24/11/2016 -

Linh Đạo

3195
Tu Luật Thánh Augustin Với Dòng Giảng Thuyết

Tu Luật Thánh Augustin Với Dòng Giảng Thuyết


Lm. Giuse Phan Tấn Thành, O.P.,

Bài chia sẻ dịp Tĩnh Tâm chung Tỉnh Dòng,

tháng 07 năm 2016.

 NHẬP ĐỀ

Trước khi đi vào chủ đề “Trở lại phần gia sản của mình”, tôi xin phép lưu ý anh em hai tiền đề.

- 1/. Thứ nhất, như có người đã viết trong số Thời sự thần học số 72 phát hành hồi tháng 5 vừa qua(trang 16): “Không có sự kiện, chỉ có giải thích”. Các biến cố của lịch sử đã qua đi rồi; khi làm sống lại các sự kiện ấy, nhà sử học lựa chọn sự kiện nào đối với ông là quan trọng, và giải thích theo quan điểm riêng của ông, với rủi ro là bỏ qua nhiều sự kiện khác có lẽ ý nghĩa hơn nhưng lại không ở trong tầm nhìn của ông.

- 2/. Tiền đề thứ nhất dẫn đưa vào tiền đề thứ hai. Trong chương trình của tuần tĩnh tâm này, sẽ có ba bài nói về “học hành, tông đồ, giảng thuyết”. Ai cũng nhận ra được rằng đó là ba điều cốt lõi thuộc về gia sản Dòng Anh Em Giảng Thuyết. Còn thiếu gì nữa không? Đến đây, vấn đề “giải thích” được đặt ra, tùy theo lối tiếp cận: có lẽ có người nhận thấy thiếu việc cầu nguyện, chiêm niệm (contemplata aliis tradere); người khác có thể nhận thấy thiếu đời sống cộng đoàn; ngoài ra, một yếu tố quan trọng của gia sản của Dòng mà thường hay bị bỏ qua, đó là tổ chức dân chủ.

Bài thuyết trình này có tham vọng muốn thu thập những gì nằm ở ngoài bộ ba “học hành - tông đồ - giảng thuyết” nhưng thực sự tạo nên gia sản của Dòng. Tuy nhiên, như vừa nói, “không có sự kiện, chỉ có giải thích”: tôi xin thú nhận trước là những sự kiện được lựa chọn một cách chủ quan để giải thích một cái gì đó. Tôi xin bắt đầu bằng một sự kiện để suy nghĩ: Điều gì đã xảy ra vào mùa hè cách đây 800 năm, năm 1216? Xin thưa: Cha Đa Minh đã tập họp anh em để quyết định lựa chọn một bản luật, theo lời khuyên của Đức Giáo Hoàng Innocente III. Anh em đã chọn bản luật thánh Augustin. Tại sao anh em chọn bản luật thánh Augustin? Phải chăng tại vì không còn sự lựa chọn nào khác (giữa hai cái xấu, mình phải lựa cái nào đỡ xấu hơn cả), hay là bởi vì nó có giá trị nội tại, sẽ ảnh hưởng đến mục đích của Dòng Giảng Thuyết? Sự lựa chọn ấy mang tính cách tùy tiện nhất thời, hoặc còn ảnh hưởng đến lý tưởng Dòng ngày hôm nay? Để trả lời cho ba câu hỏi đó, tôi xin chia bài thuyết trình này làm 3 phần:

- 1/. Giới thiệu bản luật thánh Augustin với những điểm son của nó.

- 2/. Tại sao thánh Đa Minh đã chọn bản luật thánh Augustin?

- 3/. Tính thời sự của bản luật thánh Augustin, phản ánh nơi sách Hiến Pháp và Chỉ Nam của Dòng Anh Em Giảng Thuyết.

Trong phần kết luận, tôi sẽ thêm vài cảm nghĩ liên quan đến nếp sống của Tỉnh Dòng Việt Nam. Năm nay chúng ta không chỉ mừng kỷ niệm 800 năm của Dòng mà còn 50 năm của Tỉnh Dòng. Thực ra, Dòng Đa Minh hiện diện tại đất nước này cách liên tục từ năm 1676, (nghĩa là đã được 340 năm), với Cha Juan de Santa Cruz và đã để lại dấu ấn khá đẹp.

I. TU LUẬT THÁNH AUGUSTIN

Trong phần thứ nhất, tôi xin trình bày hai điểm: 1/ những cuộc tranh luận về bản văn. 2/ Lý tưởng đời tu theo thánh Augustin.

A. Những cuộc tranh luận về bản văn

Trong những thế kỷ gần đây, nhiều cuộc tranh luận đã nảy lên chung quanh ba vấn đề sau đây: Đâu là bản văn của tu luật Augustin?; Bản văn này có phải do thánh Augustin viết không?; Tác giả viết cho ai?

1/. Đâu là bản văn tu luật thánh Augustin?

Từ thời Trung cổ, nhiều bản văn mang tên là “luật thánh Augustin” đã được lưu hành trong các đan viện. Vào những thế kỷ gần đây, với sự tiến triển của khoa phê bình văn bản, người ta bắt đầu đặt nghi vấn về tính trung thực của các bản văn ấy. Những kết quả mới nhất được thực hiện do cha Luc Verheijen[1] vào năm 1967. Theo sự nghiên cứu của cha, truyền thống đã để lại 9 phiên bản luật thánh Augustin: 4 dành cho nam giới và 5 dành cho nữ giới. Sau khi đã đối chiếu, phê bình và thanh lọc, cha Verheijen đã đi đến kết luận là băn văn “Regula ad servos” (được in vào Sách Hiến Pháp của chúng ta) là bản trung thực hơn cả.[2]

2/. Câu hỏi thứ hai: Ai là tác giả của bản văn? Thánh Augustin có viết bản luật nào không?

Câu hỏi này được nêu lên bởi vì cho đến nay vẫn còn thiếu những bằng chứng cho thấy thánh nhân đã viết Bản luật này. Thật vậy, trong những bút tích của mình, thánh Augustin không hề đả động đến một bản Tu luật nào, kể cả khi vào cuối đời lúc duyệt lại các tác phẩm trong quyển “Retractrationes”. Ông Possidius, một đồ đệ của thánh nhân, khi thảo bản liệt kê danh sách các tác phẩm của thầy mình(Indiculus), cũng chẳng nói đến một Bản Tu Luật.

Dù vậy, ý kiến xác nhận thánh Augustin là tác giả của Tu luật dựa trên luận cứ của một truyền thống lâu đời, đó là: tất cả các thủ bản chép tay từ cuối thế kỷ thứ VII còn lưu giữ đuợc, đều gán Bản luật này cho thánh Augustin; trước đó, vào khoảng năm 520, thánh Césaire giám mục Arles đã trưng dẫn Bản luật như là của thánh Augustin; ông Erasmus, một nhà phê bình văn học nổi tiếng của thế kỷ XVI, còn thêm một luận cứ nữa, đó là văn phong của Bản luật rất phù hợp với văn phong của Augustin.

3/. Câu hỏi thứ ba: thánh Augustin viết bản luật cho ai?

Bản luật này được soạn cho một cộng đoàn nam giới hay một cộng đoàn nữ giới? Ngày nay, ý kiến của các sử gia nghiêng về cộng đoàn nam giới. Cộng đoàn này có liên hệ gì với tác giả không?

