20/11/2022 -

Lời Chúa - Chúa Nhật

236
Chúa Giêsu Kitô Vua

Bối cảnh Tin mừng hôm nay thường được biết đến như “Người trộm lành.” Khi chúng ta mừng Lễ Chúa Kitô Vua vũ trụ, bài tin mừng tuyên bố rõ là Chúa Giêsu ba lần bị cám dỗ tự cứu lấy mình bằng cách xuống khỏi thập giá. Khi khởi sự đi rao giảng, Chúa đã bị cám dỗ 3 lần trong sa mạc và lúc đó thánh Luca kể lại là “Satan bỏ đi để chờ cơ hội khác.” (Lc 4:13). Cơ hội đó đến khi Chúa Giêsu đang hấp hối trên thập giá và bị chế diễu thách thức chứng minh Ngài là Đức Kitô, Đấng Được Tuyển Chọn, Vua Dân Do Thái. Chúng ta cũng đối diện với những cám dỗ căn bản vẫn tiếp tục tấn công chúng ta. Giống như Chúa Giêsu, những cám dỗ đó khiến chúng ta một là trung tín với căn tính mà Thiên Chúa đã ban cho chúng ta trong Đức Kitô nhờ Phép Rửa hoặc là hành động phản nghịch với ý của Thiên Chúa. Chúa Giêsu trung tín lúc ở trong sa mạc và tiếp tục trung tín khi bị treo trên thánh giá. Ngài chỉ có thể làm được như thế vì Ngài duy trì tình liên kết chặt chẽ với Chúa Cha.

Vương quyền hiện hình

Điểm đáng chú ý là những lời chế diễu Chúa Giêsu ở đây được ám chỉ đến vương quyền.

Quân lính nói “Nếu ông là vua dân do thái, ông hãy tự cứu mình đi.”
Bảng chữ ghi trên thập giá, “Người này là vua dân do thái.”
Người trộm lành kêu xin, “Lạy Ngài khi nào về Nước của Ngài, xin nhớ đến tôi.” Ngôn ngữ ở đây chú trọng đến vương quyền cho chúng ta biết đoạn Tin mừng này nhìn nhận bản chất và mục vụ của Chúa Giêsu là Vua. Trong suốt Tin mừng Chúa Giêsu luôn tránh tước hiệu “Vua” nhưng trong đoạn Tin mừng này Chúa để yên không chối từ tước vị Vua dành cho Ngài. Chỉ với khổ nạn và cái chết

Chúa đã thiết lập Nước Thiên Chúa nhờ vâng lời theo ý Chúa Cha. Nước đó không phải là một nước có quyền lực cao sang tạm thời nhưng là một triều đại vững bên đời đời trong chân lý, sự sống, thánh thiện, ân sủng, công bình, yêu thương và bình an. Mặc dù đám đông dân chúng không nhận ra, Chúa Giêsu bày tỏ danh tính hoàng tộc của Ngài qua việc đón nhận đau khổ mà không trốn tránh.

Chức vụ Vua của Ngài rất khác biệt với những vua quan thời ấy. Các vua trần gian tìm sống xa tránh những đau khổ của người dân còn Chúa Giêsu lại đón nhận và nhập thể đi vào mọi chiều kích sâu xa của thân phận con người.

- Các vua khác tìm những tước vị được tôn vinh để cổ động cho địa vị của họ trong khi Chúa Giêsu lại chịu chết như một phạm nhân bị loại trừ.
- Các vua khác ngồi trên ngai toà cao sang trong khi Chúa Giêsu lên ngai toà của Thập Giá.
- Các vua khác được vinh sang phú quí nhất bao quanh ở đời trong khi Chúa Giêsu cảm nhận bị ruồng bỏ, sự đau đớn của các mũi đinh nũi gai và uống dấm chua mật đắng.
- Các vua khác mặc áo cẩm bào và vương miện vàng ngọc trong khi Chúa Giêsu bị lột trần truồng và mang triều thiên bằng gai nhọn. Không có sự tăm tối nào của chúng ta mà Chúa đã không trải qua.

Thách đố cho chúng ta là đón nhận chức vị Vua của Chúa Giêsu trong mọi lúc của cuộc đời - nhất là những lúc đau khổ, yêu đuối và tăm tối.

Hai thái độ với Vua Giêsu

Điểm quan trọng chúng ta để ý là hai cách đối đáp của hai tội phạm cùng bị đóng đinh với Chúa Giêsu. Một người trong cơn đau khổ thì tức giận, đắng cay văng lời xỉ nhục nhạo báng và chối không nhìn nhận Chúa Giêsu. Còn một người thì cảm nghiệm khổ hình đã dẫn ông đến niềm tin tưởng trong hy vọng; ông tuyên xưng đức tin, và cầu khẩn được Chúa Giêsu thương cứu vớt.

Hai phạm nhân cùng bị đóng đinh với Chúa có hai thái độ hoàn toàn khác nhau. Một nguòi thì mỉa mai khinh bỉ nghi ngờ vai trò cứu chuộc của Chúa Giêsu. “Ông không phải là Đấng Cứu Thế sao? Vậy thì hãy tự cứu ông và cứu cả chúng tôi nữa đi.”

