Hãy tỉnh thức !
Mc 13, 33-37
1. Ngữ cảnh
Chương 13 của Tin Mừng Marcô là các diễn từ về ngày cánh chung, bàn đến những vấn đề của thời cuối cùng. Đoạn Tin Mừng hôm nay kết thúc loạt bài giảng có cùng chủ đề và kết bằng lời kêu gọi khẩn thiết : hãy tỉnh thức ! Lời kêu gọi này nhắm đến hai đối tượng: - những người đang trực tiếp nghe Đức Giêsu giảng dạy (13,3) ; - và tất cả mọi người (13,37).
Tác giả diễn tả việc tỉnh thức bằng hình ảnh những người giữ cửa, người đó phải tỉnh thức, thức để canh trộm, thức để đón chủ về. Tỉnh thức ở đây không chỉ là không ngủ mà còn là thận trọng, sáng suốt, sẵn sàng.
Đoạn Tin Mừng này bắt đầu bằng lời kêu gọi hãy tỉnh thức và kết thúc cũng bằng lời kêu gọi ban đầu ; điều này nhằm làm nổi bật ý chính của của sứ điệp mà Tin Mừng muốn chuyển tải.
2. Nội dung
Anh em phải coi chừng, phải tỉnh thức, vì anh em không biết khi nào thời ấy đến.
Tỉnh thức : động từ agrypneo (agrupneo) canh thức (tỉnh thức, mở mắt nhìn cho rõ) được lập lại 5 lần trong đoạn Tin Mừng hôm nay. Động từ này dịch chính xác là: nhìn cho rõ, cho kĩ với sự phân định; ta thấy động từ này cùng mang một nghĩa với Mc 8, 15: hãy mở mắt coi chừng men Pharisêu và Hêrôđê[1]. Nghĩa là nhìn cho rõ, cho thấu đáo để phân định điều đúng-sai. Cũng động từ đó người ta dùng để nói về việc nhìn thấy Thiên Chúa (Chúa mặc khải chính Ngài) và về cái nhìn của Thiên Chúa : Sự khôn ngoan của Đức Chúa thật lớn lao Người trông thấy tất cả (Hc 15,18). Thánh Luca cũng nói : phúc thay mắt nào được thấy điều anh em thấy (Lc 10,23). Đó là cái nhìn trong đức tin và chìm vào trong chính cái nhìn của Thiên Chúa, nghĩa là cố gắng nhìn lên cao và thật xa. Nhìn bằng cái nhìn của Thiên Chúa.
Phải coi chừng ! Đừng ở trong tình trạng đang ngủ. Cái ngủ nào ? Đó là ngủ tinh thần, nghĩa là người xa Chúa, cái ngủ mà thánh Phaolo nói và ta phải đi ra khỏi cơn ngủ mê đó: đã đến lúc anh em phải thức dậy đêm sắp tàn, ngày hừng sáng (Rm 13,11). Phải sống trong ban ngày chứ đừng ở vào ban đêm, phải loại bỏ những việc làm xấu xa và phải cầu nguyện, gắn bó với Chúa. Anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, hầu có thể đứng vững trước những điều xắp xảy đến (Lc 21, 36). Mùa Vọng là mùa tỉnh thức, sẵn sàng đón Chúa đến bất cứ lúc nào.
Tại sao ta phải thức tỉnh?
- Vì không ai biết ngày Chúa đến với mỗi người, cũng như ngày cánh chung cho toàn vũ trụ, vì không biết nên phải chuẩn bị. Hơn nữa, thức tỉnh như việc đón chờ Chúa đến gặp gỡ ngay giây phút này. Chúa không muốn chúng ta sống trong nỗi lo sợ vì đang ở trong tình trạng xấu, để khi giờ Chúa đến bất ngờ ta chưa chuẩn bị mà làm theo ý Ngài. Đó cũng là lý do mà Hội Thánh cho chúng ta sống Mùa Vọng, là thời gian chuẩn bị gần để đón Chúa.
- Vì ông chủ về vào ban đêm. Tại sao lại chú trọng vào thời gian này ? Ban đêm theo văn chương khôn ngoan chỉ thời hiện tại, còn ban ngày là thời tương lai (x. R 13,3). Thánh Phaolo cũng nói lên nghĩa đó : đã đến lúc anh em phải thức dậy, đêm xắp tàn, ngày gần đến (Rm 13,11-12). Thời gian về đêm chuyển tiếp cho ngày, cần thức tỉnh bây giờ để đón chờ điều sẽ xảy đến trong tương lai.
- Vì người giữ cửa chờ chủ về thì không thể ngủ, chờ không phải ngồi bất động mà phải làm bổn phận của người tôi tớ trung thành được chủ tin tưởng trao của cải, quyền hành trong khi ông vắng nhà. Đáp lại sự tín nhiệm đó, người đầy tớ này phải hoàn trọn nghĩa vụ của mình. Trước tiên là tỉnh thức, mở mắt để nhìn cho rõ, tiếp đến là tỉnh để nhìn, quan sát và thực hiện nhiệm vụ (mở cửa ).