Trong cuộc đời của thánh nhân, các nhà sử học ghi nhận sự hiện diện của ba cộng đoàn:

- a/. Cộng đoàn các thân hữu tại quê nhà (Tagaste) sau khi hồi hương từ châu Âu (năm 388);

- b/. Cộng đoàn tại Hippo, được thiết lập sau khi Người được thụ phong linh mục tại đây (năm 391): phần lớn các thành viên là giáo dân;

- c/. Cộng đoàn giáo sĩ tại Hippo, sau khi Người làm giám mục (năm 397). Có lẽ bản luật được soạn cho cộng đoàn thứ hai: một cộng đoàn các đan sĩ giáo dân, trong đó ngài giữ chức vụ linh giám (presbyter: số 44-45).

Những chi tiết khác, xin anh em đọc trong cuốn “Tìm hiểu Dòng Đa Minh” (2013), trang 144-158.

B. Lý tưởng đời tu

Theo cha Agostino Trapé,[3] lý tưởng của đời đan tu có thể tìm thấy ở số đầu tiên và số cuối cùng của bản văn; các số còn lại chỉ là những phương thế.

1/. Mục tiêu

Anh em rất thân yêu, trên hết mọi sự hãy yêu mến Thiên Chúa và rồi yêu thương tha nhân, vì đó là những lệnh truyền được ban cho làm nền tảng (số 1). Vậy đây là những chỉ thị chúng tôi truyền cho anh em sống trong đan viện (số 2). Lý do chính yếu mà anh em đoàn tụ làm một là để sống đồng tâm nhất trí trong một nhà, và để anh em chỉ có một lòng một ý hướng về Thiên Chúa (số 3).

Mở đầu bản văn, tác giả vạch cho thấy yêu thương là chủ đề chính của toàn thể đời sống đan tu. “Tiên vàn hãy yêu mến Thiên Chúa và tha nhân” (số 1). Yêu thương là mục tiêu của cộng đoàn. Yêu thương cũng là phương tiện cần thiết để sống cộng đoàn “hãy có một linh hồn và một trái tim hướng về Thiên Chúa” (số 3). Yêu thương là trọng tâm của tất cả: “mọi cái đều qua đi, duy chỉ đức yêu thương tồn tại mãi mãi” (số 31). Vì thế, tất cả những điều nói trong bản văn đều nhắm đến việc thực hành đức yêu thương, hoặc bằng cách cất đi những trở ngại của yêu thương (giận hờn, ghen ghét) hoặc để nuôi dưỡng lòng yêu thương (cầu nguyện, khổ chế,.v.v…). Dù sao, những điều này có thể áp dụng cho toàn thể các Kitô hữu; xem ra điều độc đáo riêng biệt dành cho các tu sĩ được tác giả nêu bật ở số cuối cùng (số 48), khi tác giả bày tỏ những động lực thúc đẩy việc tuân giữ tu luật.

Xin Thiên Chúa ban cho anh em biết tuân giữ những quy tắc trên đây vì yêu mến, như những người mê say vẻ đẹp thiêng liêng và tỏa ngát hương thơm Chúa Kitô qua cuộc sống tốt lành, không như những nô lệ dưới ách lề luật như những người con người tự do trong ân sủng. Cha Trapé cho thấy bốn động lực hoặc chiều kích của đời tu: động lực tâm lý; huyền bí; Kitô; ân sủng.

a/. “Tuân giữ vì yêu mến”

Đây là động lực tâm lý (hoặc chiều kích tình cảm). Con người khao khát tìm kiếm chân lý, nhưng hành trình tìm kiếm này sẽ trở nên nhẹ nhàng và hấp dẫn nếu được tình yêu thúc đẩy. Khi đã yêu thì không thấy gì là nặng nề nữa: “cứ yêu đi thì làm chi cũng được”. Tình yêu là động lực làm đổi mới các thói quen hằng ngày, thúc đẩy tìm hiểu thêm người mình yêu.

b/. “Mê say vẻ đẹp thiêng liêng”

Động lực huyền bí (hoặc chiều kích chiêm niệm). Tu sĩ là người yêu mến vẻ đẹp của Thiên Chúa, cùng đích của cuộc đời. Thiên Chúa chính là vẻ đẹp, là tình yêu, là chân lý. Cuộc đời người tu sĩ luôn tìm kiếm nhan Chúa, được biểu lộ nơi Đức Kitô.

c/. “Tỏa ngát hương thơm của Chúa Kitô”

Động lực Kitô (hoặc chiều kích tông đồ). “Toả ngát hương thơm” là thuật ngữ trích từ 2Cr 2,15. Khi áp dụng vào Chúa Kitô, người ta cũng có thể liên tưởng đến Đức Kitô như vị thượng tế được xức dầu, từ đó toả ra hương thơm đến toàn thân thể mầu nhiệm của Người (x. Tv 132,2). Đời sống tu trì được ví như bông hoa chiếu tỏa hương thơm ngát, cho dù ẩn kín. Chứng từ của đời tu không chỉ mang tính cách cá nhân mà còn mang tính cách cộng đoàn nữa, qua dấu chỉ của tình yêu huynh đệ giữa các phần tử.

d/. “Tinh thần tự do”

Chiều kích ân sủng. Giữ luật không như nô lệ nhưng như con cái dưới ân sủng. Nô lệ giữ luật vì sợ hãi, chỉ thấy nơi bản luật những nghĩa vụ, cấm đoán, hình phạt. Người tự do giữ luật do tình yêu mà ân sủng mang lại.

2/. Những phương tiện

Sự phân biệt giữa mục tiêu và phương tiện giúp tạo cho chúng ta một quan niệm về hệ trật các giá trị; trên thực tế, chúng quyện tròn lẫn nhau trong liên hệ nhân quả. Thật vậy, như vừa nói, mục tiêu tối cao của đời sống cộng đoàn là đức yêu thương. Đức yêu thương sẽ dẫn đến sự đồng tâm nhất trí. Đến lượt sự đồng tâm nhất trí sẽ tăng gia đức yêu thương.

Để có thể yêu thương theo đúng nghĩa của Tân ước, chúng ta cần dựa trên những động lực siêu nhiên. Trước hết là đi tìm Chúa (quaerere Deum): tất cả mọi người cần được nuôi dưỡng bởi ý hướng đó; đồng thời, đây cũng là một chuyển động của Chúa Thánh Thần, nhờ các nhân đức tin, chiêm niệm và phụng tự. Tình bằng hữu trong cộng đoàn được xây dựng trên đức tin, ngõ hầu nhìn nhận sự hiện diện của Thiên Chúa nơi người anh chị em như trong đền thờ. Đời sống đức tin được nuôi dưỡng nhờ việc cầu nguyện và lắng nghe Lời Chúa (kể cả trong bữa ăn).

Nhằm vun trồng lòng thương yêu giữa các phần tử, tác giả đưa ra khá nhiều chỉ dẫn liên quan đến việc thực hành các nhân đức hoặc liên quan đến các hành vi khổ hạnh.

Trong số các nhân đức cần thiết cho việc thực hiện yêu thương trong cộng đoàn, có lẽ ta phải đặt đức“khiêm nhường” lên hàng đầu (số 7). Tác giả nhắc lại một nhận xét của nhiều sư phụ trên sa mạc, theo đó tính kiêu ngạo thường len lỏi vào các nhân đức mà hủy hoại chúng (số 8). Một cách cụ thể, đức khiêm nhường cần thiết cho đời sống chung:

- (i) Trong tương quan giữa bề trên – bề dưới (số 46-47);

- (ii) Trong việc chấp nhận sửa bảo huynh đệ (số 25-29);

- (iii) Để xin lỗi người đã xúc phạm (số 43) và dĩ nhiên là để xin lỗi Chúa nữa (số 49).

