Thánh Đa Minh Và Việc Học Hành
Lm. Giuse Nguyễn Hữu Nghị, OP.,
Bài chia sẻ dịp Tĩnh Tâm chung Tỉnh Dòng,
tháng 07 năm 2016.
Kính thưa Quý Cha và Anh Em,
Chúng ta đang trong thời gian mừng 800 năm thành lập Dòng. Chủ đề Tuần tĩnh tâm năm nay “Trở về với phần gia sản của mình”, như một lời mời gọi anh em tìm về với các trực giác và các chọn lựa căn bản của Thánh Phụ Đa Minh nhằm kín múc ở nơi ngài những hứng khởi cũng như ánh sáng ngõ hầu mỗiAnh Em chúng ta có thể soi lại thái độ, cung cách dấn thân của mình, đồng thời đáp trả lại cách sáng tạo và mới mẻ trước những đòi hỏi của sứ vụ giảng thuyết hôm nay.[1]
Trong ý hướng này, con xin chia sẻ đề tài: Thánh Đa Minh và việc học hành. Con chia sẻ đề tài này với tính cách là một tu sĩ Đa Minh đầu thế kỷ XXI trở về lại với những trực giác và chọn lựa rất can đảm của Thánh Phụ đối với việc học hành để tìm lại ý nghĩa, giá trị, cũng như tính thời sự của nó (trong bài này, con cũng sẽ mở rộng một chút về việc học hành nơi thánh Alberto Cả và thánh Thomas d’Aquin). Như thế, cách đọc của con là mang tính cá nhân, và đã là cá nhân thì nó phiến diện và dang dở. Do đó, con xin mời quý Cha và Anh Em tiếp tục những cách đọc riêng và sáng tạo của mỗi người tùy theo ân tứ, khuynh hướng được Thiên Chúa hiến tặng và mời gọi.
1. Việc học hành nơi thánh Phụ Đa Minh và các Định chế của Dòng
Khi suy nghĩ việc Thánh Phụ coi “học hành” là “yếu tố quan trọng”, một trong những “cột trụ, một phương thế để thực hiện lý tưởng của ơn gọi tu trì mà ngài sáng lập”,[2] con tự hỏi: Giữa rất nhiều cách thế hay dạng thức khác nhau để loan báo Tin Mừng, Chân lý, Tình yêu cứu độ của Thiên Chúa, tại sao Cha Đa Minh lại quyết định chọn lựa việc giảng thuyết Tin Mừng cứu độ này ngang qua việc học hành?
Cụ thể hơn: Phải chăng Thánh Phụ đã không ý thức hết được những nguy hiểm, những rủi ro, hệ lụy“tiêu cực” của việc học hành đối với đời sống tu trì, vốn đã không ngừng được các vị thánh của đời sống Đan sĩ cảnh báo trước đó:[3] Thói tọc mạch vô ích, thích lao vào những hệ thống chữ nghĩa phù phiếm rồi ngủ yên trong đó, sa đà vào chuyện cãi chữ, chểnh mảng kinh kệ, chiêm niệm, xao nhãng việc tìm kiếm Thiên Chúa và thánh ý của Ngài, học hành cho nhiều dễ sinh kiêu ngạo và háo danh?[4] Và một vấn nạn khác: Phải chăng Cha Đa Minh không hay biết gì về những cuộc tranh luận thế kỷ XII và đầu thế kỷ XIII giữa các trường phái Đan tu về vai trò, giá trị của lý trí cũng như chuyện học hành đối với đời sống tu trì?[5]
Chúng ta biết rõ rằng, đối với “truyền thống các Đan sĩ”, đời sống đan tu được phân chia làm hai: “lao động chân tay và cầu nguyện”. Khi mà việc học hành không phải là một yếu tố nền tảng hay một yếu tố mang tính ràng buộc, thì học hành chỉ là để nuôi dưỡng đời sống cầu nguyện, “nhưng không được quan niệm rằng việc học hành thực sự là con đường thánh hóa”.[6]
Trong một não trạng như thế, để thấy rõ được “tính cách mạng và sự mới mẻ” của Thánh Phụ Đa Minh khi ngài chọn lựa chuyện học hành, ta hãy trở về với một vị thánh đương thời với ngài là thánh Phanxicô, Đấng sáng lập Cộng đoàn Anh Em Hèn Mọn. Thánh Phanxicô tôn trọng những anh em có học thức và hài lòng với việc anh em của ngài trở thành những sinh viên hay giáo sư sau khi gia nhập Dòng. Tuy nhiên, “thánh Phanxicô ý thức rất rõ rằng việc học hành, đặc biệt là những vinh dự khoa bảng và việc cạnh tranh có thể làm cho tâm hồn người tu sĩ trở nên chai cứng và trí tuệ mù tối đối với niềm tin thuần khiết”. Chính vì những lý do trên, nên “thánh Phanxicô đã không khuyến khích các anh em của ngài hăng say học hành, nghiên cứu”.[7]
Như vậy, Dòng Anh Em Hèn Mọn mà thánh Phanxicô quy tụ quanh ngài lúc đầu chắc chắn không phải là một ơn gọi chuyên về học hành. Dù rằng, dưới áp lực của Tòa Thánh, cộng đoàn Phanxicô đã trở thành giáo sĩ hóa và chú ý nhiều hơn đến chuyện học hành nhằm đảm nhận tốt trách vụ giảng thuyết. Thế nhưng ngay cả khi rất nhiều anh em Phanxicô bước vào trường Đại học (Paris, Oxford), nhưng bất chấp điều đó, vẫn luôn có một sự phản kháng rất quyết liệt từ phía “các nhà tâm linh” luôn muốn trung thành với lý tưởng nguyên thủy của thánh Phanxicô. Jacopone de Todi (1230-1306) lấy làm tiếc: “Paris đã phá hủy Assise”.[8]
Với “Cha Đa Minh thì sao?”. Cũng như các đan sĩ và thánh Phanxicô, Cha Đa Minh đã hoàn toàn nhận thức được rất rõ những mối nguy hiểm, những tiêu cực của việc học hành không đúng đắn như đã được đề cập ở trên đối với đời sống đức tin và đời sống tu trì nói riêng. Tuy nhiên, Cha cũng có một xác tín mạnh mẽ: việc nghiêm túc học hành “Kinh Thánh” và “thần học” không chỉ cần thiết cho sứ vụ giảng thuyết Cha đảm nhận, nhưng còn góp phần thực sự vào việc nên thánh của anh em.[9] “Ngài đặt việc học vào số những sinh hoạt chính yếu của đời tu, ngang bằng với việc cầu nguyện và khổ chế”.[10] Học hành được coi là hành vi tâm linh, hành vi sám hối hữu ích, có khả năng dẫn đưa tu sĩ Đa Minh tới việc hiểu biết Thiên Chúa sâu xa hơn, hiểu biết về con người, về thế giới mỗi ngày mỗi trung thực, phong phú hơn nữa, để “phục vụ cho sứ vụ”.