Còn người kia thì cách nào đó còn chút lương tri nên đã cảm thấy có điều gì khác nơi Chúa Giêsu và đã tin trong hy vọng Ngài là Đấng Cứu Thế và đã trách mắng đồng bọn của mình: “Ngươi không sợ Thiên Chúa sao, vì ngươi cùng bị án như thế? Tụi mình bị án là đáng tội, còn người này có làm gì sai trái đâu!” Thế rồi anh quay sang nói với Chúa Giêsu, “Ngài Giêsu, xin hãy nhớ đến tôi khi ngài về nước của Ngài.”

Thật không ngờ, Chúa Giêsu trả lời anh, “Thật Ta bảo thật với anh, ngay hôm nay anh sẽ được ở trên thiên đàng với Ta.” (Lc 23:39-43).  Anh đã nhận được lời hứa của Chúa Giêsu. Lời hứa đó phát ra từ môi miệng của một người cũng đang hấp hối kết thúc cuộc đời. Thiên là trời, là Chúa là Vua. Thiên Đàng là “Vườn của Vua, Vườn của Thiên Chúa.”

Chúa Giêsu không hỏi phạm nhân này “Anh có tin vào Chúa Ba Ngôi không? Anh đã được rửa tội chưa? Hay anh có tin vào Thánh Kinh không?” Chúa nhận lời cầu khẩn thành tâm của anh và chỉ đơn giản nói “Hôm nay anh sẽ được ở trên thiên đàng với Ta.

Hai cách đáp trả này là bài học cho chúng ta là những môn đệ của Chúa. Cách một người đối diện với đau khổ nói lên đức tin của họ như thế nào. Thật dễ hiểu và rất con người để thắc mắc hoài nghi khi chúng ta phải ở trong một hoàn cảnh thử thách khó khăn trầm trọng. Không cẩn thận chúng ta có thể nhầm tưởng cho rằng đau khổ là tình trạng bị Thiên Chúa ruồng bỏ, hay Thiên Chúa thực sự không có. Tuy vậy, cây thánh giá dạy chúng ta rằng Thiên Chúa ở với Chúng ta ngay trong những lúc đau khổ giống như Chúa Giêsu chung số phận với những tội phạm. Đôi khi những người gặp đau khổ cần có người làm chứng để giúp họ hiểu được tình cảnh của họ trong cơn thử thách giúp họ trung tín và cho họ can đảm bền đỗ. Chứng nhân trung tín như thế đến từ đời sống của những môn đệ trung tín như Chúa Giêsu truyền cho chúng ta đem hy vọng và phấn khởi từ lời của Ngài đến với những người trong hoàn cảnh khó khăn. Vì lý do này, điều quan trọng là các cộng đoàn đức tin sống đoàn kết với nhau để bày tỏ đức ái Kito giáo đối với những người đau khổ trên toàn thế giới.

Ý nghĩa thần học về việc Chúa Giêsu Kitô Vua chết trên thánh giá là:

- Người bị cáo được tha bổng
- Mối liên hệ sứt mẻ và đổ bể được hàn gắn
- Cái đã mất được tìm thấy
- Trận chiến đạt được thắng lợi
- Hy sinh cuối cùng được dâng hiến
- Nhờ đó không ai còn phải hiến dâng một lần nữa và kẻ thù được yêu thương.

Chúng ta không biết qúa khứ của hai phạm nhân này. Có thể là họ đã đến từ một gia đình vắng bóng cha hay vắng bóng mẹ. Có thể là họ bị mồ côi cha mồ côi mẹ. Có thể là họ đã bị gia đình bỏ rơi hay đã nghe theo bạn bè trốn bỏ gia đình đi bụi đời. Có thể là khi còn nhỏ đã bị ảnh hưởng do bạn bè xấu, phạm pháp từ cái nhỏ rồi đến cái lớn. Có thể họ đã nhập băng đảng hay tham gia vào những tổ chức khủng bố để rồi bị bắt và bị án tử hình. Thánh sử Luca là người duy nhất ghi lại cuộc đối thoại giữa hai phạm nhân này với Chúa Giêsu.

Gương Vua Giêsu

Tin mừng hôm nay mời gọi chúng ta suy nghĩ hai điều Chúa Giêsu dạy trên đồi Canve. Điều thứ nhất là không bao giờ qúa trễ để xin Chúa dủ tình thương xót. Người trộm lành đã kêu xin Chúa vào phút cuối đời và Chúa Giêsu đã nhận lời cầu khẩn thành tín của anh. Bất kể anh đã phạm những lỗi lầm gì, lời cầu khẩn thành tín cuối cùng này và nhìn nhận anh cần đến tình thương xót của Chúa  khiến Chúa Giêsu nghe và nhận lời cầu khẩn của anh. Người trộm lành này có thể dễ dàng sống trong tuyệt vọng và lo sợ trong giây phút cuối đời. Anh cũng có thể dễ dàng nghĩ là tội lỗi của anh không thể nào tha thứ được và số mệnh đời anh vô phương cứu chữa, nhưng anh đã không làm thế. Thay vì thế, anh đã bày tỏ lòng tin và trông cậy vào tình thương xót của Chúa ở phút chót, và Chúa Giêsu đã nhận lời tỏ lòng thương xót với anh.

