài coi trọng việc hãm mình, cầu nguyện và học hành. Nhờ ba yếu tố này, ngài mặc cho Dòng một tính chất chiêm niệm với đặc tính riêng là tông đồ, nghĩa là sau khi đã chiêm niệm, suy nghĩ, học hành mà thu lượm được kết quả thì đem những thứ đó chia sẻ cho người khác. Về sau thánh Tô-ma đã diễn tả ý hướng của thánh Tổ Phụ trong một câu rất ý nghĩa và cô đọng là chiêm niệm và truyền thông những điều đã chiêm niệm được cho người khác. Câu này đã trở thành khẩu hiệu phản ánh được tinh thần và sứ mệnh của Dòng. Như vậy, căn bản của nền tu đức Đa Minh được xây dựng trên một học thuyết vững vàng về Chúa. Các con cái của thánh phụ không bao giờ được lìa xa nền tảng rất vững chắc này.
2. Những yếu tố căn bản của nền tu đức Đa Minh
Sau đây là một vài nét tiêu biểu của nền tu đức Đa Minh.
2.1 Nét tiêu biểu thứ nhất là lòng yêu chuộng và sự nỗ lực truy tầm chân lý.
Chân lý đây là chính Chúa. Từ nơi Chúa phát ra ánh sáng đem lại sự sống. Dòng học hỏi Chân Lý, ngắm nhìn Chân Lý rồi truyền bá Chân Lý. Chân Lý phải chói ngời rực rỡ và bóng tối lầm lạc phải bị đẩy lui. Do nét tiêu biểu này mà Dòng quí trọng sự thật và tìm mọi cách để chiếu giãi ánh sáng đức tin. Phải chăng vì vậy, trong sắc thành lập Dòng. ĐGH Ho-no-ri-ô III đã gọi con cái thánh Đa Minh là “những kiện tướng của đức tin”và “ánh sáng thật của trần gian”. Cũng vì danh hiệu này, trong suốt lịch sử, Dòng luôn bênh vực đức tin, chống lại các bè rối và không ngừng rao giảng Lời Chúa. Dòng có sứ mệnh soi dẫn các linh hồn như chính Chúa đã nói với thánh Ca-ta-ri-na, khi so sánh Dòng Đa Minh với Dòng Phan-xi-cô : “Con hãy nhìn xem chiếc thuyền của Phan-xi-cô. Thuyền ấy chứa đựng biết bao là thánh thiện và hương thơm nghèo khó. Mỗi Dòng trổi vượt về một nhân đức riêng, tuy Dòng nào cũng lấy đức ái làm nguyên lý của mọi nhân đức. Phan-xi-cô, người nghèo yêu quí của Cha có riêng đức khó nghèo chân thật vì lòng mộ mến nhân đức ấy. Phan-xi-cô đã lấy đó làm bô phận chính cho chiếc thuyền của mình. Còn cha Đa Minh của con, người con yêu quí của Cha, đã muốn cho anh em mình không nghĩ tưởng gì khác ngoài tôn vinh Cha và cứu các linh hồn bằng ánh sáng học thức. Cha con đã muốn dùng ánh sáng này làm đối tượng chính của Dòng mình để cắt tỉa những sai lầm nổi lên thời bấy giờ. Công việc của cha con là công việc của Ngôi Lời, Thánh tử duy nhất của cha. Chính cha con là môt ánh sáng Cha ban cho trần gian qua Mẹ Ma-ri-a làm môi giới. Cha con đã mời anh em con tới bàn ăn nào để được nuôi dưỡng bằng ánh sáng học thức ? Ngày nay người ta lấy những làn khói kiêu ngạo mà bao phủ học thức, khiến cho chính ánh sáng học thức trở thành tối tăm. Cha không muốn tố cáo Dòng đâu, vì như Cha đã nói với con, tự bản chất, Dòng đầy những điều thú vị, nhưng Dòng bây giờ không phải như lúc ban đầu nữa. Bấy giờ Dòng là một bông hoa và có những tu sĩ đạt tới trình độ thánh thiện cao làm cho người ta liên tưởng đến thánh Phao-lô, do ánh sáng rực rỡ từ những tu sĩ đó phát ra. Con hãy nhìn Tô-ma, con người vinh hiển. Thật là một bộ óc cao quí, hoàn toàn chiêm niệm chân lý của Cha. Chính tại nguồn chân lý này mà Tô-ma tìm được ánh sáng siêu nhiên và trí thông minh thiên phú. Ơn này Tô-ma nhận được nhờ cầu nguyện hơn là học hành.”[1]