Khi dành cho việc học hành một vị trí quan trọng, cột trụ của đời sống Đa Minh, thánh Phụ một cách nào đó đã “ngắt đứt với truyền thống Đan tu”, thay thế công việc chân tay bằng công việc học hành. “Lectio divina” được mở rộng ra thành việc “nghiên cứu Thánh Kinh và thần học”. Theo cha Guy Bedouelle, O.P, so với Hiến Pháp Dòng Kinh sĩ Prémontrés do thánh Norbert thành lập đầu thế kỷ XII, mà thánh Phụ Đa Minh vay mượn rất nhiều từ đó, “đa số các cải cách mà Thánh Phụ” đưa vào trong “Định chế tiên khởi”của Dòng, đều liên quan đến “mối bận tâm và cách tổ chức việc học hành”. So với các định chế tu trì trước đó và cùng thời với ngài, thánh Phụ Đa Minh đã có một nhãn quan rất tích cực đối với việc học hành.[11] Đây là “một cuộc cách mạng về học hành trong đời sống tu trì”. Ngài tín nhiệm vào khát vọng chân lý thực sự của lý trí con người, bất chấp những nguy cơ, chệch hướng, nhưng khuynh hướng về chân lý là một khát vọng có thực và rất đáng vun trồng nơi tâm tư con người.
Dù học hành quan trọng là thế, nhưng chắc chắn Thánh Đa Minh không lập ra một Dòng “hiếu tri thuần túy”, một cộng đoàn của những “thợ chữ, cắm đầu cắm cổ học”. Dù thánh Phụ nhìn nhận giá trị tự thân của việc học hành nghiêm túc. Nhưng trong dạng thức tu trì mà ngài thiết lập, “việc học không dừng lại ở chính nó”, cũng không phải là “cứu cánh sau cùng của học sĩ Đa Minh”. Dòng Giảng Thuyết không phải là viện hàn lâm thuần túy. “Học viện” lại càng không phải là một nhà máy sản xuất ra các nhà trí thức, các nhà học thuật,[12] những người chuyên cắm đầu nhặt nhạnh chữ nghĩa, “thích làm tổ trong các hệ thống”, để rồi dửng dưng với con người và cuộc đời, cuối cùng là dững dưng với chính mục đích của đời tu là tìm kiếm Thiên Chúa và Vương quốc của Ngài.
Lời “Tự ngôn” của “Hiến Pháp nguyên thủy”, được dẫn lại trong “Hiến Pháp hiện nay” số 77, đã cụ thể hóa ý hướng cũng như mục đích mà Thánh Phụ dành cho việc học hành: § I. “Việc học hành của chúng ta phải nhằm hết sức chính yếu và mạnh mẽ vào điểm này là để chúng ta trở nên hữu ích cho linh hồn tha nhân”. “Hiến Pháp nguyên thủy” đã dành nhiều khoản để khuyến khích việc học cá nhân cũng như cộng đoàn, và đã trù bị những phương tiện thích ứng để cổ võ việc học hành. Mở đầu cho phần nói về“Học hành” của “Sách Hiến Pháp hiện hành”, số 76 đã nói rằng: “Thánh Đa Minh, người canh tân đặc biệt trong lãnh vực học hành, đã gắn chặt việc học nhằm tác vụ cứu độ với chủ đích của Dòng mình”. Sau đó, § II của số 77 đã diễn giải và khích lệ: “Nhờ học hành, anh em nghiền ngẫm sự khôn ngoan thiên hình vạn trạng của Thiên Chúa và chuẩn bị phục vụ Hội Thánh và mọi người về phương diện đạo lý”; hơn nữa cần phải chuyên tâm học hỏi, vì theo truyền thống của Dòng, anh em được đặc biệt kêu gọi để vun trồng“khuynh hướng của con người là tìm kiếm chân lý”.
Trong ơn gọi Đa Minh, giữa “thánh hiến, sứ vụ và học hành” có một mối tương hệ rất mật thiết. Tất cả được xây dựng trên “nền tảng căn bản là thánh hiến”. Chúng ta được thánh hiến để trở thành những người giảng thuyết Lời, và để có thể thi hành sứ vụ giảng thuyết Lời, thì cần phải học hành nghiên cứu.“Tu sĩ Đa Minh được thánh hiến trong Chân lý, cho Chân lý và vì Chân lý, nên học hành là để phục vụ cho Chân lý của Thiên Chúa và chân lý của con người”.
Việc nghiên cứu học hành nhằm phục vụ cho sứ mạng của Dòng luôn được các Tổng Hội đề cập. Công vụ Tổng Hội Providence, năm 2001, chương III, Đời sống trí thức, số 108 đã cho ta thấy rằng: “Việc học hành được nối kết với lòng thương cảm thúc đẩy chúng ta loan báo Tin Mừng tình yêu của Thiên Chúa dành cho thế giới và loan báo phẩm giá con người xuất phát từ một tình yêu như thế. Việc học hành giúp chúng ta am hiểu những cuộc khủng hoảng, những nhu cầu, niềm khao khát và khổ đau của nhân loại cũng như là của chính mình”.
Công vụ Tổng Hội giám định viên Krakow năm 2004, chương III, số 124 đã nói rằng: “Học hỏi, tìm kiếm chân lý là điều không thể tách rời khỏi sứ vụ của Dòng”, và số 125 đã phát biểu như sau: “Vốn bắt nguồn từ lòng thương cảm, việc học hành của chúng ta phải hướng đến sứ vụ ơn Cứu Độ [ HP 76 ], và vì việc học mang đặc tính và giá trị tông đồ đích thực, nên việc miệt mài học hỏi đã là một hoạt động mang tính tông đồ. Vì vậy, việc học hành của chúng ta trợ giúp cho Giáo Hội và phục vụ thế giới, khi làm sáng tỏ những vấn nạn của con người dưới ánh sáng của Tin Mừng”.
Cha Tổng Quyền Bruno Cadoré, O.P., trong thư đúc kết Kinh lý Tỉnh Dòng Đa Minh Việt nam 2014 (2.2.3) mời gọi trong Tỉnh Dòng và mỗi Tu viện của chúng ta cần phải xây dựng một “nếp văn hóa học hành”.
Chính vì những lý do trên, chúng ta thấy rõ được thế nào là ý nghĩa đích thực của “việc học hành” mà Thánh Phụ mong muốn. Chúng ta cũng nhận thức được lý do tại sao tu sĩ Đa Minh phải học, học cái gì, học với tâm thức nào, với nhãn quan nào, nhắm đến cái gì và phục vụ cho những ai.
2. Thánh Phụ Đa Minh, con người của hai nẻo đường hành khất[13]
Đắm mình trong chiêm niệm, nghiền ngẫm Thánh Kinh, đối thoại không ngừng với Thiên Chúa, do đó thánh Phụ Đa Minh là người ẩn khuất trọn vẹn ở trong ân sủng và tình thương cứu độ của Thiên Chúa và ngài trở thành một người nghệ sĩ tự do trước của cải trần thế, người nghèo của Giavê. Rong ruổi trên những nẻo đường nhân gian, ngài ăn xin lòng thương xót của con người, “ăn mày” lương thực trần thế để nuôi thân.