- Chúng ta phải tỉnh thức vì Chúa là người đầu tiên tỉnh thức (canh thức ): đó là đêm mà Đức Chúa canh thức để đưa họ (Israel ) ra khỏi Aicập, đêm đó thuộc về Đức Chúa, đêm canh thức của toàn thể con cái Israel qua mọi thế hệ (xh 12,42). Thiên Chúa đã canh giữ cho dân Israel, đó là cách biểu lộ tình thương, sự quan tâm, giải cứu. Dân cũng đáp lại tình thương của Thiên Chúa bằng việc canh thức với Ngài và để dâng lời tạ ơn. Canh thức với Chúa: Đấng gìn giữ Israel lẽ nào chợp mắt ngủ quên cho đành! (Tv 121,4). Ta tỉnh thức cùng với Chúa vì Ngài đã canh giữ ta trước, đang và sau này vẫn canh giữ ta. Chúng ta thức với Chúa để tri ân Ngài, nhưng ta thức tỉnh được là vì cậy dựa vào Chúa, chỉ nhờ vào Ngài mới tỉnh thức được: thành kia mà Chúa không phòng giữ, uổng công người trấn thủ canh đêm (Tv 127,1), ta thức tỉnh với Chúa trong tâm tình tạ ơn, hy vọng và trông cậy nơi Ngài.
Mùa vọng là thời điểm phải tỉnh thức, thức tỉnh như chính Chúa đã thức để canh giữ chúng ta.
Tỉnh thức như thế nào?
Ông chủ đã đi xa đã trao cho ta tất cả tài sản của ông. Ở đây Mc nối kết với dụ ngôn những nén bạc (Mt 24,42), những nén bạc đó có nhiều nghĩa như đã nói trong bài Tin Mừng Chúa nhật 33 thường niên-A ; nhưng cũng có thể hiểu tài sản là con người của ta, sự hiện hữu của ta mà chính Chúa ban, vậy con người của ta cần: Xin canh giữ miệng con, lạy Chúa và trông chừng lưỡi con (Tv 141,3). Ta cần xin Chúa canh giữ con người, miệng lưỡi, lòng trí của ta để không làm điều bất chính và cũng là nuôi dưỡng niềm hy vọng: hồn tôi trông chờ Chúa hơn lính canh mong đợi hừng đông...bởi Chúa luôn từ ái một niềm ơn cứu chuộc nơi Người chan chứa (Tv 130,6-7). Thức tỉnh là sự cẩn trọng, là sống trong ơn nghĩa Chúa, là thái độ rộng mở đón nhận ân huệ của Ngài.
Câu kết của bài Tin Mừng là sứ điệp mà Đức Giêsu gởi cho tất cả mọi người: Hãy tỉnh thức! Xin Chúa giúp chúng ta sống trong sự cảnh giác, trong ân sủng của Chúa như tâm tình của Mùa Vọng.
3. Gợi ý suy niệm
Xin Chúa mở rộng lờng chúng con để đón chờ Chúa đến. Mở rộng lòng bằng cách tin nơi Chúa và đón nhận người anh chị em đồng loại; đón nhận họ trong sự cảm thông, tha thứ và giúp họ cùng đón chờ Chúa.
Canh thức là sống trong:
* niềm vui, vui vì những ngày tháng mong chờ Chúa và giờ đã được gặp Ngài: như nai rừng mong mỏi tìm về suối nước trong, hồn con cũng trông mong được gần Ngài, lạy Chúa. Gần bên Thiên Chúa là niềm vui mà mỗi người cần cảm nghiệm ngay giây phút hiện tại, giữa cuộc đời này.
- hy vọng: chúng ta mong chờ Chúa, khi chờ ai và biết chắc người đó sẽ đến thì đó là động lực để hy vọng. Chúng ta đang tiến về phía trước, về Nước Trời đang đến trong niềm cậy trông vào Chúa, vào ơn cứu độ của Ngài. Sống trong tâm tình đó là tâm tình của người có niềm hy vọng.
- bình an: Thầy đây đừng sợ! đó là lời trấn an trong lúc lâm nguy. Chúng ta mong đợi Chúa đến đem bình an, thời Chúa đến là thời hoà bình, khi mà con người với vạn vật sống trong sự hoà điệu nhịp nhàng; ngày đó sói sẽ sống chung với chiên, ngày không còn chiến tranh, người ta sẽ đúc gươm đao thành cuốc thành cày. Vậy Chúa đến mang bình an thì chúng ta cũng có nhiệm vụ xây dựng bình an, đang khi chờ đợi Ngài đến.
[1] Theo bản dịch của cha Nguyễn Thế Thuấn