2.2 Nét tiêu biểu thứ hai là chủ trương ân sủng không phá hủy mà kiện toàn bản tính tự nhiên.
Vì thế, nền tu đúc Đa Minh khuyến khích phát triển các tài năng tự nhiên Chúa ban cho, khuyến khích việc học hành, nghiên cứu và sử dụng lý trí sao cho phù hợp với sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Bởi vậy, như lời Chúa nói với thánh Ca-ta-ri-na : “Đạo Đa Minh là đạo thênh thang, vui tươi, ngào ngạt. Thật là một khu vườn đầy thú vị.”[2]
Nhưng muốn thực sự là thế, nền tu đức này đòi phải hy sinh hãm mình và thực hành các nhân đức một cách anh hùng, nhờ ánh sáng chiêm niệm soi dẫn. Thật thế, nền tu đức Đa Minh dành một địa vị xứng đáng cho việc hy sinh hãm mình như Bản Hiến Pháp cũ minh chứng : thức dậy đêm, ăn uống thanh đạm, ăn chay, đánh tội, điều mà các Dòng tân thời cho là khó đi đôi với công việc tông đồ. Luật Dòng Ba Đa Minh (bây giờ gọi là Huynh Đoàn Giáo Dân Đa Minh) là Dòng hãm mình của thánh Đa Minh, nói lên tính hy sinh hãm mình. Tính cách này còn hiện ra rõ rệt trong đời sống rất khắc khổ của các thánh và chân phước Đa Minh, dựa vào lòng sùng kính của các ngài đối với cuộc Thương Khó của Chúa Giê-su Ki-tô. Có lẽ nhờ vậy, trong số 321 được in Năm Dấu Thánh, có 108 vị là tu sĩ Đa Minh.[3]
Về vấn đề ân sủng, nền tu đức Đa Minh xác quyết hai nguyên lý xem ra như đối nghịch nhau. Hai nguyên lý đó là ân sủng hữu hiệu tự bản chất chứ không phải do sự ưng thuận của ý chí con người. Tuy vậy, con người vẫn phải tập tành các nhân đức. Thánh Tô-ma đã bàn giải 40 nhân đức trong bộ Thần học tổng luận; mỗi nhân đức có một nết xấu đối nghịch là bất cập và thái quá. Vì vậy ngài mới dạy : nhân đức đứng ở giữa nên phải ra công luyện tập cho xứng với tầm quan trọng của nó. Bên cạnh lời giảng huấn này lại còn có học thuyết của thánh Ca-ta-ri-na về sự hy sinh hãm mình được bàn tới trong cuốn Đối thoại ở thiên khảo luận về đời sống thiêng liêng của thánh Vinh sơn Phe-ri-ê.
2.3 Nét tiêu biểu thứ ba của nền tu đức Đa Minh là sự nhấn mạnh đến tính hữu hiệu của ân sủng nhờ lời cầu nguyện nhiều hơn là sức cố gắng của ý chí.
Đó là ý nghĩa của những lời trong thư thánh Phao-lô : “Vì chính Thiên Chúa tác động đến ý chí cũng như hành động của anh em do lòng mến thương của Người.” (Pl 2,13) Như vậy, Chúa là Đấng duy nhất cứu độ chúng ta. Cái tốt nhất trong cuộc đời chúng ta, quyết tâm của chúng ta theo Chúa không phải chỉ là công của chúng ta nhưng phải từ Thiên Chúa,nguyên Lý thứ nhất mà đến, rồi mới từ chúng ta là nguyên lý thứ hai. Do đấy, có sự hòa hợp chặt chẽ giữa ơn Chúa và công cố găng của con người, một sự chặt chẽ hòa hợp có thứ tự : ơn Thiên Chúa trước, công cố gắng của con người sau, Ơn Chúa bảo chúng ta : “Hãy lắng tai nghe tiếng Chúa, hãy chú ý theo dõi hoạt động của Người, đừng chống lại ơn Người, hãy cầu nguyện để có sức đáp lại và Người sẽ ban ơn cho làm điều thiện, chấp nhậ các hy sinh và kết hiệp với Ngừoi cách chặt chẽ hơn nữa. Còn về phía con người, chúng ta sẽ nghe có tiếng nhủ thầm : “Hãy cố gắng để làm cho ơn Chúa trở nên hữu hiệu. Chúng ta phải lo cứu mình và nên thánh bằng cách động viên và sử dụng mọi khả năng Chúa ban.”
Như vậy, như đã nói, Dòng Đa Minh có một nền tu đức rât sớm. Nền tu đức ấy đặt Chúa làm trọng tâm và coi đó là điều chính yếu. Học hành cho biết Chúa để yêu mến Người rồi nói cho người khác biết để họ cũng yêu mến Chúa như vậy. Đặc tính của nền tu đức này là tin tưởng và đề cao ân sủng , đồng thời động viên và giáo dục các khả năng tư nhiên để đón nhận và hợp tác với ân sủng, nhưng lại đặt ưu vị cho lời cầu nguyện và những phương pháp hy sinh hãm mình để chế ngự các nết xấu và tập tành các nhân đức. Bên cạnh những nét đặc biệt này là lòng sùng kính Chúa ngự trong bí tích Thánh Thể và lòng mộ mến Đưc Mẹ qua chuỗi Mai Khôi.
Các bậc tiền bối trong Dòng, trải qua các thế kỷ đã nhờ nền tu đức và các lòng sùng kính này mà nên thánh. Như vậy, đã rõ là Dòng Đa Minh đã có một nền tu đức từ rất xa xưa và nền tu đức ấy đã tạo ra nhiều vị thánh