Khỏi nói ai cũng biết, trong cuộc sống chung không thể nào tránh được những xích mích. Hiển nhiên là nếu ai xúc phạm đến người khác thì phải khiêm tốn và thành thực xin lỗi, và người bị xúc phạm cũng mau mắn thứ tha (số 42). Tuy nhiên, đôi khi đức bác ái cũng đòi hỏi việc sửa lỗi huynh đệ với những biện pháp chế tài (số 27), nhưng đừng bao giờ quên một sự phân biệt cần thiết, đó là: ghét nết xấu nhưng yêu con người.

Bên cạnh những giải pháp đặt ra do tình huống, tác giả còn nhắm đào tạo những tâm trạng để xây dựng cộng đồng, chẳng hạn như: quan tâm đến việc chung hơn việc riêng (đây là dấu cho thấy sự tiến bộ trên đường thiêng liêng: số 31); ý thức tính cách đa dạng của các phần tử (về hoàn cảnh xã hội, văn hóa, sức khỏe thể lý hoặc tâm lý); chấp nhận sống đạm bạc, hạn chế các nhu cầu cá nhân, để đạt được tự do nội tâm, ngõ hầu dễ nâng tâm hồn lên những sự trên trời.

Ngoài việc cầu nguyện, đọc Sách Thánh, các thành viên hãy chuyên cần với lao động (số 31), hoặc là lao động chân tay hoặc là giảng dạy.

Đời sống cộng đoàn đòi hỏi một quyền bính. Người giữ quyền bính (bề trên) hãy tỏ ra là người cha, người phục vụ, khuôn mẫu trong việc lành (số 44). Đối lại, các thành viên hãy tỏ lòng vâng phục quyền bính như đối với người cha, biết tôn trọng đồng thời cũng biết thông cảm gánh nặng của bề trên. Ngoài người đứng đầu, cộng đoàn cũng có những người phụ trách việc chung, chẳng hạn như: phụ trách thư viện, phụ trách phòng áo, phụ trách phòng thuốc, quản lý (được bàn trong chương V). Tất cả hãy cố gắng phục vụ trong vui tươi.

II. THÁNH ĐA MINH VỚI LUẬT THÁNH AUGUSTIN

Thánh Đa Minh đã quen thuộc với bản luật thánh Augustin từ khi gia nhập đoàn kinh sĩ nhà thờ chánh tòa Osma (Tây Ban Nha). Khi sang Roma xin Tòa Thánh châu phê Dòng Anh Em Giảng Thuyết mới thành lập, Cha Đa Minh được Đức Giáo Hoàng Innocente III khuyên hãy chọn một bản luật cổ điển để khỏi vi phạm lệnh của Công Đồng Laterano IV (1215) cấm lập thêm những Dòng mới. Trở về Toulouse vào năm 1216, Cha Đa Minh đã nhất trí với anh em chọn luật thánh Augustin. Xưa nay, người ta quen giải thích rằng đây chỉ là một giải pháp bất đắc dĩ mà phải chọn lựa (bởi vì thời ấy xem ra anh em chỉ biết có 2 bản luật: Augustin và Benedict). Nói cách khác, luật thánh Augustin được coi như bình phong che mắt (hoặc lá chắn đỡ đạn); chỉ có Hiến Pháp mới thực là bản văn diễn tả cốt cách của Dòng Giảng. Tuy nhiên, vào giữa thế kỷ XX, khi nghiên cứu lịch sử của Dòng, cha Vicaire lại nghĩ khác.[4] Khi Cha Đa Minh cùng với anh em chọn lựa luật thánh Augustin,[5] thì họ thực sự nhìn nhận giá trị của nó, thấy có những yếu tố trùng hợp với lý tưởng của Dòng Giảng. Trong số các yếu tố ấy, ta có thể kể đến: cộng đoàn giáo sĩ dấn thân vào sinh hoạt tông đồ (giảng, giải tội), qua nếp sống cầu nguyện, khó nghèo.

Tuy nhiên, trước đi tiếp, chúng ta nên ôn lại vài chi tiết lịch sử. Chuyện gì đã xảy ra cách đây 800 năm về trước?[6]

Sau khi Công Đồng Laterano IV bế mạc, Cha Đa Minh rời Roma vào tháng giêng năm 1216. Cha ghé qua Prouille, và đến Toulouse. Lúc ấy anh em trọ tại nhà của Silhan, và cảm thấy chật hẹp. Có lẽ cuộc họp với anh em diễn ra sau lễ Phục Sinh (bởi vì trong mùa Chay, Cha Đa Minh bận giảng thuyết, cách riêng Công Đồng vừa ban hành luật buộc các tín hữu phải xưng tội rước lễ hằng năm trong mùa Phục Sinh). Cha Vicaire cho rằng anh em bắt đầu họp vào lễ Thánh Thần hiện xuống (29 tháng 5), và từ đó tạo ra một tiền lệ kéo dài cho đến giữa thế kỷ XIX. Anh em đã quyết định chọn bản luật thánh Augustin. Vì lý do gì? Chúng ta hãy theo dõi câu trả lời của hai tác giả: cha Humbert de Romans và cha Vicaire.

A. Cha Humbert de Romans

Cha Humbert de Romans (Tổng Quyền thứ năm) đã viết một bộ chú giải thánh nổi tiếng “Expositio Regulae B. Augustini”.[7] Trong phần dẫn nhập (prooemium), tác giả đưa ra bốn lý do vì sao luật thánh Augustin thích hợp với Dòng Giảng Thuyết:

- 1/. Lý do thứ nhất là vì bản luật này quân bình. Nhiều bản luật cổ đặt rất nhiều quy tắc chi tiết về các việc khổ chế thân xác. Luật thánh Augustin nhấn mạnh đến các công việc tinh thần, tựa như lòng mến Chúa yêu người, tinh thần đoàn kết. Luật này không đưa quá nhiều chi tiết cũng không qua đơn giản; như vậy là có sự quân bình.

- 2/. Lý do thứ hai là vì luật này khuyến khích việc học hành, khi viết rằng mỗi ngày phải xin sách vào giờ nhất định. Như vậy, những nhà giảng thuyết phải học hành thường xuyên, không ngày nào là không đọc sách.

- 3/. Lý do thứ ba là vì bản luật này đã chuẩn bị cho thánh Đa Minh được tiến bộ trên đường nên thánh và say mê phần rỗi các linh hồn, cho nên cũng sẽ thích hợp cho Dòng mà ngài thiết lập.

4/. Lý do thứ bốn là vì bản luật này đề nghị khuôn mẫu nếp sống các thánh tông đồ. Các bản luật cổ thích hợp cho nếp sống ẩn sĩ hoặc đan tu. Còn thánh Augustin ngay từ đầu đã lấy mẫu gương các thánh tông đồ, và điều này thích hợp cho Dòng Giảng Thuyết.

B. Cha Vicaire

Vào giữa thế kỷ XX, với những tiến bộ của ngành sử học, cho phép nghiên cứu các nguồn gốc sử liệu, cha Vicaire đã đặt lại vấn đề cách chính xác hơn.