Quan trọng hơn, “trên nẻo đường tâm linh”, trong miệt mài cầu nguyện, chiêm niệm, nghiền ngẫm Thánh khoa, trong cuộc vật lộn, đối thoại không biết mệt mỏi với Cha của Đức Giêsu Kitô, thánh Phụ đã “ăn mày chân lý, tình thương và ơn cứu độ của Trời Cao” cho bản thân, cho anh em ngài và cho hết mọi người. Giống như Tổ phụ Giacob xưa đã vật lộn, chiến đấu không buông bỏ với Đức Chúa để buộc Ngài phải chúc lành cho mình để từ đó có thể chúc lành cho người khác, Cha Đa Minh cũng đã làm như thế.
Cha Đa Minh không là người viển vông, duy linh, duy tinh thần kiểu Platon. Cha ý thức trọn vẹn những nhu cầu thiết thực của thân phận con người. Nhu cầu vật chất là có thực và phải được nhìn nhận cách thích đáng. Những người nghèo khổ cần phải được trợ giúp để họ có thể sống xứng với nhân phẩm và để họ có điều kiện thực hiện những ơn gọi khác, cao cả hơn của đời sống con người. Sự kiện Cha Đa Minh bán sách giúp người nghèo là một minh chứng sống động và luôn mang tính thời sự.
Thế nhưng trong các cuộc gặp gỡ và đặc biệt là trong những cuộc tranh luận quyết liệt với những người thuộc phái Al-bi hay Ca-ta, Cha Đa Minh nhận ra rằng, “lý trí và trái tim con người còn có một cơn đói khát khác”, – và nếu nhìn trong bình diện tôn giáo, bình diện ý nghĩa và giá trị của đời người, - thì cơn đói khát này còn lớn lao hơn rất nhiều sự đói khát về vật chất và của ăn thể xác dù cũng rất quan trọng: “đó là cơn đói khát tuyệt đối, đói khát chân lý và sự thật, đói khát tình thương, sự hiệp thông và ơn cứu độ”.
Vì ẩn khuất trong ân sủng của Lời và trong ánh sáng của Thánh Thần, nên Cha Đa Minh nhận thức rõ được rằng, “cơn đói khát tuyệt đối và chân lý làm thành vẻ đẹp cũng như sự lớn lao của hiện hữu nhân sinh”. Ngay trong chính các cuộc tranh luận với những người lạc giáo, Cha Đa Minh đã nhận thấy rõ nỗi khát khao ấy, dù họ đang bước đi trong bóng tối của lầm lạc và ảo tưởng. Cha hiểu rằng “trái tim và lý trí con người được sinh ra cho chân lý và vì chân lý”.
Với Cha Đa Minh, Chân lý này không phải là sự hợp lý của hệ thống chữ nghĩa hay của những công thức dù đẹp đẽ đến đâu đi chăng nữa, những thứ chân lý này chẳng đáng giá bao nhiêu, và cũng chẳng đáng tôn thờ, nhưng “Chân lý” mà Thánh Phụ đặt hết niềm tin và loan báo là một “Ngôi vị, Đấng” có khả năng yêu thương đến cùng. Đấng cúi xuống thật gần hiện hữu con người để chữa lành, cứu thoát và mang lại sự sống đích thực. “Chân lý này chính là Lời Thiên Chúa”. Đấng là “Đường”, sự “Thật” và là sự “Sống”. Như thế, chỉ trong Chân lý này, thì con người mới tìm được nơi cư ngụ thực sự. “Chân lý là chốn an cư, ngôi nhà vĩnh hằng của con người”.
Cha Đa Minh hành khất chân lý và ánh sáng của Trời Cao để chiếu rọi vào các thực tại của đất thấp. Chân lý của cuốn “Sách Thánh” soi sáng chân lý của cuốn sách các thực tại thế giới và đặc biệt là cuốn sách lịch sử đời người. “Thánh Phụ là nhà hành khất vĩ đại về chân lý, tình thương và ơn cứu độ của Trời Cao để loan báo và hiến tặng cho con người”. Như thế ta lại càng hiểu rõ hơn việc học hành mà Thánh Phụ mong muốn là gì. Học để tâm tư của tu sĩ Đa Minh mở ra với thế giới của Thiên Chúa và có khả năng lắng nghe được khát vọng của con người. Mỗi tu sĩ Giảng thuyết là một nhà hành khất sự giàu có của Trời Cao để loan báo và hiến tặng cho đất thấp.[14]
3. Học hành: từ thánh Phụ Đa Minh tới thánh Alberto Cả và thánh Thomas d’Aquin
“Việc học hành chủ yếu là Kinh Thánh và thần học được mở rộng sang việc nghiên cứu các khoa học đời”: Cuộc đối thoại giữa thế giới của Thiên Chúa với thế giới của con người và những hệ lụy của nó.[15]
Khác với thánh Phanxicô, Cha Đa Minh xuất thân từ hàng kinh sĩ, ham thích việc học hành từ thời thanh niên, hơn nữa ngài là một linh mục và được nghiên cứu thần học rất thấu đáo,[16] nên “ngài chọn lựa việc học hành cho sứ vụ không có gì là lạ”. Đặc biệt, mục đích riêng của Dòng mà Cha thành lập, - nhắm đến “ơn cứu độ của các linh hồn qua việc giảng thuyết đạo lý”, - đòi hỏi các anh em của ngài cần phải có một sự chuẩn bị vững chắc về mặt Thánh Kinh và thần học.[17]
Như thế ngay từ lúc khởi đầu, việc “học hành nghiên cứu” trong Dòng – cũng như việc nghiên cứu tại Đại học, – là một “phương diện cấu thành” trong ơn gọi Đa Minh. Ngay từ năm 1217, khi sai phái anh em ra đi, thánh Đa Minh cũng đã gửi anh em đến các trung tâm Đại học lớn của thời đại (Bologna và Paris) để học hành nghiên cứu và để tuyển lựa các thành viên mới.[18]
Nhưng người ta sẽ đặt vấn nạn: “Các anh em tiên khởi của Dòng chúng ta học hành chủ yếu là những gì?”. Thật vậy, việc học hành nghiên cứu lúc khởi đầu trong Dòng Đa Minh “hoàn toàn” là “Kinh Thánh” và“thần học”. Bởi vì Kinh Thánh là nền tảng cho mọi thứ giảng dạy thần học thời Trung cổ. Thời kỳ này, các sách giáo khoa rất ít. Theo cha Guy Bedouelle, có hai cuốn sách giáo khoa thông dụng nhất vào cuối thế kỷ XII và đầu thế kỷ XIII là cuốn “Lịch sử Kinh viện” (Histoire scolastique) của Pierre la Magneur viết năm 1170 và nhất là cuốn “Sentences” của Pierre Lombard, được nhìn nhận là nền tảng của chương trình đào tạo giáo sĩ Latinh từ cuối thế kỷ XII. Như thế, vào đầu thế kỷ XIII, ở các “phân khoa thần học”, các giáo sĩ và tu sĩ học hành chủ yếu là “thần học tín lý” và các bài “chú giải Thánh Kinh”.[19]
Trong điều kiện chung như thế, nên lúc đầu Cha Đa Minh muốn anh em phải chuyên cần học hỏi chính yếu là “Thánh Kinh” và “thần học”. “Hiến Pháp nguyên thủy” cũng đã cảnh giác anh em đừng tìm hiểu quá sâu “sách vở của những triết gia và những người ngoại giáo, trừ phi là coi qua loa” (Phần II, 28, 1-2).“Hiến Pháp nguyên thủy” cảnh giác anh em phải đề phòng kẻo sa cám dỗ lao vào nghiên cứu các môn học phụ thuộc mà xao nhãng các môn nghiên cứu chính yếu là “Thánh Kinh” và “thần học” để phục vụ thiết thực cho sứ mạng giảng thuyết. Dòng được thành lập nhằm mục đích cứu độ các linh hồn do đó khuyến khích anh em Đa Minh học hỏi thần học hơn là các triết gia ngoài đời.