Kinh nghiệm này dạy chúng ta biết là không bao giờ qúa trễ để chúng ta kêu xin lòng thương xót của Chúa, và không có lý do gì để chúng ta lo sợ trong thất vọng cho là mình không còn có thể được cứu vớt. Chúa Giêsu là vị vua muốn tất cả mọi thần dân được ở bên Ngài muôn đời trên thiên đàng. Ngài chỉ đơn giản chờ chúng ta đến kêu xin với Ngài ban cho chúng ta phần gia nghiệp nước trời. Người trộm lành biết là anh không hề xứng đáng đón nhận tình thương ấy do đó anh đã có thể đón nhận tình thương hoàn toàn là một ơn nhưng không ban tặng cho anh. Đây là mẫu gương cho tất cả mỗi người chúng ta noi theo và thi hành. Vì Thiên Chúa là tình yêu, bất cứ hành động yêu thương nào được thực hiện với Chúa và trong Chúa đều mang giá trị đời đời. Tình yêu của Chúa Giêsu được bày tỏ cho chúng ta trên thánh gía là bằng chứng đời đời của tình yêu Thiên Chúa dành cho dân của Ngài. Bằng chứng này không bao giờ tàn lụi và đã phấn khởi nhiều thế hệ các vị thánh anh hùng và tử đạo noi gương tình yêu của Chúa Giêsu trên thánh giá. Tình yêu đó đã thôi thúc khiến nhiều thiện nam tín nữ hy sinh cuộc đời trung tín phụng sư Thiên Chúa và phục vụ tha nhân. Bất cứ việc làm yêu thương nào đều phản ảnh tình yêu này của Thiên Chúa và tham dự vào tình yêu của Chúa Giêsu tỏ bày trên thánh giá. Tình yêu của Chúa Giêsu thống trị tội lỗi, sự chết và thù hận. Tình yêu của Chúa Giêsu là tha thứ, hoà giải và cứu chữa. Sứ vụ của Giáo Hội là sống dưới bóng thánh giá Chúa Giesu và làm cho tình yêu này của Thiên Chúa được tỏa chiếu trên toàn thể nhân loại trong suốt lịch sử. Do đó Giáo Hội được ủy nhiệm yêu thương như đã được yêu thương.

Đám đông dân chúng những người đã nghe cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu và người trộm lành chắc chắn đã không thể nghờ được là Chúa lại qúa sẵn sàng rộng lượng tha thứ đón nhận một phạm nhân mang án tội tử hình đáng chết treo thập giá như thế.

Còn người ở giữa thì sao? Người có vẻ như thực sự vô tội. Những người theo Ngài tin tưởng Ngài là Đấng Cứu Thế, nhưng Ngài hành xử rất khác với quan điểm truyền thống của dân Do Thái về Đấng Cứu Thế. Thay vì làm việc, giao thiệp và đi lại với tầng lớp giầu sang quý phái trong xã hội, các luật sỹ và biệt phái và những người Sa-doc, thì người này lại chọn gần gũi đi lại, giao tiếp, ăn uống với những người nghèo, yếu đau, bệnh tật, giới phụ nữ không có tiếng nói, dân ngoại và những người tội lỗi như Ngài tuyên bố, “Con người đến để tìm và cứu những gì đã hư mất.”

Thánh Jeronimo là một trong các thánh giáo phụ có công giúp Giáo Hội về những vấn đề liên quan đến đức tin và thánh kinh. Ngài đã dịch bộ thánh kinh từ tiếng Hy lạp sang tiếng Latin giúp dân chúng học biết thánh kinh. Ngài đã từng sống ở Bethlehem để có thể cảm nghiệm được phần nào cuộc sống của Chúa Giê-su thời thơ ấu. Truyền thống kể lại là khi sống ở Bethlehem, một lần thánh Jerome nằm mơ và giấc mơ đó đã ảnh hưởng rất mạnh khiến ngài thu góp tất cả tài sản dâng hết cho Chúa Giê-su. Nhưng ngài nghe tiếng Chúa trả lời, “Ta không muốn tài sản của ngươi.” Là người lãnh đạo tốt trong giáo hội, ngài lại dâng hết tiền cho Chúa. Chúa lài nói, “Ta không cần tiền của ngươi.” Buồn quá nên thánh nhân hỏi Chúa, “Vậy thì Chúa muốn cái gì nơi con?” Chúa Giê-su trả lời, “Hãy cho Ta tất cả tội lỗi của con. Vì đó là lý do tại sao Ta đến trần gian. Ta đến để nhận lấy tội lỗi của con. Hãy trao cho Ta các tội lỗi của con.”

Lm. Giuse Trần J. Khả
114.864864865135.135135135250