Trước tiên, tiếp theo cha Mandonnet, cha Vicaire lưu ý rằng: Tại Toulouse vào năm 1216, ngoài việc quyết định chọn bản luật thánh Augustin, anh em còn phải chọn một vài khoản quy luật khác nữa lấy từ tập tục của các Dòng cổ điển (liên quan đến tổ chức kinh nguyện, ăn uống, chay tịnh, giường ngủ, tài sản), bởi vì tu luật thánh Augustin không đủ để tổ chức một cộng đoàn: Nếu chỉ thuần túy dựa vào bản văn này thì một nhóm ba người chưa chắc đã có thể sống chung với nhau được ba ngày![8] Dù sao, xin mở một dấu ngoặc để lưu ý hai điều:

- Thứ nhất, trong tiếng Latinh cổ, “regula” không phải là “luật” (lex), mà là cái thước đo, nhằm vạch ra một hướng đi; nó mang tính tu đức.

- Thứ hai, vào năm 1216, cuộc họp của anh em chưa phải là một Tổng Hội theo đúng nghĩa; Cha Đa Minh chỉ mới phác họa vào quy tắc căn bản cho nhóm. Mãi đến năm 1221, anh em mới soạn thảo Hiến Pháp. Nói cách khác, hồi đó Cha Đa Minh chưa viết bản luật để xin Tòa Thánh châu phê. Cha sang Roma để xin Tòa Thánh “xác nhận” (confirmatio) ý định thành lập một đoàn giảng thuyết lưu động khắp thế giới, điều mà cho đến lúc ấy còn giới hạn trong lãnh thổ của giáo phận Toulouse. Như chúng ta đã biết, Tòa Thánh chưa bao giờ phê chuẩn Hiến Pháp của Dòng Giảng Thuyết; do đó Tổng Hội có thể tự do sửa đổi mà không cần xin phép Tòa Thánh. Có thể coi như đây là một nét của gia sản (mà trên thế giới có lẽ không có Dòng nào được hưởng).

Xin đóng dấu ngoặc, và chúng ta trở lại với ý kiến của cha Vicaire. Cha Đa Minh và các anh em họp tại Toulouse đã tìm thấy gì nơi luật thánh Augustin? Chúng ta có thể tóm lại bốn điểm chính: định hướng đời tu; đời sống tông đồ; quản trị và phục vụ; tinh thần tự do.

1/. Điều quan trọng nhất là định hướng đời tu. Tại sao vào nhà Dòng? Thưa để đi tìm Chúa, một chủ đề then chốt của Augustin. Linh hồn con người luôn khắc khoải đi tìm Chúa. Động lực được diễn tả trong suốt bản luật.

- “Sở dĩ anh em đoàn tụ làm một trước hết là để anh em sống đồng tâm nhất trong một nhà và để anh em chỉ có một lòng một ý hướng về Thiên Chúa (“in Deum”, chứ không phải “in Deo”)”.

- “Anh em hãy sống đồng tâm nhất trí, hòa thuận; hãy tôn kính Thiên Chúa nơi nhau, vì anh em là đền thờ của Người” (số 1).

- “Cho dù kín đáo không ai thấy, nhưng còn Đấng từ trên cao nhìn xuống, đọc thấy trong tâm can thì sao?” (số 16, nói về việc nhìn ngắm phụ nữ).

- “Đừng ai làm việc vì tư lợi, nhưng hãy làm mọi việc vì công ích, và làm một cách chăm chỉ và siêng năng nhanh nhẹn hơn khi làm cho riêng mình… Càng lo cho công ích hơn tư lợi bao nhiêu, anh em càng thấy mình tiến bộ về đàng nhân đức bấy nhiêu. Do đó trong mọi nhu cầu tạm thời, thì đức ái hằng tồn tại phải chiếm ưu thế” (số 27).

- “Xin Thiên Chúa cho anh em tuân giữ mọi điều trên đây để anh em nên những người yêu mến vẻ đẹp thiêng liêng và tỏa ngát hương thơm Chúa Kitô qua cuộc sống tốt lành, không như nô lệ dưới lề luật, nhưng như con cái trong ân sủng” (số 42).

Không cần nói ai cũng biết, những điều này có giá trị cho tất cả mọi Dòng tu.

2/. Điều thứ hai mà Cha Đa Minh múc lấy nơi thánh Augustin là “nếp sống tông đồ” (vita apostolica). Ngày nay, mỗi lần nghe nói đến “tông đồ” thì chúng ta nghĩa đến “làm việc tông đồ”, nhưng vào thời xưa, nếp sống tông đồ có nghĩa là “sống như các thánh tông đồ”. Thuật ngữ này đã thay đổi ý nghĩa trải qua thời gian:

- Đối với đan sĩ nguyên thủy, đời sống tông đồ có nghĩa là bắt chước các thánh tông đồ, từ bỏ mọi sự để đi theo Chúa, (điển hình là thánh Antôn).

- Đối với thánh Augustin, bắt chước các thánh tông đồ có nghĩa là họa lại cuộc đời của cộng đoàn [9] các thánh tông đồ. Điều nhấn được đặt ở chỗ “đồng tâm nhất trí” (cor unum, anima una; unanimitas); một điều kiện của việc sống cộng đoàn là đặt tất cả làm của chung. Luật thánh Augustin đã trích dẫn ngay từ đầu đoạn văn của sách Tông Đồ Công Vụ: “Lý do chính yếu mà anh em đoàn tụ làm một để sống đồng tâm nhất trí trong một nhà, và để anh em chỉ có một lòng một ý (Cv 4,32b) hướng về Thiên Chúa… Anh em đừng nói “cái này là của tôi” nhưng tất cả đều là của chung anh em (Cv 2,44; 4,32c). Bề trên sẽ phân phát của ăn áo mặc cho mọi người (Cv 4,35b), nhưng không phải ai cũng như nhau, vì không phải tất cả anh em đều khỏe mạnh như nhau, nhưng ai cần bao nhiêu sẽ cho bấy nhiêu (Cv 2,45; 4,35). Thật vậy, anh em đọc thấy trong sách Công vụ tông đồ: Họ để mọi sự làm của chung và phân phát cho mỗi người tùy theo nhu cầu của mình” (Cv 4,32-35). Thoạt tiên, xem những đoạn này chỉ liên quan đến việc sử dụng và phân phối tài sản; nhưng đi sâu hơn vào tư tưởng của thánh Augustin, người ta nhận thấy rằng “đời sống tông đồ” chủ yếu nằm ở chỗ đời sống cộng đoàn (tài sản là chuyện thứ yếu), và đồng thời các thánh tông đồ cũng lên đường rao giảng Lời Chúa (dựa theo Cv 4,31 và 33, được thánh Augustin được trình bày trong “Sermo 356: De vita et moribus clericorum”).

Như vậy, đối với thánh Đa Minh, đời sống tông đồ bao gồm ba yếu tố: Cộng đoàn, dấn thân rao giảng Tin Mừng, tư cách nghèo khó. Ngoài các đoạn văn của Tông Đồ Công Vụ, người ta còn thêm những đoạn văn thuật lại Chúa Giêsu sai các môn đệ đi rao giảng trong tư thế khó nghèo (Lc 9,3-5;10,1-16; x. Mc 6,8-11; Mt 10,5-16). Những quy chế liên quan đến sự khất thực sẽ được thêm vào Hiến Pháp ở các Tổng Hội kế tiếp.