Trong cuốn “Đời sống anh em” (Vitae fratrum), anh Gérard de Frachet, O.P, (1205-1271) đã phản ánh khá rõ tâm thức của anh em Đa Minh giai đoạn đầu đối với các khoa học đời, đặc biệt là với triết học. Anh kể rằng:
Một người anh em ở Anh đang suy nghĩ làm cách nào có thể chêm câu chuyện triết học vào một bài giảng mà anh sắp đi giảng cho các sinh viên. Khi đang mải suy nghĩ về điều này, anh đã ngủ thiếp đi và trong giấc mơ đã nhìn thấy Chúa Giêsu đem đến cho anh một cuốn Kinh Thánh bị hư hoại nhiều. Khi người anh em này nói cuốn Kinh Thánh ấy nhìn bẩn thỉu vậy, Đức Giêsu mở nó ra và chỉ cho anh trong sách rất là đẹp và nói: “Cuốn sách này rất đẹp, nhưng nó đã bị hư hỏng vì những tư tưởng triết học của anh đấy”.[20]
Tuy nhiên, theo ghi nhận của cha Guy Bedouelle, lệnh cấm trên không có tính cách tuyệt đối, đến độ chỉ ít thời gian sau, các nhà lập pháp của Dòng lại tiên liệu là bề trên Tổng Quyền hoặc Tổng Hội có quyền chuẩn chước việc đọc và nghiên cứu này. Chính trong “cái nhìn cởi mở về học hành và tri thức” nhân văn như thế, nên ngay sau khi Cha Đa Minh qua đời, đã có “những bước chuyển biến tích cực về quan niệm học hành” trong Dòng Anh Em Giảng Thuyết đối với các khoa học đời.[21]
Xét trên bình diện xã hội, văn hóa và tư tưởng triết học, vào đầu thế kỷ XIII, tại Tây phương xuất hiện tràn lan các công trình của Aristote, Avicenne và Averroès đã được dịch ra tiếng Latinh và đang gây ảnh hưởng mạnh mẻ trong các trường Đại học, và đương nhiên là cả các Dòng tu. Rất nhiều nhà trí thức Latinh đã mở ra tiếp cận và đón nhận tích cực những luồng tư tưởng mới mẻ này.[22]
Trong Dòng Anh Em Giảng Thuyết, diễn ra một biến cố có sức ảnh hưởng rất lớn, đó là việc giáo sư Roland de Crémone, người rất uyên bác trong các lãnh vực triết học gia nhập Dòng vào tháng 7 năm 1219 tại Bologna. Ngài đã đem vào giáo trình giảng dạy của mình tại Paris, rồi ở Toulouse vào năm 1229, những dữ kiện đủ loại về triết học và tranh luận về tính cách “khoa học” của thần học.[23] Thực vậy, giáo sư Roland de Crémone được nhìn nhận như là vị tiền hô của hai thầy trò Alberto Cả và Thomas d’Aquin. Biến cố này thật sự là một cú hích đối với anh em Đa Minh trong việc mở ra tiếp cận, nghiên cứu thế giới tư tưởng mới mẻ này. Như thế có một sự chuyển biến khá nhanh: “chuyển từ việc duy chỉ học thánh khoa sang tiếp cận và nghiên cứu các khoa học đời, đặc biệt là triết học. Đây có thể được coi là bước khởi đầu của cuộc cách mạng thứ hai” trong Dòng.
* Việc học nơi thánh Alberto Cả
Sau giáo sư Roland de Crémone, thánh Alberto Cả là người tiên phong khích lệ anh em nghiên cứu các trào lưu triết học. Vào năm 1245, thánh Alberto Cả trở thành vị giảng sư thần học đầu tiên người Đức. Ngài thực hiện quyền giảng dạy của mình tại phân khoa Thần học Paris trước khi đến thành lập Học viện (studium) tại Cologne (1248). Chính biến cố thành lập Học viện này đã đánh dấu việc nước Đức bước vào trong lịch sử trí thức Tây phương.[24] Vai trò của thánh Alberto Cả trong lịch sử tư tưởng và học thuyết Tây phương là rất đáng ghi nhận.
Chính thánh Alberto Cả đã du nhập nền khoa học Hy Lạp - Ảrập vào trong thế giới văn hóa Kitô giáo Latinh. Ngài cũng đã cố gắng hết sức mình để “giúp cho những người Latinh có thể hiểu được”.[25] các tư tưởng triết học của tiên sinh Aristote. Vì thế, khởi đi từ những năm 1250, thánh Alberto Cả đã bắt tay tiến hành công việc chú giải khổng lồ các bản văn của Aristote, và ngài cũng không ngần ngại bổ túc những khảo luận còn thiếu nơi Aristote.
Thật vậy, với niềm xác tín rằng việc nghiên cứu thiên nhiên có một giá trị tự thân, - vì chung cuộc, thiên nhiên là sự thần hiển hay là sự tỏ lộ vinh quang, sự phong nhiêu cũng như chân lý và vẻ đẹp của Thiên Chúa, - nên nhà thần học Alberto Cả đã rất mê say các ngành khoa học. Sự hiếu tri của ngài là vô cùng lớn, trải rộng đến rất nhiều lãnh vực, vì thế ngài được mệnh danh là vị “Tiến sĩ bách khoa” (Doctor universalis).[26]
Thánh Alberto Cả là người can đảm bảo vệ tính cách độc lập, vị thế và giá trị của triết học và tính chính đáng tự thân của việc nghiên cứu. Triết sử gia A. de Libera cho rằng Alberto Cả “là tác giả đầu tiên thời Trung cổ đã đối diện với vấn nạn về bản chất của các vấn đề nhận thức”.[27]
Vì là người chân nhận và đánh giá cao giá trị tự thân của chính triết học, nên Alberto Cả là “người tiên phong trong công cuộc nghiên cứu triết học của Dòng Đa Minh”. Vào thời điểm lúc đó, tư tưởng này không phải là điều đương nhiên. Vì, việc học hành nghiên cứu lúc khởi đầu trong Dòng Đa Minh “hoàn toàn là Thánh Kinh và thần học”. Sách “Hiến Pháp tiên khởi” đã ngăn cấm việc nghiên cứu các khoa học đời. Trước lời mời gọi của thế giới tư tưởng, Alberto đã không che giấu sự sốt ruột của ngài trước những anh em quá bảo thủ về phương diện trí thức:
Có những người không hiểu biết đã muốn chống lại bằng tất cả mọi phương thế việc sử dụng triết học nơi Anh Em Giảng Thuyết, vậy mà ở đây đã chẳng có ai dám phản kháng lại những người đó.[28]
Vào năm 1259, diễn ra “cuộc cách mạng lớn trong Dòng Giảng Thuyết”. Ủy ban đặc trách về nghiên cứu học hành bao gồm một số anh em uy tín (Alberto Cả, Thomas d’Aquin, Pierre de Tarenraise,…) đã yêu cầu mỗi Tỉnh Dòng phải mở ít nhất một trung tâm học vấn dành riêng cho việc giảng dạy luận lý học(studium artium). Ngay sau đó là thành lập các trung tâm nghiên cứu đặc biệt về triết học thiên nhiên(studia naturarum).[29]
* Việc học nơi thánh Thomas d’Aquin[30]
Với thánh Thomas d’Aquin, chúng ta có một gương mẫu sáng chói về đời sống học hành. Cung cách, tâm thức của ngài đối với “khoa học thánh” và các khoa học khác, đặt biệt là với văn hóa triết học luôn là những trực giác gợi hứng mang tính thời sự với chúng ta. Ngang qua chiêm niệm và miệt mài nghiên cứu, Thomas d’Aquin là con người của đối thoại: “đối thoại với Thiên Chúa và với con người”.
Bênh vực ơn gọi học hành. Thời của Alberto Cả và Thomas d’Aquin, việc các Dòng hành khất bước vào trong thế giới Đại học gặp phải rất nhiều khó khăn. Đặc biệt là tại Đại học Paris, thế kỷ XIII đã diễn ra những cuộc xung đột kịch liệt giữa các “tu sĩ Dòng hành khất” (Đa Minh và Phanxicô) với “các vị giảng sư triều”. Lý do là vì các vị giảng sư triều ghen tị về sự thành công trong việc giảng dạy của các tu sĩ, vì lẽ chất lượng giảng dạy của giáo sư tu sĩ hành khất là cao hơn rất nhiều, nên các giáo sư triều sợ bị mất chỗ đứng trong Đại học. Tuy nhiên, lý do sâu xa hơn là do các giáo sĩ triều không hiểu rõ được “hình thức mới mẻ của đời sống tu trì hành khất”: đối với các vị giảng sư triều, trong Giáo Hội, không có bất cứ vị trí nào khác “giữa các Đan sĩ” và “hàng giáo sĩ triều”, do đó tác vụ cũng như việc giảng dạy phải dành riêng cho họ.[31]
Chính vì các lý do này, vào năm 1255, Thomas d’Aquin đã phải tranh luận với các giáo sư triều của Đại học Paris nhằm “bênh vực ơn gọi học hành của Dòng Đa Minh”. Trong bộ “Tổng Luận Thần Học”, IIa-IIae, q. 188, a. 5-6, Thomas d’Aquin phản bác lại những quan điểm không chính đáng của nhiều “đấng bậc”trong Giáo Hội thời đại ngài về việc “học hành nghiên cứu” của các tu sĩ. Theo quan điểm của “các đấng bậc” này, người tu sĩ chỉ phải chuyên tâm tìm kiếm và phụng sự Chúa bằng cách đọc kinh cầu nguyện và luyện tập các nhân đức;[32] còn việc học hành không đóng vai trò quan trọng và cũng không thích hợp với họ, vì học hành nhiều càng sinh kiêu ngạo, lắm ý kiến ý cò, cãi cọ chia rẽ, mất đức khiêm nhường và đặc biệt làm “xao lãng việc nên thánh”.
Trước các quan điểm này, Thomas d’Aquin cho rằng: việc học hành của người tu sĩ không có gì là trái nghịch với bản chất của đời sống tu trì (và như vậy, việc thành lập một Dòng tu chuyên chủ việc học hành là hoàn toàn chính đáng). Theo ngài, việc học hành rất hữu ích đối với đời sống chiêm niệm, bởi vì nó giúp cho lý trí con người hiểu biết nhiều hơn cũng như vững vàng hơn về các chân lý đức tin, và đàng khác nó đánh tan những quan niệm không đúng đắn về đường tu đức. Đồng thời việc học hành giúp ích cho sứ vụ giảng thuyết. Vì nhờ nghiền ngẫm Kinh Thánh và thần học, con người mỗi ngày càng hiểu biết sâu xa hơn các đạo lý Kinh Thánh để loan báo Lời Chúa cách hữu hiệu. Do đó, việc học hoàn toàn không trái nghịch với bản chất đời tu, nhưng giúp ích rất nhiều cho lý tưởng tu trì và đặc biệt cho sứ vụ giảng thuyết.
Việc Thomas d’Aquin bênh vực “giá trị cũng như tính chính đáng của ơn gọi học hành trong đời sống tu trì” chỉ là một phần nhỏ trong một ý hướng, một dự phóng lớn lao hơn nhiều. Đó là sự nối kết giữa ba thế giới căn bản: thế giới của những cuốn sách (miệt mài nghiên cứu Thánh Khoa, đối thoại với thế giới văn hóa, tư tưởng), cuốn sách về thế giới (đối diện với những thực tại của thế giới và hiện hữu hiện sinh cụ thể của đời sống con người, cùng với những vấn nạn thật nhất của nó) và thế giới chiêm niệm (đối thoại với Thiên Chúa). Ở đây, “Thiên Chúa với tính cách là cội nguồn hữu thể và hiện hữu, ánh sáng và chân lý là trung tâm và cùng đích của ba thế giới này”.[33]
Đặt mình trong truyền thống sống động ngay trong lòng Giáo Hội của việc nhận thức đức tin, nghĩa là:một đàng vừa đào sâu và cố gắng lãnh hội các xác quyết căn bản của đức tin; đàng khác đối diện đức tinvới thế giới văn hóa của con người, nên ý hướng và dự phóng của Thomas d’Aquin nhằm thực hiện một “cuộc đối thoại mang tính toàn thể”: đối thoại giữa tôn giáo và văn hóa, giữa lý trí và đức tin, giữa triết học và thần học, giữa thế giới của Thiên Chúa với vũ trụ vạn vật, đặc biệt trong đó là thế giới con người.[34] Với Thomas d’Aquin, cuốn sách thế giới được nhìn nhận như là con đường và là cửa ngõ dẫn đưa đến Tác giả của cuốn sách đó. Tương quan giữa Thiên Chúa và con người là một thứ tương quan:“mời gọi và đáp trả, tìm kiếm và hiến tặng”.