3/. Điều thứ ba liên quan đến việc quản trị. Anh em tụ họp với nhau để tìm ích chung. Tất cả mọi người đều có nghĩa vụ đi tìm ích chung. Bề trên giữ vai trò hướng dẫn anh em tìm ra những phương thế tốt hơn để phục vụ ích chung. Bề trên không nhất thiết truyền đạt ý Chúa, nhưng tìm cách để điều phối anh em duy trì được sự đồng tâm nhất trí. Đối lại, anh em không nhất thiết phải dùng đức tin để nhận ra ý Chúa nơi bề trên, cho bằng dùng đức ái: mình hãy yêu thương người anh em phải đứng mũi chịu sào, hy sinh vì công ích:

“Ai làm đầu anh em thì đừng nghĩ mình có phúc vì được thống trị, bằng quyền bính, nhưng vì được phục vụ bằng tình yêu … Hãy lấy tình yêu mà duy trì kỷ luật và lấy quyền uy mà cưỡng chế thi hành. Tuy cả hai đều cần thiết, nhưng bề trên phải ao ước được anh em yêu mến hơn là sợ hãi. Đồng thời phải luôn nghĩ rằng mình sẽ phải trả lẽ với Chúa về các anh em của mình. Do đó khi vâng lời, thì không những là anh em thương xót mình nhưng còn thương xót cả bề trên nữa, bởi vì kẻ ở địa vị cao giữa anh em, thì càng gặp nhiều hiểm nguy” (số 46-47).

Dù sao, qua cuộc họp của anh em tại Toulouse năm 1216, Cha Đa Minh đã áp dụng một nguyên tắc quan trọng của thể chế dân chủ thời đó: “Điều gì liên quan đến mọi người thì phải đưa ra cho tất cả mọi người bàn thảo và quyết định” (quod omnes tangit, ab omnibus tractari et approbari debet). Đây là nền tảng của việc tổ chức các công hội (capitulum) ở cấp tu viện, Tỉnh Dòng, cũng như toàn Dòng.

4/. Điều thứ bốn, rút từ kết luận của bản luật: Tinh thần tự do đối với luật pháp; tuân giữ vì yêu mến chứ không vì sợ hãi: “Xin Thiên Chúa ban cho anh em biết tuân giữ những quy tắc trên đây vì yêu mến… không như những nô lệ dưới ách lề luật, nhưng như những con người tự do trong ân sủng” (số 48). Ngay từ đầu, thánh Đa Minh đã tuyên bố rằng Hiến Pháp không buộc thành tội, nhưng chỉ buộc chịu hình phạt(non ad culpam sed ad poenam nisi propter contemptum); cha còn nói thêm: nếu có ai tưởng rằng luật buộc thành tội, thì cha sẽ lấy dao gọt bỏ các luật lệ.[10]

III. TÍNH THỜI SỰ CỦA BẢN LUẬT THÁNH AUGUSTIN

800 năm đã trôi qua kể từ cuộc họp ở Toulouse mùa hè năm 2016. Bao nhiêu chuyện đã thay đổi. Ngày nay, tuy bản luật thánh Augustin được nhắc lại trong công thức khấn Dòng, nhưng có lẽ ít người biết đến. Thực ra, bản văn chi phối cuộc sống của chúng ta là sách Hiến Pháp và Chỉ Chị của Dòng Anh Em Giảng Thuyết. Thử hỏi: phải chăng bản luật của thánh Augustin chỉ còn là món đồ cổ, hay vẫn còn thuộc về gia sản của Dòng? Xin thưa rằng bản luật vẫn nằm trong gia sản, thậm chí nó đã chi phối việc soạn thảo sách Hiến Pháp của Dòng được soạn lại sau Công Đồng Vatican II. Vấn đề là chúng ta chưa mang thực hành đủ một vài trực giác của thánh Augustin. Chúng ta sẽ có dịp kiểm chứng khi đối chiếu với bản tường trình của bề trên Tổng Quyền nhân dịp chuẩn bị Tổng Hội 2016.

A. Ảnh hưởng đối với bản Hiến Pháp hiện hành

Mỗi khi muốn so sánh các bản Hiến Pháp của các Dòng với nhau, người ta thường chỉ lưu ý đến nội dung (chẳng hạn như: lời khấn vâng lời trong các Dòng Benedict, Augustin, Đa Minh, Phansinh, Inhaxio,.v.v…) để khám phá ra nét độc đáo của mỗi Dòng, nhưng ít khi người ta chịu khó quan sát cái bố cục của nó.

1/. Một nét độc đáo của sách Hiến Pháp của Dòng Đa Minh soạn sau Công Đồng Vatican II phản ánh tinh thần của bản luật Augustin có thể nhìn thấy nơi cấu trúc của cuốn sách. Sách Hiến Pháp mở đầu với chương về đời sống cộng đoàn, đi trước cả những chương bàn về ba lời khuyên Tin Mừng, cầu nguyện, học hành. Các cơ chế được đặt ở cuối sách (đang khi nhiều bản Hiến Pháp đặt chương về cơ cấu tổ chức vào những chương đầu). Phần thứ nhất bàn về đời sống anh em; phần thứ hai bàn về cơ cấu quản trị, bởi vì bản luật thánh Augustin dành phần trọng tâm cho đời sống cộng đoàn, một cộng đoàn huynh đệ gắn bó với nhau nhờ mối dây đức ái. Phải chờ đến gần cuối sách, mới thấy xuất hiện bề trên. Nói cho đúng, cấu trúc hai phần đã có từ cuốn Hiến Pháp nguyên thủy (1220), gồm hai “distinctiones” (tạm dịch là hai phần):

- a/. Phần thứ nhất liên quan đến đời sống trong nhà Dòng (kinh nguyện, ăn chay, huấn luyện, y tế, phòng ngủ, thinh lặng, y phục, lỗi); phần lớn lấy lại các tập tục đã có trong các đan viện, đặc biệt là Dòng Xitô và Dòng Premontres.

- b/. Phần thứ hai bàn về cơ cấu tổ chức, cũng như việc học và giảng thuyết; đây thật sự là mới mẻ của Dòng Giảng Thuyết.

2/. Khi đi sâu vào phần thứ hai, chúng ta khám phá các thể chế dân chủ của Dòng. Định chế Tổng Tu Nghị đã hiện hữu nơi nhiều Dòng (đặc biệt là Dòng Xitô), nhưng chỉ dành cho các viện phụ. Điều mới mẻ của Dòng Giảng, là bên cạnh các Tổng Hội dành cho các giám tỉnh (bề trên) còn có các Tổng Hội của các giám định viên (bề dưới), theo nhịp độ là sau hai lần Tổng Hội bề dưới mới tới một lần Tổng Hội các bề trên. Dĩ nhiên những điều này chưa được dự trù trong luật thánh Augustin bởi vì bản văn này được soạn cho một cộng đoàn nhỏ, chứ không phải cho một Dòng to lớn.

Luôn tiện xin thêm một nhận xét nho nhỏ về cấu trúc của sách Hiến Pháp hiện hành. Phần thứ nhất gồm 283 số, phần thứ hai 368 số; như vậy, phần quản trị chiếm 3/5 cuốn sách (619 số).

B. Bản tường trình của bề trên Tổng Quyền trước Tổng Hội 2016

Nhằm chuẩn bị cho Tổng Hội sắp nhóm họp tại Bologna, cha Bruno Cadoré đã gửi một bản báo cáo về tình hình của Dòng. Bản tường trình này dài 34 trang (110 số), được chia làm ba phần:

- (i) Về việc tái cấu trúc các đơn vị trong Dòng, nhằm phối kết nguồn lực rao giảng (số 4-55).