Với Thomas d’Aquin, ơn gọi và cùng đích của vũ trụ vạn vật, của lịch sử và cuộc đời con người, không phải là mồi ngon của hư vô và định mệnh vô nghĩa, nhưng nhất định phải có một giá trị và ý nghĩa cao đẹp nào đấy. Do đó, học hành là để phiêu lưu vào trong cuộc tìm kiếm nhọc nhằn và gian nan ngõ hầu cố gắng khám phá ra: ý nghĩa và giá trị này hệ tại ở những gì, do đâu và vì đâu. Đâu là khởi nguyên và cùng đích của toàn thể vạn hữu. Ta có thể nói Thomas d’Aquin là “con ngựa thồ” các vấn nạn: những vấn nạn về Thiên Chúa đến các vấn nạn về con người, và ơn gọi của Thomas d’Aquin là đi tìm kiếm những câu trả lời mang tính toàn thể nhất cho những vấn nạn đó, theo những xác quyết căn bản nhất của Mặc Khải Thánh Kinh Do Thái-Kitô giáo.
Qua việc nhìn nhận giá trị tích cực của việc học hành, Thomas d’Aquin ngầm cho thấy rằng: con người là một hữu thể luôn trên hành trình truy vấn, một hữu thể không an nghỉ trong nẻo đường tìm kiếm chân lý và giá trị đời người. Như thế, chọn lựa giá trị của học hành là mở ra với một thái độ lên đường, là bước vào cuộc song thoại không ngơi nghỉ với Thiên Chúa và với những khát khao, những nhọc nhằn tìm kiếm, với lịch sử, với văn hóa tư tưởng và với từng con người.[35]
Học để biết cách bước đi trong miền đất của nhân sinh, miền đất của những người sống, để có thể đứng thẳng trước Thiên Chúa và trước con người. Học để tự mình biết nhìn bằng đôi mắt của chính mình.[36]Học ở nơi tu sĩ Đa Minh là để hình thành một phong cách, một phong thái không ngừng mở tung lý trí và con tim trước lời mời gọi của Chân lý Thiên Chúa và những chân lý của con người đang mặc khải và hiến tặng. Và như vậy, học hành là một nẻo đường tìm kiếm sự minh triết: ngang qua những mảnh phần minh triết của con người tiến đến chính sự Minh Triết, là Thiên Chúa, Cội Nguồn của mọi sự minh triết. Với Thomas d’Aquin, tất cả mọi chữ nhỏ biểu đạt tư tưởng, văn hóa, triết học của con người phải đưa đến chữ lớn là Lời Thiên Chúa, và chỉ trong chữ lớn tức là Lời Thiên Chúa, thì những chữ của con người mới kín múc được ý nghĩa trọn vẹn của nó.[37]
Vì là người dìm mình trong chiêm niệm và miệt mài nghiền ngẫm Thánh Khoa, nên với Thomas d’Aquin, học là để chúng ta có thể hiểu biết và đến gần Thiên Chúa và từ đó có thể đến gần con người hơn nữa. Ngang qua việc miệt mài học hành nghiền ngẫm trong chiêm niệm, chúng ta có thể phá vỡ những hình ảnh sai lạc về Thiên Chúa và con người.[38] Chính vì vậy, chúng ta thấy rằng thánh Thomas d’Aquin luôn đứng ở biên thùy của những vấn nạn về Thiên Chúa và về con người. Thomas d’Aquin là người canh gác tuyệt vời cho chân lý của Thiên Chúa và chân lý của con người. Ở nơi đâu và trong bất cứ hệ thống tư tưởng nào, nếu hình ảnh, giá trị và vị thế của Thiên Chúa hay của con người bị bóp méo hay bị giản lược, thì ở đó đều có mặt Thomas d’Aquin và ngài cất tiếng nói quyết liệt trong chân lý và khôn ngoan cho dù đó là tư tưởng của ai, thế giá như thế nào đi chăng nữa.[39]
Đạo lý Mặc khải Thánh Kinh là hồn, là trung tâm và là ánh sáng cho mọi tư tưởng của Thomas d’Aquin về Thiên Chúa, về vũ trụ vạn vật hay về con người.[40] Với Thomas d’Aquin, học hành không phải là một trò chơi chữ nghĩa đơn thuần của lý trí. Các công trình của Thomas d’Aquin không phải là kết tinh từ những suy luận thuần túy hợp lý của lý trí logic, nhưng các công trình của ngài hút nhụy và là hoa trái từ chính thực tại của Thiên Chúa, của vũ trụ vạn vật, từ những vẻ đẹp cũng như từ những mảnh vỡ, từ những đau khổ và khắc khoải, từ những vấn nạn gai góc rất thực của đời người. Những đau khổ, những chất vấn rất thật, rất hiện sinh của đời người, của anh chị em mình như thể ghim chặt vào tim óc Thomas d’Aquin, để rồi chính trong “ánh sáng chân lý” và “tình thương của Trời Cao” mà Thomas d’Aquin kín múc từ việc đắm mình trong chiêm niệm, Thomas d’Aquin đã soi rọi và giải đáp. Trái tim Thomas d’Aquin luôn thổn thức trước chân lý của Thiên Chúa và những vấn nạn của hiện hữu nhân sinh.
Các công trình của Thomas d’Aquin là hoa là trái từ những nhọc nhằn chiêm niệm, nghiền ngẫm, từ những thao thức và kiếm tìm, từ những bận tâm thực sự với anh chị em mình. Chính trong nhãn quan này, ta có thể nói được là nếu việc học hành chỉ thuần túy là lao vào những hệ thống chữ nghĩa và an nghỉ trong trò chơi này như là cùng đích, thì những công tác từ thiện-bác ái, gần gũi, an ủi những người khổ đau, trợ giúp những ai nghèo đói sẽ có giá trị và cũng đáng giá hơn rất nhiều những con chữ vô nghĩa kia, và như thế ta cũng có lý để mà chán ngán học hành. Sứ vụ giảng thuyết khô héo là thường tình, chẳng có gì phải than vãn và nuối tiếc.
Với thánh Thomas d’Aquin và đương nhiên là với thánh Tổ phụ Đa Minh, chiêm niệm học hành là để đưa Thiên Chúa về gần lại với con người, không còn đáng sợ và xa lạ với con người nữa, để Thiên Chúa lại trở thành bạn hữu tay trong tay với con người, để làm cho Chân lý cũng như ánh sáng của Thiên Chúa gần gũi giáp mặt và đối thoại với những khát khao và cả những ảo tưởng lầm lạc của con người đang nhọc nhằn tìm kiếm, để ánh sáng và tình thương của Trời Cao chữa lành, soi sáng và giúp con người tìm thấy được khuôn mặt đích thực của mình.
Trong tinh thần này, học hành chính yếu cốt để làm sao Chân lý của Thiên Chúa, Chân lý của Lời yêu thương và cứu độ được nghe và được đón nhận bằng chính tâm tư, khát vọng, cảm nghĩ, ngôn ngữ của con người thời đại mà mỗi tu sĩ Đa Minh được mời gọi loan báo. Do đó, để loan báo Lời cho con người thời đại mình cách thích hợp, thì đòi buộc anh em chúng ta không những phải học hỏi các Thánh khoa, nhưng đồng thời còn phải nghiên cứu thấu đáo những khoa học và kiến thức liên quan đến thế giới, văn hóa xã hội và tư tưởng con người, để ngang qua đó có thể giải mã những dấu chỉ và khát vọng thật của lý trí con người.