- (ii) Đời sống của anh em và các cộng đoàn (số 56-80).

- (iii) Những thách đố về việc giảng thuyết trong công cuộc truyền giáo (số 81-110). Tôi xin để dành phần thứ ba cho cha Vinhsơn Phạm Đình Chiến, và chỉ lướt qua phần thứ nhất, và chú trọng đến phần thứ hai.

1/. Trong phần thứ nhất, chúng ta có thể ghi nhận vài con số thống kê:

- Vào cuối năm 2014, số tu sĩ là 5826 (năm 2012 là 5955); số linh mục là 4355 (năm 2012 là 4430), trợ sĩ 322 (năm 2012 là 345).

- Năm Tỉnh Dòng đông sĩ số nhất là: Hispania 490 (mới gom lại từ 3 Tỉnh Dòng), Ba lan 409, Việt Nam 366, St Joseph USA 309, Pháp 306.

- Xét con số sinh viên, Việt Nam đứng đầu với 82, kế đó là St Joseph 67, Nigeria 63, Ba lan 53, Philippin 42.

Như vậy, Việt Nam đứng hàng thứ 3 về số đông, và hàng thứ 1 về sinh viên. Một câu hỏi đương nhiên được đặt lên: mình đông người như vậy, nhưng đã đóng góp thế nào cho sứ vụ phổ quát của Dòng?

2/. Sang phần thứ hai, có mấy điều đáng chúng ta giật mình, bởi vì mình không để ý:

- Trong Dòng hiện nay có 261 tu viện và 316 tu xá. Đối với chúng ta, đây là chuyện bình thường: ít người thì lập tu xá, chờ đông người thì lên tu viện. Tuy nhiên, cha Bruno Cadoré lại nghĩ khác. Hiện nay ở trong Dòng, số tu xá nhiều hơn tu viện: điều này có nghĩa là trong các cộng đoàn, đa số các bề trên do giám tỉnh đặt chứ không do anh em bầu; điều này đi trái ngược với tinh thần của Dòng!

- Một khía cạnh tiêu cực khác là rất nhiều anh em than phiền rằng trong các cộng đoàn, thiếu đối thoại và trao đổi. Không lạ gì mà nhiều anh em thích ra ngoài để tìm những người bạn tri âm. Theo cha bề trên Tổng Quyền, có lẽ đây là một lý do khiến cho anh em xin chuyển sang hàng giáo sĩ giáo phận, bởi vì anh em có cảm tưởng rằng : khi làm việc trong giáo phận, mình được nhiều người trọng vọng hơn, đang khi ở cộng đoàn mình chỉ là con số không.

- Dù sao, một thiếu sót lớn là phần lớn các cộng đoàn không có một kế hoạch làm việc chung, điều đã được Hiến Pháp đề cập ở số 311 §1 và được nhiều Tổng Hội lặp đi lặp lại.

Vì thời giờ ngắn ngủi, tôi xin bước sang phần kết luận với vài cảm nghĩ riêng tư, liên quan đến đời sống chung, tự do và tham gia.

KẾT LUẬN

1/. Đời sống chung

Năm nay chúng ta không chỉ chuẩn bị mừng 800 năm ngày Tòa Thánh xác nhận dự án thiết lập đoàn giảng thuyết của Cha Đa Minh, nhưng còn mừng 50 năm thành lập Tỉnh Dòng Nữ Vương Cac Thánh Tử Đạo Việt Nam. Tuy nhiên, Dòng Đa Minh đã hiện diện trên đất nước Việt Nam từ lâu rồi, và cách chính xác hơn nữa, từ năm 1676 (cách đây 340 năm), khi mà, đáp lại lời yêu cầu của Dức Cha Francois Pallu(đại diện tông tòa địa phận Đàng ngoài), Tỉnh Dòng Rosario cử hai cha Juan de Santa Cruz và Juan de Arjona đến truyền giáo ở Bắc Bộ. Hai cha đến Phố Hiến ngày 7/7, và trọ tại Trung Linh, mở đầu cho việc công cuộc truyền giáo quy mô tại địa phận Đông Đàng ngoài.[11]

Như chúng ta biết, Tỉnh Dòng Rosario chỉ có một tu viện duy nhất, đó là Santo Domingo, trụ sở của giám tỉnh tại Manila. Tại Việt Nam, mãi cho đến năm 1936, một tu viện mới được thiết lập tại Quần Phương. Nói thế có nghĩa là đã bao nhiêu thế hệ tu sĩ Đa Minh không có kinh nghiệm đời sống cộng đoàn! Tuy nhiên, dưới một mặt khác, một nét son của các Cha Đa Minh ở Đông Đàng ngoài là đã duy trì nếp sống cộng đoàn trong giáo phận. Cách đây hai năm, khi nghiên cứu về nguồn gốc đời sống tu trì tại Việt Nam,[12] tôi đã khám phá một điều thú vị, đó là: tổ chức các thầy giảng do các cha Dòng Tên khởi xướng, cũng như tổ chức Nhà Đức Chúa Trời do Đức Cha Lambert de la Motte xướng xuất; thế nhưng hai thể chế này được duy trì và phát triển mạnh mẽ ở các địa phận cho các cha Dòng Đa Minh coi sóc, hơn là tại các địa phận khác.

Thuật ngữ “Nhà Đức Chúa Trời” đã xuất hiện trong Kinh Thánh để ám chỉ đền thờ hoặc Giáo Hội. Đến khi sang Việt Nam, Đức cha Lambert de La Motte áp dụng theo một nghĩa mới, với hai cấp độ:

- a/. Tất cả địa phận là Nhà Đức Chúa Trời, bao gồm tất cả những người đã dâng minh cho Chúa, từ giám mục cho đến các ứng sinh làm linh mục hoặc thầy giảng; nghĩa này được hiểu cách riêng về việc để mọi tài sản làm của chung. Nhà Đức Chúa Trời và Nhà Chung là một.

- b/. Theo một nghĩa hẹp, Nhà Đức Chúa Trời ám chỉ nhà xứ họp bởi linh mục, các thầy giảng, các chú, các cậu, các bõ. Đây cũng là “nhà chung”, được điều hành như một tu viện, giữ luật nội vi, tách rời khỏi khu vực bên ngoài.

Như vậy, tuy không sống trong tu viện, nhưng các vị thừa sai vẫn giữ đời sống chung dựa theo thể chế của Nhà Đức Chúa Trời. Nhà Đức Chúa Trời được tổ chức giống như một tu viện, với khu nội vi tách biệt khỏi đời, và nhất là tuân giữ sự thông chia tài sản, dựa theo lý tưởng của Giáo Hội được đề ra trong sách Tông Đồ Công Vụ. Tất cả các tài sản thuộc về Giáo Hội, vì thế mỗi khi được thuyên chuyển từ xứ này sang xứ khác, các linh mục để lại tất cả vật dụng ở lại chỗ cũ, chứ không mang theo về nhiệm sở mới.[13]

Đọc lại những hàng này, phải nhìn nhận rằng: Ngày nay, kể cả các tu sĩ được bổ nhiệm vào các tu viện cũng chưa thực hành nổi việc đặt các tài sản làm “của nhà chung” như vậy, đang khi mà các vị thừa sai tuy sống ở các nhà xứ nhưng lại theo sát tinh thần của thánh Augustin hơn chúng ta. Sau hiệp định Geneve năm 1954, các Cha Đa Minh đã rời bỏ các địa phận miền Đông Đàng ngoài; gia sản về Nhà Đức Chúa Trời không tồn tại nữa. Tuy vậy, tinh thần ấy còn được duy trì phần nào trong Quy Chế Nền Tảng của Tỉnh Dòng, số 1, triệt 4: “Để noi theo gương thánh Đa Minh, theo sát lối sống tông đồ trong việc theo Chúa, để làm chứng cho đời sống thanh bần tập thể một cách rõ rệt hơn, đồng thời để dễ dàng thực thi sứ vụ chung của Tỉnh Dòng, chúng tôi quyết định: quyền sở hữu tài sản thuộc Tỉnh Dòng, chứ không thuộc tu viện hay tu xá riêng biệt”. Như vậy, tài sản không thuộc về cá nhân (điều này dễ hiểu do lời khấn khó nghèo) mà cũng chẳng thuộc về tu viện, nhưng thuộc về Tỉnh Dòng. Không biết chúng ta có để ý đến điều này không.