Với Thomas d’Aquin, học cuối cùng để cho Chân lý giải phóng chúng ta, giúp chúng ta trở thành những người tự do trong chân lý. Nhờ việc nghiên cứu học hành, chúng ta biết phải đặt niềm tin vào đâu, phải yêu mến những gì và hy vọng những gì và từ ai. Đồng thời, với Tu sĩ Dòng Giảng Thuyết, học hành trong chiêm niệm để giúp chúng ta biết được phải loan báo và hiến tặng điều gì cho anh chị em của chúng ta.
Với cha thánh Đa Minh và thánh Thomas d’Aquin, “học hành và chiêm niệm” đan quyện mật thiết với nhau đến độ trở thành “học hành trong chiêm niệm” (như kiểu nói của Cha Tổng Quyền Bruno Cadoré trong bản tường trình của cha trước Tổng Hội Bologna, 2015). Như thế, học hành giúp chúng ta khám phá ra rằng ở nơi Thiên Chúa, nơi con người cũng như nơi vũ trụ vạn vật thì thực tại lớn lao hơn nhiều, phong phú hơn nhiều và cũng huyền nhiệm hơn nhiều so với những gì mà chúng ta từ trước đến nay đã từng và vẫn hằng suy nghĩ và quả quyết chỉ có như thế.
Và xét cho cùng, học hành là để trong trái tim và trong trí tuệ của mỗi người tu sĩ Đa Minh chúng ta có chỗ cho Thiên Chúa và cho anh chị em của mình cách thích đáng nhất. Đây là cuộc chiến đấu không hề dễ dàng chút nào. Học là để biết lắng nghe, có thể thấu hiểu và rộng mở trái tim và lý trí trước lời vẫy gọi của Thiên Chúa và anh chị em của chúng ta, và để biết yêu thương tất cả trong Thiên Chúa, nhờ Lời và nhờ sức mạnh của Chúa Thánh Linh.
Tạm kết
Như thế chúng ta thấy rằng, nếu thực sự trong Tỉnh Dòng hiện đang có một sự nhạt nhòa hay một sự dửng dưng nào đó với việc dấn thân, miệt mài nghiên cứu học hành, thiếu một thái độ hiếu tri đích thực của những người lữ hành chân lý, thì những điều này có thể bắt nguồn từ một sự khủng hoảng sâu xa hơn nhiều: đó là khủng hoảng về ý thức sứ vụ, trách nhiệm dấn thân cho sứ mạng của Dòng với tính cách là những người loan báo Lời, những người canh gác chân lý về Thiên Chúa và chân lý về con người.
[1] Xc. E. PENTIN, “Dominican Leader Looks to the Future by Looking at the Past”, trong Register, National Catholic, 31/05/ 2016.
[2] Xc. PHAN TẤN THÀNH, O.P, Tìm hiểu dòng Đa Minh, Angelicum-Roma, 2002, p. 143.
[3] BERNARD DE CLAIRVAUX, Sermons sur le Cantique, Sermon 36, 2 (“SC 452”, p. 108-111) và Sermon 43, 4, p. 236-237; La Conversion, §37 (“SC 452”, p. 412-413). Xc. É. GILSON, La théologie mystique de saint Bernard, Paris, Vrin, 19502; J. LECLERCQ, “Saint Bernard et la théologie monastique du XII e siècle”, Saint Bernard théologien, Analecta sacri ordinis cisterciensis, 9 (1953), p. 7-23; S.-TH BONINO, O. P, Brève histoire de la philosophie latine au Moyen Âge, Fribourg - Paris, le Cerf, 2015, p. 76.
[4] Trước đó nhiều, thánh Phaolô đã cảnh báo: “sự hiểu biết sinh lòng kiêu ngạo” (1Co 8,1). Còn thánh Bernard (1090-1153), Viện phụ Đan viện Clairvaux muốn nhấn mạnh đến một thái độ toàn tâm toàn ý đến đời sống tâm linh của việc nhận thức đức tin, nên ngài e ngại những khuynh hướng quá duy lý, thiên về biện chứng pháp và lý luận vô bổ mà quên đi chiều kích căn bản là tâm linh và hiểu biết về đức tin. Thánh Bernard trong: Lettre 106 (“PL 182”, col. 242), cũng khuyên nhủ giảng sư Henri Murdach, người còn đang do dự chưa muốn giã từ thế gian này, ngài viết như sau: “Hãy tin tưởng vào kinh nghiệm của tôi: anh sẽ tìm thấy được nhiều điều trong rừng cây hơn là trong đống sách vở. Cây cối và sỏi đá sẽ chỉ bảo cho anh những điều mà anh không thể học biết được nơi các thầy dạy”. Thật vậy, thánh Bernard de Clairvaux và các tác giả đan tu không khinh miệt và cũng không kết án tri thức xét đúng bản chất của nó. Tuy nhiên, các nhà tư tưởng đan tu thế kỷ XII và đầu thế kỷ XIII muốn nhấn mạnh cũng như cảnh giác những giới hạn và các nguy hiểm của tri thức và việc ham mê nghiên cứu các khoa học đời. Các ngài sợ rằng tri thức và ham mê nghiên cứu nếu chỉ bắt nguồn từ sự tò mò hay một thái độ không đúng đắn sẽ đưa đến chỗ “cắt đứt đời sống trí thức khỏi chiều kích tôn giáo vốn rất hệ trọng với đời sống đan tu”. Một thái độ nghiên cứu không đúng sẽ là cội rễ đẻ ra các cuộc tranh cãi về các tư tưởng vốn che đậy những cuộc xung đột giữa các cá nhân, sẽ nuôi dưỡng thái độ kiêu ngạo và các tham vọng chức nghiệp trần thế. Tất cả các điều này trái ngược với nhân đức căn bản của đời sống Đan tu: “khiêm nhường, đơn thành”. Vì lẽ đó, thánh Bernard đã nói: “Người ta tìm kiếm cách chính đáng nhất và người ta tìm thấy được cách dễ dàng nhất qua cầu nguyện hơn là qua tranh cãi”.
[5] S.-TH BONINO, O. P, Brève histoire de la philosophie latine au Moyen Âge, Fribourg - Paris, le Cerf, 2015, p. 65-80.
[6] Xc. B.-M. ASHLEY, O.P, Những người Đa Minh, Học viện Đa Minh chuyển ngữ, 2013, p. 42-43.
[7] Xc. B.-M. ASHLEY, O.P, Những người Đa Minh, Học viện Đa Minh chuyển ngữ, 2013, p. 43.
[8] JACOPONE DE TODI, Le poesie spirituali del B. Jacopone da Todi con le scolie et annotationi di Fra Francesco Tessatti da Lugnano, 1. 1, satira 10, Venise, 1617, p. 43.
[9] Theo anh B.-M Ashley, (sđd: p. 42), thì nét đặc trưng trong đời sống Đa Minh: học hành là con đường nên thánh.