2/. Tự do và tham gia

Như đã nói ở đầu, bài này muốn bàn về những yếu tố gia sản của Dòng ngoài ba điểm sẽ được trình bày trong các ngày sắp tới (học hành, tông đồ, giảng thuyết). Cho đến nay, dựa theo luật thánh Augustin, chúng ta đã nêu bật yếu tố cộng đoàn.

Như đã nói, Hiến Pháp hiện nay đặt yếu tố cộng đoàn lên hàng đầu. Đi đâu chúng ta cũng khoe cái đặc tính này. Thế nhưng, đều trớ trêu là anh em chúng ta lại không làm việc chung với nhau được, như kinh nghiệm các nhà xứ cho thấy. Tại sao vậy? Xin thưa rằng, có lẽ tại vì chúng ta chưa sống tinh thần cộng đoàn ngay cả tại các tu viện của chúng ta. Chúng ta sống kề bên nhau, chứ thực sự chưa có chia sẻ với nhau. Mỗi lần chúng ta gặp nhau ở nhà hội hoặc ở nhà cơm, chúng ta trao đổi đủ thứ vấn đề, từ chính trị, kinh tế xã hội, cho đến các vấn đề thể thao như giải vô địch Euro, nhưng thử hỏi: có mấy khi chúng ta dám trao đổi với nhau về sứ vụ tông đồ, về việc giảng thuyết?

Có một khoản Hiến Pháp mà chắc chắn chưa có tu viện nào thực hiện, đó là “dự án cộng đoàn”, được đề cập ở sách Hiến Pháp số 311 §1, và được nhiều Tổng Hội lặp lại: Oakland (1989) số 38, Mexico (1992) số 40, Caleruega (1995) số 44, Providence (2001) 272-273, Bogota (2007) 164, Roma (2010) 62-67, Trojir (2013) 69. bề trên Tổng Quyền đã viết trong một lá thư gửi toàn Dòng ngày 21/9/2015 (và trước đó đã nhắc đến trong thư đúc kết sau cuộc kinh lý Tỉnh Dòng, số 2.1.1).

Nói như thế thì ta có thể đoán được rằng, không chỉ Tỉnh Dòng chưa thực hiện điều này mà phần lớn các cộng đoàn trong Dòng cũng vậy! Chúng ta chưa quen làm việc chung với nhau, lên kế hoạch chung với nhau, để trở thành một chủ thể giảng thuyết chung. Có lẽ chúng ta ngại tranh luận với nhau, ngại nói thật vì sợ mất lòng!

Bên cạnh những khó khăn khách quan ấy, theo cảm nghĩ của tôi, có lẽ hoàn cảnh đất nước của chúng ta không tạo nên một ý thức về sự tham gia vào công ích. Mọi quyết định đã được dàn xếp từ trên cao rồi, cấp dưới chỉ biết thi hành. Ai nói ngược thì có nguy cơ đi tù! Nếu trước khi đi bầu quốc hội, anh đã biết ai đắc cử và làm chủ tịch, thì đi bầu làm gì nữa?

Đời sống cộng đoàn đòi hỏi sự tham gia; điều này giả thiết một điều kiện “sine qua non”, đó là sự sử dụng tự do. Xin anh em cho phép tôi thêm đôi lời về tự do để kết thúc. Có lẽ có người cho rằng anh em Đa Minh quá tự do, vì thế đưa đến cá nhân chủ nghĩa, chứ không đưa đến sự hợp tác vào ích chung. Không ai chối điều ấy. Nhưng đó mới chỉ là nhìn tự do nhìn dưới khía cạnh tâm lý hoặc xã hội học, chứ chưa phải là nhìn dưới khía cạnh thần học. Dưới khía cạnh tâm lý hoặc xã hội, tự do là không bị cưỡng bách, không bị ngăn cản hoạt động. Dưới khía cạnh thần học thì chúng ta phải quay sang thánh Augustin.[14]

Thánh Augustin cũng biết đến tự do theo những nghĩa vừa nói, nhưng Người chú ý cách riêng đến nghĩa của lịch sử cứu độ, dựa theo đạo lý của thánh Phaolô: vì tội lỗi con người làm nô lệ sự dữ và sự chết; Đức Kitô đã giải thoát chúng ta khỏi tình trạng nô lệ, trả lại cho chúng ta điều kiện tự do của con cái Chúa. Một cách cụ thể, suốt đời thánh Augustin đã phải bảo vệ tự do của con người khi đương đầu với hai chủ trương trái nghịch nhau: phái Manikê và phái Pêlagiô:

- Phái Manikê chủ trương rằng, thế giới này bị thống trị bởi hai quyền lực: thần Thiện và thần Ác. Chúng ta chỉ là những con quay nằm dưới sự điều động của hai thần ấy. Tôi làm điều xấu vì bị thần Ác chi phối. Nói cách khác, tôi không có tự do. Thánh Augustin trả lời rằng: nói như vậy là thoái thác trách nhiệm. Bạn có tự do, nhưng bạn sợ không dám sử dụng tự do của mình để vượt thắng các xu hướng xấu của mình.

- Ở bên kia thái cực, phái Pêlagiô cho rằng, con người có thể làm được tất cả: tự do là tất cả. Con người có thể thực hành nhân đức, chiến đấu chống lại sự dữ nhờ ý chí của mình. Thánh Augustin đã nhắc nhở họ: chính kinh nghiệm cho thấy rằng nhiều lần mình muốn làm điều tốt mà không làm được, bởi vì mình gặp nhiều giới hạn. Vì thế, chúng ta cần đến ân sủng của Chúa, ân sủng mà Chúa ban nhờ lời cầu nguyện.

Nói tóm lại, thật không dễ gì hiểu được mầu nhiệm tự do. Các văn kiện của Tòa Thánh thường nhấn mạnh đến mối tương quan giữa tự do với chân lý: con người tự do đích thực là người hành động theo chân lý, chứ không phải là người hành động bừa bãi (vì lúc ấy anh ta làm nô lệ cho đam mê của mình). Nhưng đó là nói về bản chất của tự do, một sự lựa chọn đi theo chân lý và sự thiện. Trong thực hành, chúng ta phải đương đầu với sự khó khăn khác, như thánh Augustin đã cho thấy: có lúc chúng ta sợ sử dụng tự do, vì sợ trách nhiệm, thiếu nghị lực; đối lại, có lúc chúng ta quá tự tín vào khả năng của mình, đến nỗi hành động quyết đoán, chẳng bàn hỏi với ai, và nhất là chẳng cầu nguyện với Chúa nữa.