[10] Xc. PHAN TẤN THÀNH, O.P, Tìm hiểu dòng Đa Minh, Angelicum-Roma, 2002, p. 143.
[11] Xc. G. BEDOUELLE, O.P, Dominique ou la grâce de la Parole, Fayard-Mame, 1982: Thánh Đa Minh ân sủng Lời Chúa, Tỉnh Dòng Đa Minh chuyển ngữ, Tủ sách Đại kết, 1992, p. 164.
[12] Xc. G. BEDOUELLE, O.P, và A. QUILICI, O.P, Les frères prêcheurs autrement dits Dominicains, Le Sarment Fayard, 1997: Anh em giảng thuyết hay Anh em Đa Minh, Học viện Đa Minh chuyển ngữ, 2005, 131.
[13] Những ý tưởng của phần này kín múc khởi hứng từ các tác phẩm: P. MANDONNET, M.-H. VICAIRE, Saint Dominique: L’idée, l’homme et l’oeuvre, 2 vol. Paris, 1938; M.-H. VICAIRE, O.P, St Dominique, la Vie apostolique, 1965, Paris, Cerf, coll. “Chrétiens de tous les temps”; St Dominique et ses frères, Évangile ou croisade (1967), Paris, Cerf, coll. “Chrétiens de tous les temps”, 2007; Histoire de st Dominique, Paris, Cerf, coll. “Histoire”, 2004; G. BEDOUELLE, O.P, Thánh Đa Minh ân sủng Lời Chúa,1992; PHAN TẤN THÀNH, O.P, Tìm hiểu dòng Đa Minh, 2002, p. 54-99; G. BEDOUELLE, O.P, và A. QUILICI, O.P, Anh em giảng thuyết hay Anh em Đa Minh, 2005; B.-M. ASHLEY, O.P, Những người Đa Minh, 2013.
[14] Xc. T. RADCLIFFE, Học hành và loan báo Tin Mừng: Nguồn mạch sống động của niềm hy vọng, anh Tất Trung và các anh em Tập sinh Đa Minh 1995-1996 chuyển ngữ, p. 35 – 71.
[15] Xc. S.-TH BONINO, O. P, Brève histoire…, p. 116-132.
[16] PHAN TẤN THÀNH, O. P, Tìm hiểu dòng Đa Minh, 2002, p. 144.
[17] S.-TH BONINO, O. P, Brève histoire…, p. 89.
[18] Xc. Ibid., p. 89.
[19] Xc. G. BEDOUELLE, O.P, Thánh Đa Minh ân sủng Lời Chúa, p. 167.
[20] G. DE FRACHET, O.P, Vitae fratrum: Đời sống anh em, Học viện Đa Minh chuyển ngữ, p. 259.
[21] Xc. G. BEDOUELLE, O.P, Thánh Đa Minh ân sủng Lời Chúa, p. 168. Xin xem thêm: G.-G MECRSEMAN, In libris gentilum non studeant. L’étude des classiques interdite aux clercs aux Moyen Âge? dans “Italia Medioevale Umanistica”, 1 (1958), p. 1-13.
[22] Xc. G. BEDOUELLE, O.P, Thánh Đa Minh ân sủng Lời Chúa, p. 168; . S.-TH BONINO, Brève histoire…, P. 81-97; A. DE LIBERA, La philosophie médiévale, Paris, PUF, 20042, p. 355-418.
[23] Xc. G. BEDOUELLE, O.P, Thánh Đa Minh ân sủng Lời Chúa, p. 168.
[24] Xc. S.-TH BONINO, O. P, Brève histoire..., p. 90.
[25] ALBERT LE GRAND, Physica, lib. I, tract. 1, cap. 1 (“Opera omnia, 4/1» [Cologne], Münster, 1987, p. 1).
[26] Xc. É. GILSON, La philosophie au Moyen Âge. Des origines patristiques à la fin du XIVe siècle, Paris, Payot, 19865, p. 504.
[27] A. DE. LIBERA, Albert le Grand et la philosophie, Paris, Vrin, 1990, p. 37.
[28] ALBERT LE GRAND, Super Dionysii Epistulas, Epist. VII (“Opera omnia, 37/2” [Cologne], Münster, 1978, p. 504).
[29] Xc. S.-TH BONINO, Brève histoire…, p. 92.
[30] Để khai triển phần này, chúng tôi dựa vào các tác phẩm viết về thánh Thomas d’Aquin: A.-D. SERTILLANGES, S. Thomas d’Aquin, Paris, 1910; Thomas d’Aquin, học giả, thi nhân, nhà huyền bí, vị thánh, Học viện Đa Minh chuyển ngữ, 2015; J. MARITAIN, Le Docteur angélique, Paris, Hartmann, 19552;S. BRETON, S. Thomas d’Aquin, Paris, Seghers, 1965; É. GILSON, Le Thomisme: introduction à la philosophie de s. Thomas d’Aquin, Paris, Vrin, 20056; J.-B. LOTZ, Martin Heidegger et Thomas d’Aquin, Paris, PUF, 1975; J.-P. TORRELL, Initiation à s. Thomas d’Aquin. Sa personne et son œuvre, Initiation 1. (Pensée antique et médiévale, Vestigia 13), Paris-Fribourg, Cerf, 1993, 20022; S. Thomas d’Aquin, maître spirituel. Initiation 2. (Pensée antique et médiévale, Vestigia 19), Paris-Fribourg, Cerf, 1996, 20022; M.-D. CHENU, Introduction à l’étude de s. Thomas d’Aquin. Introduction méthodologique et historique menée par le biais d’une étude des méthodes scolastiques du xiiie siècle, Paris, Vrin, 19935; O.-H. PESCH, Thomas d’Aquin, Paris, Cerf, 1994; A. WOHLMAN, Thomas d’Aquin et Maïmonide. Un dialogue exemplaire, Paris, Cerf, 1988; J.-M. VERNIER, Théologie et métaphysique de la Création chez s. Thomas d’Aquin, Paris, Téqui, 1995.
[31] Xc. S.-TH BONINO, Brève histoire…, p. 93-94.
[32] PHAN TẤN THÀNH, O.P, Tìm hiểu dòng Đa Minh, 2002, p. 153-157.
[33] Xc. J. MARITAIN, Le Docteur angélique, Paris, Hartmann, 19552, p. 70-84.
[34] Xc. S.-TH BONINO, Brève histoire…, p. 95.
[35] Xc. J.-B. LOTZ, Martin Heidegger et Thomas d’Aquin, Paris, PUF, 1975, p. 146.
[36] Xc. B. MONTAGNES, Père Lagrange, Paris, Cerf, 1995, p. 54.
[37] Xc. J. MARITAIN, Le Docteur angélique, Paris, Hartmann, 19552, p. 102.
[38] Xc. T. RADCLIFFE, Học hành và loan báo Tin Mừng: Nguồn mạch sống động của niềm hy vọng…, p. 44-47.
[39] Xc. Ibid., p. 36-42.
[40] Xc. J.-M. VERNIER, Théologie et métaphysique de la Création chez s. Thomas d’Aquin, Paris, Téqui, 1995, 62 - 75.