Phải chăng, đây mới thực sự là vấn đề của Tỉnh Dòng? Một đàng chúng ta thích an phận, không dám xông pha, ngại dấn thân trước những thách đố mới của sứ vụ, trong và ngoài nước. Mặt khác, chúng ta thích lăn xả vào các hoạt động nhưng lại bỏ nguồn mạch là việc cầu nguyện![15] Trong kỳ tĩnh tâm này, không có bài thuyết trình nào về việc cầu nguyện. Nhưng chính cuộc tĩnh tâm là thời gian cầu nguyện. Chúng ta cầu xin Chúa Kitô, Đấng đã cứu chuộc chúng ta khỏi tội lỗi và sự chết, ban cho chúng ta Thần khí tự do, Thần khí con cái, Thần khí sự thật, nhờ đó chúng ta can đảm chấp nhận sự tự do của trao hiến, dấn thân phục vụ Tin Mừng, theo gương thánh Đa Minh.

Có một lần, cha Raymond Creytens, một chuyên viên về lịch sử Hiến Pháp Dòng, nói với tôi rằng: Có lẽ không ai sống trọn lý tưởng Đa Minh được: vừa chiêm niệm vừa hoạt động, vừa chuyên chăm học hành vừa dấn thân truyền giáo, vừa phát huy sáng kiến cá nhân vừa hòa nhịp với cộng đoàn. Không cá nhân nào duy trì được sự quân bình ấy. Và có lẽ không Tỉnh Dòng duy trì được sự quân bình ấy. May ra toàn thể Dòng mới giữ được lý tưởng đó. Dù sao, tôi muốn kết thúc với một nét của đạo Kười. Anh em có thấy chiếc xe đạp không? Không thể nào dựng nó thẳng được nếu không có cái càng chống. Nhưng khi nó chạy thì nó đứng thẳng được. Nếu chúng ta chỉ suy luận theo lý thuyết thì có lẽ Dòng Đa Minh đã tan từ lâu rồi, vì những căng thẳng nội bộ. Nhưng rồi nó vẫn chạy, và chính lúc chạy thì nó lấy lại sự quân bình. Cầu xin cho Dòng luôn duy trì được gia sản ấy.

http://hv.catechesis.net/linh-dao-dong-daminh/tu-luat-thanh-augustin-voi-dong-giang-thuyet.html 

[1]  Luc Verheijen, La Règle de saint Augustin. 1) Tradition manuscrite 2) Recherches historiques. Paris 1967. Nouvelle approche de la Règle de saint Augustin, Abbaye de Bellefontaine, Begrolles -en Mauges, 1980.

[2]  Các học giả đã đưa ra nhiều cách phân chia chương mục. Các tác giả cận đại chia làm 8 chương(sách Hiến Pháp của Dòng cũng dựa  theo tiêu chuẩn đó): 1/ Nền tảng của đời sống chung: đặt tài sản làm của chung. 2/ Cầu nguyện. 3/ Ăn uống. 4/ Giữ gìn ngũ quan và đức khiết tịnh. Sửa lỗi huynh đệ. 5/ Tóm lược. Việc sử dụng tài sản: áo quần, sách vở, tắm rửa, bệnh tật. 6/ Tương quan huynh đệ, sự tha thứ. 7/ Sự vâng lời và bề trên. 8/ Kết luận. Có tác giả còn muốn phân nhỏ thành 49 đoạn cho dễ trích dẫn.

[3]  A. Trapé, S. Agostino. La Regola, Ancora, Milano 1971; X. Tarcisius Van Bavel, La regola di Agostino d’Ippona. Introduzione Traduzione Commento, Augustinus, Palermo 1986.

[4]  M.-H. Vicaire, La règle de St Augustin à la fondation de l’Ordre des Prêcheurs in: “Vie Spirituelle” t.145 (1991), tr. 261-279.

[5]  Theo cha Vicaire, vào thế kỷ XIII, bản luật của thánh Augustin được lưu hành là bản “regula recepta”, nghĩa là bản văn “Praeceptum” cộng thêm các lời dẫn nhập ở đầu “Ante omnia, fratres carissimi,...”. Hơn thế nữa, cần nói thêm là anh em Đa Minh chấp nhận không những là bản luật mà còn tất cả quan điểm về đời tu của thánh Augustin, được phát biểu cách riêng qua “De vita et moribus clericorum suorum” (bài giảng số 356).

[6]  M.-H. Vicaire, Histoire de Saint Dominique, Deuxième partie, Paris Cerf 1982, pp. 9-62. L’Ordre de saint Dominique en 1215, in: “Archivum Fratrum Praedicatorum” 54 (1984), tr. 5-38.

[7] Được xuất bản trong Opera de Vita Regulari (ed. J.J. Berthier, Roma 1888), vol. I, p.43-633. Cha Humbertô làm bề trên Tổng Quyền từ 1254-1263. Theo cha Creytens, quyển chú giải được soạn trong khoảng 1248-54.

[8]  M.H. Vicaire, La règle de saint Augustin, art.cit., pp. 264.

[9] Điều này được ghi lại trong Hiến Pháp nguyên thủy (distinctio II, c. XXXI, De praedicatoribus): “Qui redcepta benedictione, exeuntes tam quam viri qui suam et aliorum salutem procurare desiderant, honeste et relisiose se habeant tamq uam viri evangelici, sui sequentes vestigia Salvatoris (cf. 1 Pet 2,21), cum Deo vel de Deo secum vel proximis loquendo, vitabunt suspicios comitatus familiaritatem. Euntes ergo ad iam praedictum praedicatonis officium exercendum vel alias itinerantes, aurum, argentum, pecuniam et munera (cf. mt 10,7-9), excepto victu et vsstitu et necessariis indumentis et libris, nec accipient nec portabunt”.

[10]  J.M. Tonneau, L’obligation “ad  poenam” des constitutions dominicaines, in: Revue des sciences philosophiques et théologiques 24 (1935), pp. 107-115. Hiến Pháp hiện hành vẫn còn nhắc lại điều này ở điều 1 (Hiến Pháp nền tảng §VI) và điều 281.

[11]  Vài kỷ niệm khác của Tỉnh Dòng trong năm nay. 1956: Thành lập và khánh thành tu xá Mai Khôi (19/1). Thành lập tu xá Gò Vấp (30/1), khánh thành ngày 22/5. Cha Giuse Nguyễn Tri Ân, bề trên Phụ Tỉnh người Việt đầu tiên nhậm chức (21/12). - 1986: Thành lập Phụ Tỉnh Việt Nam tại Calgary (13/11).

[12]  Phan Tấn Thành, Nguồn gốc đời tu trì Kitô giáo tại Việt Nam, trong “Thời sự thần học” 66 (tháng 11/2014), tr. 47-86.

[13]  x. Nếp sống đạo tại miền truyền giáo Đa Minh Việt Nam, trong: Tìm hiểu Dòng Đa Minh, Học Viện Đa Minh 2013, tr. 477.

[14]  A. Trapé, Libertà e grazia nella storia della salvezza, www.agostinotrape.it/scritti/scritti_editi/liberta-grazia.pdf

[15]  Theo quy chế thành lập Tỉnh Dòng Mân Côi Philippin, các thừa sai mỗi ngày phải suy gẫm 2 giờ.

 

114.864864865135.135135135250